Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Huy Chương Lòe Cân Ký

Đinh Tấn Lực
“Khá khen cho (hoặc đáng thương thay) những kẻ ăn bẩn/ăn dơ/ăn ngập mặt/ăn không chừa thứ gì, đến nọng căng/da hồng/trán bóng, mà vẫn còn thòm thèm …ăn ảnh” (ĐTL).
dung-kilo.jpg
Chú thích dưới tấm ảnh TTXVN của báo Thể Thao Văn Hóa:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên tàu ngầm "Hà Nội"
Về mặt kỹ thuật, đó là một bức ảnh có thể tạm gọi là …được.
Tuy nhiên, cái hay không nằm ở đó, cái hay nằm ở nội dung: Tự thân bức ảnh tỏ lộ nhiều điều đáng ngẫm. Đứng đầu là cái thước đo tầm cao của một vài loài thừa tướng.
Trước tiên, mọi người đều có thể chiêm ngưỡng ảnh đẹp của thừa tướng ta ở khắp nơi, từ hội nghị này qua thượng đỉnh khác, từ buồng lái con SU cho tới cửa chui vào bụng con Kilo…

Nhưng chẳng ai thấy bóng dáng thừa tướng ở những nơi thiên tai, hỏa hoạn, xả lũ chết dân. Lại càng khó thấy thừa tướng ló mặt, vào những lần ngư dân bị bắn/bị giết/bị cướp trên ngư trường truyền thống của ta và chật vật kéo tàu/kéo thây về đất liền, chưa nói tới an ủi hay động viên. Thừa tướng chưa bao giờ xuất hiện trước những đám tang xây mộ gió.
Kế nữa, trong chiến tranh trước đây, ta đã từng thường xuyên biến đau thương thành hành động, thì nay, trong hòa bình thống nhất, ta cũng phải liên tục chộp từng cơ hội để biến những quả lừa thành quả lòe.
Đã không ít những người có tay nghề hàng hải/đóng tàu từng săm soi về các thứ nguyên ủy linh tinh đàng sau những mối hàn, những lớp sơn tróc, những bức vách rỉ sét, ống thủy lực giữ nắp ổ chui, và mớ phụ tùng vương vãi… để đi dần đến kết luận rằng có nhiều xác suất đây là một thứ ụ (chìm) nổi khác.
Người ta có lý cớ để tỏ lòng ngờ vực, một khi nhìn bức ảnh để đời của thừa tướng, có khi là sẽ được treo trong nhà khách chính phủ, mà chung quanh khuôn mặt rạng rỡ của nhân vật chính là những chứng cớ của một loại hàng mông má. Tức là, vui rạng rỡ với ngu rực rỡ đâu có xa gì nhau?
Có điều là không ai chắc quả lừa này ở tầng nào? Nga lừa Việt? Admiraltei Verfi lừa X? Hay X lừa dân?
Ở tầng nào thì cũng chỉ nhân dân là nạn nhân, đầu tiên và sau cùng. Bởi, ngay đúng vào ngày chiếc Kilo Hanoi về tới cảng Cam Ranh thì cũng là ngày trọng đại của Vinashin: Sổ thì xóa sạch – Nợ thì còn nguyên. Bình quân mỗi đầu người Việt Nam, bất kể nam phụ lão ấu, phải trả nợ cho Vinashin một số tiền (bèo ra cũng) tương đương với giá bán một lít máu (4 đơn vị máu) ở các bệnh viện thủ đô. Gánh nợ (trên con số được chính thức công bố của) Vinashin áng chừng gấp đôi gói thầu 6 chiếc Kilo này.
Biểu thức bổ đầu là: Liệu rằng gói thầu này có là một thứ quả đấm thép rỉ sét khác không?
Lý do?
Ta cần giữ biển, chủ yếu là biển Đông. Hệ tàu ngầm này, từ phòng họp của bộ chính trị ra tới dàn báo đài phải đạo, là nhằm tăng cường sức mạnh tuần tra giữ biển giữ đảo trước thái độ hung hãn đầy tính kẻ cả của bọn bầu bạn ơn nghĩa một thời và đã từng dạy ta một bài học giáo trừng san bằng 6 tỉnh cực Bắc. Giá biểu của mớ tàu ngầm này không phải rẻ. Cái giá lịch sử và xương máu đồng bào 6 tỉnh kia lại càng không hề rẻ.
Đồng thời, cũng từ phòng họp của bộ chính trị hiển hiện ra tới đường phố, mọi ý kiến giữ biển giữ đảo đều trở thành đối tượng của các thứ án tù được đánh số 72/74/79/88/258… và bị trấn áp bởi một lực lượng tàu ngầm an ninh trên cạn đội lốt “quần chúng tự phát”. Giá biểu thuế để nuôi đám tàu ngầm côn đồ trên cạn này không phải rẻ. Cái giá đời người của những bản án (chứng tỏ lòng trung thành với thiên triều) kia cũng không hề rẻ.
Nhà nước không dám bênh ngư dân trên ngư trường truyền thống. Nhà nước không dám nói đúng tên bọn hải tặc. Nhà nước phóng tay đàn áp những người lên tiếng bênh vực ngư dân. Nhà nước công khai bảo vệ an ninh mặt tiền các đại sứ quán và tổng lãnh sự quán của bọn hải tặc cướp giết ngư dân không khác gì bảo vệ mẫu quốc… Thế thì, nhà nước dùng tiền thuế của dân đi mua những con SU & Kilo (mông má) nọ để làm gì?
Để thị uy với lực lượng Hải Quân Hoàng Gia Lào?
Để “thông điệp” tới nhân dân rằng chủ quyền biển đảo của ta cân nặng ngang bằng tổng lượng choán nước (khi chìm) của 6 con Kilo?
Để gia tăng tư thế cho bọn tàu ngầm trên cạn có tên là “Kilo quần chúng tự phát”?
Để lòe đồng bào vùng sâu vùng xa là ta có thể “nín thở qua sông” ở trình đẳng cấp?
Để dự phòng cho một ngày mai thánh thót lời nhạc “Que Sera Sera”?
Hoặc, đơn giản chỉ là để tư túi một mới huê hồng?
Có khi là một loại hỗn hợp nào đó của các thứ “để” kể trên?
Gì thì gì, tựu chung đó cũng chỉ là một quả lừa đổi dạng thành quả lòe.
Tổng lượng huy chương lòe cân ký kỳ này lên tới 3000 tấn (khi chìm).
Bởi, nụ cười rạng rỡ của thừa tướng sẽ được chan hòa cùng nụ cười sảng khoái của nhiều triệu dân, nếu Việt Nam ta, dưới ánh sáng thần kỳ của chủ nghĩa xã hội, có thể tự thân chế tạo được 100% cái máy may/cái máy truyền hình/cái tủ lạnh/cái laptop/cái smartphone… hoặc đơn giản nhất là 100% chiếc xe đạp.
Bấy giờ, bức ảnh thừa tướng dắt chiếc xe đạp đầu tiên ra khỏi xưởng chế tạo chắc chắn sẽ đẹp và đáng hãnh diện/tự hào gấp vạn lần hơn tấm hình thậm thọt ở cửa chui vào bụng con Kilo mông má loang lổ này.
03-01-2014 – Kỷ niệm 38 năm tròn ngày bắt đầu có hiệu lực bản Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, một phần của Bộ Luật Nhân Quyền Quốc Tế.
Blogger Đinh Tấn Lực chép tặng nhóm xe đạp Hồ Tây.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"