Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Gặp gỡ bàn tròn Berlin – Washington DC – Boston về tranh chấp biển đảo


Khách mời của Tenor Media International.
Hôm qua (17-1-2014), Tổ chức Media Tenor International có trụ sở tại Berlin đã tổ chức một cầu truyền hình giữa Berlin, Washington DC và Boston, bàn về chủ đề tranh chấp biển đảo ở vùng Đông Nam Á và nguy cơ xung đột.
Khách mời phát biểu có ông Mark Fuller, Chủ tịch và CEO của Global Rosc và cũng là một trong những người tổ chức Hội nghị kinh tế thế giới. Marvin Kalb, cựu phóng viên nổi tiếng của CBS, NBC News, Fox Radio, hiện là người nghiên cứu cho viện Brookings, một trong những think tank của Hoa Kỳ tại DC. Cựu Đại sứ Bindenagel của Hoa Kỳ tại Germany, chuyên bàn về vai trò của thông tin và truyền thông. Nguyễn Anh Tuấn (cựu TBT VNN) cũng dự cầu truyền hình từ Boston.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long bay từ đại học Maine về DC để dự cuộc gặp ngắn 1 tiếng đồng hồ này. Giáo sư Long được mời nói về vấn đề tranh chấp biển đảo đúng vào dịp 40 năm Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam.
Hiệu Minh Blog được anh Nguyễn Anh Tuấn gửi giấy mời tham dự tại đầu cầu Washington DC ở phòng họp trong trung tâm think tank Brookings trên đường Massachusetts. Có hai nhà báo Thu Hà và Việt Lâm của VNN cũng tới dự nhưng chưa thấy đưa tin.
Các diễn giả tập trung bàn làm thế nào để tránh được những xung đột do tranh chấp biển đảo gây nên, nhất là những cường quốc, trước khi xuống tay, bấm nút tên lửa, hãy nghĩ kỹ về hậu quả. Chiến tranh thế giới 1, 2 và chiến tranh Việt Nam là những bài học cay đắng trong lịch sử nhân loại bởi các chính khách tính toán sai lầm.
Chủ đề tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc trong quần đảo Điếu Ngư, giữa Trung Quốc và Philippines, Việt Nam và nhiều nước trong khu vực, đã được các diễn giả mổ xẻ và đưa ra những ý kiến mang tính toàn cầu.
Việc trỗi dậy trong hòa bình của Trung Quốc sẽ được hoan nghênh bởi sự đóng góp to lớn của họ cho thế giới. Tuy nhiên, nếu họ giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa quá khích và đại hán thì sự trỗi dậy đó trở nên nguy hiểm.
Mỹ, Trung Quốc và các nước lớn nên coi sự tranh chấp biển Đông và Nam Trung Hoa là vấn đề quốc tế bởi nó liên quan đến lợi ích chung, giao thương hàng hải, nguồn tài nguyên cần được chia sẻ.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long có nhắc lại trận hải chiến Hoàng Sa mà trong đó Trung Quốc đã giết hại 74 lính của CP VNCH, cướp luôn đảo Hoàng Sa từ đó đến nay. 40 năm kỷ niệm là dịp nên nhìn lại cách giải quyết một cách hòa bình.
Trong cuộc nói chuyện riêng, Giáo sư Long có nói, Việt Nam cần quốc tế hóa vấn đề tranh chấp. Hiện ta ở thế yếu, chưa có đồng minh, phải dựa vào dư luận quốc tế. Nếu chỉ bàn song phương thì các nước sẽ coi đó là tranh chấp giữa hai quốc gia, và họ sẽ không để ý tới nữa.
Mỹ hiện đã cảm thấy mất quyền kiểm soát trong khu vực. Tuy nhiên quyền lợi của Mỹ tại Trung Quốc rất lớn, rất nhiều nhà đầu tư Mỹ có dự án tại quốc gia hàng tỷ người này, mà giới làm ăn có tiền nên có thể lobby nhiều nơi để kéo phần lợi cho họ.
Hiện Mỹ đang cần Việt Nam. Nhưng một khi quyền lợi Mỹ Trung được dàn xếp thì Việt Nam sẽ đứng ngoài cuộc chơi. Liệu mấy cái tầu Kilo có đủ sức đương đầu với Trung Quốc như đã từng xảy ra tại Hoàng Sa cách đây 40 năm. Hạm đội 7 ngay cạnh nhưng cũng không cứu tầu Nhật Tảo bị đánh chìm.
Gs. Ngô Vĩnh Long và Marvin Kalb. Ảnh: HM
Nghe tin Đà Nẵng bị việt vị khi định tổ chức kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng, chắc bạn đọc cũng buồn. Ngồi nghe các diễn giả trong trung tâm Brookings sang trọng giữa DC nối với trung tâm tri thức Boston, và quyền lực của Châu Âu là Berlin, người viết bài này chợt thấy cô độc lạ lùng.
Các học giả thế giới đang cố tìm giải pháp toàn cầu cho xung đột, trong đó có cả quyền lợi quốc gia rất lớn của Việt Nam ở biển Đông, thì dường như Việt Nam ta đứng ngoài cuộc.
Trong giấy mới dự cuộc họp của Media Tenor có lời giới thiệu rất hay. What lessons can be learned from the Paracel-Island Crisis 40 years ago? Why is Vietnam still the Elephant in Oval-Office for each US president since Nixon till Obama? Những bài học gì có thể rút ra sau khủng hoảng ở đảo Hoàng Sa 40 năm trước? Tại sao Việt Nam vẫn là con voi to tướng trong phòng Bầu Dục của Nhà Trắng kể từ thời Nixon đến Obama.
Với Việt Nam ta, có lẽ có một con voi Hoàng Sa đang lang lang ở Ba Đình, ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng không ai dám nói. Bởi cách đó một phố có một tòa đại sứ, nơi người Việt thích biểu tình về Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng có người cũng gần đó lại không thích.
Các học giả thế giới nghe tin ta bỏ cuộc tưởng niệm tri ân Hoàng Sa, chắc sẽ ít nói đến quyền lợi của Việt Nam hơn trong các hội thảo quốc tế về xung đột.
Đầu cầu Washington DC. Ảnh: HM
Brookings ở DC nối với Boston. Ảnh: HM

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"