Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

38 người Việt được đưa khỏi Tacloban bởi 1 người… không tổ quốc

MANILA, Philippines (NV) Tôi gọi anh là “người không tổ quốc”, vì dù đã 13 năm anh sống nhờ ở đậu trên đất Phi, nhưng không được công nhận quốc tịch Phi, không được làm công dân Phi, và đau đớn hơn, anh cũng không còn một quê hương chôn nhau cắt rốn để quay về.

Hoàng Văn đang trao quà cứu trợ cho người dân Philippines. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Bởi lẽ...

Anh là người tị nạn chính trị... một cách bất đắc dĩ.

Thế nhưng, người đàn ông tưởng chừng nhỏ thó đó lại chính là người đã không quản công trong suốt một tuần rong ruổi ở vùng tâm bão Tacloban, Philippines để tìm kiếm và đưa 38 người Việt Nam ra khỏi nơi nguy hiểm này, sau khi cung cấp cho họ tiền bạc đủ làm hành trang tìm cái ăn và phương tiện di chuyển trong một thời gian ngắn.


Anh tên là Hoàng Văn, một trong những thiện nguyện viên của tổ chức VOICE, nơi đảm nhận trách nhiệm chuyển tiền cứu trợ của đồng bào hải ngoại đến tận tay những người cần giúp đỡ trong cơn nguy khó bị gây ra bởi cơn bão lịch sử Haiyan.
“Người ta cần thì mình đi thôi”
Có làm người đặt chân đến mảnh đất bị tàn phá bởi cơn thịnh nộ của thiên nhiên mới hiểu hết được những gian truân, khó khăn của những người phải có mặt tại vùng đất này, dù với bất cứ lý do gì, nhất là trong những ngày đầu trận bão mới đến.
Hoàng Văn, từ thành phố Manila - nơi bão Haiyan chỉ được biết qua tin truyền hình - là một trong những người có mặt dọc ngang khắp vùng Tacloban chỉ sau 3 ngày trận bão đánh tan thành phố này.

Ðể làm gì? - Tìm những người Việt Nam bị kẹt lại tại tâm bão để đưa họ đến nơi an toàn.

Những người đó có quen biết gì với anh không? - Không, tôi không quen biết ai hết trong số họ.

Anh Hoàng kể, “Khi bão Haiyan xảy ra, tôi không hề nghĩ đến chuyện mình đi đến Tacloban. Tuy nhiên, có một người ở vùng bị bão đã gọi điện thoại cho người thân của họ ở Mỹ cầu cứu. Người này gọi cho Trịnh Hội vì biết Trịnh Hội có văn phòng ở Manila. Trịnh Hội gọi cho tôi. Thế là tôi khăn gói lên đường và đi theo số điện thoại họ đưa.”

Khởi đầu là như vậy.

Rất may mắn, người đàn ông đầu tiên từ vùng bão gọi ra là một người mua bán các thiết bị điện thoại nên ông có được một số pin “xơ-cua”, nhờ đó mà Hoàng Văn cứ gọi để liên lạc, xác định vị trí.

Từ người đàn ông này, lại chỉ ra tiếp những người Việt khác. Hoàng liên lạc, yêu cầu họ tìm đường tập trung về một điểm nào đó. Hoàng tìm xe tới, cho mỗi người 10,000 peso (tương đương $250, tiền cứu trợ của đồng bào hải ngoại gửi đến), đưa họ đi tìm chỗ ăn uống, cho họ tiền trả tiền xe cộ, tàu xe để đi về Cebu, tá túc ở nhờ nhà của một đồng hương gốc Việt khác, trước khi tiếp tục tìm phương kế mưu sinh.

Một tuần lễ liền, cứ mỗi sáng từ khách sạn ở Cebu, anh Hoàng lại đón tàu, xe đi về hướng Tacloban để tìm người Việt, cho đến khuya lại mới trở về Cebu. “Hầu như buổi trưa tôi không ăn gì hết, vì có gì đâu mà ăn. Chỉ có đi và nhìn thấy những hình ảnh mà chưa bao giờ mình tưởng tượng ra. Trong vòng một tuần, tôi sụt 4 ký lô.” Anh nhớ lại.

Không chỉ chứng kiến những ngọn dừa bị chặt ngọn, những ngôi nhà đổ nát hoàn toàn, Hoàng còn nhìn thấy những nghĩa trang mà xác người chết vừa mới chôn đã bị quật lên, phơi mình trên mặt đất, phải bước qua những con đường ngập ngụa xác người, xác súc vật, hòa cùng rác rưởi và mùi tử khí vương đầy trong hơi thở.

