Vũ Tường, Đại học Oregon (University of Oregon)
TM111 chuyển ngữ
TM111 chuyển ngữ
Dân Luận: Xin chân trọng cảm ơn tác giả Vũ Tường đã chia sẻ bài nghiên cứu bằng tiếng Anh của mình với Dân Luận, và cũng xin cảm ơn thành viên TM111 đã nhận lời chuyển ngữ tài liệu này sang tiếng Việt để giới thiệu với độc giả.
Lời Cảm Tạ
Chương này được viết ra với sự ủng hộ của Chương trình Dân Chủ và
Phát Triển, thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Địa Phương Princeton, đại
học Princeton. Tôi xin tri ân chương trình này và những vị giám đốc của
chương trình là Atul Kohli và Deborah Yashar đã hỗ trợ tôi. Tôi cũng tri
ân những lời bình phẩm giá trị của Donald Emmerson, Donald Keyser,
James Ockey, T. J. Pempel, Gi-wook Shin, và David Straub đã đóng góp
trong một phiên bản trước đây.
Lời Giới thiệu
Chương sách này có mục đích nhận diện và so sánh những mô hình chính
về sự chuyển biến quốc gia và nhà nước tại Hàn Quốc và Việt Nam. Hàn
Quốc và Việt Nam đều ở cùng một vùng địa lý lân cận với nhau. Cả hai đều
là láng giềng nhỏ bé hơn nhiều so với Trung Quốc, và đều hiện hữu trong
một lịch sử chịu ảnh hưởng văn hóa và chính trị của Trung Quốc trước
thời hiện đại. Những phát triển trước thời hiện đại đã tạo nên một Hàn
Quốc thuần chất hơn về mặt sắc tộc, ổn định hơn về mặt chính trị so với
Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều sự giống nhau bên ngoài, nhưng vận
mệnh của cả hai nước bắt đầu tách ra từ cuối thế kỷ 19. Mặc dù cả hai
đều bị lệ thuộc, Hàn Quốc thì bị lệ thuộc vào một quốc gia láng giềng Á
Châu (Nhật bản), còn Việt Nam thì bị lệ thuộc vào một nước Tây phương
đến từ xa (Pháp). Hàn Quốc cũng trở thành thuộc địa sau Việt Nam nhiều
thập kỷ, và là một thuộc địa bị cai trị bởi một chính quyền thống nhất.
Trái lại, Việt Nam bị chia ra làm ba vùng hành chính có nền pháp luật
riêng rẽ. Mặc dù trong thời chiến tranh lạnh cả hai quốc gia đều bị chia
cắt ra làm hai, nhà nước cộng sản và nhà nước chống cộng, nhưng Việt
Nam được thống nhất dưới chế độ cộng sản sau một cuộc chiến tranh hết
sức lâu dài và tàn bạo. Chính quyền cộng sản Bắc Triều Tiên cũng nỗ lực
thống nhất đất nước bằng bạo lực, nhưng cuộc chiến của họ phải chấm đứt
sau ba năm chiến tranh tương tàn. Nam Hàn dần dà trở nên một quốc gia
giàu có và dân chủ, trái với Bắc Hàn và Việt Nam nghèo khổ và độc tài.
Điều đáng quan tâm là tại cả Việt Nam lẫn Nam Hàn người ta đều thấy sự
hồi phục tinh thần ái quốc của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. [1] Một Hàn
Quốc vẫn còn bị chia cắt đã làm thất vọng nhiều người dân Nam Hàn thì
nhiều người có thể hiểu được, thế nhưng tại sao một nước Việt Nam thống
nhất lại không làm hài lòng những người Việt Nam yêu nước? Điều mỉa mai
ngầm trong việc so sánh giữa Việt Nam và Nam Hàn ngày nay khiến ta nghĩ
đến câu nói nổi tiếng của Leo Tolstoy rằng “những gia đình hạnh phúc thì
đều như nhau, còn mỗi gia đình mất hạnh phúc thì lại đau khổ theo cách
riêng của mình.” [2]
Con đường khúc khuỷu của Hàn Quốc và Việt Nam có lẽ có điều gì liên
quan đến vị thế “trung cường” của họ. [3] Cả hai quốc gia đều có diện
tích trung bình và nằm giữa các đại cường quốc. Việt Nam thì nằm giữa Ấn
Độ và Trung Quốc, còn Hàn Quốc thì cùng biên giới và hải giới với Trung
Quốc, Nga, và Nhật. Cả hai Việt Nam và Hàn Quốc đều cách xa Hoa Kỳ bởi
Thái Bình Dương. Vị thế trung cường của họ khiến cả hai quốc gia về mặt
địa chính trị đều đáng để các đại cường tranh giành với nhau. Cùng lúc
đó, chính hai quốc gia này cũng đủ lớn để thách thức các đại cường, hay
là nếu dùng so sánh của Donald Deyser trong chương giới thiệu, thì cả
hai đều có khả năng “đấm vào mặt đối thủ nặng ký hơn mình.” Khi chưa ra
khỏi hẳn thời kỳ thuộc địa của mình, cả hai quốc gia rơi vào ngay tại
chỗ Bức Màn Sắt đã rơi xuống, và đây cũng không phải là trùng hợp ngẫu
nhiên. Cũng như vậy, việc quân đội Hoa Kỳ can thiệp vào cả hai nước
(1965-73) cũng không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Cả hai cuộc chiến
tranh, chiến tranh Hàn Quốc (1950-53) và chiến tranh Việt Nam
(1965-73), không phải chỉ để ngăn chặn khối Soviet mà còn để bảo vệ Hoa
Kỳ khỏi phải đối đầu với cộng sản ngay tại biên giới của mình. Tuy thiếu
thốn khả năng quân sự nhưng lại đầy tham vọng, cả hai Bắc Hàn và Bắc
Việt vào thời điểm đó chọn cách thách thức lại biên giới các đại cường
đã ép buộc họ phải nhận. [4] Họ tự hào là tiền đồn của khối xã hội chủ
nghĩa, và việc họ hăng hái đối đầu với Hoa Kỳ tỏ lộ những yếu tố trung
cường.
