Những ngày cuối năm thời tiết ở Quảng nam khó chịu vì lạnh và ẩm, cái
lạnh hơi bất thường so với những năm trước như dự báo một sự bất thường
của không khí chính trị tại Việt nam?
Phạm bá Hải từ Sài gòn ra thăm tôi và rủ đi Hà nội để thăm một số anh em cựu tù nhân lương tâm.
Tôi rất ngại cái lạnh ở miền Bắc từ những ngày còn ở trại giam Thanh
hóa và Nam hà nên không muốn đi, nhưng thấy Hải đã ra đến đây rồi nên
không nỡ để Hải thất vọng và một phần nữa vì từ lâu đã ngưỡng mộ những
anh em dân chủ phía Bắc trong lòng luôn mơ ước một ngày được diện kiến
như Bác sĩ Phạm hồng Sơn, Luật sư Nguyễn văn Đài, Lê thị Công Nhân, anh
Nguyễn khắc Toàn, Nguyễn vũ Bình, Phạm văn Trội, cô Phạm thanh Nghiên
v.v…nên “liều mạng” nhận lời đi cùng Hải một chuyến.
Trước khi ra đất Bắc chúng tôi đến Đà nẵng gặp bác sĩ Lê nguyên Sang, anh Sang vì bận việc nên chỉ đi cùng chúng tôi đến Huế.
Ở Huế chúng tôi đến vấn an Linh mục Phan văn Lợi và Linh mục Nguyễn hữu Giải, hai cựu tù nhân lương tâm kỳ cựu.
Buổi chiều 29/12 chúng tôi bay ra Hà nội. Cho dù đã chuẩn bị kỹ nhưng
cái lạnh của Hà nội cũng làm tôi run nhè nhẹ. Chúng tôi nghỉ ở một
khách sạn bình dân ven hồ Tây.
Tối hôm đó chúng tôi gặp Luật sư Nguyễn văn Đài ở một quán cơm chay gần khách sạn.
Sáng hôm sau Bác sĩ Phạm hồng Sơn đến thăm chúng tôi tại khách sạn,
sợ chúng tôi bị lạnh nên anh chạy về mang đến cho chúng tôi hai quần dạ
mỏng để mặc bên trong và một hộp thuốc để ngậm đề phòng bị viêm họng,
viêm phế quản, đúng là cung cách của một bác sĩ!
Sau đó tôi và anh Hải đi thăm Luật sư Lê thị Công Nhân .
Đến nhà, tôi chỉ ngồi nghe Nhân và Hải nói chuyện thỉnh thoảng mới tham gia vì tôi muốn biết về người phụ nữ trẻ này.
Lê thị Công Nhân là một nữ lưu có cá tính cực kỳ mạnh mẽ, ăn nói lưu loát và có một kiến thức về Luật rất tốt.
Công Nhân là một người sắc sảo và trực tính, sự sắc sảo và trực tính
này có thể làm mất lòng những ai mới gặp, nhưng không biết tôi và Công
Nhân có “duyên” thế nào đó mà tôi rất thích cô gái này và nhận thấy ở cô
một người có năng lực lãnh đạo.
Còn Công Nhân thì đối xử với tôi như một người chú trong nhà rất thân mật.
Buổi chiều ngày 30/12/2013 chúng tôi gồm có: tôi, Phạm bá Hải và vợ
chồng Lê thị Công Nhân xuống Hải phòng thăm Phạm thanh Nghiên. Trên
đường chúng tôi đón anh Nguyễn bá Đăng cùng đi.
Phạm thanh Nghiên là một cô gái nhỏ nhắn, năng động và can đảm. Chưa
gặp nhau lần nào nhưng tôi và cô Nghiên vẫn nhận ra nhau, chú cháu ôm
nhau thân thiết như người một nhà. 5h chiều tôi tạm biệt “cô cháu nhỏ”
về Hà nội, lúc đó đã 9h đêm.
Buổi sáng ngày 31/12/2013 anh Hải và tôi đến đón vợ chồng Lê thị Công
Nhân và cháu bé đến thăm anh Nguyễn vũ Bình. Anh Nguyễn vũ Bình đang
bận dọn sang nhà mới nên không đi cùng chúng tôi đến thăm Kỹ sư Phạm văn
Trội được.
Dọc theo con đường đê sông Hồng chúng tôi về xã Chương Dương, huyện
Thường tín Hà nội để thăm Phạm văn Trội. Nhà anh Trội ở một vùng quê,
trong một khu vườn nhỏ trồng chuối và bưởi. Mùa này bưởi chín vàng thật
đẹp, trái to và tròn đầy cành tạo một cảm giác hạnh phúc êm ấm.
