Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Những nhận định từ vụ việc (3): Ai nên quan tâm đến vấn nạn mượn tay côn đồ?

Nguyễn Văn Thạnh

1. Luận bàn:

Tôi từng đọc một câu chuyện về việc đi tàu điện ngầm ở nước ngoài (hình như nước Úc), hành khách tự giác bỏ tiền vào khe (tiền xu). Người VN qua đó thấy không ai kiểm soát nên lờ đi, không bỏ. Thấy vậy một người (Úc) đến và nhắc nhở: “anh không được làm vậy, đây là hệ thống giao thông công cộng được xây dựng từ tiền thuế, anh đi mà không trả tiền, chúng tôi phải đóng thêm thuế,…”. Ở VN chắc không có cảnh đó, chẳng những không ai đi nhắc nhở mà người ta còn nói “kệ, lanh được nó nhờ” hay “không phải tiền mình, hơi đâu mà lo”,…
vannancondo.jpg
Đó là sự khác biệt giữa ta và họ; sự khác biệt giữa xứ văn minh giàu có và xứ còn nghèo hèn tăm tối. Đây là hành vi nhỏ nhưng nó phản ánh cả một trình độ văn minh của một dân tộc phú cường.

Nền dân chủ sẽ không bao giờ có nếu người dân bo bo lo cho mình, chuyện xã hội thì kệ nẫu (họ). Khi đó dù có muốn thúc đẩy một sáng kiến có lợi cho dân cho nước thì cũng bất lực.
Một nguyên lý của nền dân chủ là dân phải quan tâm đến việc nước, quan tâm đến chính trị, có như vậy quyền lực mới đến từ nhân dân.
Rõ ràng dân ta chưa đạt trình độ này. Điển hình như vấn nạn công an mượn tay côn đồ đánh người. Phần lớn người dân sẽ chép miệng “chuyện họ, không phải việc mình” hay “ai biểu không lo đi làm ăn, tranh đấu, biểu tình làm gì?” hay “có sao người ta mới đánh”,…
Đây là một thủ đoạn nham hiểm, tàn độc không dễ gì hóa giải nếu chỉ có nhóm người bị nạn, truyền thông, công luận không đủ mạnh thì kẻ ác không sợ. Kiện cáo, đơn từ mà công luận không quan tâm thì người cầm quyền cũng dễ dàng ỉm đi. Ngao ngán, bất lực, cô đơn,…là cảm giác của nạn nhân khi sập bẩy thủ đoạn trên.
Bi kịch của xã hội là ở đây.
Nhiều doanh nhân làm ăn, khi có mâu thuẫn, lẽ ra được giải quyết theo trình tự của luật pháp, theo phán quyết của tòa án thì họ lại thuê côn đồ xử nhau. Doanh nhân lương thiện rất ngán vấn nạn này. Nỗi khổ của họ cũng không mấy ai quan tâm, chú ý. Kết cục doanh nhân VN có rất nhiều tay anh chị và nền kinh tế VN toàn tay “đánh bạc”. Hậu quả là bọn láu cá, liều lĩnh nắm tiền (Điều này không đúng hoàn toàn nhưng việc xã hội chỉ có thể nói từ cảm nhận chung). Xã hội điêu đứng.
Nhiều cặp đôi yêu nhau, khi xảy ra mâu thuẫn thay vì xử lý từ tốn văn minh thì thuê côn đồ rạch mặt nhau, tạt axit nhau. Bao bậc sinh thành khóc hết nước mắt vì con nhưng việc đã muộn. Nếu trước đó họ không nghĩ “không phải chuyện mình” thì có thể họ đã tránh được bi kịch.
Bi kịch cũng không dừng ở dân thường, thời gian vừa qua, nhiều quan chức bị côn đồ hạ sát. Ông bà nói “chơi dao có ngày đứt tay” hay “ác giả-ác báo” có vẻ ứng nghiệm. Tuy nhiên suy cho cùng, họ cũng là người VN, cũng máu đỏ da vàng. Dù thế nào, xã hội văn minh không thể chấp nhận hành vi côn đồ, bạo lực.
Một xã hội có vấn nạn côn đồ là một xã hội suy đồi, một xã hội bất an và mọi người đều khổ.
Không chỉ dừng ở vấn nạn mượn tay côn đồ, tôi thấy rằng vấn nạn mà dân tộc mắc phải còn lớn hơn nhiều. Để có thể giải quyết được, đòi hỏi sự chung tay của nhiều người. Muốn vậy, việc đầu tiên phải làm cho người dân ý thức rằng “vấn nạn của người này, sớm muộn cũng sẽ là vấn nạn của mình, có “khôn ngoan” cũng không thoát được; chi bằng hãy mở lòng ra, thấy ở đâu có vấn nạn hãy đến mà chung tay giải quyết. Hôm nay mình giải quyết cho người thì hôm sau người giải quyết cho mình”.
Quan tâm, chung tay diệt trừ vấn nạn mượn ta côn đồ đánh người, không chỉ bạn góp một viên đá cho con đường dân chủ, giúp cho người tiên phong an toàn, nhẹ gánh hơn mà nó còn giúp cho cuộc sống của bạn, gia đình bạn an toàn hơn.

2. Giải pháp:

Đọc đến đây hẳn nhiều người nói rằng “anh nói đúng lắm, nhưng giải pháp thế nào để mọi người có thể chung tay, chứ không thể kêu gọi quan tâm chung chung, việc không đi đến đâu”.
Tôi xin đề xuất giải pháp:
- Lập một nhóm chuyên tranh đấu cho vấn đề này (một tổ chức XHDS, một ủy ban), qui tụ một số gương mặt có uy tín, kêu gọi nhân sĩ, trí thức vào cuộc.
- Truyền thông vấn đề này cho cộng đồng biết, kêu gọi họ quan tâm, chứng minh quyền lợi, trách nhiệm liên đới của mọi người trong vấn nạn chung
- Lập quỹ để có tiền hoạt động cho nhóm, hỗ trợ thành viên tranh đấu, mua sắm thiết bị, hỗ trợ người bị nạn. Kêu gọi người có của góp của, người có công góp công, ủng hộ tiền cũng là góp sức cho đại cuộc.
- Chọn một vụ điển hình, ở đó nắm chắc chứng cứ (hình ảnh, nhân chứng,…) làm quyết liệt đến nơi đến chốn, truy cùng sào huyệt của bọn nham hiểm dùng thủ đoạn. Làm càng to chuyện càng tốt để toàn thể quốc dân đồng bào thấy được bản chất gian manh của nó.
Mong các bạn thảo luận và đóng góp thêm.
Nguyễn Văn Thạnh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"