Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Đảng viên bỏ Đảng: Nên hay không?

Kami

Cuối năm 2013, thiên hạ râm ran chuyện ba ông đảng viên đảng CSVN bỏ đảng. Họ làm như thể đảng cộng sản sẽ vỡ (đến nơi) vì chuyện đảng viên bỏ đảng. Nghĩ mà không dám nói (viết) ra chỉ bấm bụng cười, không phải vì chuyện đó không có lợi cho phong trào mà vì kết cục của chuyện này dễ thấy lắm. Đến hôm nay thì ai cũng thấy kết quả vẫn là tình hình không thể đảo ngược, vẫn y nguyên.
Nói thế hoàn toàn không có ý chê trách những người bỏ đảng, bỏ đảng hay vào đảng là do mỗi cá nhân tự quyết định, chẳng có ai ép buộc được ai. Đã chấp nhận tư tưởng đa nguyên là phải biết các tôn trọng các suy nghĩ khác biệt. Chứ đừng thấy trong không khí bỏ đảng chạy lấy người của một số đảng viên, thì lại xuất hiện một "thằng khùng" cựu tù chính trị làm đơn xin gia nhập đảng CSVN thì không ít người bỗng nổi đóa lên. Một chuyện cực kỳ vô lý.

Bình thường, người đảng viên bỏ đảng âm thầm bằng cách không chuyển hồ sơ sinh hoạt đảng là xong, ngoài Điều lệ đảng bắt buộc thì ngoài đời có bao giờ thấy ai bắt ép đảng viên phải chuyển sinh hoạt đảng khi chuyển công tác khác đâu. Nếu đảng viên ấy không còn mặn mà với đảng thì chi bộ đảng nơi đảng viên đến công tác mới chỉ hỏi anh có chuyển đảng đến không? Không chuyển thì rồi cũng thôi, cũng chả ai quan tâm. Và trên thực tế cuộc sống có hàng nghìn, hàng vạn đảng viên đã âm thâm bỏ đảng như thế mà xem ra chả ảnh hưởng gì đến sự tồn vong của đảng CSVN cả. Nếu hiểu câu đảng CS cũng như cái hố xí một cách đúng nghĩa, nghĩa là chỉ dành cho người có nhu cầu. Chính vì thế mới có tình trạng ở một chốn thối không chịu nổi mà thằng ở trong muốn ra nhưng thằng ở ngoài đang "mót" lại muốn vào theo lối khắc nhập khắc xuất.
Cũng tại thời buổi hiện nay, làm gì có chuyện người gia nhập đảng với lý do muốn theo đuổi lý tưởng của đảng như điều họ viết trong đơn xin gia nhập đảng. Vì ai cũng biết nhờ có điều 4 của Hiến pháp nên công tác tổ chức cán bộ có một cái luật bất thành văn, nếu ai không phải đảng viên đảng CSVN thì người đó không đủ tiêu chuẩn cơ cấu để làm cán bộ lãnh đạo. Cũng tại làm cán bộ lãnh đạo thì có ưu thế hơn người về quyền, tiền và bổng lộc khác mang lại. Đây là lý do khiến xu hướng nhiều người suy nghĩ muốn gia nhập và không muốn từ bỏ đảng CSVN tồn tại. Và cũng có nghĩa là làm đảng viên CS thì chỉ có được hay không được bổng lộc chứ không hề mất cái gì, đó chính là lý do đến 90% đảng viên đảng CSVN chẳng được lợi ích gì ngoài hai chữ đảng viên ghi trong lý lịch của họ và của con cái, nhưng họ cũng chả có nhu cầu bỏ đảng. Nói cho cùng ở lại hay bỏ ra khỏi đảng đối với họ vẫn thế, không có gì thay đổi đối với cuộc sống của họ.
Cách đây không lâu, ông GS. Nguyễn Đình Tấn, Giám đốc Viện Xã hội học thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh có nói đại ý rằng đảng CSVN ngoài lực lượng 3,5 triệu đảng viên còn có một cái mà ông gọi là đội hậu bị của đảng đó là các đội viên, đoàn viên với số lượng cả chục triệu người. Ai không biết, nghe ông ta nói thì thấy ghê, nhưng trên thực tế hàng chục triệu đảng viên, đoàn viên và đội viên ấy có bao nhiêu % quan tâm đến vận mệnh của đảng CSVN? Hay những lực lượng ấy chỉ hiện thân là người của đảng mỗi năm chừng vài chục phút khi ( hãn hữu) họp chi bộ, chi đòan, chi đội... Và hãy nghiêm túc trả lời câu hỏi "Phải chăng hàng chục triệu: đảng viên quèn, đoàn viên, đội viên có ý nghĩa gì trong cuộc sống thường nhật hay không, hay họ cũng hoàn toàn chỉ là những công dân bình thường?". Câu trả lời đúng là chắc chắn.
