Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Cần xây dựng một cộng đồng vững mạnh

doanket
Muốn ra trận để chiến đấu với quân địch, cần phải chuẩn bị nhiều thứ, chứ không phải là bắt đầu xung trận ngay. Điều cần thiết trước tiên là phải có nhân sự, hay có quân trước đã. Mà quân đó phải được huấn luyện kỹ càng để chiến đấu. Và điều quan trọng thứ hai là phải có vũ khí. Nếu không đủ những điều kiện nền tảng đó mà cứ xông ra trận thì chỉ là hy sinh nhân mạng một cách uổng phí, đừng nói gì đến chiến thắng.
Cũng tương tự như thế, muốn kinh doanh buôn bán, việc đầu tiên là phải có vốn, không vốn lớn thì vốn nhỏ, chứ không phải là chính việc buôn bán. Ngoài ra còn phải có người cộng tác, những người này cũng phải có kinh nghiệm và tài năng, rồi phải kiếm được thị trường, v.v… Không có đủ những điều kiện ấy thì chẳng mấy ai dám kinh doanh để chuốc lấy thất bại.
Cuộc đấu tranh chống độc tài hiện nay cũng không ngoài quy luật ấy. Muốn đấu tranh, cần phải tạo nền tảng cho cuộc đấu tranh, chứ không phải cứ xông vào cuộc mà đấu rồi hy vọng chiến thắng. Cuộc chiến đấu nào cũng cần có nhân sự, sách lược.

− Nhân sự thì cần phải có kỷ luật, tính can trường, sẵn sàng hy sinh khi cần thiết. Ngoài ra, người lãnh đạo phải có đạo đức, có khả năng, quy tụ được những người tài giỏi, mưu lược, quả cảm, trung thành và hết lòng cộng tác với mình. Còn một điều kiện nữa là phải được quần chúng ủng hộ.
− Sách lược là phải có kế hoạch, đường lối sáng suốt, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước và tình hình chung của thế giới. Cổ nhân nói: “Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nếu đấu tranh mà chỉ biết nghĩ đến mục tiêu của mình, không ý thức được mình là ai, khả năng và vị thế của mình thế nào, không biết địch có những năng lực hay lợi thế nào, cũng không quan tâm tới những thế lực nào đang chi phối mình và đối phương, thì cuộc đấu tranh cuối cùng chỉ là “dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”.
Cuộc đấu tranh hiện nay của người Việt tại hải ngoại muốn có kết quả, cần phải xác định nền tảng của cuộc đấu tranh là gì và quyết tâm xây dựng nền tảng ấy. Nền tảng đó chính là phải có những cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, có thực lực, sẵn sàng hy sinh tiền bạc, thì giờ, năng lực cho cuộc đấu tranh. Nếu người trong các cộng đồng không đoàn kết, luôn luôn có những xung đột nội bộ tạo nên tình trạng chia rẽ, các thành viên sẵn sàng đánh phá lẫn nhau, thì việc chiến thắng chỉ giống như “chờ sung rụng”. Chúng ta có thể vẫn đạt được một số thành quả nào đó tùy theo sự cố gắng của mình, nhưng thành quả cuối cùng là chiến thắng thì quả là rất khó.
***
Sau nhiều năm đấu tranh mà vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn, thiết tưởng chúng ta cũng cần xét lại xem cuộc đấu tranh của chúng ta còn thiếu những yếu tố nào và cần phải cải tiến những gì.

Trước hết, cần phải xác định rõ rệt rằng cộng đồng Người Việt Hải ngoại không thể chiến đấu trực diện với chế độ độc tài cộng sản, mà khả năng chính yếu của chúng ta là hỗ trợ cho cuộc chiến đấu trực diện ở trong nước. Chúng ta nên tập trung năng lực, thì giờ của mình vào công việc chính yếu này.
Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước ngày càng khởi sắc. Những điều mà người Việt hải ngoại mong ước từ lâu là số người đấu tranh trong nước phải càng ngày càng đông lên, nhất là có sự tham gia của giới trẻ và của những người đã từ bỏ hàng ngũ cộng sản để gia nhập hàng ngũ đấu tranh dân chủ. Điều đó quả là đã bắt đầu và đang tiến triển ngày càng tốt đẹp. Thật vậy, cách đây khoảng 10 năm, số người đấu tranh công khai trong nước chỉ được khoảng 50 người, trong đó hầu hết là người từ 45-50 tuổi trở lên. Thế mà bây giờ, sau 10 năm, số người công khai đấu tranh trong nước đã lên đến con số ngàn, trong đó đa số là giới trẻ tuổi từ 20 đến 50, và chủ yếu là các blogger.
Tuy nhiên, song song với sự gia tăng số người đấu tranh, thì chế độ cộng sản cũng gia tăng số công an lên, kể cả thu nhận thành phần xã hội đen. Phía đấu tranh dân chủ gia tăng một, thì phía công an dường như gia tăng gấp đôi, gấp ba. Các nhà đấu tranh trong nước đấu tranh càng mạnh, thì sự đàn áp của công an cũng càng thô bạo và tàn ác hơn. Cụ thể nhất là ngày 17/12/2013 vừa qua, thủ tướng CSVN vừa ký nghị định cho phép công an bắn những ai chống người thi hành công vụ. Điều này cho thấy sự tàn ác và quyết tâm tận dụng bạo lực của chế độ. Với tình hình ấy, đương nhiên số tù nhân lương tâm cũng ngày càng gia tăng nhanh chóng. Hiện nay, số tù nhân lương tâm đã lên tới khoảng 200.
Do đó, việc yểm trợ mọi mặt của người Việt hải ngoại cho các nhà đấu tranh trong nước và những tù nhân lương tâm cũng phải tăng lên theo tỷ lệ gia tăng trong nước. Chúng ta không thể giữ mãi mức độ yểm trợ của mình như cũ cho trong nước, mà phải gia tăng mức độ đó lên gấp đôi gấp ba trước đây.
Việc yểm trợ bằng lời luôn luôn là điều cần thiết, nhưng yểm trợ bằng hành động, bằng những hy sinh cụ thể còn cần thiết gấp nhiều lần.
Trước đây, chúng ta phản đối Cộng sản, tố cáo tội ác cộng sản, chửi cộng sản không tiếc lời trên các trang mạng, trong những diễn đàn paltalk, email, facebook, twitter, v.v… Điều đó có tác dụng làm cho người dân trong nước ngày càng ý thức được tội ác tày trời của cộng sản để họ vùng dậy. Người dân trong nước đã từng bị cộng sản kìm kẹp chặt chẽ, nay nhờ cuộc đấu tranh nhân quyền ngày càng mạnh cộng thêm với áp lực quốc tế, chế độ đã phải nới lỏng sự kìm kẹp đó. Điều đó khiến người dân cảm thấy dễ thở hơn và rất nhiều người đã hài lòng với sự dễ thở đó (*). Họ không ý thức được rằng so với các dân tộc khác, họ vẫn bị tước đoạt rất nhiều quyền và lợi mà người dân trong những quốc gia khác được hưởng rất đầy đủ. Việc tố cáo tội ác cộng sản giúp người dân ý thức được sự cần thiết của đấu tranh và có động lực đấu tranh.
