Tống Văn Công
Ngày 30-12-2013, TBT Nguyễn Phú Trọng làm việc với Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương và ông đã có những kết luận đáng lo ngại.
Đã 3 năm các nhà lý luận thực hiện ý kiến mới mẻ của ông sau khi nhận chức Tổng bí thư khóa 11: “Phân tích bối cảnh tình hình, xu thế phát triển trên toàn thế giới… Nếu không có những đột phá về lý luận sẽ không thể tạo ra được tiền đề khoa học cho sự phát triển thực tiển, cho chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đảng và Nhà nước ta.” Năm nay, nhiều người hy vọng TBT sẽ chỉ ra thành tựu 3 năm qua về lý luận có “tính đột phá”, nhưng lại nghe kết luận mới của ông hoàn toàn ngược lại: “Cung cấp các luận cứ nhằm tăng cường công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận, đồng thời điều phối, tổ chức lực lượng thực hiện các luận cứ này nhằm phản bác mạnh mẽ các luận điệu, quan điểm sai trái; phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa.”
Sau 3 năm, ông TBT đã từ lý luận theo hướng đột phá chuyển ngược vào luận cứ! Muốn đột phá về lý luận thì các nhà lý luận phải được hoàn toàn tự do tư tưởng khi tiến hành quan sát thực tiễn. Như vậy mới có thể phát hiện cái mới vừa xuất hiện và nhận ra mớ lý luận giáo điều đã bị thực tiễn vứt bỏ. Thực tiễn là thước đo chân lý mà! Còn nay, các nhà lý luận đã bị buộc phải mang cặp kính “luận cứ” để đi soi vào thực tiễn, từ đó chụp mũ những con người đang hoạt động rất đúng với quy luật tất yếu, nhưng không đúng với cái khuôn “luận cứ” cho trước, phải đè họ ra, phê phán là sai trái, phản động! Tình trạng này, lịch sử đã có nhiều bài học rồi. Đó là Kim Ngọc cho nông dân thực hiện khoán đã bị coi là đi vào con đường bẩn thỉu phục hồi chủ nghĩa tư bản! Đó là Võ văn Kiệt “xé rào” đã bị coi là “đi theo con đường của chủ nghĩa tự do tư sản”. Cuối năm 2012, ông TBT còn có chỉ thị cho Hội đồng lý luận TƯ phải “phát huy cao độ tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ trí thức, tổ chức, huy động, chắt lọc kết quả nghiên cứu…”. Năm nay, ông không nhắc đến đội ngũ trí thức nữa. Phải chăng là vì muốn tránh cái kết quả không mong muốn về cuộc vận động “góp ý Hiến pháp không có vùng cấm” giữa chừng đã phải bẻ quặt lại vì “kiến nghị 72” của nhân sĩ trí thức!
Chẳng lẽ ba năm qua thực tiễn đất nước không có gì mới đáng cho các nhà lý luận Việt Nam tìm thấy điều gì cần phải “đột phá”? Chẳng lẽ kết quả đột phá về lý luận chỉ là chuyện phát hiện “phải viết hoa hai chữ Nhân dân trong Hiến pháp mới” của ông Phan Trung Lý? Thật ra có không ít vấn đề hiển hiện trong thực tiễn mà không được các nhà lý luận quan tâm. Xin nêu vài điều:
- Từ 10 năm qua, nhân dân cả nước không ngừng đi khiếu kiện vượt cấp về đất đai. Nhiều người cho rằng cái lý luận “đất đai là sở hữu toàn dân” chính là nguyên nhân gây ra tình trạng ấy. Có người phân tích rằng, việc chống lại quyền tư hữu ruộng đất của nông dân là một “tử huyệt”. Tại sao Hội đồng lý luận TƯ không tìm câu trả lời đủ sức thuyết phục về vấn đề này?
- Nạn tham nhũng 20 năm qua càng ngày càng lộng hành, bất chấp các Nghị quyết của Đảng và Luật phòng chống tham nhũng. TBT Nguyễn Phú Trọng băn khoăn hỏi: “Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu?... Vướng mắc chính là ở chỗ nào?” Nhiều người không đồng ý với ông khi cho rằng nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay và được vận động sâu rộng mà vẫn bị thất bại. Có nhiều bài viết chỉ ra rằng, thất bại là vì kiêng kỵ, không chịu thực hiện nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập. Tại sao Hội đồng lý luận TƯ không tìm câu trả lời có ý nghĩa “tồn vong đối với chế độ”? (theo từ ngữ của 2 TBT Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng).
