Nguyễn Văn Thạnh
Kinh nghiệm của tôi là mọi cái đều cần phải nghiệm mới nắm được vấn đề một cách thấu đáo.
Là một nạn nhân
của thủ đoạn mượn tay côn đồ đánh người nên tôi rất quan tâm vấn đề
này. Như đã nói trong một bài viết trước, tôi mong muốn được đóng góp
công sức, cả thực tiễn và trí tuệ để diệt trừ nó. Tôi quyết tâm vì tôi
thấy sự tàn độc, nham hiểm, bá kiến của thủ đoạn. Nó không chỉ gây bất
an cho cuộc sống hôm nay mà nó còn có thể làm đổi dòng lịch sử của dân
tộc.
Quan điểm của tôi là tranh đấu trong khuôn khổ của pháp luật, nên tôi cứ phải đơn thư.
Theo kế hoạch, ngày mai (19.1.2014), tôi tổ chức buổi café và hoạt động phát bong bóng để quảng bá ý tưởng công trình gây quỹ Hoàng Sa-Trường Sa nhân dịp tưởng niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa vào tay quân xâm lược Trung Quốc.
Để khắc chế thủ đoạn mượn tay côn đồ đánh người, tầm 14h/18.1.2014 tôi và một người bạn đến trụ ở công an Q. S.T để gửi đơn yêu cầu đảm bảo an ninh. Tiếp tôi là một người mặc thường phục, ông ta nhận đơn, hỏi qua vài điều.
Sau đó tầm 30 phút có người gọi:
- Có phải anh Thạnh, người vừa gửi đơn cho CA Q. S.T không?
- Vâng, tôi Thạnh đây.
- Tôi bên CA Q. S.T, bây giờ, anh có thể đến để cung cấp thêm thông
tin nơi dự định tổ chức, số người tham gia để chúng tôi có cơ sở bảo đảm
an toàn cho anh. Đơn này anh gửi thiếu thông tin nên chúng tôi không
thể điều anh em được.
- Vâng, nhưng hiện tại tôi không thể đến được. Tôi nghĩ bình thường
công tác bảo đảm an ninh là nhiệm vụ của các anh, nay tôi chỉ báo thêm
để cho anh biết tình hình.
- Không được, anh phải đến để cung cấp thêm một số thông tin, nếu
không đơn báo này của anh không có giá trị. Q. S.T rộng lớn, biết địa
điểm nào để bố trí anh em hỗ trợ?.
Nghe cũng hợp lý nên tôi xin hẹn 17h, sau đó dời lại 19h.
19h, tôi và người bạn Nguyễn Duy Quang đến cơ quan CA Quận S.T. Quang
ngồi café bên ngoài, tôi vào. Dù được danh là ông chủ, góp tiền nuôi
đầy tớ nhưng tôi cũng thấy ớn ớn khi vô chốn này.
Tiếp tôi là một người mặc thường phục đang xem tivi. Ông ấy xem giấy
tờ tùy thân và bảo tôi ngồi đợi. Lát sau có một nhân viên mặc thường
phục tầm trên 30-40 tuổi tiếp tôi. Chiếc tivi được kê trên một chiếc tủ
cách bàn làm việc 1m nên phát ra tiếng rất ồn ào. Tôi đề nghị tắc để dễ
làm việc thì anh này không chịu, anh nói cứ để thế, nói chuyện cũng
không sao. Người trực ban cầm remote định tắt hay vặn nhỏ nhưng anh
không cho. Sau tôi nói quá thì anh có vẻ bực bội bảo giờ là hết giờ hành
chính, vì tôi nên anh phải lên đây tiếp tôi nên không thể như giờ hành
chính được. Làm việc trong môi trường ồn ào như vậy, tôi cảm thấy rất
khó chịu. Sau này ngẫm nghĩ tôi giả thuyết có thể anh ta muốn dùng tivi
để tạo ra tạp âm để tôi có ghi âm cũng không thể nghe được? Ngoài lý do
này, tôi không thể nghĩ ra lý do nào khả dĩ để giải thích cho chuyện kỳ
quái trên. (Nếu đúng như giả thuyết này thì thật là nham hiểm).
Anh này hỏi tên tôi, yêu cầu tôi nói công việc muốn làm, vị trí làm,
vì sao làm đơn trình báo này. Tôi cung cấp cho anh ta rõ ràng, đầu đủ,
kèm cả chuyện tôi bị côn đồ tự phát tấn công vô cớ. Nghe xong anh bảo
rằng theo nghị định 38, hành vi tụ tập ở nơi công cộng trên 5 người phải
xin phép.