Và Hoàng bật khóc, trước những cảnh tượng đó, nhất là khi tìm được nhóm 7 người Việt sau cùng, nhìn họ ngấu nghiến ăn bữa cơm đầu tiên với thịt gà, sau suốt nhiều ngày đói khát, cầm cự sự sống bằng cách ăn dừa hay bất cứ thứ gì có thể cho vào miệng, nuốt xuống bao tử.

“Họ có biết anh là ai không?” - “Không.” Tôi hỏi và Hoàng cười trả lời.

“Lúc đầu, họ không hề nghĩ là có người Việt nào lại đi tìm họ. Họ cũng chẳng biết VOICE là ai, vì những người này chỉ đơn thuần đến Phi để mua bán làm ăn, họ không phải di dân. Nhưng khi nghe có người đi tìm thì họ mừng, gặp mình họ cũng ôm lấy mình mà khóc. Tôi thì mừng khi thấy tất cả đều còn sống, dù tài sản mất hết, sổ nợ mất hết.” Anh kể.

Hơn một tháng rưỡi trôi qua, sau thời điểm kinh hoàng đó, duy chỉ có gia đình anh Phước Nguyễn còn trụ lại ở Tacloban (vì vợ anh người Phi, các con anh sanh ra ở Phi), những người Việt khác đều đã ra khỏi vùng đất đau thương này.

“Có ai gọi điện thoại lại báo cho anh biết họ đã đi đâu và như thế nào không?” - “Không có ai hết.” Hoàng Văn cười giòn tan, dù mắt buồn đau đáu.
“Chiến sĩ bất đắc dĩ”
Như đã nói ở trên, người đi tìm 38 người Việt Nam kẹt trong vùng bão và cung cấp tiền bạc, phương tiện để họ đi đến nơi an toàn là “một người không tổ quốc”.


Hoàng Văn (đứng, thứ ba từ trái sang) trong chuyến đi cứu trợ ở Tacloban. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ðến Philippines và ở lại nơi này trong suốt 13 năm qua - trong khắc khoải, tuyệt vọng - chưa bao giờ là kế hoạch được định sẵn trong hành trang tương lai của Hoàng Văn.

“Ba vợ tôi làm việc cho Mỹ, nhưng làm gì thì chỉ có chính phủ Mỹ mới biết. Chỉ biết là ba má vợ tôi được tin phải rời khỏi Việt Nam liền. Vợ tôi cũng phải đi để tránh sự bắt bớ của chính quyền, thì tôi cũng phải đi theo thôi, không còn lựa chọn nào khác, không có dự trù gì trước.” Hoàng nhớ lại.

Tuy nhiên, trong khi ba má vợ Hoàng có visa bay thẳng sang Mỹ, thì Hoàng cùng vợ phải đi bằng con đường du lịch đến Philippines, chờ làm thủ tục tị nạn chính trị. Khi đó là Tháng Chín, năm 2000.

Lý do để Hoàng Văn chọn Phi làm nơi tá túc bước đầu là vì “Phi là quốc gia nói tiếng Anh, không thân cộng sản và có một người Phi ở đây quen với bên vợ ở Mỹ, ông ta nói nên qua Phi sống có gì ông ta giúp đỡ. Chính vì vậy mà chúng tôi chọn Philippines.”

Ngày Noel 2013, bên hiên ngôi nhà mà VOICE chọn làm văn phòng ở Manila, cũng là nơi sinh sống hiện tại của vợ chồng Hoàng Văn cùng đứa con gái 11 tuổi, người đàn ông có nụ cười thật hiền nhưng ánh mắt thật buồn nhớ lại những cột mốc đặc biệt đã trôi qua cuộc đời gia đình anh trong 13 năm qua.

“Suốt ba năm đầu sang đây, chúng tôi hoàn toàn sống bằng tiền mang theo, và một phần được sự giúp đỡ từ ba má vợ ở Mỹ, bởi vì không biết làm sao để tìm phương cách sinh nhai. Thời gian đó, đầu óc cả hai vợ chồng rất là khủng hoảng, tinh thần suy sụp, nhưng không hề nghĩ đến chuyện quay về Việt Nam, vì biết chắc chắn về sẽ bị bắt.”

Dẫu vậy, thời gian đó, người Việt tị nạn tại Philippines hãy còn rất đông, ra vào trông thấy người Việt, nghe có tiếng Việt, nhìn thấy đồng hương nên vợ chồng Hoàng vẫn còn an ủi phần nào.