Bài viết này sẽ được chia ra làm ba phần chính. Sau lời bàn ngắn gọn
về lịch sử tiền hiện đại, phần đầu của bài viết sẽ chú mục đến sự hình
thành tinh thần quốc gia hiện đại tại Hàn Quốc và Việt Nam kể từ thế ký
19. Phần thứ nhì sẽ so sánh quá trình xây dựng nhà nước hiện đại tại Bắc
Việt và Nam Hàn. Thông tin về hệ thống chính trị tại Bắc Việt Nam khá
ít ỏi, nên tôi sẽ sử dụng dữ kiện chính từ một đề tài nghiên cứu đang
thực hiện. Trong phần kết luận, tôi sẽ bàn đến những bài học về thống
nhất đất nước tại Việt Nam cho Nam Hàn. Mặc dù người dân tại một Hàn
Quốc còn đang chia cắt có thể đang nhìn về Việt Nam với sự ghen tỵ,
nhưng họ cần phải để ý đến cái giá của sự thống nhất theo kiểu Việt Nam,
nó đã khiến cho số phận của phần đông người Việt không cải thiện được
gi.
Hàn Quốc và Việt Nam thời tiền hiện đại
Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đối với Trung Quốc trong thời kỳ
tiền hiện đại đều theo một con đường giống nhau, bắt đầu từ lệ thuộc dẫn
đến độc lập sau này. Nước Việt Nam ngày nay xưa kia bắt đầu là một xã
hội bộ lạc tại thung lũng sông Hồng. Xã hội này đến năm 111 trước công
nguyên thì rơi vào sự đô hộ của Trung Quốc, và cứ như thế cho đến thế kỷ
thứ 10. [5]5 Trong thời gian này có sự di dân và hôn nhân dị chủng diễn
ra ở tầm cỡ lớn. Văn hóa Trung Quốc được hấp thụ, mặc dù văn hóa địa
phương vẫn giữ một số đặc điểm của nó để phân biệt với văn hóa Hoa. Sau
khi lấy lại độc lập năm 823, các vua Việt Nam vẫn giữ mối quan hệ thần
phục với Trung Quốc. Họ đã chống lại những cuộc xâm chiếm từ phương Bắc
một cách thành công, chẳng hạn như cuộc xâm chiếm Mông Cổ vào thế kỷ 13.
Tuy nhiên, trong hai thập kỷ, giữa năm 1400 và 1418, thì Việt Nam lại
bị nhà Minh bên Trung Quốc thống trị. Tuy phần lớn giới sĩ phu quốc gia
tạo nên “sự kháng cự anh hùng” của Việt Nam chống lại Trung Quốc, quan
hệ tiền hiện đại giữa Việt Nam và Trung Quốc phần lớn vẫn mang tính hoà
bình, và những thời kỳ chiến tranh thì hiếm. [6]
Hàn Quốc cũng bị Trung Quốc trực tiếp thống trị từ năm 108 trước công
nguyên cho đến thế kỷ thứ tư, chi có 400 năm thay vì bị lệ thuộc một
nghìn năm như Việt Nam. [7] Sau khi nền thống trị Trung Quốc bị lật đổ
là thời kỳ Tam Quốc kéo dài 300 năm, trong đó ba vương quốc trung tâm là
Koguryo, Paekche, và Silla tranh nhau để hoàn thống toàn trị bán đảo
này. Thoạt tiên Silla hợp tác với Trung Quốc để đánh bại đối thủ “Hàn
Quốc” của mình, nhưng sau đó lại đánh đuổi Trung Quốc ra khỏi bờ cõi năm
676. Quan hệ thần phục sau đó giữa Hàn Quốc thống nhất và Trung Quốc
được đánh dấu bởi một vài mâu thuẫn cũng như giữa Việt Nam và Trung Quốc
vậy. Những nhà cai trị Hàn Quốc cũng kháng cự nhiều cuộc xâm lăng của
Trung Quốc, nhưng lại bị thua triều Mông trong thời gian từ năm 1270 đến
1356.
