Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Trung Quốc và Những cuộc Chiến tranh Việt Nam, 1950 -1975 (c.1 - p.4)

Diên Vỹ chuyển ngữ

Những Thất bại và Tái Tổ chức Năm 1951
Rõ ràng là phấn khởi từ thắng lợi trong chiến dịch biên giới cũng chiến thắng của Trung Quốc trong những trận đầu tiên với lực lượng Liên Hiệp Quốc ở Triều Tiên, vào cuối năm 1950 ĐCVQSTQ và QĐNDVN quyết định phát động một cuộc tổng tiến công vào khu vực châu thổ sông Hồng. Một số cán bộ cao cấp của đảng xem chiến dịch biên giới là “một cuộc tấn công từng phần” sau đó chuyển thành một cuộc tấn công toàn diện.[93] Võ Nguyên Giáp là người cổ xuý chính cho việc chuyển sang giai đoạn thứ ba và cuối cùng của cuộc chiến tranh nhân dân (hai giai đoạn đầu là phòng thủ chiến lược và bao vây). Năm 1950 ông đã phát hành một tờ rơi có tên “Nhiệm vụ của Quân đội trong việc Chuẩn bị cho cuộc Tổng Phản công”, trong đó ông tuyên bố điều kiện đã chín mùi để lực lượng cách mạng chuyển sang tổng tấn công để loại bỏ kẻ thù với số lượng lớn và để chiếm đóng các thành phố. Giáp đề cập đến bốn điều kiện đánh dấu việc chuyển sang giai đoạn cuối cùng: (1) tinh thần quyết tâm chiến đấu của quân cách mạng cao hơn nhiều so với địch quân; (2) sự tiếp tục vượt trội của địch chỉ đơn thuần về mặt quân sự, có gây khó khăn cho Việt Minh nhưng không có nghĩa là bất khả kháng; (3) sự phát triển quan trọng của các yếu tố quốc tế (ám chỉ sự trợ giúp của Trung Quốc); và (4) sự vượt trội về chiến lược lãnh đạo của lực lượng cách mạng.[94] Một số lãnh đạo khác trong đảng cũng thiên về việc đánh chiếm đồng bằng sông Hồng để giải quyết nạn thiếu gạo trong các vùng giải phóng.[95]

Tháng Giêng 1951, Giáp phát động Chiến dịch Hoàng Hoa Thám 1 bằng cách tấn công thủ phủ Vĩnh Yên, cách Hà Nội ba mươi bảy dặm về phía tây bắc trong khu vực miền tây của châu thổ sông Hồng.[96] Giáp chọn chiến thuật biển người mà Trung Quốc đang sử dụng tại Triều Tiên.[97] Tướng Jean de Lattre de Tasigny, tân tổng tư lệnh của Pháp tại Đông Dương,[98] đã đối phó bằng cách đưa quân dự bị theo đường hàng không từ Trung Kỳ đến Vĩnh Yên và ném bom xăng lên đối phương. Việt Minh đã không chiếm được thành phố và bị thiệt hại ít nhất là 6 nghìn quân.[99]
Nhưng thất bại này vẫn không làm thay đổi kế hoạch của Giáp. Vào cuối tháng Ba, ông đưa các đơn vị của mình về hướng đông để tấn công Mạo Khê nằm ở cực bắc châu thổ (Chiến dịch Hoàng Hoa Thám 2). Sau bước đầu đột phá thành công tuyến phòng ngự đầu của Pháp, phe tấn công đã không chiếm được thị trấn và phải từ bỏ kế hoạch của mình sau khi bị thất tổn nặng nề. Tấn công của Giáp vào khu vực Phủ Lý và Ninh bình trên Sông Đáy phía nam Hà Nội vào tháng Năm cũng chịu chung số phận.[100] Những thất bại này đã khiến các cố vấn Trung Quốc nghĩ rằng quá sớm và quá khó để Việt Minh đạt được một chiến thắng dứt điểm bằng các cuộc tấn công qui mô lớn tại một khu vực mà quân đội thuộc địa có thể huy động hoả lực vượt trội từ các căn cứ gần đấy. Họ nhận ra rằng họ phải thực tế và cẩn thận hơn trong việc giúp QĐNDVN vạch kế hoạch cho các chiến dịch tương lai.[101]
