Thanh Trúc & Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Chiến hạm VNCH và Trung Quốc giao tranh ở Hoàng Sa năm 1974.
Sau trận hải chiến Hoàng Sa 1974 mà hậu quả là quần đảo này rơi vào
tay Trung Quốc, 40 năm sau vẫn không thể nói điều gì khác hơn rằng vấn
đề Hoàng Sa phải được ghi lại một cách trung thực trên từng chi tiết vào
lịch sử và trên các bộ sách giáo khoa, trong đó có sự chiến đấu dũng
cảm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ.
TQ vi phạm hiến chương LHQ
Thạc sĩ Đinh Kim Phúc, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Biển Đông,
tác giả quyền sách “Biển Đông: Luận Cứ Và Sự Kiện” phát hành năm 2011,
khẳng định như vậy trong bài trao đổi do Thanh Trúc thực hiện sau đây:
Đinh Kim Phúc: Như đã biết, Việt Nam chúng ta có đầy đủ bằng chứng
pháp lý về lịch sử chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa. Hay nói một cách khác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử
muộn nhất là từ thế kỷ XVII đã thực thi chủ quyền ở hai quần đảo này khi
nó chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Từ đó Việt Nam đã
thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình, đáp ứng đủ
những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi. Nhưng từ đầu
thế kỷ XX, Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội Việt Nam thuộc Pháp để bắt đầu
tham vọng tràn xuống phương Nam của mình, mà khởi đầu là sự kiện vào năm
1909.
Năm 1909, vì cho rằng quần đảo Hoàng Sa là vùng đất vô chủ, và sợ
Nhật Bản đánh chiếm, lần đầu tiên chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) đã
lập một ủy ban quản lý vùng và lệnh cho đô đốc Lý Chuẩn tiến hành cho
khảo sát Hoàng Sa. Sự vô lý về hành động của Lý Chuẩn như một tờ báo của
Pháp đã mỉa mai là: “…vẽ một bản đồ tổng quát về các đảo mà ông đã khám
phá và 15 bản đồ riêng của cùng những đảo đó “chỉ trong vài giờ !”.
Có thể nói rằng, quá trình tranh chấp biển Đông của Trung Quốc đã bắt đầu từ đây.
Thứ hai, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận trong
Chiến tranh Thái Bình Dương, năm 1946 chính quyền Tưởng Giới Thạch đã
đưa lực lượng ra chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng
Sa và ra yêu sách “chủ quyền”, nhưng yêu sách đó đã không thành hiện
thực khi Tưởng thua trận chạy khỏi đại lục vào năm 1949.
Thứ ba, năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp thua trận và rút
khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneve 1954 và trong khi
chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa theo
như thỏa thuận của hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra
chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.
Và đỉnh điểm của những tham vọng đó, tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã
dùng vũ lực cưỡng chiếm nhóm đảo phía Tây và hoàn thành việc chiếm đóng
toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của Chính quyền Việt Nam Cộng
Hòa.
Với những hành động này, Trung Quốc đã vi phạm Điều 2 khoảng 4 của
Hiến chương LHQ. Có nghĩa là gì? Dùng vũ lực xâm lược lãnh thổ của một
quốc gia có chủ quyền. Đây là hành động xâm lược!
Thanh Trúc: Thưa ông Đinh Kim Phúc, đến lúc này Việt Nam phải làm
gì khi mà Hoàng Sa đã về tay Trung Quốc 40 năm nay, chưa kể là từ 1988
Trung Quốc cũng đã chiếm đóng trái phép một số đảo trên quần đảo Trường
Sa của Việt Nam?
Đinh Kim Phúc: Việt Nam không chủ trương tiến hành chiến tranh vì
chiến tranh không phải trò đùa. Theo quy định của Công Ước Quốc Tế Về
Luật Biển của LHQ (UNCLOS) năm 1982, các bên tranh chấp có thể lựa chọn
một hoặc một số phương pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp. Nhưng từ
lâu, quan điểm của Trung Quốc là không bàn về vấn đề Hoàng Sa.
Như tôi đã trình bày, đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam có đầy đủ
bằng chứng pháp lý về lịch sử chủ quyền của Việt Nam, chính vì vậy Việt
Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa Án Công lý Quốc tế (International
Court of Justice – ICJ). Nhưng nhiều lần Trung Quốc lên tiếng cho rằng
vấn đề Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, họ
phản đối bất cứ phân xử nào của các tổ chức quốc tế.