Lịch sử Việt Nam từ sau khi giành lại độc lập với Trung Quốc được
đánh dấu bởi nhiều chia rẽ và xáo trộn chính trị hơn là lịch sử Hàn
Quốc. Hàn Quốc được thống nhất từ thế kỷ thứ 7, từ đó không hề mở rộng
giang sơn, và trải qua ba triều đại trước khi bị sáp nhập vào Nhật năm
1910. Trái lại, lãnh thổ của Việt Nam dần dà mở rộng ra về phía Nam từ
thung lũng sông Hồng, chiến thắng vương quốc Champa theo Ấn độ giáo và
Phật giáo vào thế kỷ 12 đến thế kỷ 15 (ngày nay là miền Trung Việt
Nam), và miền đông của vương quốc Khmer cũng theo Ấn độ giáo và Phật
giáo vào thế kỷ 16 đến 18 (ngày nay là miền Nam Việt Nam). Phần lớn
lãnh thổ của Việt Nam ngày nay không thuộc về Việt Nam lúc trước. Trong
thế kỷ 16 – 18 Việt Nam chứng kiến hai trận nội chiến, đầu tiên là giữa
nhà Mạc và nhà Lê (1527-1592), rồi giữa họ Trịnh phía Bắc, họ Nguyễn
phía Nam, và các tướng nhà Tây Sơn (1627-1802), tất cả là 240 năm – cùng
độ dài thời gian với thời Tam Quốc tại Hàn Quốc một nghìn năm trước.
Điều gi vương triều Silla đã đạt được về mặt lãnh thổ năm 676 thì nhà
Nguyễn, vưong triều thứ 9 hay thứ 10 của Việt Nam từ khi thoát khỏi lệ
thuộc Trung Quốc, mãi đến năm 1802 nhà Nguyễn mới đạt được.
Về mặt xã hội, một khác biệt quan trọng nữa giữa Hàn Quốc và Việt Nam
thời tiền hiện đại là xã hội Việt Nam ít mang tính chất tôn ti trật tự
triệt để hơn. Đến thế kỷ 15 thì các nhà cai trị Việt Nam đã thành công
hơn những vị đối quyền của họ tại Hàn Quốc trong việc tẩy trừ giới quí
tộc. Nước Việt Nam thời Nguyễn có vẻ tập trung quyền hành vào trung ương
hơn triều Yi của Hàn Quốc, vì giới Yangban (quí tộc) của Hàn Quốc tạo
thành một nhóm quyền lực mạnh tranh quyền với nhà vua.
Về mặt văn hóa, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo, Khổng
giáo và tân Khổng giáo cũng như Hàn Quốc. Đến tận thế kỷ 19, những giới
học giả Việt vẫn còn chưa nghĩ đến hay phân biệt thế giới theo tiêu
chuẩn dân tộc. (tức là người Việt thì khác biệt với người Hoa), mà họ
phân biệt bằng những khái niệm văn hóa chẳng hạn như những “lĩnh vực lễ
nghi”. [8] Thế giới này chứa đựng những biên giới chính trị nhưng lại
thống nhất dưới một khung văn hóa đơn nhất chung quanh “Bắc triều”(tức
là Trung Quốc ngày nay), và từ đó Nam dân (tức Việt Nam ngày nay) mong
muốn được nhập vào. Cũng như Hàn Quốc, sự vay mượn khái niệm và thể chế
chính trị từ Trung Quốc đã giúp các nhà cai trị Việt Nam củng cố triều
đại của mình, và họ tự hào đứng vào thế giới văn hóa của Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của Hàn Quốc và Việc Nam với tư cách những quốc gia hiện đại
So với Hàn Quốc, vị trí địa lý của Việt Nam đã đưa Việt Nam vào nhiều
tương tác với ngoại nquốc hơn Hàn Quốc. Ngưòi Tây phương đã can thiệp
vào nội chiến Việt Nam từ thế kỷ 16. Khi bị Việt Nam từ chối trao đổi
thương mại và sinh hoạt truyền giáo, nước Pháp đã đánh bại lực lượng nhà
Nguyễn rồi chiếm đóng miền Nam Việt Nam trong thập niên 1860. Sau một
loạt xung đột ngắn ngủi, vua Nguyễn đã phải chấp nhận sự bảo trợ của
Pháp cho phần còn lại của đất nước năm 1884. Cho đến cuối thế kỷ 19 các
quan nhà Nguyễn nào từ chối không chịu chấp nhận chiến bại đều lo tổ
chức những cuộc nổi dậy để phục hồi nền quân chủ. Tinh thần quốc gia cận
đại mãi đến những năm 1900 mới xuất hiện, phần lớn nhờ vào những nhà
trí thức lưu lạc tại Nhật và Trung Quốc (chẳng hạn như Phan Bội Châu),
và công trình của những vị này lại có ít ảnh hưởng trong nước.