Trong một bức điện gửi Mao ngày 27 tháng Giêng 1951, Vi Quốc Thanh đã than phiền về QĐNDVN và đề nghị huấn luyện và tái tổ chức. Hai ngày sau, vị lãnh tụ ĐCSTQ trả lời, trước tiên ông ủng hộ kế hoạch của Vi và yêu cầu ông nên kiên nhẫn với người Việt, đừng khiến họ oán giận. “Những thiếu sót hiện nay của họ,” Mao nói tiếp, “cũng là những thiếu sót mà quân đội Trung Quốc từng mắc phải khi còn non nớt. Điều này không có gì lạ. Chúng ta chỉ có thể giúp họ bằng cách thuyết phục họ cải tiến dần trong thời gian đấu tranh lâu dài.”[102] Rõ ràng Mao đang nói đến sự thiếu kiên nhẫn của QĐNDVN trong việc phát động những cuộc tấn công qui mô lớn để chiếm các thành thị, ông so sánh việc này với kinh nghiệm tương tự của Hồng quân trong những năm đầu. Nhận định của Mao với Vi Quốc Thanh không những lộ vẻ bề trên đối với QĐNDVN mà còn oái ăm ở điểm vị lãnh tụ ĐCSTQ đang tự mình liên tục thúc đẩy các cuộc tấn công tại Triều Tiên, vượt quá lời tham mưu của tư lệnh Bành Đức Hoài. Tại Triều Tiên, Mao cũng mắc phải lỗi lầm thiếu kiên nhẫn tương tự mà ông đang chê trách giới lãnh đạo Việt Minh.
Vào đầu năm 1951, ĐCVQSTQ đề nghị với QĐNDVN một kế hoạch tái thiết hệ thống điều hành cũng như huấn luyện và tái tổ chức quân đội. Với sự chấp thuận của Hồ, ĐCVQSTQ đã giúp QĐNDVN đơn giản hoá cơ chế điều hành của ba tổng cục (Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần) và các sư đoàn. Các nhân sự dư thừa bị cắt giảm và điều xuống các đơn vị chiến đấu. ĐCVQSTQ phụ giúp ba tổng cục thảo các điều lệ và qui định để mỗi chiến sĩ đều hiểu rõ nhiệm vụ của mình. Các cố vấn Trung Quốc đóng tại cấp sư đoàn mở các lớp huấn luyện cho các chỉ huy cấp đại đội, trung đội và tiểu đội. Kết quả là QĐNDVN đã trở nên chuyên nghiệp hơn.[103]
Phương pháp truyền thụ ý thức hệ mà các cố vấn Trung Quốc đưa vào QĐNDVN được gọi là Chỉnh Huấn. Một tự điển xuất bản từ Hà Nội giải thích chỉnh huấn là “một phong trào cải cách tư tưởng trong cán bộ và nhân dân qua việc tổ chức nghiên cứu chính trị và tự phê bình để gắn liền với lý tưởng chung.” Tự điển này cũng chỉ ra từ gốc của chỉnh huấn là chỉnh phong, một chiến dịch sửa sai mà Mao từng phát động trong những năm đầu 1940 để củng cố vị trí của mình trong ĐCSTQ. Tháng Sáu 1951, tập san nghiên cứu chính trị của QĐNDVN là Quân chính Tập san đã nhắc đến chiến dịch chỉnh huấn sau trận Hoàng Hoa Thám vào tháng Tư trước và vạch ra một hướng đi cho mùa hè tới. Các chiến dịch chỉnh huấn sau này sẽ còn được thể chế hoá trong phong trào cải cách ruộng đất vào năm 1953.[104]
Bằng cách giúp Việt Minh thực hiện những cuộc vận động chỉnh huấn, các cố vấn Trung Quốc đã truyên truyền chủ thuyết “tinh thần cao hơn vật chất” của Mao, một phong cách nghiên cứu chú trọng việc chấn chỉnh ý thức hơn là các yếu tố khách quan. Phong cách Maoist này dựa trên tư tưởng tân Khổng giáo trước đây chuyên chú trọng vào ý thức của giới lãnh đạo được đào tạo chu đáo như là một yếu tố tự chuyển hoá trong việc bồi dưỡng đạo đức và chính trị quan.[105] Với tư tưởng tân Khổng giáo vốn đã có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam, các cố vấn Trung Quốc không gặp khó khăn mấy trong việc tìm ra những người hoan nghênh học thuyết Maoist chuyên nhấn mạnh vào “tư tưởng đúng đắn” trong hoạt động chính trị.
