Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Để cứu mình, Vietinbank và những bị hại khác hãy đoàn kết lại tìm giải pháp trong vụ án Huyền Như

Trần Dân
1. Trong vụ án Huyền Như (cán bộ của Vietinbank) lừa đảo chiếm đoạt tài sản 4000 tỷ đồng, Vietinbank chỉ được coi là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng, cá nhân khác được coi là người bị hại, nguyên đơn dân sự.
Phần lớn những người bị hại, nguyên đơn dân sự lại cho rằng chính Vietinbank mới là người bị hại, nguyên đơn dân sự vì Huyền Như chiếm đoạt tiền của Vietinbank, còn họ gửi tiền tại Vietinbank nên Vietinbank có nghĩa vụ phải trả lại họ, họ không đòi Huyền Như trả lại.
Lãnh đạo Vietinbank khẳng định Vietinbank không có trách nhiệm với những giao dịch của Huyền Như với khách hàng, vì nằm ngoài hệ thống của Vietinbank. Cho dù hai bên tranh cãi thế nào, sự thật Vietinbank và những người bị hại này đều có lỗi, và đều bị thiệt hại. Những người bị hại mất tiền, thiệt hại về vật chất. Vietinbank đã bị điều tiếng, mất tín trong dư luận, khách hàng. Thiệt hại của Vietinbank tuy chưa đong đếm được nhưng cũng để lại hậu quả nghiêm trọng, khả năng mất khách hàng trong tương lai gần là chắc chắn.  
2. Trong vụ án này, còn có 5 bị cáo bị truy tố về tội cho Huyền Như vay nặng lãi cắt cổ, trong đó có 3 “đại gia” là Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung.
Nguyễn Thiên Lý cho Huyền Như vay bắt đầu từ 5 tỷ, rồi lên tới nghìn tỷ, lãi suất từ 0.3% – 0.4 %/ngày, có lúc lên đến 3.7 – 4 %/ngày, thu lãi đến 745 tỷ.
Với lãi suất cắt cổ tương tự, Nguyễn Thị Lành cho Huyền Như vay tổng cộng khoảng 7800 tỷ đồng và thu lãi khoảng 1200 tỷ đồng. Đào Thị Tuyết Dung cho Huyền Như vay hàng trăm tỷ đồng, thu lãi 174 tỷ đồng.
Khai tại toà, Huyền Như nói: “Ban đầu bị cáo vay vài tỷ, vài chục tỷ, chu kỳ thanh toán lãi là 10 ngày một lần. Nếu quá 10 ngày không trả thì sẽ tính lên 5%/ ngày. Thậm chí có những khoản phải trả lên đến 8%/ ngày. Lãi mẹ đẻ lãi con trong khi bất động sản và cổ phiếu xuống giá, không bán được nên bị cáo mất khả năng chi trả. Các chủ nợ đe dọa sẽ đến cơ quan quậy, nhắn tin đòi ‘đập nát mặt’ nên bị cáo mới huy động tiền của các công ty, ngân hàng để trả lãi cắt cổ“.   
Nếu Huyền Như khai đúng, cần coi những người cho vay nặng lãi trên là những người ép buộc, xúi giục Như phạm tội chiếm đoạt hoặc ít nhất cần bị xem xét trách nhiệm theo các điều của Bộ luật Hình sự (“BLHS”): 250 (tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có), 251 (tội rửa tiền). Những tội này hình phạt cao nhất nặng hơn nhiều so với tội cho vay nặng lãi (theo điều 163 BLHS, cao nhất là 3 năm).
Tại sao Viện Kiểm sát, Tòa án và một số luật sư của những người bị hại không xem xét đến khả năng truy cứu trách nhiệm như trên đối với những người cho vay nặng lãi?
Tài sản bị kê biên của Huyền Như và những bị cáo đồng phạm của Như về tội lừa đảo chỉ khoảng 200 tỷ đồng, bằng 5% giá trị tài sản mà những người bị hại bị chiếm đoạt.
Tại sao những người bị hại và luật sư của họ không nghĩ rằng cần nắm những kẻ có tóc như các bị cáo Lý, Dung, Lành. Nếu thu hồi được từ những bị cáo này, cũng có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Việc Viện Kiểm sát đề nghị tịch thu xung công quỹ tiền thu lợi bất chính của những bị cáo này có vẻ bất công đối với những người bị hại, vì Nhà nước được lợi trên sự mất mát của những người bị hại. Sẽ không có công lý nếu Tòa án phán quyết theo đề nghị này của Viện Kiểm sát .