Cho dù Trung Quốc không đồng ý, nhưng Việt Nam vẫn phải kiện Trung
Quốc để duy trì tính liên tục trong việc tuyên bố chủ quyền của Việt
Nam. Mặc khác, hồ sơ pháp lý của Việt Nam sẽ đánh động dư luận quốc tế
về tính phi nghĩa của Trung Quốc trong chính sách bành trướng của họ.
Về quần đảo Trường Sa, chính vì hiện nay quần đảo Trường Sa đang bị
nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng trái phép Trung Quốc,
Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei, theo tôi, trước mắt Việt Nam
nên tuân thủ quan điểm giữ nguyên hiện trạng, không gây phức tạp thêm
tình trạng chiếm đóng và tìm biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề,
trước mắt là trong nội bộ các nước ASEAN.
Riêng đối với Trung Quốc, với yêu sách của họ trên Biển Đông thể hiện
bằng tấm bản đồ hình lưỡi bò chiếm 80% diện tích Biển Đông mà họ chính
thức tuyên bố vào tháng 5/2009, trước mắt Việt Nam nên học tập kinh
nghiệm của Philippines là khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo phụ
lục VII của UNCLOS. Nội dung khởi kiện là yêu cầu Tòa Trọng tài giải
thích việc Trung Quốc đưa ra bản đồ đường lưỡi bò có phụ hợp với UNCLOS
hay không? Chắc chắn rằng công lý không đứng về phía Trung Quốc.
Thanh Trúc: Là một nhà nghiên cứu lịch sử, ông đã rút ra được những bài học lịch sử gì khi nghiên cứu về Biển Đông?
Đinh Kim Phúc: Thứ nhất, tại Hội nghị Hòa bình San Francisco 1951, Liên Xô đã đề nghị công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại sao? Vì từ năm 1950, Hoa Kỳ bắt đầu can dự vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Liên Xô sợ Mỹ sẽ kiểm soát hai quần đảo này và khống chế Biển Đông.
Đinh Kim Phúc: Thứ nhất, tại Hội nghị Hòa bình San Francisco 1951, Liên Xô đã đề nghị công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại sao? Vì từ năm 1950, Hoa Kỳ bắt đầu can dự vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Liên Xô sợ Mỹ sẽ kiểm soát hai quần đảo này và khống chế Biển Đông.
Thứ hai, vì sao Hoa Kỳ làm ngơ cho Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa vào
tháng 1/1974 từ tay Việt Nam Cộng Hòa, một đồng minh của Hoa Kỳ?
Sau Hiệp định Paris về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở
Việt Nam 1973, Hoa Kỳ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, và họ tin
rằng cách mạng Việt Nam sẽ thắng lợi, ảnh hưởng của Liên Xô sẽ không
ngừng phát triển ở Đông Dương. Dùng lá bài Trung Quốc thời hậu chiến ở
Đông Dương là chính sách tối ưu đối với Hoa Kỳ lúc bấy giờ.
Quan hệ quốc tế giữa các cường quốc bao giờ cũng là tai họa cho các
nước nhỏ. Bài học cảnh giác trong lịch sử Việt Nam không bao giờ thừa!
Thanh Trúc: Thưa thạc sĩ Đinh Kim Phúc, hiện đang có dự dịnh của
nhà nước và Bộ Giáo Dục Đào Tạo đưa vấn đề Hoàng Sa Trường Sa vào sách
giáo khoa. Ông có muốn nói thêm điều gì nữa không?
Đinh Kim Phúc: Đã là người Việt Nam, nếu không có hành động bảo vệ
chủ quyền lãnh thổ của đất nước thì cũng đừng nên có hành động “cõng rắn
cắn gà nhà” như một số quan chức của Bộ Giáo Dục và Đào tạo trong vụ
sách giáo khoa có in bản đồ đường lưỡi bò vừa qua.
Và trong thời đại ngày nay, trong thời kỳ toàn cầu hóa mà tất cả các
dân tộc, các quốc gia trên thế giới đều phấn đấu để giữ vững nền hòa
bình tự do của mình thì những hành động của Trung Quốc như thế đã làm
cho thế giới thấy rõ bộ mặt thật của họ: miệng thì nói hòa bình, tay thì
chuẩn bị chiến tranh.
Một ý khác nữa, sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông trong thời
gian vừa qua, cũng những gì họ diễn ta trên vùng biển Hoa Đông, là
những dữ liệu thức tỉnh cho những ai còn nuôi ảo tưởng về con đường phát
triển hòa bình của Trung Quốc. Một lần nữa cảnh giác trước chính sách
bành trướng của Trung Quốc không bao giờ thừa đối với các nước láng
giềng của Trung Quốc tức các nước ở khu vực Đông Nam Á.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn thạc sĩ Đinh Kim Phúc.