Tuy nhiên, đấu tranh bằng lời, bằng việc tố cáo tội ác cộng sản hay chửi cộng sản thậm tệ chưa phải là đấu tranh tích cực. Hiện nay, ngay cả các cán bộ cộng sản trong nước khi nói chuyện riêng tư với nhau, nhất là trong các bàn nhậu, họ cũng chửi chế độ không kém gì chúng ta. Cách đây khoảng 10 năm, khi tôi −người viết bài này− mới bắt đầu lên tiếng đấu tranh, chưa bị công an theo dõi chặt chẽ, đã được một người bạn mời đến dự một buổi nhậu nhẹt của một số cán bộ nhà nước và bộ đội mà anh ta quen. Chính tôi đã chứng kiến cảnh họ biểu lộ sự bất mãn cao độ của họ đối với chế độ, trong đó có người là đại úy, trung úy. Họ chửi chế độ một cách thậm tệ và công khai, ở mức độ mà những người dân bình thường không dám chửi. Tuy nhiên, anh bạn của tôi bảo tôi đừng thấy thế mà mừng, vì họ chỉ chửi cho sướng miệng thôi, chứ nếu cấp trên ra lệnh cho họ đàn áp dân thì họ cũng sẵn sàng tuân lệnh, dù họ biết lệnh ấy là sai trái. Lý do rất đơn giản là vì họ không muốn hy sinh nồi cơm của họ, họ không muốn mất địa vị đang có, không muốn bị chế độ gây phiền phức…
Điều đó cho thấy chửi cộng sản và đấu tranh vẫn là hai việc rất khác nhau. Khác nhau ở yếu tố căn bản này: đấu tranh là phải chấp nhận hy sinh, thiệt thòi, mất mát hầu đạt mục đích của đấu tranh. Sự hy sinh mất mát đó có thể là thì giờ, công sức, quyền lợi, tiền bạc, của cải, sức khỏe, uy tín, tình cảm, sở thích, thú vui, v.v… Nếu chửi cộng sản cho sướng miệng, cho thỏa lòng hận thù, mà không có sự hy sinh cụ thể, thì chưa phải là đấu tranh đích thực.
Cũng vậy, ở hải ngoại, chúng ta không thể tự hào rằng mình đang tranh đấu cho tự do dân chủ, nếu chúng ta không thật sự yểm trợ cho cuộc đấu tranh trong nước bằng sự hy sinh của chúng ta cách này hay cách khác.
Cuộc đấu tranh trong nước đang rất cần sự yểm trợ của người Việt hải ngoại, cụ thể và cần thiết nhất là yểm trợ tài chánh. Bất kỳ ai lên tiếng đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do dân chủ là đều bị bao vây kinh tế: bị mất việc làm và không kiếm được việc nào khác. Những người phải thuê nhà hay phải ở trọ nhà người khác thì chủ nhà bị công an đến áp lực buộc phải đuổi họ đi. Những tù nhân lương tâm thì cần được gia đình thăm nuôi. Ngay cả gia đình của những tù nhân cũng có thể bị bao vây kinh tế, khiến gia đình rất vất vả trong việc kiếm tiền để mua đồ thăm nuôi và đi xe đến nơi thăm nuôi, nhất là khi trại tù ở quá xa nhà mình. Nếu không yểm trợ tài chánh cho họ, làm sao họ đấu tranh?
Chúng ta mong cho người trong nước đấu tranh ngày càng đông, và đương nhiên số tù nhân yêu nước cũng phải gia tăng theo. Nay họ đông lên như ý chúng ta thì chúng ta cũng cần gia tăng sự yểm trợ cho họ, đặc biệt về mặt tài chánh. Tài chánh cũng là một trong những yếu tố nền tảng cho cá nhân và gia đình của các nhà đấu tranh để họ có thể tiếp tục đấu tranh. Họ không thể đấu tranh khi họ không có gì để sống, hay khi họ nhìn thấy vợ con họ nheo nhóc, không đủ những nhu cầu tối cần thiết cho cuộc sống.
Ngoài việc yểm trợ tài chánh, chúng ta cũng cần yểm trợ họ về mặt chính trị (như vận động chính giới áp lực CSVN tôn trọng nhân quyền, chùn tay đàn áp, trả tự do cho các tù nhân lương tâm…), mặt thông tin (phá tan sự bưng bít thông tin của cộng sản, cung cấp thông tin đầy đủ, giúp người dân trong nước ý thức về quyền làm người của họ…).