Nếu nói rộng ra về cơ cấu của đảng CSVN, sẽ thấy rõ đảng CSVN không phải là một người khổng lồ nhờ có cái đuôi của con Thạch sùng là các tổ chức chính trị xã hội của đảng có ở mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Nếu như đảng CSVN không có cái đuôi đó thì kết cấu của đảng CSVN cũng chẳng khắc gì các chính đảng ở các quốc gia dân chủ đa đảng. Tức là sức mạnh thực sự của các chính đảng chỉ xuất hiện trên thượng tầng kiến trúc của tổ chức đảng, kiểu như tòa lâu đài trên cát. Nghĩa là rất yếu ớt và cái đuôi của con Thạch sùng kia về thực chất cũng chẳng có gì là ghê gớm cả, nó có thể rụng bất kỳ lúc nào. Vả lại sự có mặt của các tổ chức cơ sở Đảng, Đoàn, Đội có hay không cũng vẫn thế nó không hề có ảnh hưởng gì tới quyền lực ở thượng tầng kiến trúc. Hoàn toàn không có chút giá trị về mặt thực tiễn.
Điều đó cho thấy việc Đảng viên bỏ đảng hay cố gằng để tạo một làn sóng bỏ đảng là một mong muốn và chủ trương xa rời thực tế thiếu tư duy về chính trị của một số người. Nó chỉ là hành động mang tính đơn lẻ, bộc phát của những đảng viên bị dồn nén trạng thái tâm lý ở mức độ cao. Đồng thời là giải pháp chứng tỏ sự bất lực của họ trong vấn đề tư tưởng. Suy nghĩ đó vô tình đã đề cao sức mạnh của đảng CSVN quá mức hiện có của nó đây là một điều không nên. Song trong chuyện này chỉ có những người trong cuộc, những ai đã từng là đảng viên cộng sản mới hiểu diễn biến tâm lý của họ, những người ra sức rùm beng chuyện bỏ đảng của cá nhân mình. Nói chung đại loại cũng kiểu "Chưa đánh được người thì đỏ như vang, đánh người xong thì mặt vàng như nghệ". Toại nguyện ít lâu rồi cảm thấy hẫng hụt, vì kết cục không như họ tưởng vì cái vòng hòa quang chốc lát ấy cũng chẳng có giá trị gì.
Nếu hiểu nguy cơ Diễn biến Hòa bình, điều mà các lãnh tụ cộng sản Việt nam hết sức sợ. Đó là sự thoái hóa biến chất của một số đông lực lượng đảng viên thoái hóa biến chất, cấu kết với nhau để từ trong đánh ra tạo nguy cơ khủng hoảng dẫn đến sự sụp đổ của đảng CSVN. Thì tại sao các đảng viên CS không ở lại đảng để góp phần tạo nên các nguy cơ đó và thúc đẩy nó cho trầm trọng hơn? Đến hôm nay, khi chúng ta đủ tỉnh táo đẻ nhận ra rằng ông Lê Hiếu Đằng, TS. Phạm Chí Dũng... hôm qua không bỏ đảng và hôm nay có khác nhau cái gì không, nếu không ngoài một chút sự mát danh dự của tổ chức đảng CSVN? Từ bỏ đảng CSVN hiện nay không những không giải quyết dược vấn đề gì mà còn là hiện tượng vô tình tránh né nguy cơ đổ vỡ của đảng CSVN. Tai sao họ không tiếp tục ở lại làm cái gai để tạo nên sự khó chịu thường trực của đảng, để đánh đi những tín hiệu mâu thuẫn trong đảng và còn đảm bảo cho sự trong sạch của quần chúng? Một Tổng Bí thư đảng CS Liên xô Gorbachev ở thượng tầng là người đã làm sụp đổ cả một chính đảng Cộng sản hàng đầu kéo theo sự sụp đổ của cả hệ thống XHCN, chứ đâu có phải do các đảng viên cộng sản ly khai cấp dưới mà có đâu?
Nếu điều đó vừa rùm beng ấy chỉ xảy ra đối với các đảng viên cộng sản bình thường thì hoàn toàn không đáng vấn đề, nhưng những người hoạt động chính trị có tên tuổi như ông Lê Hiếu Đằng, TS. Phạm Chí Dũng... thì nên coi đó là một sự thất bại. Vì lẽ ra những người có tầm cỡ như họ phải nhận ra được sự thật đó. Với họ không thể vì một phút huy hoàng để rồi chợt tắt!
Vận mệnh của đảng CSVN cũng mong manh lắm không khác gì lâu đài trên cát, điều mà ai cũng biết. Nhưng dẫu có như thế thì họ vẫn tồn tại một cách không thể đảo ngược được, ít nhất là cho đến thời điểm này. Nếu không như thế thì vừa rồi họ đã không vội vã cho ra Nghị định mang số 208/2013/CP-NĐ ban hành ngày 17/12/2013 cho quyền các loại lực lượng Công an Cảnh sát bắn người dân trong các trường hợp “cần thiết”, “cấp bách” đâu.
Vấn đề chưa thể có sự thay đổi là do chưa có một lực lượng đối lập đủ mạnh về tầm vóc và lực lượng cần phải có. Nói tóm lại là do đối lập quá yếu và kém.
Ngày 03 tháng 01 năm 2014
© Kami

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"