Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Những nhận định từ vụ việc (1): Quan điểm của tôi khi xử lý các vấn đề

Nguyễn Văn Thạnh
(Trong các bài viết trước, hẳn các bạn thấy, tôi là người bình thường, muốn sống trong một gia đình yên ấm; cũng suy nghĩ, toan tính thiệt hơn khi hành động. Có một chút khác biệt so với nhiều người là tôi ý thức được trách nhiệm và việc mình làm. Qua vụ việc chặn xe hàng vừa rồi, hẳn nhiều người thấy tôi làm “rắn”, có phần cù nhầy, có người nói tôi muốn làm màu,….)
noutshirt.jpg
Trong bài viết này, các bạn sẽ biết phần nào vì sao tôi làm thế.
Con người lên tiếng, tranh đấu cho một vấn đề gì đó, thường đi từ tự phát lên tự giác. Thường tình, con người ta khi có việc gì đó ảnh hưởng đến mình, đến gia đình, quyền lợi của mình (như dân oan, bị chết oan trong đồn,….) thì mới lên tiếng. Tuy nhiên, có một bộ phận, dù chưa bị oan ức, thiệt hại nhưng do ý thức trách nhiệm hay do sự thúc đẩy của hoài bão (hay toan tính làm vương làm tướng gì đó,…) họ vẫn dấn thân tranh đấu. (Tôi sẽ có bài bàn về chủ đề này).
Tôi gia nhập diễn đàn dân chủ, viết lách cũng tầm 2 năm, trước đó tôi cũng chúi mũi vào làm ăn. Thông thường, nếu đời suông sẻ, không ai nghĩ thêm gì, tôi cũng vậy. Kinh tế ngày càng khó khăn, làm ăn ngày càng thất bát. Trên con đường tìm kiếm giải pháp vực dậy chuyện làm ăn, tôi thấy vấn đề rộng lớn hơn là chuyện kinh tế. Đó là sự suy đồi của hệ thống chính trị, sự xuống cấp của nền công lý, sự áp bức-bất công của nền độc tài, sự đục khoét xã hội của nạn tham nhũng, nạn COCC,... Sau thời gian suy nghĩ, tôi “dấn thân”, hy vọng mình đóng góp chút công sức trách nhiệm công dân cho xã hội.

Tôi dấn thân một cách minh bạch, các bài viết đều ký tên tôi, với địa chỉ rõ ràng. Tôi ý thức và đón nhận những khó khăn từ việc mình làm. Tôi nghĩ, làm gì cũng phải có trách nhiệm và chuyện “dấn thân” cũng vậy.
Như một vị bác sỹ, muốn trở nên tài giỏi, chữa được bệnh cho người thì ông ta cũng phải chịu cực nhọc trong những giờ lên trường và những giờ thực tập cùng xác chết, bệnh phẩm. Thông thường, chúng ta chỉ thấy bác sĩ sạch sẽ với áo blouse chứ ít người thấy những giờ “kinh khủng” như vậy.
Để có thể thấy được những bệnh tật từ xã hội, việc đọc sách không là chưa đủ, cần có sự trải nghiệm.
Dù hợp với việc lý luận, viết lách nhưng tôi không bỏ rơi, né tránh bạn bè khi họ cần mình. Trong một xã hội còn đầy sợ hãi, còn ít người bước ra “sáng” thì mình không nên quá Né.
Đó là những lý do vì sao, dù biết có thể sẽ rắc rối khi đi ủng hộ vợ chồng anh Hùng-chị Anh, nhưng tôi vẫn đi.
Khi việc xảy ra, ban đầu có phần bỡ ngỡ, nhưng khi thấy rõ chân tướng sự việc trong việc công an mượn tay côn đồ (vụ đánh người ngày 10.12.2013), mượn luật pháp để triệt hạ người lương thiện (vụ chặn, khám xét xe hàng chuyển đồ ngày 17.12.2013), (nham hiểm như Bá Kiến), tôi biết rằng cần phải chơi theo luật, thỏa hiệp là chết ngay.
Nhiều người thấy tôi làm lớn chuyện nhưng thật ra muốn làm nhỏ cũng không được, khi người ta đã cố tình mượn tay luật pháp thì mình phải hành động theo luật pháp. Đó là lý do vì sao tôi đệ đơn gửi các cơ quan công quyền thay vì “chịu nhũng” để yên chuyện.
Viết về chuyện này, tôi lại nhớ đến vụ việc ở Hà Nội. Khi bị đám đông gồm công an, dân phòng,… ập vào nhà còn sáng tinh mơ, họ buộc tội tôi cư trú bất hợp pháp. Nhiều người lúc đó khuyên tôi cứ ký nhận, chịu nộp phạt cho yên chuyện nhưng tôi biết rằng, chuyện không đơn giản như vậy. Họ “diễn kịch” đưa tôi lên trụ sở UBND, làm việc một ngày với nhiều lời lẽ buộc tội, hăm dọa, năn nỉ nhưng cuối cùng vẫn không làm gì được, bởi lẽ tôi kiên định trong việc mình không có tội.
Tôi làm rắn một phần vì muốn trải nghiệm tận cùng của hệ thống luật pháp mà nhiều người cho là “luật rừng”-qua đó thấy được các vấn đề của nó-, một phần muốn cho xã hội biết câu chuyện của tôi không chỉ là của tôi mà còn là vấn đề của xã hội.
Nhiều người nói tôi làm “màu” để nổi tiếng, tôi đồng ý. Tôi có mong muốn được nhiều người biết qua vụ việc này. Tôi nghĩ, trong tình trạng luật rừng thì càng nổi tiếng, càng an toàn và việc xã hội, càng nổi tiếng, càng dễ làm. Nhiều ý tưởng “đáng đồng tiền, bát gạo” nhưng ít người biết, ít người ủng hộ thì cũng xếp xó, rong rêu, mục nát.
Về phần gia đình, vợ con, tôi biết làm thế là mang họa đến họ, nhưng tôi biết “không có gì là tuyệt đối an toàn”, dù đau lòng, tôi chấp nhận cái giá phải trả.
Nguyễn Văn Thạnh
Bài 2: Vấn nạn mượn tay côn đồ, vấn đề & giải pháp
(P.s: Bài viết hướng đến đối tượng mới đọc, nên sẽ có nhiều phần lặp lại với người đang theo dõi vụ việc, mong các bạn lướt qua).

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"