Trần Hoàng Hận
Trong những ngày cuối tháng Chạp, dường như những hoạt động của mọi người trở nên nhanh và nhộn nhịp hơn hẳn, cộng thêm cái thời tiết se lạnh của những ngày giáp Tết, làm cho những người tha hương cầu thực như tôi không thoát khỏi cái cảm giác bùi ngùi nhớ quê và gia đình. Ngày 16/1, tôi có mặt trên chuyến xe xuôi về miền Tây nhưng lần này cảm giác khác xa so với những chuyến về miền Tây khác. Không phải vì nó không đưa tôi về Sóc Trăng, vùng đất nơi tôi được sinh ra và lớn lên, mà vì trên chuyến xe này còn có những người bạn trong nhóm No-U của tôi, những con người tràn đầy nhiệt huyết, càng đặc biệt hơn khi chuyến đi này là chặng hành trình “Tri ân những anh hùng và tử sĩ đã chiến đấu trong cuộc Hải Chiến Hoàng Sa năm 1974”. Dù thất bại khi không giữ được Hoàng Sa nhưng đấy là một trận chiến oai hùng của nhân dân Việt Nam, của những người lính VNCH để bảo vệ biển đảo quê hương chống Trung Quốc xâm lược. Một trận chiến mà nhiều người biết đến nhưng rất ít người nói đến...
Trong chuyến đi này, đích đến của chúng tôi là huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, để viếng thăm gia đình cựu thủy thủ Trần Văn Hà, người lính thợ máy trên chiếc tàu chiến lịch sử HQ 10. Sau khoảng thời gian 7 tiếng đồng hồ hành trình, cuối cùng, xe cũng cập bến. Đứng trước ngôi nhà chúng tôi cần tìm là người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi, dáng cao ráo với gương mặt khắc khổ, đầu tóc bạc trắng... Bác ấy tươi cười chào đón, và thật may mắn khi qua chào hỏi, chúng tôi được biết đấy là người chúng tôi đang tìm. Nhóm tự giới thiệu về mình và mục đích của chuyến đi làm bác ấy bất ngờ, một thoáng hơi ngạc nhiên gia chủ mời chúng tôi vào nhà và tiếp chuyện. Sau những thăm hỏi về cuộc sống gia đình trong 40 năm qua, tiếp đó là câu chuyện về diễn biến trận Hải chiến năm nào... Bác đã rất vui vẻ kể cặn kẽ từng chi tiết, giọng nói mạnh mẽ và rõ ràng từng lời khiến câu chuyện càng thêm sống động và khác xa với những gì tôi đọc trên sách báo.
Chặng hành trình làm cho tôi có thêm những cái nhìn và cảm nhận rất mâu thuẫn về xã hội hôm nay… Chúng tôi cảm thấy rất tự hào và may mắn hơn nhiều bạn trẻ khác khi được nghe về trận chiến qua lời kể của người từng tham chiến bởi đa số họ chỉ biết từng có cuộc chiến này mà không biết nó diễn tiến ra sao, trong bối cảnh như thế nào ? Nếu có cũng chỉ là một "góc nhỏ" nào đó trên các trang sử trong sách giáo khoa, hoặc các quyển sách “lề phải” và khó mà chính xác... bằng người trong cuộc.
Trong dịp tết năm Bính Thìn, cố Tổng bí thư Lê Duẩn lúc đấy đang ở Sài Gòn và được một số người trong Hội phụ nữ mời ăn tiệc Tết, ông tỏ ra giận dữ nói: "Ăn Tết làm gì? Con cái người ta chết ở Trường Sơn chưa ai nói tới đã nói dân Miền Bắc vào đây vơ vét hàng hóa" (Bên Thắng Cuộc, chương 8 trang 253 của tác giả Huy Đức). Câu nói đó đã làm các cô khóc nức nở, chẳng qua là sau khi miền Nam được "giải phóng" và việc "người từ Bắc vào Nam và vật chất từ Nam ra Bắc" diễn ra ồ ạt nên đã có nhiều người lời ra tiếng vào mà thôi! Cứ cho đó là điều bình thường để đền ơn những người “có công với…” thì hãy nhìn lại – những người lính đã hy sinh xương máu để giữ gìn biển đảo quê hương đã có ai nhắc đến họ chưa? Những người còn sống sót sau trận chiến thì được gì? Càng nghiệt ngã hơn khi “phần thưởng” dành cho họ vẫn là những năm tháng "học tập cải tạo" còn gia đình thì bị xã hội miệt thị, như vậy đã công bằng với họ rồi chăng?