Trái lại, Hàn Quốc bị cô lập nhiều hơn khi thời kỳ đế quốc bắt đầu
tại Đông Á. [9] Cũng như Việt Nam, quốc gia này chống cự lại áp lực từ
Hoa Kỳ, Pháp, Nhật, và không chịu mở cửa để giao dịch thương mại. Không
có cường quốc ngoại quốc nào muốn lập thuộc địa tại Hàn Quốc trừ Nhật,
nhưng mãi sau này Nhật mới trở nên cường quốc khi họ đánh bại Trung Quốc
năm 1894 và đánh bại Nga năm 1905. Cả hai trận chiến tranh đều xảy ra
vì Hàn Quốc. Mặc dù Hàn Quốc dần dà trở thành thuộc địa Nhật năm 1910,
nhưng sự chậm trễ này (so với Việt Nam) đã giúp giới trí thức Hàn đủ
thời gian để phát triển và truyền bá một tinh thần quốc gia khi Hàn Quốc
còn giữ được độc lập. Công trình quan trọng nhất được tạo nên bởi Câu
lạc bộ Độc lập trong những năm 1896-1898. Câu lạc bộ này do Philip
Jaisonn (Si Chae-p’il), một nhà trí thức theo đạo Cơ đốc có bằng y khoa
Mỹ và quốc tịch Mỹ trước khi trở về Hàn. Mối đe dọa Nhật đối với Hàn
Quốc, một cường quốc phi-Tây phương và chống cơ đốc giáo, đã khiến cho
đạo cơ đốc được xem như là đồng minh và thu hút được người Hàn. [10]
Ngược lại, cơ đốc giáo tại Việt Nam thuộc địa là phát nguồn từ giáo hội
Công giáo và được gắn liền với quyền lực thuộc địa. Tôn giáo này đã
không đóng góp gì vào tinh thần quốc gia của người Việt mà còn bị tinh
thần quốc gia nhắm vào để công kích. [11] Trong tình thế như vậy, phong
trào ngày 1 tháng 3 năm 1919 xảy ra tại Hàn Quốc với vai trò đóng góp
quan trọng của giáo hội cơ đốc là một điều không thể nào xảy ra được tại
Việt Nam.
Để đối ứng với phong trào ngày 1 tháng 3, qua đó hàng vạn người biểu
tình phản đối toàn quốc, Nhật đã nới lỏng kềm chế chính trị tại Hàn
Quốc. [12] Chính sách này là kết quả của sự đứng lên đòi hỏi dân chủ
tại Nhật (“Taisho democracy”), do lý tưởng của tầng lớp ưu tú tại Nhật
muốn bắt chước phương Tây. Mãi đến năm 1931 thì chính sách này mới bị
bãi bỏ. Từ năm 1920 đến 1925 Hàn Quốc chứng kiến sự ra đời của một phong
trào phục hồi văn hóa sôi nổi. [13] Một chính sách phóng khoáng tương
tự mãi đến năm 1936 mới được thi hành tại Việt Nam, khi Mặt Trận Bình
Dân lên nắm quyền tại Pháp, và chỉ kéo dài đến 1939 mà thôi. Vì có nền
báo chí tự do hơn và có nhiều tự do lập hội hơn nên Hàn Quốc đã có một
tinh thần quốc gia tân tiến hơn, từ đó Hàn Quốc đã tiến xa hơn Việt Nam
một hay hai thập niên. Một tổ chức mở như Sin’ganhoe (1927-1931), vốn
được chính quyền thuộc địa Nhật dung túng, vừa kết nạp người quốc gia
vừa kết nạp người cộng sản, chỉ có thể có được tại Việt Nam cuối thập
niên 1930, và chỉ có được ở miền Nam Việt Nam mà thôi (lý do sẽ được
giải thích ở phần sau).