Nỗ lực củng cố QĐNDVN là một phần của chiến dịch tổng thể của Hồ với sự trợ giúp của các cố vấn Trung Quốc nhằm củng cố và phát triển chính quyền VNDCCH trong năm 1951. Vào đầu năm, theo yêu cầu của ĐLĐVN, Đoàn Cố vấn Chính trị Trung Quốc (ĐCVCTTQ) được thành lập với La Quí Ba làm chủ tịch. Đoàn này được chia thành nhiều bộ phận để đảm đương các lĩnh vực quân sự, tài chính và kinh tế, công an, văn hoá và giáo dục, mặt trận liên hiệp, củng cố đảng và cải cách ruộng đất. Đoàn có trên một trăm cố vấn. Trong suốt năm, ĐCVCTTQ đã bận rộn giúp đỡ Hồ soạn thảo luật lệ và chính sách liên quan đến tài chính, thuế má, trưng thu thóc, đàn áp các thành phần phản động, quản lý báo chí và truyền thanh, quan hệ với các đảng phái và đoàn thể phi Cộng sản và chính sách đối với người thiểu số.[106]
Lạm phát và thâm thủng ngân sách là hai vấn đề cấp bách nhất đang hủy hoại kinh tế VNDCCH. Để đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực và thương mại, chính phủ của Hồ đã dùng đến một chính sách táo bạo là lạm dụng việc phát hành tiền tệ vào đầu năm 1951. Ngày 22 tháng Giêng, Lưu Thiếu Kỳ ra lệnh cho La Quí Ba cảnh báo những người Cộng sản Việt Nam về mối nguy hiểm của việc này. Phương pháp đúng đắn để khắc phục những khó khăn kinh tế, Lưu nhấn mạnh, là phát triển sản xuất và thương mại.[107]
Bên cạnh việc quản lý kinh tế yếu kém từ phía trên, những cố vấn Trung Quốc còn phát hiện ra nạn tham nhũng trong giới cán bộ Việt Minh cấp dưới trong lĩnh vực tài chính cũng như nạn tiêu xài bừa bãi và phung phí hàng viện trợ của Trung Quốc. Giữa tháng Tư và tháng Năm, Lưu Thiếu Kỳ đã hai lần gửi thông điệp đến Hồ Chí Minh để cảnh báo những vấn đề này. Trong một bức điện ngày 20 tháng Tư, Lưu nhấn mạnh với Hồ tầm quan trọng trong việc trừng phạt những cán bộ đã vi phạm các luật lệ tài chính và giữ gìn kỹ luật để tất cả các nguồn tài chính và nguyên liệu được sử dụng hiệu quả nhất vì mục đích chống Pháp. Trong bức điện thứ hai gửi ngày 2 tháng Năm, Lưu bảo Hồ rằng nhiều hàng hóa Trung Quốc, trong đó có đạn dược, máy liên lạc, và dụng cụ quang tuyến đã bị bỏ bê không chăm sóc bên vệ đường hoặc trong những hang động tại Việt Nam. Ông yêu cầu vị lãnh tụ Việt Nam phải chấn chỉnh vấn đề này.[108]
Những biện pháp kinh tế tài chính mới được đề ra chủ yếu là để đặt ĐLĐVN vào một vị thế kinh tế tốt hơn nhằm phát động chiến tranh chống Pháp. Nhằm thiết lập một hệ thống ngân khố dồi dào cho VNDCCH, các cố vấn Trung Quốc đã giúp Cộng sản Việt Nam cải cách cơ chế thuế bằng cách bãi bỏ hệ thống cũ bao gồm thuế rượu, muối và thuốc phiện, và đưa ra năm loại thuế mới trong nông nghiệp, thương mại, lâm nghiệp, giết mổ gia súc và xuất nhập khẩu. Loại thuế quan trọng nhất trong chúng là nông nghiệp, nhắm vào địa chủ và nông dân như nhau. Tỉ giá thuế được xác định bởi quan chức và dân số dựa theo thu nhập và chi phí gia đình. Vì hệ thống thuế mới vay mượn từ Trung Quốc khá khác biệt với cán bộ và nhân dân Việt Nam, ĐLĐVN đã thành lập một cơ quan thuế nông nghiệp đặc biệt để giám định, mở lớp huấn luyện cán bộ thu thuế và tìm cách giải thích qui chế thuế mới với dân chúng. Bên cạnh chế độ thuế mới, chính quyền cũng thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và phát hành tiền mới được in từ Trung Quốc. Năm 1952, chính quyền Việt Nam tuyên bố rằng hệ thống thuế mới 1951 đã thành công.[109]
Chiến dịch Tây Bắc
Vào đầu năm 1952, Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc đề nghị QĐNDVN phát động chiến dịch Tây Bắc. Nằm dọc theo biên giới Lào, Tây Bắc là một khu vực nơi quân Pháp có hệ thống phòng ngự yếu. Giải phóng được khu vực này sẽ giải toả được mối đe doạ từ phía sau khu vực Việt Bắc do Việt Minh kiểm soát đồng thời tạo ra được một hậu cứ yểm trợ rộng rãi. La Quí Ba, người đang chỉ huy ĐCVQSTQ thay Vi Quốc Thanh đang chữa bệnh tại Trung Quốc, chịu trách nhiệm cho chiến dịch này. Ngày 16 tháng Hai, La gửi báo cáo đến Quân uỷ Trung ương ĐCSTQ trong đó phác thảo kế hoạch cho QĐNDVN trong năm 1952. Ông đề nghị rằng QĐNDVN nên tĩnh dưỡng và huấn luyện các lực lượng chính qui của mình trong nửa đầu năm trong khi tiếp tục chiến tranh du kích và tấn công Nghĩa Lộ và Sơn La vào nửa cuối của năm. Với Việt Bắc làm căn cứ, La tiếp tục, QĐNDVN có thể đưa quân sang Lào vào năm sau. Thông qua kế hoạch của La, Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho ông bám chặt nguyên tắc “tiến triển vững chắc và bảo đảm chiến thắng trong mọi trận đánh” trong chiến dịch. Lưu Thiếu Kỳ bảo ông rằng “việc giúp Lào giải phóng là vô cùng quan trọng.” La chuyển kế hoạch của mình đến Giáp và ông chấp nhận. Hồ chú tâm nhiều vào chiến dịch Tây Bắc, yêu cầu ĐCVQSTQ giúp đỡ trong suốt chiến dịch. Tháng Tư, bộ chính trị ĐLĐVN thông qua kế hoạch tác chiến.[110]
Ngày 14 tháng Tư, La phác thảo kế hoạch chiến dịch Tây Bắc của ông với Bắc Kinh: QĐNDVN sẽ bắt đầu chiến dịch vào trung tuần tháng Chín bằng việc tấn công Nghĩa Lộ; sau đó sẽ đánh vào Sơn La; chiếm lĩnh hầu hết khu vực Tây Bắc vào cuối năm; và tấn công Lai Châu vào năm sau. Năm ngày sau Quân uỷ Trung ương ĐCSTQ thông qua đề xuất của La với điều kiện là QĐNDVN phải điều nghiên chiến trường và chuẩn bị tiếp tế kỹ lưỡng trước chiến dịch, đồng thời chú ý đến những vấn đề người dân tộc tại Tây Bắc. (Tây Bắc là khu vực có đa số người dân tộc cư ngụ.) Ngày 