Trong một bài báo nhan đề “Diplomat in Chief”
đăng trên tờ Los Angeles Times số ngày Chủ nhật 8 -7-2012 ông James
Mann bàn về cái nhìn của bà Hillary Clinton về thế đứng của Hoa Kỳ trên
thế giới. Ông James Mann, nguyên phóng viên kỳ cựu của tờ Los Angeles
Times và hiện đang làm công tác nghiên cứu tại trường tại đại học Johns
Hopkins, về lĩnh vực quốc tế (Johns Hopkins School of Advanced
International Studies). Ông đã viết nhiều tác phẩm về bang giao quốc tế.
Cuốn mới nhất là cuốn “The Obamians: The Struggle Inside the White
House to Redefine American Power” (Cuộc tranh đấu nội bộ của chính quyền
Obama để tái định nghĩa thế nào là sức mạnh của Hoa Kỳ). Trong đó ông
đề cập đến sự khác biệt về “tầm nhìn” ngoại giao và thế đứng của Hoa Kỳ
của tổng thống Obama và bà Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Chính sách đối ngọai của một quốc gia là một vấn đề thuộc phạm trù
sức mạnh của quốc gia đó. Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, tổng thống là người
vạch chính sách đối ngoại, bộ trưởng ngoại giao là người thi hành chính
sách của tổng thống. Nhưng quan hệ giữa tổng thống Obama và Bộ trưởng
ngoại giao Hillary Clinton có tính đặc biệt. Và điều này làm cho quốc tế
khó nhận định đích xác chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đang
hành xử như một đại cường hay đang tìm cách thích ứng với khung cảnh mới
của thế giới trong đó sức mạnh của Hoa Kỳ đã đạt đến cao điểm và cần
thích ứng với những thế lực đang lên như Cộng đồng Âu châu, Nam Mỹ và
nhất là Trung quốc.
Trong cuộc tranh luận năm 2007 giữa hai ứng cử viên Obama và Clinton,
khi trả lời một câu hỏi của cử toạ rằng nếu đắc cử tổng thống trong năm
đầu tiên ông có sẵn sàng gặp các lãnh tụ của Iran, Syria, Venezuela,
Cuba, và Bắc Hàn mà không cần điều kiện tiên quyết không, ông Obama trả
lời: “sẵn sàng”, trong khi bà Clinton bình luận rằng một cuộc gặp gỡ như
vậy chỉ giúp cho kẻ thù dùng làm lợi khí tuyên truyền. Sau này, trong
các lãnh tụ nói trên tổng thống Obama chỉ gặp bắt tay xã giao một lần
với ông Hugo Chavez tổng thống Venezuela khi gặp nhau tại Hội nghị
Thượng đỉnh các nước Châu Mỹ tháng 4/2009 tại Cộng hòa Trinidad and
Tobago.
Theo James Mann bà Hillary không được đảng Dân Chủ chọn vì quan điểm
đối ngoại cứng rắn của bà và đảng Dân Chủ xem bà là sự tiếp nối của
chính quyền Bill Clinton (đã làm đảng chán với vụ Lewinsky) và sự thiếu
kinh nghiệm ngoại giao.
Tổng thống Obama qua gần 4 năm làm tổng thống đã chứng tỏ không ‘bồ
câu” như khi tranh cử. Ông đã gián tiếp chứng tỏ quan điểm đối ngoại của
bà Clinton là đúng. Ông Obama giữ lời hứa rút quân ra khỏi Iraq, nhưng
tăng quân tại Afghanistan, tăng gia các cuộc đột kích giết các lãnh tụ
al Qadea bằng máy bay không người lái, quyết định đánh và giết Osama bin
Laden tại Abbottabad bất chấp vi phạm chủ quyền của Pakistan.
