Nguyễn Văn Thạnh
Năm ngón tay, có ngón ngắn ngón dài; người trong một nước, có người
khôn người dại. Câu chuyện người khôn, người dại được nhà văn Nam Cao
phản ảnh rõ nét trong tác phẩm “Chí Phèo”. Bá Kiến là một người thông
minh, Chí Phèo là người thật thà, chất phát, có phần ngây thơ. Vì trời
cho trí tuệ thông minh nên Bá Kiến là người thành đạt, ăn trên, ngồi
trước, thuộc tầng lớp trên của xã hội, Chí Phèo thì ngược lại.
Bi kịch của xã hội là Bá Kiến không chỉ thành công từ trí tuệ của
mình mà còn dùng trí tuệ của mình để trục lợi từ Chí Phèo. Khi trẻ thì
lợi dụng sức lao động trai tráng của Chí Phèo để làm lợi cho mình; khi
ghen tuông thì mượn tay luật pháp để tống Chí Phèo vô tù cho thỏa cơn
ghen; sau khi ra tù, lợi dụng sự tha hóa của Chí Phèo để phục vụ cho
cuộc chiến phe phái, quyền chức của mình.
Ngày nay, dù đã trải qua một cuộc bể dâu, một cuộc cách mạng long
trời lở đất nhưng thảm cảnh trên vẫn còn. Những kẻ thông minh, có trí
tuệ, có của tiền hiện nay cũng đang trục lợi trên sự ngây thơ, chất
phát, có phần “ngu dốt” của dân nghèo. Nhìn vào bức cảnh lũ lụt ở miền
Trung ta thấy rõ điều đó. Bao nhiêu nạn dân trong biển nước lũ, phần lớn
họ là nghèo khó, trí tuệ không minh sáng (tôi nói số đông). Khi đã
thành nạn nhân, họ cũng không đủ hiểu biết pháp luật để đi thưa kiện bảo
vệ quyền lợi của mình. Họ bế tắt trong u tối và đói nghèo.
Một nhóm nhỏ thông minh đã biết vận động người cầm quyền, biết chạy
dự án, biết xin cho, biết luồn lách, biết lại quả,… để xây dựng nên
những nhà máy thủy điện, (có thể kèm theo phá rừng), chúng biết ăn chia
với nhau để hình thành lợi ích nhóm tiền-quyền. Chúng giàu có từ việc
xây thủy điện, từ tích nước phát điện trong khi chúng đẩy thảm họa trên
lưng người nghèo. Chúng biết bao che nhau khi gây ta tai họa. Dưới mắt
tôi, bức tranh đó không khác gì câu chuyện Bá Kiến trục lợi trên lưng
Chí Phèo năm xưa.
Năm xưa Chí Phèo đơn độc trước Bá Kiến nham hiểm và anh đã tàn đời,
anh không còn cơ hội làm người lương thiện dù bản chất lương thiện còn
cháy bỏng trong anh.
Ngày nay con người trẻ nên nhân văn hơn, công nghệ gắn kết chúng ta
với nhau, tôi tin rằng trong xã hội bao la sẽ có người dùng trí tuệ trời
phú của mình để bênh vực những người có trí tuệ kém hơn - những nạn
nhân cô độc của tai họa lũ lụt/xả lũ.
Câu chuyện Bá Kiến-Chí Phèo chưa kết thúc ở việc Bá Kiến thông minh,
nham hiểm trục lợi trên lưng Chí Phèo chất phát, ngây thơ. Nó kết thúc
bằng bi kịch là đổ máu, cả hai cùng chết.
Hy vọng ngày hôm này, kết cục buồn trên sẽ không xảy ra. Muốn vậy,
công lý phải được thực thi trước khi đẩy nạn dân vào con đường bế tắt,
cùng cực.
Tôi hy vọng rằng, nhân sĩ trí thức, bộ phận tinh hoa được xem như “bộ
não” của dân tộc, không chỉ dùng trí tuệ trời phú để “lo riêng” cho
mình mà còn dùng nó như trí tuệ của một dân tộc. Hãy dùng trí tuệ trời
phú để cứu lương dân đang cảnh lầm than. Cứu lương dân cũng chính là cứu
chính mình; bỡi lẽ, công lý cho lương dân Miền Trung cũng là công lý
cho cả nước. Thúc đẩy chuyện kiện tụng là thúc đẩy công lý trong hòa
bình.
Phần tôi, tôi xin góp công sức nhỏ bé của mình đến khi nào còn có thể!
Tây Sơn/1/1/2013
Nguyễn Văn Thạnh www.kienthuydien.org
Nguyễn Văn Thạnh www.kienthuydien.org