11 tháng Bảy, La gửi một kế hoạch tác chiến chi tiết của chiến dịch đến Quân uỷ Trung ương. Kế hoạch cũng bao gồm một yêu cầu của Việt Nam rằng Trung Quốc đưa quân từ Vân Nam vào Việt Nam để hợp tác chiến dịch. Ngày 22 tháng Bảy, Quân uỷ Trung ương trả lời rằng một nguyên tắc quan trọng của Trung Quốc là không gửi quân vào Việt Nam, nhưng họ có thể huy động một số đơn vị dọc theo biên giới như là một biểu hiện hỗ trợ. Tiêu diệt quân Pháp trong vùng Tây Bắc là trách nhiệm riêng của QĐNDVN. Bắc Kinh cũng đề nghị một số thay đổi trong kế hoạch của La.[111]
Ngày 31 tháng Bảy, La báo với Quân uỷ Trung ương rằng QĐNDVN sẽ bắt đầu quá trình giáo dục cho binh lính về những vấn đề người thiểu số vào đầu tháng Chín trước khi họ hành quân đến Tây Bắc vào giữa tháng. Ngày 8 tháng Tám, Quân uỷ Trung ương trả lời La rằng còn sớm để bắt đầu chiến dịch vào giữa tháng Chín, và nên hoãn lại đến tháng Mười hoặc thậm chí tháng Mười một để ĐLĐVN có đủ thời gian để chuẩn bị về chính trị, quân sự và tiếp tế.[112] Trong thời gian thăm viếng Liên Sô từ 17 tháng Tám đến 22 tháng Chín để yêu cầu viện trợ, Chu Ân Lai đã nhắc đến chiến dịch Tây Bắc với Stalin. Phê chuẩn kế hoạch chiến dịch, vị lãnh tụ Liên Sô cũng đề cập đến đàm phán hoà bình với Pháp. Nếu Paris từ chối, Việt Minh có thể tiến vào nam sau khi chiếm lĩnh Hà Nội. Chu đồng ý với nhận xét của Stalin.[113] Rõ ràng là Stalin muốn Hồ nên thương lượng với người Pháp trên vị thế vượt trội về quân sự.
Đầu tháng Chín, ĐLĐVN triệu tập hội nghị bộ chính trị và mời La tham dự. Giáp báo cáo tình hình chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc. Ông chỉ ra những khó khăn gặp phải, đặc biệt là việc tấn công Sơn La. Vào cuối tháng Chín, Hồ bí mật đi Bắc Kinh để thảo luận với các lãnh đạo Trung Quốc về chiến dịch Tây Bắc cũng như kế hoạch chiến lược để thắng cuộc chiến chống Pháp. Các lãnh đạo Trung Quốc đề nghị QĐNDVN trước tiên nên chiếm lấy Tây Bắc và phía bắc Lào rồi chuyển quân về phía nam để chiếm đánh vùng châu thổ sông Hồng. Hồ đồng ý với đề xuất này và trong một bức điện gửi Giáp và La ngày 30 tháng Chín, ông cho họ biết quyết định giữa ông và các lãnh đạo Trung Quốc: chiến dịch Tây Bắc chỉ liên quan đến Nghĩa Lộ, không có Sơn La; sau khi chiếm được Nghĩa Lộ, QĐNDVN nên xây dựng căn cứ cách mạng tại đấy.[114]
Từ Bắc Kinh, Hồ Chí Minh đã bí mật đi Moscow vào ngày 6 tháng Mười để tham dự Đại hội 19 Đảng Cộng sản Liên Sô.[115] Ngày 28 tháng Mười, Stalin, Lưu Thiếu Kỳ và Hồ đã thảo luận các chính sách hiện thời của Việt Minh.[116] Trong khi ta vẫn không biết được những chi tiết của các cuộc thảo luận, có thể là Hồ đã kêu gọi hậu thuẫn từ Stalin.