Nhưng cuộc sống của anh Phạm văn Trội và gia đình hoàn toàn không êm
ấm như cảm giác từ mảnh vườn này, ngoài kia là những con mắt cú vọ ngày
và đêm rình rập theo dõi.
Lê thị Công Nhân xuống bếp giúp Trội sửa soạn cho một buổi trưa ngon miệng, tôi và Hải đi tản bộ quanh vườn .
Khi chúng tôi đang ăn trưa thì có tiếng người gọi anh Trội ra mở cửa,
anh Trội biết đó là công an đến để quấy rầy nên không mở, anh nói:
- Phải ăn cho no đã, chúng nó đến để lập biên bản và bắt về Ủy ban xã như những lần trước đây để thẩm vấn.
Trong khi chúng tôi đang ăn thì công an vẫn tiếp tục đạp vào cánh cửa
sắt đã khóa kỹ và gọi vào yêu cầu gặp chủ nhà. Chúng tôi biết rắc rối
đang chờ nhưng vẫn vui vẻ nói chuyện và ăn uống. Ăn xong tôi đi tản bộ
trong vườn cùng anh Hải và cháu bé con của Công Nhân.
Chúng tôi ra về lúc 11h, vừa ra đến cổng một tên công an đeo kiếng
đen đẩy tôi vào nhà, rồi một tên khác lôi tôi một cách thô bạo như là
một tội phạm cần khống chế, việc này làm tôi nổi nóng hỏi:
- Tại sao các anh đối xử với chúng tôi như tội phạm vậy.
Bọn công an trả lời vì chúng tôi là người lạ đến đây nên cần phải kiểm tra hành chánh.
Tôi nói đây là đất nước Việt nam, và tôi là công dân Việt nam, chúng
tôi được quyền đi đến bất cứ nơi đâu vì chúng tôi không bị chế tài bởi
luật pháp. Quyền đi lại và những quyền công dân khác là quyền Hiến định
bất khả xâm phạm.
Một tên công an cao to trả lời:
- Không cần nói nhiều với chúng mày, nếu chúng mày không vào nhà để
lập biên bản thì chúng tao sẽ buộc chúng mày về trụ sở xã, nếu chúng mày
không đi chúng tao sẽ có biện pháp cứng rắn thì đừng trách.
Và như vậy họ áp lực từng người chúng tôi về ủy ban xã Chương dương,
tôi nói với bọn công an: các anh làm như vậy là vi phạm quyền tự do của
chúng tôi, vi phạm luật pháp.
Một tên công an nhào tới định đánh tôi, Công Nhân nhanh chóng đứng vào giữa để ngăn lại nên hắn lui ra.
Đến lúc này tôi loáng thoáng nhận ra rằng đã có một lệnh nào đó để
hành hung chúng tôi, và không thể dùng lời lẽ với những con người hung
ác như dã thú này.
Chúng tôi bị đưa vào văn phòng Công an xã Chương dương, trưởng công
an xã không làm việc mà giao cho một tay phó công an xã là Điệp- người
cao to mang kính đen.
Chỉ huy buổi thẩm vấn này là một nhân viên an ninh còn rất trẻ ăn mặc đẹp và hai nhân viên an ninh khác cũng rất trẻ.
Tuy còn trẻ nhưng những người này có quyền lực vô cùng lớn, khi những
tên công an xã Chương dương chửi chúng tôi nhao nhao lên, nhân viên an
ninh kia giơ tay ngăn lại thì mấy cái mồm kia im ngay tức khắc .
Tôi biết chúng tôi đang đối mặt với một cách làm việc mới và một
chính sách mới vừa hình thành đâu đó từ Trung ương và rất nguy hiểm cho
tính mạng chúng tôi.
Tôi nói với nhân viên an ninh:
- Việc các anh bắt giữ chúng tôi và thẩm vấn là vị phạm luật pháp và Hiến pháp.
Công an tên Điệp trả lời : ở đây chúng tao có luật riêng của chúng
tao, không giống với những nơi khác, chúng tao sẵn sàng đánh chết chúng
mày nếu cần và chúng mày cứ đi kiện, đây chúng tao có tên tuổi chức vụ
và trụ sở làm việc hẳn hoi, chúng mày cứ kiện.
Tên an ninh trẻ nói: việc xử lý hành chính các anh là việc của công
an xã, nhưng tôi có mặt ở đây để kiềm chế sự “bức xúc” có thể dẫn đến
hậu quả nghiêm trọng của công an xã, các anh nên hợp tác với tôi nếu
không tôi sẽ về và tính mạng của các anh tôi không chịu trách nhiệm.