***
Trở lại vấn đề nền tảng cho cuộc đấu tranh tại hải ngoại. Đấu tranh ở hải ngoại chủ yếu là yểm trợ. Nhưng làm sao yểm trợ nếu chúng ta không phải là những cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, có khả năng yểm trợ tài chánh, yểm trợ chính trị, yểm trợ thông tin cho cuộc đấu tranh trong nước. Trong cuộc vận động chính giới, nếu chúng ta không phải là một lực lượng có sức mạnh thì chẳng có chính giới nào sẵn sàng làm những điều chúng ta yêu cầu cả. Họ chỉ sẵn sàng lắng nghe chúng ta vì lịch sự ngoại giao, chứ không làm những điều chúng ta yêu cầu. Nhưng nhiều người đã cảm thấy hài lòng khi thấy họ đã lắng nghe. Họ chỉ sẵn sàng làm những gì chúng ta yêu cầu khi cộng đồng của chúng ta có thực lực. Chúng ta chỉ có thực lực và vững mạnh nếu chúng ta đoàn kết, thống nhất được đường lối, và có chung một tiếng nói.

Như đã nói trên, đấu tranh đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, phải chấp nhận thiệt thòi mất mát. Để cộng đồng người Việt chúng ta vững mạnh, đoàn kết, chúng ta cũng phải hy sinh, chấp nhận mất mát, thiệt thòi, chịu đựng. Hiện nay, cộng đồng của chúng ta bị chia rẽ, chưa đoàn kết nên chưa có sức mạnh, là vì chúng ta chưa hy sinh, chưa từ bỏ “cái tôi” của mình, vẫn coi “cái tôi” cá nhân cũng như “cái tôi” phe phái của mình quá nặng.
Chúng ta vẫn đặt nặng vấn đề chỉ trích, nhất là chỉ trích cá nhân, sẵn sàng bêu lên những cái xấu của người khác với hy vọng họ sẽ sửa. Nhưng sửa đổi bằng cách chỉ trích, mạt sát họ là hoàn toàn thất sách, lợi bất cập hại. Chỉ trích chỉ gây chia rẽ chứ không sửa đổi được ai. Theo Dale Carnegie, tác giả cuốn “Đắc Nhân Tâm”, thì “Chỉ trích là vô ích (nó làm cho kẻ bị chỉ trích phải chống cự lại và tự bào chữa) mà còn nguy hiểm, oán thù. Hơn nữa, kẻ ta chỉ trích tự nhiên sẽ hằn học chỉ trích lại ta”. Tóm lại, chỉ trích chẳng có tác dụng gì cả, kết cuộc chỉ sinh thù oán, chia rẽ. Để sửa những lầm lỗi cá nhân, thiết tưởng có nhiều cách tốt và hữu hiệu hơn là chỉ trích. Trong cuộc đấu tranh, cần áp dụng nghệ thuật đắc nhân tâm.
Để tránh chia rẽ, tốt nhất, đừng quan tâm quá nhiều đến những lầm lỗi hay khuyết điểm cá nhân, vì nói chung, ai cũng có những sai lầm hay lầm lỗi. Hãy chú trọng nhiều hơn đến phần tích cực mà các cá nhân hay đoàn thể đã làm hay đạt được. Quá chú trọng tới việc chỉ trích thì lợi bất cập hại. Đấu tranh hay làm chính trị thì việc quan trọng là phải cân nhắc lợi hại, chứ không phải là cứ thấy điều gì xấu thì phản đối, bất chấp việc phản đối ấy không đúng lúc, không đúng cách, có thể có hại cho việc chung.
Để xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, thiết tưởng chúng ta có thể bắt đầu bằng việc dễ nhất và căn bản nhất, đó là ngưng tất cả mọi chỉ trích cá nhân công khai trên mạng. Dường như tất cả mọi chỉ trích đều gây tổn thương cho sự đoàn kết của cộng đồng, và làm cộng đồng suy yếu.
Houston, ngày 3/1/20014
© Đàn Chim Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"