Vào đầu tháng Mười, bộ chính trị ĐLĐVN đã thảo luận những chỉ thị ngày 30 tháng Chín của Hồ và đồng ý loại bỏ Sơn La ra khỏi chiến dịch Tây Bắc. Trong thời gian ấy, Giáp đã ở mặt trận Tây Bắc và Trường Chinh báo cho ông biết quyết định của bộ chính trị. Ngày 14 tháng Mười, QĐNDVN tập trung tám trung đoàn để tấn công Nghĩa Lộ và những đồn chung quanh. Ngày 6 tháng Mười, Vi Quốc Thanh quay lại Việt Nam để cùng La chỉ đạo chiến dịch Tây Bắc. Sau khi QĐNDVN chiếm được Nghĩa Lộ, người Pháp đã rời bỏ Sơn La vào ngày 22 tháng Mười một. Đến ngày 10 tháng Mười hai, QĐNDVN đã giải phóng được một khu vực rộng lớn ở Tây Bắc.[117], tạo một vùng bàn đạp tiện lợi để QĐNDVN tiến hành các chiến dịch tại Lào.
Cải cách Ruộng đất 1953

Những nhà cải cách Việt Nam đã kêu gọi cải cách ruộng đất từ những năm 1930, nhưng chính quyền thuộc địa Pháp liên tục bác bỏ đòi hỏi của họ. Ở miền bắc, bần nông và lao động nông nghiệp chiếm 60 phần trăm dân số trong khi chỉ sở hữu 11 phần trăm đất đai.[118] Trong nhiều năm, đảng của Hồ chỉ quanh quẩn trong một chính sách ôn hoà nhằm giảm tô canh tác vì sợ rằng một cải cách đất đai mạnh mẽ sẽ làm suy giảm tính đoàn kết kháng chiến qua việc kỳ thị giới địa chủ.[119]
Tuy nhiên việc đối đầu quân sự với Pháp đã trở nên khó khăn hơn dự tính của Hồ, nhưng với sự hỗ trợ của Trung Quốc, sức mạnh của QĐNDVN đã phát triển nhanh chóng. Để kết thúc cuộc chiến tranh đang kéo dài và để giảm bớt gánh nặng tổ chức và kinh tế cho đảng, vào cuối năm 1952 giới lãnh đạo ĐLĐVN đã quyết định vận động nông dân hỗ trợ công cuộc kháng chiến. Đổi lại họ sẽ được thưởng đất đai qua biện pháp đấu tranh giai cấp không chỉ với người Pháp và những kẻ hợp tác mà còn với những đảng viên và viên chức chính quyền xuất thân từ giai cấp địa chủ hoặc các gia đình nông dân giàu có. Cải cách ruộng đất sẽ phục vụ hai mục tiêu cho đảng: loại bỏ những thành phần yếu kém trong đảng và chính quyền và huy động nông dân yểm trợ kháng chiến.[120] Tháng Giêng 1953, Hội nghị Toàn thể ĐLĐVN đã thông qua một nghị quyết kêu gọi cải cách ruộng đất trong những vùng giải phóng.[121]
laquiba-factory.png La Quí Ba (thứ tư từ trái sang) đang tham quan một xí nghiệp Việt Nam (Tài liệu của Tân Hoa Xã)
ĐCSTQ có kinh nghiệp dồi dào về cải cách ruộng đất nên Việt Nam đã thu thập những đề xuất của các cố vấn Trung Quốc. Trong buổi đầu sự nghiệp, Mao đã nhận ra rằng trong một đất nước nông nghiệp, biện pháp hữu hiệu nhất để vận động quần chúng thay đổi xã hội là cải cách ruộng đất. Việc Mao chiếm được quyền lực ở Trung Quốc đa phần là nhờ ông đã đánh động vào nhu cầu đất đai của nông dân. Giờ đây Trung Quốc đang hăng hái chuyển giao mô hình của mình vào Việt Nam. Mùa xuân 1953, Zhang Dequn đứng đầu Bộ phận Cải cách Ruộng đất và Củng cố Đảng trực thuộc Đoàn Cố vấn Chính trị Trung Quốc. Để tăng cường toán cố vấn của Zhang, Bắc Kinh đã gửi thêm 42 chuyên viên cải cách ruộng đất đến Việt Nam trong năm ấy. Trong bước đầu của quá trình cải cách, các cố vấn Trung Quốc đã dạy cán bộ Việt Nam cách phân tích tình hình giai cấp ở nông thôn