1. Có vẻ đã có những sắp xếp, tư vấn nào đó để:
a. Huyền Như mang thai tại thời điểm sắp bị bắt và đẻ tại trại tạm giam, để tránh án tử hình nếu bị truy cứu về tội tham ô theo điều 278 BLHS (mà nhiều chuyên gia pháp lý, trong đó có Cựu Chánh tòa hình sự – Tòa án nhân dân tối cao, cho rằng cần phải xử Như về tội này).
b. Huyền Như thoát tội tham ô. Việc thoát tội này không có lợi nhiều cho Huyền Như (do mang thai khi phạm tội, con nhỏ dưới 36 tháng khi xét xử nên theo điều 35 BLHS không áp dụng hình phạt tử hình đối với Như trong mọi tội danh). Việc thoát tội tham ô có lợi chủ yếu cho Vietinbank vì nếu truy cứu trách nhiệm theo tội danh này, Vietinbank được coi là người bị chiếm đoạt, phải đòi tiền Huyền Như, trong khi những người hiện nay được coi là người bị hại có quyền yêu cầu Vietinbank hoàn trả lại tiền đã gửi giữ tại Vietinbank. Như thoát tội này, có nghĩa Vietinbank phủi trách nhiệm đối với những người được coi là người bị hại, nguyên đơn dân sự trong vụ án này (tuy nhiên chưa chắc đã như vậy, sẽ phân tích dưới đây).
c. Chỉ truy cứu trách nhiệm về tội cho vay nặng lãi đối với một số bị cáo nêu trên. Người được lợi chính là những bị cáo này, với hình phạt không quá 3 năm (có người chỉ bị đề nghị án treo). Nếu họ đã giấu giếm tài sản (để không bị tịch thu), khi chấp hành xong hình phạt tù, họ sẽ vẫn có khối tài sản chìm khổng lồ thu từ con thiêu thân Huyền Như, lấy được từ những người bị hại, đủ hưởng thụ suốt đời.
Tất nhiên khi sắp xếp như vậy sẽ có những người được hưởng lợi, đấy chính là những đạo diễn. Những người làm nhiều năm trong các cơ quan tố tụng và hành nghề luật sư đều biết những vở kịch như vậy vẫn thường diễn ra.
2. Vietinbank hi vọng nếu Huyền Như chỉ bị kết tội tham ô, họ sẽ không có trách nhiệm đối với các khách hàng (những người được coi là bị hại). Tuy nhiên đây là một quan điểm sai lầm. Vì những người bị hại này không phải là những tay mơ, họ sẽ quyết chiến không chỉ ở cấp phúc thẩm, cấp giám đốc thẩm mà sẽ tiến hành những vụ kiện khác chống lại Vietinbank (đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nếu Vietinbank phủ nhận có hợp đồng với họ). Vietinbank với tư cách là ngân hàng phải chứng minh họ và nhân viên của họ đã xử sự đúng pháp luật, không có lỗi, điều không thể chứng minh được vì rõ ràng nhiều nhân viên của chính Vietinbank đã bị truy tố (và sẽ bị kết tội) trong vụ án này về những hành vi được thực hiện trong vị trí là nhân viên của Vietinbank. Không kể dư luận, những vụ kiện kéo dài này sẽ gây tốn kém và có cái kết không có lợi  cho chính Vietinbank, thiệt hại thậm chí có thể lớn hơn nếu Vietinbank có thiện chí với khách hàng.
3. Giải pháp cho Vietinbank và những người bị hại khác: chính là họ cần đoàn kết lại, cùng nhau gánh chịu thiệt hại và cùng nhau buộc những kẻ có tóc phải hoàn trả lại tài sản lấy từ nguồn Huyền Như đã chiếm đoạt của Vietinbank và những người bị hại. Nếu những kẻ này bị truy cứu trách nhiệm về tội tham ô (xúi giục Huyền Như tham ô), họ có thể bị án tử hình treo lơ lửng nếu không khắc phục hậu quả, và tất nhiên những kẻ này sẽ phải tìm cách khắc phục tức hoàn trả lại tiền cho Vietinbank và những người được coi là bị hại. Một giải pháp như vậy sẽ gỡ gạc lại được khoảng 2000 tỷ đồng, bằng 50% số tài sản bị Huyền Như chiếm đoạt. Hành vi xúi giục Huyền Như tham ô bắt buộc phải đặt ra. Vì những kẻ cho vay nặng lãi thừa biết với lãi suất  cắt cổ khủng khiếp (nếu tiếp tục duy trì chỉ riêng tiền lãi có thể lên đến hàng tỷ đồng một ngày), Huyền Như không thể trả nổi, muốn trả chỉ có cách duy nhất chiếm đoạt của ngân hàng Vietinbank (nơi Như làm việc) hoặc của người khác.
Luật sư của những người bị hại, tòa án, Viện kiểm sát và Vietinbank sẽ có những giải pháp nào để công lý được thực thi, thiệt hại được bù đắp phần nào?
Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương đã theo dõi phiên tòa này vào hôm nay (15/1/2014), liệu ông có thấy được những vở kịch, những đạo diễn?
Tòa án trả lại hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra lại, làm rõ những vấn đề như nêu trên sẽ là một giải pháp?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"