Trong suốt những năm tháng qua họ đã bị lãng quên, để rồi hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa, người dân cả nước muốn làm một lễ tưởng niệm công khai để tri ân và tỏ lòng biết ơn lại bị “ai đó” dùng mọi thủ đoạn ngăn chặn, cấm cản một cách thật nực cười. Khi người Việt Nam đứng dậy chiến đấu, chấp nhận hy sinh để bảo vệ mảnh đất cha ông đã gầy dựng nên thì chắc họ chẳng cần Tổ quốc gọi họ là anh hùng gì đâu, vì đấy là niềm hãnh diện và là trách nhiệm không thể khước từ của mỗi con dân Việt Nam, và cũng vì vậy người dân muốn làm gì đấy thiết thực để tưởng nhớ đến họ thì có gì quá đáng?
Cho đến bây giờ những hành động ngang ngược của Trung Quốc vẫn đang diễn ra hàng ngày trên biển đảo Việt Nam, và những người "đại diện" của nhân dân đã làm gì? Ừ… thì "phản đối...", "chúng tôi vô cùng quan ngại...", bằng lời nói để cho nhân dân mát lòng nhưng thực tế nhân dân còn cần nhiều hơn thế! Chúng ta chỉ có chiến đấu mới có cơ hội giành lại biển đảo chứ Trung Quốc rõ ràng là một thằng ăn cướp, thì có bao giờ chúng sợ người khác gọi chúng là cướp đâu ? Và bây giờ, khi toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã thuộc về Trung Quốc và chúng vẫn đang tiếp tục “đầu tư và khai thác” thì chỉ bằng những lời nói vô bổ như thế liệu chúng sẽ trả lại à?
Chúng tôi không kêu gọi chiến tranh, nhưng kêu gọi lòng yêu nước, sẵn sàng tinh thần ”vị quốc vong thân” khi Tổ quốc lâm nguy. Chúng tôi đa số là những thế hệ sinh sau 1975 chưa biết đến chiến tranh thực sự như thế nào nhưng ít nhiều chúng tôi cũng cảm nhận được nó rất đáng sợ, nhưng nhìn cảnh đât nước mình phải chịu bất công, ngoại xâm lấn lướt, chi phối trên mọi mặt trận, nhũng nhiễu về kinh tế, băng hoại xã hội... chúng tôi còn sợ hơn. Nhà nước thì bảo, nào là vì vấn đề ngoại giao, vì kinh tế, vì quân sự… còn với người dân lao động thì hiện tại “địch mạnh ta yếu”… Tôi là một người dân lao động vì vậy cho tôi hỏi – Từ xưa đến nay có khi nào ta mạnh hơn Trung Quốc không ? Nếu làm theo cách nói này thì ngày hôm nay làm gì có những tấm gương, những chiến công hiển hách của 4000 năm lịch sử! Chúng ta phải làm để con cháu chúng ta sau này đứng trước mặt bạn bè quốc tế có thể tự hào hô to: "Tôi là người Việt Nam..." chứ không phải một cách "thỏ thẻ" vào tai người hỏi. Những con người đã chiến đấu và hy sinh trong "nội chiến Nam Bắc", ai vì chính nghĩa, ai là “nạn nhân” còn chưa rõ ràng và đó sẽ là công việc sau này của các nhà nghiên cứu lịch sử nhưng những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc trước ngoại xâm thì chắc chắn – không cần ai phải xác nhận cả! Bởi vì họ đã là những người anh hùng trong lòng con dân Việt Nam cho dù "lịch sử" có cố tình lãng quên.