Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Chính quyền giáo dục dân hay dân giáo dục chính quyền?

Nguyễn Văn Thạnh
Lâu nay, mỗi khi có một tai nạn, một tai họa, một sự cố xã hội là hay nghe truyền thông nhà nước nói "do người dân ý thức kém, cần phải tăng cường truyền thông giáo dục người dân, cần phải tăng cường chế tài xử phạt, rồi hàng loạt nghị định thiên la đĩa võng ra đời,..."
Nghe riết thành quen, tự nhiên người dân thấy mình là phường ngu dốt nên chấp nhận chính quyền giáo dục, xử phạt, răng đe. Người dân luôn xem chính quyền như cha chú mình.
treemhanthu.jpg
Đây là tâm lý của một xã hội chưa trưởng thành, nơi mà xem quan cai trị luôn thông minh hơn, mẫu mực, đạo đức hơn dân - trăm sự nhờ cán bộ.
Tâm lý này cản trở dân tộc tiến đến văn minh thịnh vượng bỡi lẽ cản trở người dân hiểu dân quyền và nuôi dưỡng các đạo luật "bá kiến".
Sáng sớm hôm qua, ngày 19.1.2014, tôi bị người lạ gõ cửa có vẻ gấp gáp. Tôi hỏi ai đó thì được xưng là công an phường Mỹ An. Tôi hỏi có việc gì thì được biết là muốn làm việc với tôi vì có vụ trộm cắp xảy ra.

