Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Người dân Trung Quốc không ngần ngại đòi chấm dứt độc tài

Tú Anh

Ảnh bên: Cảnh sát ngăn người biểu tình trước toà soạn của một nhật báo Quảng Đông 09/01/2013 (REUTERS) 

Với những tấm biểu ngữ kêu gọi chấm dứt chế độ độc tài Trung Quốc, phong trào đường phố ở Quảng Đông muốn thắp lên ngọn đuốc cách mạng dân chủ phát xuất từ quê quán của nhà cách mạng dân chủ Tôn Dật Tiên. Họ gọi chế độ Trung Quốc là « côn đồ » và yêu cầu quan chức từ trung ương đến địa phương công khai hóa tài sản.

AFP dành một bài phóng sự cuối năm 2013 cho phong trào tranh đấu từ đường phố phát xuất từ miền Nam Trung Quốc với tên gọi « Nam Phương Nhai Thủ Vận Động » (Nan Fang Jie Tou Yun Dong). Đây là một mạng lưới tranh đấu được thành lập tại tỉnh Quảng Đông chỉ cách nay hai năm và đã đặt chính quyền Trung Quốc vào thế cố thủ. Phương châm hành động của tổ chức xã hội dân sự này là « không sợ » chính quyền, công khai các yêu sách chính trị, để các phong trào phản kháng trên toàn quốc noi theo.
Tỉnh Quảng Đông nằm sát Hồng Kông nên mức độ kiểm soát của chính quyền Trung Quốc cũng tương đối nới lỏng hơn những nơi khác. Nhưng đặc biệt hơn cả, Quảng Đông có một truyền thống nổi dậy, được tiếp cận với văn hóa cởi mở của Tây phương và là quê hương của Bác sĩ Tôn Dật Tiên, cha đẻ của cuộc cách mạng dân chủ lật đổ nhà Thanh vào năm 1911, chấm dứt hơn 2000 năm phong kiến để thành lập chế độ Cộng hòa.

Đương nhiên là chính quyền Trung Quốc không để yên cho một phong trào công dân lớn mạnh. Nhiều thành viên của tổ chức đã bị nhốt vào nhà giam, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi. Một trong những thành viên được AFP tiếp xúc tên là Tạ Văn Phi, một công nhân 37 tuổi, quê quán ở miền Trung. Trên danh thiếp ghi hai hàng chữ : Thành viên Nam Phương Nhai Thủ Vận Động, Thấy việc sai trái mà im lặng là theo kẻ gian tà.

Tháng 9 năm nay, trong một cuộc xuống đường,Tạ Văn Phi đi đầu với biểu ngữ « chấm dứt độc tài ». Dù bạn bè khuyến cáo thế nào cũng bị bắt nhưng anh giải thích hai lý do : Một là chứng minh với những người bạn có cùng quan điểm là phải « chiến thắng tâm lý sợ chính quyền », và thứ hai là để xác định rằng đảng Cộng sản đã mất tính chính đáng trong đôi mắt của người dân và luật pháp.

Theo lời kể của doanh nhân trẻ Vương Ái Trung, phong trào tranh đấu đường phố phương Nam được thành lập vào năm 2011, lúc đầu tổ chức tập họp thường xuyên mỗi tháng trong một công viên cho đến khi công an ngăn cấm.

Từ đó, họ chuyển sang hình thức họp mặt từng nhóm nhỏ, hàng chục lần trong năm nay và yêu cầu giới cầm quyền phải báo cáo với nhân dân tài sản của bản thân và gia đình, phải trả tự do cho các nhà dân chủ và chấm dứt chế độ áp bức, độc đảng.

Theo Vương Ái Trung, các yêu sách có thể khác nhau nhưng có cùng một mục tiêu đi tới là « chấm dứt chế độ độc tài này ».

Rất nhiều di dân từ các tỉnh khác đến Quảng Đông lao động đã tham gia phong trào phản kháng này, nhất là từ khi xảy ra các cuộc biểu tình ủng hộ tuần báo Nam Phương Chu Mạt nổi tiếng có nhiều bài viết « tự do » bị kiểm duyệt hồi đầu năm 2013.

Nếu ở một tỉnh khác, phong trào xã hội dân sự tương tự như vậy sẽ bị trả giá nặng hơn, như trường hợp ba nhà tranh đấu ở Quảng Tây bị lãnh án năm năm tù vì đòi lãnh đạo công bố tài sản.

Phong trào công dân, theo giới phân tích, là đại diện của đa số thầm lặng nhưng hết muốn im lặng bên cạnh những khuôn mặt biểu tượng như giáo sư tù nhân Lưu Hiểu Ba, Nobel Hòa bình 2011 hay nghệ sĩ Ngải Vị Vị, luật sư mù Trần Quang Thành.

Họ có thể là một công nhân bị sa thải như Gia Bình, 24 tuổi. Do uất ức, anh giương biểu ngữ « đảng Cộng sản không đại diện nhân dân » với hậu quả là 20 ngày tù nhưng anh không sợ và sẽ tiếp tục tranh đấu.

Nhân vật lãnh đạo phong trào đường phố Nam phương là ai ? Ông Dương Mậu Đông, bút hiệu Quách Phi Hùng, bị bắt lại hồi tháng 8 năm nay sau khi mãn hạn bản án 5 năm tù, hay một nhà đối lập nào đó mà Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan tuyên truyền đại diện của xu hướng cực đoan nhất tại Trung Quốc gọi là « những kẻ nguy hiểm cho chế độ, lấy việc chống đảng Cộng sản làm lẽ sống ».

Theo chuyên gia độc lập Eva Pils, đại học Hồng Kông, thì đông đảo người dân miền Nam Trung Quốc muốn tiến xa hơn, tấn công thẳng vào chế độ độc đoán, đòi tự do, đòi dân chủ và nhân quyền.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"