Anh tiếp tục, “Nhưng đến năm 2005, khi người Việt được đi định cư ở Mỹ hết, còn lại chơ vơ có mình, thì lúc đó rất là khủng hoảng. Phía Mỹ lại từ chối hồ sơ của tôi vì chương trình đó chỉ dành cho người Việt đi vượt biên từ năm 1996. Khủng hoảng kinh khủng.”

Chưa hết, thời gian vừa mới nguôi ngoai thì đến năm 2007, lại thêm một đợt cuối cùng, 300 gia đình còn sót lại ở Phi được đi định cư tại Canada. “Họ đi sạch, nhìn quanh thấy trống lỗng. Lại thêm một lần suy sụp.”

Anh vừa nói vừa có cười nhẹ để che đi nỗi xúc động cố gắng kìm giữ, “Một tương lai vô vọng. Không biết khóc như thế nào. Sống cũng không biết sống như thế nào. Chỉ biết nói chung một cảm giác là khủng hoảng nặng nề.”

Ðến thời điểm này, nhận ra con đường được định cư của mình tại một quốc gia thứ 3 hãy còn rất lâu, không phải là chuyện một sớm một chiều, hai vợ chồng Hoàng tìm cách mua bán, sau chuyển qua làm việc online, để mưu sinh.

Ðến năm 2008, Hoàng mới chính thức trở thành thành viên của VOICE, dù đã biết đến Trịnh Hội và tổ chức này 6 tháng sau khi đến Manila.

“Hiện tại, ở Philippines, người ta nhìn anh trong tư cách gì?” Tôi dè dặt hỏi.

“Tị nạn chính trị.” Anh đáp.

“Mình là người tị nạn chứ không phải là người Phi nên mình không có quyền lợi như người bản xứ. Mình không được mua đất, không được mở cửa hàng kinh doanh, không được mua 'franchise,' không được đi bầu. Họ nói mình có quyền đi học, đi làm. Nhưng khi đi xin việc không ai cho hết, kể cả tư nhân lẫn nhà nước, vì họ nói rằng người dân Phi còn không đủ việc làm thì làm gì đến mình.” Hoàng giải thích thêm.

Anh nói, “Phi là nơi cho mình dung thân một cách yên bình nhưng nó không phải là quê hương của mình. Thế nên, tôi vẫn đau đáu một nỗi buồn là càng nghĩ tới tương lai thì càng không biết mình đi về đâu.”

Mang nặng tâm trạng đó nên không thể diễn tả được Hoàng đã bật khóc như thế nào khi vào Tháng Ba vừa qua, nghe Luật Sư Trịnh Hội từ Úc gọi điện thoại báo tin “hồ sơ của ông đã được chính phủ Canada chấp thuận”.

“Tôi khóc như trẻ con, vì những gì mình chờ đợi từ 12 năm nay sắp thành hiện thực,” anh nói.

Nhưng...

Lại thêm một chữ “nhưng” tàn nhẫn.

Hai tháng sau đó, cơ quan di trú Canada có thư chính thức gửi Hoàng Văn cho biết hồ sơ của gia đình anh đã bị bác vì không đủ điều kiện tị nạn chính trị.

Anh cười buồn, “Họ bảo tị nạn chính trị tức là đi tìm tự do. Giờ mình đã ở Phi, tức một quốc gia tự do rồi thì không còn đi đâu nữa. Tôi điếng người, chết một lần nữa, chết lần thứ 3.”

Như một câu hỏi kinh điển, bởi lẽ, tôi không biết phải nói thêm lời gì trong hoàn cảnh này, trước khi rời Manila trở lại Mỹ, “Vậy mục đích sống hiện giờ của anh là gì?”

“Thì chỉ là sống thôi. Sống chờ ngày Trịnh Hội mát tay thì giúp mình đi sớm, có tương lai cho con gái. Còn hiện tại thì tôi bằng lòng với những gì mình có, giúp cho VOICE, người ta cho mình cơm ăn áo mặc, nhà ở miễn phí, khỏi lo nghĩ về vấn đề sinh nhai. Ðối với tôi thì không còn tính gì nữa. Ði đâu cũng làm việc thôi, nhưng thật sự mà nói cứ tiếp tục làm cho VOICE thì con tôi không có tương lai. Một mai VOICE dời qua một quốc gia khác, như Việt Nam chẳng hạn thì tôi làm gì? Tôi chỉ mong được định cư càng sớm càng tốt để cho con gái tôi còn có cơ hội, có tương lai, có quê hương.” Anh nói một hơi dài. Rồi im lặng.

Có những mảnh đời, bươn bả vì người. Còn số phận mình... không tổ quốc.

Khoảng lặng đó theo tôi đến hôm nay...

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"