trước khi điều họ về tiến hành chiến dịch giảm tô. Họ giúp ĐLĐVN thành lập các tổ chức nông hội, các liên đoàn thanh niên, phụ nữ và tái tổ chức các uỷ ban hành chính địa phương bằng cách tuyển mộ và đề bạt thành phần bần nông. Họ cũng đề nghị Việt Nam thực hiện “Hệ thống Ba Cùng” (tiếng Trung là tam đồng): cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nông dân. Việc này nhằm giúp các cán bộ làm quen với cuộc sống kham khổ của nông dân cũng như những tố giác của họ đối với giới địa chủ. Các cán bộ sau khi tìm hiểu được những thống khổ của nông dân sẽ khuyến khích họ “đấu tố” những kẻ hợp tác với Pháp và giới địa chủ chuyên chế tại các cuộc biểu tình quần chúng nhằm kích động tinh thần giai cấp của nông dân. (Biểu tình quần chúng là một phương pháp hữu hiệu mà Mao từng sử dụng trong cách mạng Trung Quốc.) Tài sản và đất đai của những người theo Pháp và cường hào địa phương bị trưng thu và chia cho bần nông.[122]
laquiba-workers.png La Quí Ba chụp ảnh chung với công nhân một xí nghiệp Việt Nam. (Tài liệu của Tân Hoa Xã)
Quyết định tiến hành chiến dịch cải cách ruộng đất của ĐLĐVN vào mùa đông 1952-53 đã tạo ra tâm lý bất an và bức xúc từ những sĩ quan QĐNDVN xuất thân từ gia đình địa chủ. Với tiến triển này cùng kinh nghiệm có được từ cách mạng Trung Quốc, ĐCVQSTQ tin rằng QĐNDVN cần thiết phải tiến hành chiến dịch giáo dục cải cách ruộng đất cho các sĩ quan và binh lính của mình để họ sẵn sàng tham gia phong trào cải cách ruộng đất sắp đến. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất ở Trung Quốc những năm 1940, Mao cũng đã tiến hành một chiến dịch củng cố chính trị cho QĐGPNDTQ (chỉnh quân) để hướng dẫn tư tưởng các sĩ quan và binh lính mình đi theo đúng đường lối của đảng về cải cách ruộng đất. Ngày 7 tháng Hai 1953, La Quí Ba gửi một báo cáo đến lãnh đạo ĐCSTQ đề nghị QĐNDVN tiến hành chiến dịch củng cố chính trị để các sĩ quan và binh lính nhận thức rõ mối khác biệt giữa giai cấp địa chủ và nông dân. Với chiến dịch này, La nhấn mạnh, ĐLĐVN có thể tăng cường chất lượng và hiệu quả chiến đấu cho quân đội mình và bảo đảm thành công quá trình thực hiện cải cách ruộng đất. Ngày 4 tháng Ba, Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ đã phê chuẩn đề xuất của La.[123]
laquiba-advisers.png La Quí Ba (thứ năm từ trái sang) và các cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam, 1950 (Tài liệu của Tân Hoa Xã)
Ngày 8 tháng Tư, ĐCVQSTQ đã trình bày cho QĐNDVN “Một Đề xuất Sơ bộ Về Củng cố Chính trị trong Quân đội,” trong đó phác thảo mục đích, yêu cầu và phương pháp của chiến dịch. Vào tháng Năm, ĐLĐVN chấp thuận đề nghị của ĐCVQSTQ. Một làn sóng cải tạo chính trị tràn vào các đơn vị QĐNDVN. Phương pháp yêu cầu các binh sĩ xuất thân từ tầng lớp bần nông “đấu tố” giới địa chủ chuyên chế được đưa ra và đạt được hiệu quả trong việc kích động việc phân tầng giai cấp giữa binh lính và sĩ quan. ĐCVQSTQ cho chiếu phim “Cô gái tóc trắng” nói về một người con gái gia đình bần nông bị địa chủ tàn ác bóc lột. Nhiều binh sĩ QĐNDVN đã bật khóc sau khi xem câu chuyện thương tâm của cô gái. Một người lính giận dữ đến nỗi khi tên địa chủ xuất hiện trên màn hình, anh đã giương súng bắn vào hắn. Trong chiến dịch củng cố chính trị, các cá nhân xuất thân từ tầng lớp công nhân và nông dân được đề bạt lên chức trong QĐNDVN. Chiến dịch đã phát huy tinh thần của quân đội Hồ, giúp họ sẵn sàng tham chiến với quân Pháp tại Điện Biên Phủ.[124]