- Hội nghị TƯ 7, lần đầu tiên có chuyện hai người được TBT đứng ra giới thiệu để bầu vào Bộ chính trị, nhưng đều bị rớt. Đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử 83 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam . Điều đó đã khiến cho nhiều đảng viên lão thành quen với quá khứ trên bảo sao dưới răm rắp nghe theo, đã hết sức lo lắng. Ông Hữu Thọ, nguyên trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã có bài rất hay trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ ngày 20-5-2013 với đầu đề cũng rất hay là “Lá phiếu và xu hướng dân chủ hóa”. Ông Hữu Thọ đã giải tỏa được nỗi băn khoăn của nhiều đảng viên lão thành khi cho rằng “Đây là tín hiệu đáng mừng về xu hướng dân chủ hóa”. “Dân chủ hóa” là cụm từ xuất hiện ngày càng nhiều sau Đại hội 6. Ông Trần Xuân Bách là người nhiều lần đề cập đến nội dung dân chủ hóa trong Đảng và dân chủ hóa trong xã hội. Tuy nhiên việc này không dễ thực hiện bởi nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phải phục tùng cấp trên. Cấp trên, bí thư đã nói ra thì chỉ có đúng. Chủ tịch Đảng, Tổng bí thư nói ra thì phải tuyệt đối đúng. Những đảng viên lão thành đã quen với cách bầu cử đã thành nếp, cấp ủy khóa tới cần có mấy ủy viên thì chỉ giới thiệu đúng mấy người. Người nào được cấp ủy, bí thư của khóa trước giới thiệu thì chắc chắn 100% được đắc cử, bởi họ đã được bảo đảm là thành phần ưu tú, là người có quan điểm, lập trường giai cấp vô sản vững vàng nhất. Những nhà lý luận của nền “dân chủ cao hơn gấp triệu lần hơn dân chủ tư sản” (bà Phó chủ tịch Nguyễn thị Doan đã tự tiện hạ xuống “vạn lần hơn”) cho rằng đề cử nhiều người hơn số cần phải bầu cử chỉ là thứ “dân chủ hình thức” của giai cấp tư sản, nhằm mục đích mị dân (!)
Ông Hữu Thọ cho rằng xu hướng dân chủ hóa là tín hiệu đáng mừng nên hiểu như thế nào? “Dân chủ hóa” theo định nghĩa của Đại từ điển Tiếng Việt là “Làm cho có được dân chủ.“ Vậy có phải ở lĩnh vực nào đó (ở đây là vấn đề bầu cử trong Đảng) lâu nay không có dân chủ, nay phải thực hiện khác hẳn để có được dân chủ? Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh định nghĩa, xu là chạy mau, thúc dục , xua vào. Xu hướng là khuynh hướng về nơi ấy, chí hướng. Đại từ điển Tiếng Việt giải nghĩa “xu hướng là hướng đi tới, thể hiện khá rõ thực chất của nó: xu hướng chính trị, xu hướng tiến bộ.” Có thể hiểu rằng, từ “xu hướng” cho biết cái sự việc đang được chỉ ra đã rời khỏi vị trí cũ để đi tới một lĩnh vực mới. Vậy “dân chủ hóa” có thể hiểu là sự rời khỏi nội dung “tập trung dân chủ”, để thực hiện nội dung dân chủ phổ quát của nhân loại đã được ghi nhận trong các Công ước quốc tế, như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó quy định các quyền tự do quyết định thể chế chính trị, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội…
Nhận định quan trọng của ông Hữu Thọ, người từng đứng đầu hệ thống lý luận của chế độ, chưa được các nhà lý luận hôm nay nhận định là có tính đột phá hay trái với luận cứ!
Viết đến đây thì trên ti vi phát Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tựa đề “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển bền vững”. Lắng nghe nhiều nội dung do ông đặt ra rất đáng quan tâm:
“Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.”
Ông gọi là “nhà nước pháp quyền” theo khái niệm phổ quát của xu thế dân chủ trong thời đại toàn cầu hóa. Có thể hiểu đây là sự kế tục mạnh mẽ tư tưởng Tuyên ngôn độc lập 1945 mở đầu bằng Điều 1 của Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền của cách mạng Pháp. Điều đó cũng buộc phải nhớ và tôn trọng Điều 16 của Tuyên ngôn này vốn là nền tảng Hiến pháp 1946: “Ở một xã hội mà quyền con người không được đảm bảo, nguyên tắc tam quyền phân lập không được tôn trọng, thì Hiến pháp được ban hành hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì”.
Ông cho rằng “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp song sinh” và nhấn mạnh: “Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng…. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Nghe đoạn này gợi nhớ, câu nói của triết gia người Mỹ đại ý: Công dân, cử tri sẽ là người sau chót trông coi đối với sự tự do của chính họ. Chính phủ không thể là kẻ đối lập với các quyền tự do cá nhân mà phải là người bảo hộ các quyền tự do đó cho công dân. Ông Thủ tướng là người đầu tiên lên tiếng ở diễn đàn Quốc hội phải có Luật biểu tình và cũng là người đầu tiên lên tiếng ở Quốc hội cho rằng, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng dù đặt ở đâu cũng không quan trọng mà, quan trọng là các cơ quan chức năng về tư pháp có hoạt động tốt hay không.
Ông định nghĩa “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời phải có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội”. Định nghĩa này hoàn toàn khác với Nghị quyết TƯ 6 khóa 10 (tôi đã có dịp góp ý là một định nghĩa sai trái, phản khoa học), và mạch lạc, rõ ràng hơn định nghĩa của Nghị quyết Đại hội 11.
Ông nhận định: ”Nhìn lại 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là từ Đại hội VI của Đảng”. Ông cho rằng đất nước đang cần có thêm động lực để phát triển mà “Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”. “Đổi mới thể chế”! Tức là thể chế cũ hiện tồn không có những yếu tố cần thiết để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo ra động lực mới cho phát triển đất nước.
Cuối cùng ông nhấn mạnh phải “Đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng…” Câu này nhắc tình trạng “Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp…” đã bị bỏ quên.
Thưa Tổng bí thư, thiết nghĩ ông nên giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương: Hãy kiên quyết vứt bỏ những “luận cứ giáo điều” để mang theo bảo bối “Đổi mới thể chế” đi vào thực tiễn, góp phần tạo ra nguồn lực mới phát triển đất nước!
Tống Văn Công, gửi cho viet-studies ngày 2-1-14