Tôi hơi ngạc nhiên:
- Tôi nghĩ công dân có quyền tự do làm những việc như vậy. Tôi có
quyền mời, rủ bạn bè café trao đổi ý tưởng chứ? Không lẽ đi uống café
trên 5 người phải đăng ký, xin phép, gì kỳ vậy? Không lẽ đất nước này
quản lý độc đoán đến thế?
- Đúng là công dân có quyền tụ tập uống café nhưng còn tùy làm việc
gì. Ví dụ một đám đông có thể tụ tập bàn nhau đi du lịch nhưng lỡ tụ tập
bàn nhau chuyện cướp của thì sao? Do vậy phải xin phép cơ quan chức
năng để bảo đảm an toàn cho xã hội.
- Tôi nghĩ việc xin phép hay không xin phép là việc tôi với bên quản
lý hành chính và tư pháp. Hôm nay tôi đến đây để báo anh về trách nhiệm
an ninh và nhiệm vụ các anh là phải bảo đảm an ninh.
- Đúng là nhiệm vụ chúng tôi là bảo đảm an ninh cho mọi người nhưng
còn tùy anh là ai và làm việc gì. Anh thấy đấy, bao nhiêu người ngồi
uống café khắp vỉa hè vẫn bảo đảm an ninh đó thôi. Còn khi anh xuống
lòng đường ngồi thì không thể bảo đảm an ninh được.
Chúng tôi trao đổi xung quanh chuyện qui định tụ tập trên 5 người
phải xin phép và anh ta cố thuyết phục tôi làm theo qui định của pháp
luật. Tuy nhiên tôi thấy sự phi lý và lý lẽ lòng vòng của anh ta. Thấy
không đi đến đâu, tôi nói:
- Ngày mai tôi vẫn sẽ làm những việc mà tôi cho là công dân có quyền
làm mà không phải xin phép và nhiệm vụ các anh là bảo đảm an ninh. Tôi
đã làm đơn báo cho anh, nếu có gì xảy thì sẽ rất đáng tiếc, sẽ ảnh hưởng
đến uy tín của cơ quan anh.
Anh ta lại khuyên tôi, anh ta nói tôi nên làm theo đúng qui định của
pháp luật để bảo đảm được an ninh, an toàn. Anh ta còn lấy trong túi ra
một tập giấy photo nói là nghị định 38, anh chỉ lướt qua một số qui định
nhưng tôi không chú ý lắm vì nghĩ sẽ tra trên mạng sau. Tôi hỏi xin anh
ta một bản có được không thì anh không chịu.
Tôi nói:
- Như vậy quan điểm bên anh tôi đã hiểu, tôi xin phép tôi về.
- Anh cầm lại đơn.
- Tôi cầm về làm gì? Đơn này tôi trình báo cho các anh mà.
- Được rồi, anh cứ cầm về, chúng tôi đã vào sổ và đã biết việc anh báo.
Tôi thấy kỳ quá, nhưng thấy anh ta kiên quyết đưa lại đơn nên tôi nhận cầm về.
Có một điều kỳ lạ nữa là anh này không chịu xưng tên tuổi, cấp bậc
của mình dù tôi hỏi nhiều lần. Sau thấy tôi truy quá, anh ta nói tên là
Ngọc rồi đánh trống lảng sang chuyện khác.
Anh ta tiễn tôi ra tới cổng, rất lịch sự, nói rằng có biết tôi là ai
và biết việc tôi làm. Anh ta lại khuyên tôi làm đúng theo qui định của
pháp luật để an ninh được bảo đảm.
Tôi cảm ơn anh ta, ra cổng trong ngao ngán.
Tôi không biết ngày mai có chuyện côn đồ hay lệnh bắt, phạt hành
chính vì chuyện tụ tập uống café trên 5 người không xin phép không?
Ngẫm nghĩ, tôi thấy cái quốc pháp nước nhà hết sức hổ lốn và nham
hiểm. Tôi thấy trăm thứ qui định của pháp luật, ngàn thứ nghị định tạo
điều kiện thuận lợi cho nhà cầm quyền, đẩy thế khó cho dân. Mỗi dân đen
thì là tên tội phạm dự khuyết.
Thật khó sống.
Nguyễn Văn Thạnh
Sau khi chia tay Quang để về phòng, ngả lưng được 5 phút thì
người bạn Duy Quang của tôi gọi điện thông báo cho tôi biết có hai kẻ lạ
mặt bám theo ráo riết, làm cậu ấy sợ quá phải đi ngủ nơi khác.
Bài tiếp: Sự nham hiểm của hệ thống luật pháp toàn trị