Thục Quyên
Thứ bảy 18/01/2014, 13 giờ trưa, muà Đông Muenchen lạnh nhưng khô ráo.
Đằng trước toà lãnh sự Trung Hoa nằm tại số 107 đường Roman, Nymphenburg/Muenchen ba chiếc xe cảnh sát và những xe của ban tổ chức cuộc "Biểu tình phản đối Trung cộng - Biểu dương đoàn kết - Yểm trợ đấu tranh cho quê hương" đến gần như cùng lúc, và đúng giờ như tất cả những cuộc hẹn mà có sự có mặt của người Đức.
Số người tham dự không đông, chỉ vào khoảng 40 người, lại vắng mặt những người trẻ.
Phải là dân Việt Nam sống lâu năm tại Muenchen mới biết có một sự chuyển biến hết sức quan trọng đang xảy ra trong cộng đồng người Việt tại đây. Vì số người đến tham dự biểu tình tuy biết nhau từ rất lâu nhưng không phải đã từng đưa tay ra bắt tay nhau hoặc có những nụ cười, lời chào hỏi và nhất là những ánh mắt đầm ấm, thân thiện cho nhau.
Đặc biệt là sự vắng mặt của giới trẻ lần này lại có một lý do hết sức xây dựng:
Có nhiều cách để ôm lấy Hoàng Sa nhưng phải chia việc với nhau, dựa vào nhau, thì vòng tay chúng tôi mới đủ rộng, đủ vững vàng và trìu mến, hầu ôm gọn được Hoàng Sa vào lòng.
Chúng tôi là những người Việt mang nặng những vết thương của một dân tộc bị lọc lừa, lợi dụng từ hơn nửa thế kỷ để nồi da xáo thịt, làm khổ lẫn nhau. Nhưng 74 người chiến sĩ năm 1974 và 64 người chiến sĩ năm 1988 đã không nằm xuống một cách vô ích, mặc dù Hoàng Sa còn đang nằm trong tay kẻ xâm lăng. Một Hoàng Sa tinh thần đang là thần dược để thức tỉnh cơn mê sảng của dân tộc, để chúng ta rùng mình rũ bỏ những u mê.
Để nhìn lại nhau và thấy lại nhau.
Cuộc biểu tình trước toà lãnh sự Trung Hoa tại Muenchen chỉ mang mầu cờ Vàng của VNCH mặc dù trong số những người tham dự có nhiều người hoàn toàn xa lạ với mầu cờ này. Lẽ dĩ nhiên trước và sau cuộc biểu tình cũng có nhiều tiếng nói cất lên không đồng ý, chê trách hoặc bày tỏ lòng thèm muốn một cuộc biểu tình có cả hai màu cờ như tại Hamburg
Ảnh trích từ blog Gocomay
Hay như hai năm qua chỉ lấy bản đồ Việt Nam làm biểu tượng cho quê hương, dân tộc.
Đó là cách suy nghĩ và tranh luận từ bao năm nay. Nhưng một số người đã vượt qua được cái kẹt đó. Con đường tiến tới nào cũng phải bắt đầu từ một bước chân. Bước chân càng nhẹ nhàng nếu người bước đã buông được cái hành lý cũ kỹ làm trì trệ bước tiến của mình. Một hành lý đang có một giá trị mà ta nghĩ không thể buông bỏ, thì ít nhất lúc qua sông cũng cần được tạm cất lại để có triển vọng còn được khôi lại vị trí cũ sau cơn sóng gió. Cái quyết định buông bỏ hay tạm cất cũng không phải là dễ làm, và mỗi người cần một thời gian quyết định khác nhau. Trí thông minh, và sự hiểu biết sẽ giúp ta cho nhau thời gian, gạt bỏ những so bì hơn thiệt.
Muenchen đã cho nhau thời gian và hãnh diện bước tới.
Những người trẻ Muenchen vắng mặt trong cuộc biểu tình lúc trưa vì bù đầu sửa soạn cho buổi văn nghệ từ thiện giúp gia đình Phương Uyên và Nguyên Kha. Một số những bậc cha mẹ cũng vắng mặt trong cuộc biểu tình vì phải túc trực bếp núc và hổ trợ sắp xếp hội trường.
Không cờ quạt. Không biểu ngữ. Chỉ có những người Việt ràng quyện với nhau bởi tinh thần trách nhiệm đối với Tổ Quốc và với những người đã nằm xuống, cũng như vì lòng thương yêu và vì cùng một ý chí dành lại Tự Do, Dân Chủ trên mảnh đất cha ông ta để lại.
Blogger Người Buôn Gió đã lặn lội từ Berlin xuống để ủng hộ tinh thần cho những người trẻ Muenchen. Anh nói mong một ngày nào đất nước chúng ta chấm dứt được tình trạng đau buồn ngày hôm nay và chúng ta không còn lý do để phải tổ chức những buổi lạc quyên như thế này nữa.
Quá nửa đêm, chúng tôi lên mạng, chụm đầu vào nhau hồi hộp chờ tin những hoạt động tưởng niệm Hoàng Sa tại quê nhà, của những người bạn thật gần gũi, tuy nghìn trùng xa cách.
Thục Quyên