Trong thời kỳ thuộc địa, người Hàn tranh luận về những khái niệm mới
về quốc gia từ nhiều cái nhìn khác nhau, kể cả chủ nghĩa xuyên Á, thuyết
Darwin, chủ nghĩa quốc gia dân tộc và chủ nghĩa quốc gia dân sự, [14]
và chủ nghĩa quốc tế. Gi-Wook Shin tranh luận rằng chủ nghĩa quốc gia
dân tộc của Hàn Quốc là câu trả lời cho cả chủ nghĩa thuộc địa và chủ
nghĩa cộng sản. Cùng thời điểm, những nhà hoạt động chống thực dân người
Việt cũng có những cuộc tranh luận tương tự, tuy nhiên cuộc tranh luận
đó không được đào sâu như tại Hàn vì môi trường chính trị kềm chế nặng
nề hơn. [15] Những cuộc tranh luận này thường giới hạn trong những nhóm
nhỏ những nhà hoạt động, và họ lại hay thay đổi quan điểm theo thời
gian. Chẳng hạn như những bài viết của Phan Bội Châu phối hợp thuyết
xuyên Á với thuyết Darwin, và chủ nghĩa quốc gia dân tộc. [16]
Thuyết xuyên Á mất đi sức hấp dẫn của nó sau khi Nhật thông đồng với
Pháp để trục xuất những sinh viên Việt Nam sang Nhật du học. [17] Cuộc
tranh luận chống thực dân dần dà thu hẹp vào đề tài tranh giành giữa chủ
nghĩa quốc gia dân tộc và chủ nghĩa quốc tế. Chuyện kể về chủ nghĩa
quốc gia dân tộc bắt nguồn từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, [18]
từ sự khẳng định “lịch sử 4000 năm chiến đấu chống Trung Quốc để giữ
vững nền độc lập”, và từ nỗi sợ hãi bị tuyệt chủng phát xuất từ thuyết
Darwin. Nhóm theo chủ nghĩa quốc tế cũng không phải là một khối nguyên
chất. Cũng giống như những người cộng sản Hàn vào thời điểm đó, nhiều
người Việt theo chủ nghĩa Stalin tin tưởng vào cuộc đấu tranh giai cấp,
nhưng vẫn xem chủ nghĩa quốc gia dân tộc là một sức mạnh đáng kể có ích
cho cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân. Họ đã có lúc hợp tác
với những người Trotsky cực đoan hơn họ. Sự chuyển hướng chính sách của
Quốc Tế 3 năm 1935 đã giúp cho những người Stalinít hợp tác với những
người quốc gia không cộng sản cho đến năm 1948. Họ lập ra Việt Minh làm
mặt trận thống nhất và dùng từ chủ nghĩa quốc gia dân tộc để kêu gọi
quần chúng. [19]
Tại Hàn Quốc, thực tế chính trị sau 1945 tạo ra hai chế độ đối kháng
nhau tại Bắc và Nam Hàn. Tại miền Bắc, Kim Ilsung lập nên một nhà nước
xã hội chủ nghĩa với sự hỗ trợ của Liên Bang Xô Viết và Trung Quốc. Tại
miền Nam, Rhee Syngman (một cụu thành viên của Câu Lạc Bộ Độc Lập) trở
nên tổng thống của một nước cộng hòa chống cộng. Cả Bắc và Nam Hàn cố sử
dụng chủ nghĩa quốc gia dân tộc để thống nhất nhà nước và chế độ cho
mình. [20] Kim tạo ra cảm tưởng là chế độ mà ông theo đuổi không phải là
chủ nghĩa Stalin mà là một chủ nghĩa xã hội đặc biệt theo kiểu Hàn
Quốc. Rhee phát động khái niệm “một dân tộc” để đoàn kết người dân Nam
Hàn chống lại cộng sản, thứ chủ nghĩa mà có lúc ông so sánh với bệnh
dịch. Trong đầu thập niên 1970, sau mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên
Xô, Kim phát động khái niệm juche (chủ thể) như là một nguyên
lý để định hướng nhà nước Bắc Hàn cùng với chủ nghĩa Mác - Lê nin. Sau
khi nắm quyền sau cuộc đảo chánh 1961, tướng Park Chung Hee của Nam Hàn
đưa ra khẩu hiệu “hiện đại hóa đất nước” như là một học thuyết mới cho
nhà nước. Học thuyết này kết hợp chủ nghĩa quốc gia dân tộc với chủ
nghĩa chống cộng và học thuyết phát triển.
Nhiều cuộc vận động tương tự xảy ra tại Việt Nam trong thời kỳ chiến
tranh lạnh. Chủ nghĩa quốc gia dân tộc giúp những người Stalinít nắm
quyền cuối năm 1945 và lãnh đạo cuộc chiến giành độc lập với sự hợp tác
đáng kể từ nhiều nhóm quốc gia chống lại sự trở lại của Pháp. Tuy nhiên,
trong khi cộng tác với những người quốc gia thì những người Stalinít
lại thủ tiêu hay đưa đi đày những nhà quốc gia chống cộng (đảng Đại
Việt), những người theo chủ nghĩa quốc tế Trốtky (Tạ Thu Thâu), và những
người bênh vực cho chủ nghĩa quốc gia dân sự (Phạm Quỳnh, bị lên án là
“hợp tác (với Pháp)”). [21]
Từ khi chiến tranh lạnh xảy ra tại Âu châu, những người Stalinít Việt
đáp ứng hăng hái lời của Xô Viết kêu gọi những thành viên phe cộng sản
nổi dậy lật đổ chủ nghĩa đế quốc. [22] Họ bắt đầu thanh trừng những
người không cộng sản ra khỏi chính quyền. Họ toàn tâm ủng hộ chủ nghĩa
Mao ít sau chiến thắng của cộng sản Trung Quốc năm 1949. Một cuộc đấu
tranh giai cấp tại làng quê được phát động trong những năm 1953-1956
dưói sự chỉ huy của Trung Quốc, và những phong trào trào chống hữu
khuynh và Bước Nhảy Vọt được làm rập theo Trung Quốc (Bước Nhảy Vọt thì
sơ sài thôi). Những cuộc đấu tranh cứu nước không nhất thiết phải loại
ra đấu tranh giai cấp, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trưởng Chinh
đã phát biểu trong một cuộc họp nội bộ năm 1953: “Cách mạng quốc gia dân
chủ (về bản chất) là cách mạng nông dân. Chiến tranh giải phóng đất
nước về bản chất là chiến tranh nông dân… Những người nông dân lãnh đạo
chiến đấu bài phong và diệt đế là cùng một lúc vừa là đấu tranh giai cấp
vừa là đấu tranh giành độc lập. Đó là cuộc đấu tranh giai cấp trong một
cuộc đấu tranh giành độc lập và dưới hình thức đấu tranh độc lập.”