Tôi biết đây là chiêu trò gây sự nhằm ngăn cản tôi đi dự buổi cafe tọa đàm về Hoàng Sa. Tôi nói đợi tôi chút. Thấy tiếng người bên ngoài lao xao, tôi nghĩ có đông người, sợ cảnh đạp cửa xông vào như hôm 18.12.2013 thì phiền nên tôi vội bật máy ghi âm rồi ra mở cửa. Hiện diện trước mặt tôi là một nhóm đông người, có 3 người mặt sắc phục công an. 3 viên công an vừa xưng danh công an phường vừa tự tiện, ào ào bước vô phòng tôi, có phần lộng quyền.
Một anh tên Mai Xuân Khánh (tôi không nhớ chính xác tên anh ta) nói với tôi là có một vị khách phòng bên báo mất tài sản, laptop nên cần làm việc với tôi, yêu cầu tôi hợp tác.
Tôi nói: Tôi là công dân tự do, chưa phạm pháp, chuyện người ta mất đồ ở đâu là việc của họ. Nhiệm vụ các anh là đi điều tra giải quyết, các anh ăn tiền thuế của dân đề làm điều này.
Anh ta nói tôi là công dân phải hợp tác với cơ quan chức năng để phòng chống tội phạm, người ta vô đây thuê phòng kề bên anh, chủ nhà nghỉ nói tối giờ chỉ có hai phòng khách này, anh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin.
Tôi nói: anh nói kỳ quá, cái chuyện đó là việc của họ và các anh.
Tôi biết họ dàn cảnh để làm khó, gây sự nên tôi nói: thôi được, là một công dân có trách nhiệm, tôi sẽ hợp tác với các anh để giúp cơ quan điều tra phá án bảo vệ công lý. Bảo đảm công lý cho đất nước thì cũng là nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Suy cho cùng, công lý cần cho tôi và cho các anh.
Nghe tôi nói vậy, đám đông xung quanh có vẻ hài lòng, không khí bớt căng thẳng.
Trong quá trình tranh luận thì có một vị mặc thường phục bước vào và được giới thiệu là phó công an phường. Tôi nói: "tôi chỉ làm việc với nhân viên công lực có sắc phục đàng hoàng, anh thường phục, tôi xem như dân, xin mời anh ra khỏi phòng tôi". Anh ta có vẻ nghệch mặt do bất ngờ bị dội gáo nước lạnh vô danh xưng phó CA (có vẻ oách) của mình nhưng rồi phải đi ra.
Khi công an ồn ào đi vào và quá trình đôi co, tôi có bảo Quang - người bạn do tối hôm đó có người lạ theo dõi, lo lắng nên lên phòng tôi ngủ - lấy máy ảnh ra chụp hình. Các vị công an đó phản đối, không cho chụp.
Tôi nói: đây là phòng tôi, về chủ quyền nó được xem như nhà tôi. Anh vô nhà tôi làm việc, tôi có quyền chụp hình. Nhắc lại lời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho anh biết: "công dân có quyền làm bất cứ việc gì pháp luật không cấm, chính quyền chỉ có thể làm những việc pháp luật cho phép". Tôi có quyền chụp hình, nếu anh không đồng ý, xin mời anh ra.
Tôi nói xong giơ phone lên chụp thì viên công an lấy tài liệu che mặt.
Anh ta yêu cầu tôi sang phòng bên cạnh làm việc, tôi không đồng ý. Tôi nói "đây là phòng tôi, xem như nhà tôi, tại đây tôi có chủ quyền, tôi có quyền tự vệ. Tôi hợp tác các anh trên tinh thần thiện chí chứ không phải tội phạm. Anh có làm việc ở đây thì làm, không thì thôi".
Sau một hồi lưỡng lự, trao đổi với nhau, gọi phone, anh ta đồng ý.
Một người hỏi tôi, một người hỏi Quang vài câu đại loại như làm gì? Ở đâu? khi nào? Thấy ai không?....
Tôi biết nhiệm vụ họ là câu giờ, phá thối nên tôi nói: Tôi chỉ có thể hợp tác thiện chí với các anh trong 5 phút nữa. Là một công dân tự do, tôi còn có nhiều việc phải làm.
Anh ta lý luận cù cưa nhưng tôi kiên quyết "là một công dân mẫu mực, tôi hợp tác với các anh, nhưng chỉ fair play đến đó, anh không hài lòng, hay cần sự hợp tác thêm thì gửi tôi giấy mời. Các anh không thể tính chuyện được việc các anh mà không đếm xỉa việc của tôi được".
Anh ta có vẻ chưng hửng nhưng thấy tôi nói có lý nên đồng ý.
Sau khi viết xong, anh ta yêu cầu tôi ký. Tôi nói "tôi không thấy nghĩa vụ phải ký tờ biên bản lời khai đó, tôi không phải tội phạm, tôi chỉ giúp các anh thông tin để các anh hoàn thành nhiệm vụ. Nếu các anh không hài lòng, có thể xin lệnh tòa bắt tôi. Anh cần phải hiểu luật, thực thi đúng luật. Bảo kê như Dương Chí Dũng cũng không thể an toàn".
Vì thấy rõ bản chất bá kiến nên tôi nói rắn cho nhanh kết thúc vấn đề.
Cả nhóm công an lục tục ra khỏi phòng tôi sau khi tôi tuyên bố hết thời gian fair, xin mời các anh đi ra.
Lời bàn:
Lâu nay ta nghe chính quyền giáo dục dân chứ ít nghe ai nói dân giáo dục chính quyền. Sự thật là dân cần phải giáo dục chính quyền.
Chính quyền giáo dục dân thì họ rất nham hiểm, họ chỉ giáo dục sự trung thành, tư duy nô lệ, sự hy sinh mù quáng. Dân giáo dục chính quyền thì sẽ có điều ngược lại: dân quyền, công lý, tự do,...
Để xây dựng được nền dân chủ, dân phải tự chủ, tự tin, tự trọng, tự tôn mình. Cung cấp thông tin dân quyền, dẹp đi tâm lý tự ti của dân là nhiệm vụ người tranh đấu nên làm. Việc này ví như xây móng cho tòa nhà dân chủ vậy
Nguyễn Văn Thạnh 
www.danquyen.org
Lời bình cho hai bức ảnh:
1. Triều Tiên giáo dục trẻ em căm thù Mỹ bằng mọi giá
treemhanthu2.jpg
2. Chính quyền bất chính (nên che mặt) nhưng luôn muốn giáo dục dân.
conganphuong.jpg

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"