Đến đây thì tôi biết họ sẵn sàng khủng bố đánh đập chúng tôi nên tôi
đồng ý khai tên tuổi và ký vào biên bản, nhưng yêu cầu họ cóp pi cho tôi
một bản và tôi viết ý kiến của mình vào đó.
Họ đồng ý cóp pi cho tôi một biên bản có đóng dấu đỏ, tôi viết vào
biên bản như sau: tôi phản đối việc công an xã Chương dương bắt chúng
tôi về ủy ban xã và có thái độ hành hung tôi, đây là việc là vi phạm
luật pháp.
Họ yêu cầu Phạm bá Hải, Lê thị Công Nhân và Ngô duy Quyền ký tên vào nhưng bị từ chối.
Tôi bước ra ngoài để điện thoại cho Thục Vy biết là chúng tôi đang
gặp nguy hiểm, nhanh chóng hai tên công an giật điện thoại của tôi và
đẩy tôi vào một văn phòng rồi đóng sầm cửa lại, anh Phạm văn Trội đang
làm việc bên kia nghe tiếng cửa đóng sầm liền chạy qua đạp vào cửa xông
vào. Hai tên công an đẩy anh Trội ra nhưng anh Trội phản ứng rất mạnh,
buộc họ phải mở cửa khi làm việc với công dân, cuối cùng họ mở cửa ra và
để tôi lại một mình trong phòng.
Phạm bá Hải và Công Nhân vẫn không chịu ký vào biên bản và vẫn tiếp tục tranh luận với nhân viên an ninh kia.
Tôi bỏ ra khỏi phòng gọi Phạm văn Trội, tôi nói với Trội thế nào
chúng nó cũng bóp cổ để lấy lại biên bản làm việc nên em chụp hình lại
đi. Anh Trội lấy điện thoại ra chụp hình lại biên bản.
Tôi muốn giữ biên bản này để làm bằng chứng cho việc bắt giữ chúng
tôi và đưa sự việc ra công luận nên tôi mới ký vào biên bản, tôi cũng
tiên liệu rằng chúng nó sẽ không để cái biên bản đó lọt ra ngoài một
cách dễ dàng.
Phạm bá Hải và Công Nhân vẫn từ chối ký vào biên bản.
Tên nhân viên an ninh trẻ đứng dậy và nói: tôi đã cố gắng hết sức
nhưng anh chị vẫn không hợp tác, bây giờ tôi về tính mạng các anh chị tự
bảo vệ lấy. Nói xong họ kéo nhau đi đâu đó gần một giờ sau mới trở lại
nhưng không có 3 nhân viên an ninh lúc nãy. Tất cả đều uống rượu say.
Công an Điệp đeo kính đen và ba tên khác tóm cổ tôi buộc tôi phải đưa
cho hắn biên bản làm việc, tôi đã tiên liệu rồi nên đưa cho hắn ngay,
nhưng bọn chúng lôi tôi vào phòng tiếp công dân đóng sầm cửa lại, Lê thị
Công Nhân xông vào can thiệp nhưng bị đẩy ra rất thô bạo.
Tôi bị một cú đấm vào đầu và một cú vào cằm nên thấy choáng váng mặt
mày, tôi bị đẩy ngồi xuống ghế. Chưa kịp lấy lại bình tỉnh tôi bị một cú
đá vào ngực làm tôi nghẹt thở.
Tôi định thần và hít thở thật sâu để giảm bớt cơn đau.
Một lúc sau chúng nó thay phiên nhau mỗi người đấm vào ngực tôi một
đấm rồi đi ra, hết tên này đến tên khác, vừa đấm vừa chửi rất thô tục,
chúng nó nói mày bảo thằng Trội chụp hình biên bản rồi để tố cáo chúng
tao chứ gì, được tao đánh cho mày tố cáo.
Tôi biết mình đang đối diện với một bầy thú dữ, những cổ máy giết
người được điều hành ở đâu đó rất cao, có thể là từ Hà nội nên yên lặng
chịu đòn không một lời nói hay một phản ứng nào để tránh bị gọi là khiêu
khích.
Tôi bị tổng cộng gần 10 cú đấm vào ngực, nhưng đau nhất là cú đá bất ngờ vào ngực lúc ban đầu.
Tôi nhận thấy cách ra đòn hiểm ác như vậy rủi ro rất cao, xác suất
chết người rất lớn nên nhận thức được rằng CSVN đang có sự thay đổi
trong cách hành xử với những nhà bảo vệ nhân quyền và vận động dân chủ
như chúng tôi.