[23]
Những nhà lãnh đạo cộng sản phải mất một thời gian mới lập ra được
khẩu hiệu nối kết chủ nghĩa quốc gia dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Cuối
thập niên 1950 họ chế ra được công thức “yêu nước là xây dựng chủ nghĩa
xã hội,” biến lòng ái quốc (tiếng Việt thường dùng cho chủ nghĩa quốc
gia dân tộc) thành phục vụ chủ nghĩa xã hội. [24] Khi họ quyết định phát
động chiến tranh thống nhất đất nước, những văn kiện nội bộ của Đảng
xem xét nó theo những từ ngữ của học thuyết Mác-Lê-Mao, đó là một cuộc
cách mạng lật đổ chế độ thực dân mới để xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên
toàn đất nước. [25] Tuy nhiên, trước công chúng, cuộc chiến tranh được
đóng khung trong vòng “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Tuyên truyền của Bắc Việt Nam cho thấy việc dùng lẫn lộn giữa chủ
nghĩa quốc tế và chủ nghĩa quốc gia, qua đó chủ nghĩa quốc tế được đề
cao hơn chủ nghĩa quốc gia, ít nhất là cho đến giữa thập niên 1960.
Chẳng hạn như trong những năm 1955-1959, bốn tác giả được xuất bản nhiều
nhất tại Bắc Việt trong thập niên 1950 là Lê nin (50 đầu sách), Stalin
(29 đầu sách), Mao (12 đầu sách), và Hồ Chí Minh (11 đầu sách). [26] Cứ
mỗi 100 cuốn sách được in ra thì có một cuốn của Lê nin. [27] Một tài
liệu của Đảng Cộng sản về đề tài hệ thống phát thanh được phát hành năm
1959 đã định nghĩa công tác của hệ thống là “tuyên truyền và lôi kéo
quần chúng ủng hộ các chính sách của Đảng và nhà nước, hướng dẫn người
dân thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, tập hợp quần chúng toàn quốc
đấu tranh để thống nhất đất nước, giáo dục quần chúng về chủ nghĩa quốc
tế, xây dựng vững mạnh tình đoàn kết quốc tế giữa dân tộc ta và các nước
xã hội chủ nghĩa, nhất là tại Đông Nam Á.” [28]
Một cuộc khảo sát những sách giáo khoa năm 1956 cho các em lớp một
(khoảng 6 tuổi) cho thấy 84 trong số 328 bài học (25.6%) có nội dung
chính trị. [29] Trong số 84 bài này, 32% dạy học sinh về những anh hùng
quân đội cộng sản (đã hy sinh), 19% về “Bác Hồ”, 10% về cuộc sống cách
mạng và cuộc sống xã hội chủ nghĩa, 7% về miền Nam, những quốc gia xã
hội chủ nghĩa anh em (một về Lê nin thời trẻ), và cuộc sống nông dân và
công nhân. Chỉ có hai trong số 328 bài học chú trọng đến lòng ái quốc
tổng quát và một nói về một anh hùng trong lịch sử (Trần Quốc Toản),
trong khi đó một mình đề tài cải cách ruộng đất có đến hai bài. Nội dung
của cuốn sách giáo khoa cho thấy người ta dạy học sinh Việt Nam về lòng
ái quốc trong liên kết với lịch sử ít hơn dạy về chủ nghĩa xã hội trong
liên hệ với quốc tế. Nói chung, Đảng muốn thanh niên có niềm tin vững
mạnh vào giá trị xã hội chủ nghĩa và ý nguyện được chết cho sự nghiệp xã
hội chủ nghĩa nếu “Bác Hồ” và Đảng cần đến.