Dựa trên những tiến triển ca chiến dịch giảm tô và tỉnh thức giai cấp, ĐLĐVN đã ban hành Luật Cải cách Ruộng đất tháng Mười hai 1953, trong đó qui định rằng qua quá trình cải cách ruộng đất, đảng sẽ dựa vào thành phần bần cố nông và tá điền, đoàn kết trung nông, hợp tác với phú nông và dần dần bãi bỏ hệ thống bóc lột phong kiến nhằm phát triển năng xuất, tạo điều kiện cho công cuộc kháng chiến chống Pháp. Bộ luật bao gồm các điều khoản bảo hộ các ngành công thương nghiệp và tầng lớp có ít đất phát canh cho thuê cũng như bảo hộ các cán bộ xuất thân từ tầng lớp địa chủ không bị đấu tố. Luật cũng cấm việc bỏ tù, đánh đập, tra tấn thân xác và tử hình. Để giám sát việc thực thi luật, ĐLĐVN thiết lập Uỷ ban Cải cách Ruộng đất do Trường Chinh đứng đầu.[125]
Phong trào cải cách ruộng đất 1953 đã tạo ra một thay đổi quan trọng đối với cơ cấu nông thôn hiện tại cũng như trong ĐLĐVN. Trong quá trình tiến hành Luật Cải cách Ruộng đất suốt hai năm sau đó, không những giới thân Pháp hoặc địa chủ trung lập mà cả những ai từng ủng hộ Việt Minh, hoặc thậm chí đã vào đảng, đã bị phạt, tịch thu tài sản và đôi khi thậm chí bị bỏ tù hoặc xử tử.[126] Trong khi chính sách cải cách ruộng đã thành công trong việc làm thoả mãn nhu cầu ất đai của giới bần nông và lôi kéo họ ủng hộ đảng - như đã thấy trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi hơn 200 nghìn nông dân đã tải hàng tiếp liệu qua đồi qua núi giúp QĐNDVN - nó cũng đã tạo ra những hệ quả tiêu cực đối với đảng. Việc đấu tranh và đàn áp giai cấp quá mức trong thời kỳ cải cách ruộng đất đã đi ngược lại với chính sách mặt trận thống nhất của đảng, làm nhiễm độc môi trường chính trị, phân tán xã hội và kỳ thị một thành phần quan trọng trong quần chúng. Thấm nhuần chủ nghĩa sùng bái tư tưởng Mao, các cố vấn Trung Quốc là những người chịu trách nhiệm cho việc áp dụng phương pháp đấu tranh giai cấp cực đoan vào quá trình cải cách ruộng đất tại Việt Nam. Ảnh hưởng tiêu cực của nó là nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam đã lên án mô hình của Trung Quốc sau này.
Đến năm 1953, một quan hệ thắm thiết đã được hình thành giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Chuyến thăm Trung Quốc của Hồ Chí Minh và việc ông gặp gỡ Mao và giới lãnh đạo Trung Quốc năm 1950 đã giúp thiết lập một mối quan hệ mật thiết giữa hai phong trào cách mạng ở tầng lớp tối cao. Qua việc đi đầu công nhận VNDCCH, Mao đã tạo ra một sự ủng hộ ngoại giao quan trọng đối với chính quyền Hồ. Qua việc chu cấp cố vấn và viện trợ, Bắc Kinh đã tăng cường rất lớn sức mạnh của Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
(hết chương 1)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"