Tôi cũng nghĩ tới khả năng có sự chỉ đạo nào đó từ rất cao nhắm vào
tôi để trả thù tôi và gia đình, để trừng trị tôi và răn đe người khác.
Từ khi Nghị định 208 ra đời và sắp có hiệu lực tôi đã biết CSVN đang
hoảng sợ sự phản kháng của dân chúng nên sẽ mạnh tay đàn áp, tôi cũng đã
tiên liệu rằng máu của những nhà dân chủ và yêu nước sẽ đổ xuống trong
thời gian sắp tới.
Trở lại vấn đề tại Chương dương:
Đến 6 h chiều 3 tên an ninh xuất hiện để tiếp tục ép anh Hải và vợ
chồng Công Nhân ký vào biên bản, nhưng Hải và Công Nhân vẫn không chịu
ký. Mấy tên an ninh và bọn công an thay nhau chửi rủa.
Lúc này tôi đã bị ba tên công an ấn vào xe taxi ngồi chờ ở đó được
hơn 30 phút rồi, trong thời gian đó tôi định thần, hít thở sâu để giảm
bớt cơn đau.
Lát sau một tên công an xã Chương dương ra xe định lôi tôi vào phòng
làm việc dùng tình trạng sức khỏe của tôi để gây áp lực với anh Hải và
Công Nhân ký vào biên bản nhưng bị cô vợ anh Phạm văn Trội phản ứng quá
mạnh mẽ nên đành thôi.
Phạm bá Hải và Công Nhân vẫn không ký vào biên bản, cuối cùng thì tên an ninh ra lệnh đuổi chúng tôi về, lúc đó trời đã tối rồi.
Tên Điệp còn đe dọa Công Nhân: vì mày có con nhỏ nên tao tha cho, nhưng nếu cần tao sẽ đánh chết mày.
Tôi chào từ biệt vợ chồng Phạm văn Trội.
Đến bây giờ và mãi sau này hình ảnh vợ anh Trội với giọng nói thất
thanh và phản ứng mạnh mẽ với tên công an làm tôi không thể nào quên.
Tôi rất may mắn khi có được những người bạn như vợ chồng anh Trội, và
anh Phạm văn Trội còn may mắn hơn khi có một người vợ nhân hậu và can
đảm như vậy.
Khi chúng tôi đến bệnh viện Hồng Ngọc – Hà nội thì thấy rất đông bạn bè ở đó, tôi không thể nào nhớ hết tên từng người.
Giữa mùa đông Hà nội lạnh lẽo nhưng tình cảm của những người bạn đất
bắc làm lòng tôi ấm áp vô cùng và cơn đau cũng được xoa dịu.
Xin nhận nơi đây lòng biết ơn trân quý của tôi, tôi sẽ không bao giờ
quên được tình cảm mà các bạn dành cho tôi, không bao giờ quên các bạn
và các huynh trưởng.
Hôm nay đã kiểm tra lại sức khỏe ở bệnh viện Hoàn Mỹ – Đà nẵng, kết quả tạm thời như sau:
- Gan, mật, tụy, thận, lách, bàng quang bình thường.
- Kết quả chụp X quang: phổi bình thường, nhưng xương lồng ngực bị chấn thương, không thấy có dấu hiệu gãy.
- Tụ máu trong vòm họng và ở dưới lưỡi vì bị đấm quá mạnh.
Tôi hỏi bác sĩ: sao tôi thấy đau rất dữ dội ở ngực.
Bác sĩ trả lời: theo anh nói họ đá và đấm nhiều như thế thì không đau
sao được, không gãy xương ngực là may rồi, anh về theo dõi nếu có dấu
hiệu bất thường phải nhập viện ngay, có một khả năng là xương ngực bị
rạn nứt nhưng x quang không tìm thấy.
Hiện nay tôi còn rất đau nhưng cũng cố gắng viết vài dòng thông báo cùng các bạn và công luận.
Cho dù thời gian sắp tới rất nguy hiểm cho tôi và các nhà đấu tranh
bảo vệ nhân quyền, nhưng với tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để mình và dân
tộc này được sống như những con người đúng ý nghĩa cao quý của nó, trong
tự do và dân chủ. Tôi và mọi người rất cần sự can thiệp của các chính
phủ dân chủ trên thế giới, rất cần sự hỗ trợ của đồng bào trong và ngoài
nước về pháp lý và mọi mặt khác.
Trân trọng cám ơn.
Huỳnh ngọc Tuấn.
04/01/2014
© Đàn Chim Việt