Bảng 1 để vào đây
Sau khi rạn nứt giữa Liên Xô và Trung Quốc xảy ra, những người cộng sản Việt Nam ít theo khuynh hướng quốc tế hơn (nhưng không đến độ như những đồng chí Bắc Triều Tiên của họ). Họ cho phép nghiên cứu trở lại quá khứ “phong kiến” của Việt Nam và bắt đầu bác bỏ chủ nghĩa Mao, xem nó là mối đe dọa cho nền độc lập của Việt Nam. Họ vẫn trung thành với cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại chủ nghĩa đế quốc qua việc bác bỏ thuyết chung sống hòa bình của Khurshchev, cho đó là bán linh hồn cho phe đế quốc. Khuynh hướng này có thể được thấy qua những thay đổi giữa những phiên bản của cùng cuốn sách giáo khoa được bàn đến ở đoạn trên, phiên bản năm 1956 và phiên bản năm 1972. [30] Trong phiên bản năm 1972 phát hành gần cuối cuộc nội chiến, có 69 trong số 236 bài học (29%) có nội dung chính trị. 55% của 69 bài học này nói đến những anh hùng quân đội cộng sản (phần lớn đã hy sinh), 14.5% nói về “Bác Hồ”, 11.6% nói về thống nhất đất nước và miền Nam, 10% về nếp sống cách mạng và nếp sống xã hội chủ nghĩa, và 3% về “những người anh em xã hội chủ nghĩa”. Phần lớn những bài học có nội dung chính trị phản ánh một xã hội bị chính trị hóa do chiến tranh tạo ra. Phần lớn những bài học về anh hùng cộng sản là vì cuộc chiến kéo dài đã tạo ra nhiều anh hùng hơn. “Bác Hồ” mất năm 1969 nên xuất hiện ít hơn. Điều đáng kể là những bài học về chiến thắng bây giờ lại nhiều gấp ba lần hơn những bài học về các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Trong khi đó thì con số những bài học về lòng ái quốc chung chung (2) và anh hùng lịch sử (1) thì vẫn như cũ.
Sau khi rạn nứt giữa Liên Xô và Trung Quốc xảy ra, những người cộng sản Việt Nam ít theo khuynh hướng quốc tế hơn (nhưng không đến độ như những đồng chí Bắc Triều Tiên của họ). Họ cho phép nghiên cứu trở lại quá khứ “phong kiến” của Việt Nam và bắt đầu bác bỏ chủ nghĩa Mao, xem nó là mối đe dọa cho nền độc lập của Việt Nam. Họ vẫn trung thành với cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại chủ nghĩa đế quốc qua việc bác bỏ thuyết chung sống hòa bình của Khurshchev, cho đó là bán linh hồn cho phe đế quốc. Khuynh hướng này có thể được thấy qua những thay đổi giữa những phiên bản của cùng cuốn sách giáo khoa được bàn đến ở đoạn trên, phiên bản năm 1956 và phiên bản năm 1972. [30] Trong phiên bản năm 1972 phát hành gần cuối cuộc nội chiến, có 69 trong số 236 bài học (29%) có nội dung chính trị. 55% của 69 bài học này nói đến những anh hùng quân đội cộng sản (phần lớn đã hy sinh), 14.5% nói về “Bác Hồ”, 11.6% nói về thống nhất đất nước và miền Nam, 10% về nếp sống cách mạng và nếp sống xã hội chủ nghĩa, và 3% về “những người anh em xã hội chủ nghĩa”. Phần lớn những bài học có nội dung chính trị phản ánh một xã hội bị chính trị hóa do chiến tranh tạo ra. Phần lớn những bài học về anh hùng cộng sản là vì cuộc chiến kéo dài đã tạo ra nhiều anh hùng hơn. “Bác Hồ” mất năm 1969 nên xuất hiện ít hơn. Điều đáng kể là những bài học về chiến thắng bây giờ lại nhiều gấp ba lần hơn những bài học về các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Trong khi đó thì con số những bài học về lòng ái quốc chung chung (2) và anh hùng lịch sử (1) thì vẫn như cũ.
Tại miền Nam, vốn là một quốc gia riêng biệt từ 1955 đến 1975, tổng
thống Ngô Đình Diệm tuyên bố rằng chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phong
kiến, và chủ nghĩa cộng sản là ba kẻ thù của quốc gia Việt Nam. Ông phát
động “chủ nghĩa nhân vị”, một học thuyết do Emmanuel Mounier, một triết
gia Pháp và là một người công giáo thế tục đặt ra, như là một sức mạnh
thứ ba giữa hai ý thức hệ của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản của
hai khối chiến tranh lạnh. Chủ nghĩa nhân vị nhắm bảo vệ và phát triển
tính xứng đáng của con người, tương phản với chủ nghĩa tự do vốn tạo ra
sự giải phóng giả tạo, và tương phản với chủ nghĩa cộng sản, vốn đòi hỏi
chiến tranh không ngừng nghỉ. [31] Bằng cách chọn một lựa chọn khác cho
hai ý thức hệ của chiến tranh lạnh, Ngô muốn xác định một tinh thần
quốc gia độc lập mặc dù chế độ của ông lệ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, tự do
văn hóa tại Nam Việt Nam và việc Ngô Đình Diệm không kiểm soát được nền
giáo dục tạo ra một số giới hạn không cho phép chính quyền của ông thao
túng chủ nghĩa quốc gia. Đến thập niên 1960 thì sự can thiệp trực tiếp
của Hoa Kỳ vào cuộc chiến đưa đến một phong trào chống Mỹ rộng lớn tại
các thành phố miền Nam. [32] Phong trào này đòi hỏi hoà bình và thống
nhất, vừa mang tính bộc phát tự nhiên, vừa bị giật dây bởi những điệp
viên miền Bắc.
Sau khi thống nhất đất nước, chế dộ cộng sản tiếp tục vận động tinh
thần quốc gia dân tộc trong chiến tranh với Trung Quốc, được họ dựng lên
thành hình ảnh “sô vanh và bá quyền”. Trong khi chiến tranh với Trung
Quốc đang diễn ra là để “bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, thì cuộc xâm
lấn và chiếm đóng Kampuchea lại là để bảo vệ “tình đoàn kết quốc tế với
người dân Kampuchea”. Thay vì đề cao chủ nghĩa quốc gia và để mặc chủ
nghĩa cộng sản như khái niệm juche tại Bắc Hàn, thì những người
cộng sản Việt Nam lại tiếp tục bắt chủ nghĩa quốc gia phải phục vụ cho
chủ nghĩa xã hội, như được thấy trong việc họ định nghĩa những công tác
quốc gia là “xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ
nghĩa.” Đến đầu thập niên 1990, Bắc Hàn đã loại bỏ chủ nghĩa Mác Lê ra
khỏi hiến pháp của họ, và mang juche, hay đôi khi “chủ nghĩa Kim Ilsung”
làm học thuyết mới. Song song với Bắc Hàn nhưng yếu ớt hơn, Việt Nam
cũng có những thay đổi rụt rè, với “tư tưởng Hồ Chí Minh” được thêm vào
chủ nghĩa Mác Lê làm ý thức hệ cho chế độ. Như vậy Việt Nam vẫn từ chối
không chịu loại bỏ chủ nghĩa Mác Lê.
Tại Nam Hàn, chủ nghĩa bài Mỹ hình thành trong thập niên 1980 tiếp
theo cuộc thảm sát bởi chế độ độc tài. Một ý thức hệ mới, đám đông Minjung
(kẻ bị áp bức) hay “quần chúng” vừa mang ý nghĩa Mác xít vừa mang ý
nghĩa cơ đốc giáo, và tạo khái niệm đám đông là cốt lõi của đất nước,
lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi dân chủ cho đến cuối thập niên 1990. [33]
Phong trào Minjung ủng hộ thống nhất đất nước với Bắc Hàn mà
vẫn chống sự cai trị của quân đội, chống cộng, và chống việc Nam Hàn làm
đồng minh với Hoa Kỳ. [34] Phong trào này được lãnh đạo bởi một thế hệ
mới là những sinh viên hoạt động, và một phần nhờ vào chiến tranh lạnh
đã chấm dứt, nên phong trào đạt được những thành quả vang dội buộc các
tướng lãnh phải dân chủ hóa. [35] Từ ngày đó đến nay phong trào đã mất
đi khí thế, và những nhóm còn lại đứng ở giữa ngày nay chia ra làm hai
bên, một bên là những người luôn canh cánh việc thống nhất đất nước với
Bắc Hàn, và bên kia là những nguời chú trọng đến những vấn đề quốc nội
như quyền lợi của người lao động. [36]
Điều đáng chú ý là những thay đổi song song trong ý thức xã hội cũng
đang diễn ra tại Việt Nam ngày hôm nay, hai thập niên sau Nam Hàn. Tình
cảm chống Trung Quốc bộc phát đã dâng lên gần đây, và những cuộc phản
đối chống Trung Quốc đã xảy ra năm 2008 và 2011 mặc dù bị chính quyền
dập tắt. Những người phản kháng kết tội chính quyển Việt Nam lấy lòng
Trung Quốc và bỏ mặc quyền lợi của Việt Nam. Mặc dù còn mong manh, phong
trào mới xuất hiện đã bắt đàu nối kết các nhà trí thức lại với nhũng
tầng lớp thấp hơn trong xã hội, và những người chỉ trích chính quyền
trong nước với những người Việt chống cộng tại hải ngoại. Phong trào này
cho thấy rằng tinh thần quốc gia dân tộc hiện nay đang đấu tranh để
thoát khỏi sự điều khiển của những người cộng sản. Cuộc đấu tranh này
đang được tiếp sức bởi nhu cầu đòi hỏi dân chủ đang lớn dần giữa nhiều
nhóm tại Việt Nam. Mặc dù Việt Nam ngày nay không phải là Nam Hàn những
năm 1980, vì những ý nguyện dân chủ của Việt Nam phải đương đầu với một
nhà nước mạnh bạo hơn và đang cố thủ hơn nhiều lần, và đó là điểm chú
trọng của phần kế tiếp sau đây.
(còn nữa)