Một câu hỏi chưa bao giờ được trả lời dứt khoát: Tại sao tổng thống
Obama đề nghị chức bộ trưởng ngoại giao cho bà Clinton. Và tại sao bà
nhận? Nhu cầu hòa giải nội bộ đảng chỉ là một lý do thứ yếu. Lý do chính
có thể tổng thống Obama cần củng cố gốc đảng của mình qua sức mạnh
chính trị tiềm tàng nơi họ Clinton và để qua cựu tổng thống Clinton bổ
khuyết sự thiếu kinh nghiệm đối ngoại của mình.
Bà Clinton nhận lời vì bà chưa chịu thua cuộc. Ở chức vụ bộ trưởng
ngọai giao bà sẽ có một diễn đàn tốt để quảng bá tên tuổi và chính sách
đối ngoại của mình. Bà sẽ tìm đường trở lại Bạch ốc khi thời cơ đến. Nếu
trước đây bà đã ngậm đắng nuốt cay không ly dị ông Clinton trong vụ
Lewinsky (theo văn hóa Hoa Kỳ) vì tương lai chính trị thì sau vụ tranh
cử (2008) thất bại bà có thừa can đảm phụ tá cho một người mới ngày hôm
trước còn là một kẻ thù chính trị bà đã từng phê phán. Bà xem sự thất
bại trong cuộc chạy đua vào tòa Bạch ốc chỉ là thua một trận đánh, chưa
thua một trận giặc. Trong thâm tâm bà Clinton không xem mình kém tài.
Nguyên nhân thua trận đánh đầu tiên với ông Obama có thể do uy tín Hoa
Kỳ vào những năm 2007, 2008 xuống quá thấp là một, và lịch sử muốn
chuyển hướng sớm hơn đã định là hai.
Không có gì để nghi ngờ quyết tâm của bà Clinton. Bà còn trẻ và thời
gian chưa ngoãnh mặt lại với bà. Nếu dòng họ Kennedy muốn anh em tiếp
nối làm tổng thống. Nếu dòng họ Bush đã thành công làm tổng thống Hoa Kỳ
trong hai thế hệ cha con, thì tại sao bà không thể tiếp bước đi của họ
Clinton vào Bạch ốc. Nếu vì nhu cầu lịch sử dân chúng Hoa Kỳ đã chọn một
vị tổng thống da mầu đầu tiên thì thời điểm để chọn một người phụ nữ
làm tổng thống cũng đã chín muồi.
Ngoài giấc mộng Bạch ốc, dòng họ Clintons’ từng có giấc mộng cải tổ
hệ thống bảo hiểm sức khỏe tại Hoa Kỳ cung cấp cho mọi người dân một
hình thức bảo hiểm nào đó theo trào lưu của thế giới. Bà được tổng thống
Clinton giao cho công việc đó trong những năm đầu thập niên 1990, nhưng
thời cơ chưa tới, kế hoạch bị đánh bại. Để rồi 15 năm sau đối thủ chính
trị của bà, tổng thống Barack Obama đã ký ban hành luật Affordable Care
Act mà tự nhiên trở thành dấu ấn của tổng thống Obama qua danh từ
“Obamacare” phái hữu dán vào bộ luật. Sau phán quyết của Tối cao Pháp
viện cuối tháng 6/2012 công nhận tính hợp hiến của bộ luật làm cho nhãn
hiệu “Obamacare” trở thành một tích lũy chính trị tốt cho tổng thống
Obama.
Sự chọn lựa của bà thức thời. Trong khi tổng thống Obama lo củng cố
lại uy tín của Hoa Kỳ bằng thái độ khiêm nhượng thụt lùi tư thế quốc tế
của Hoa Kỳ để mua chuộc lại lòng tin thế giới thì bà Clinton có tư thế
để xác định Hoa Kỳ vẫn mạnh và vẫn lãnh đạo thế giới trong một thời gian
dài trước mắt.
Ông James Mann trong bài viết “Diplomat In Chief” trích dẫn một đoạn
văn trong lời phát biểu của tổng thống Obama mùa hè năm 2010 khi ông
công bố chương trình rút quân tại Iraq rằng: “Quân đội Hoa Kỳ đã làm
tròn nhiệm vụ bây giờ là lúc chúng ta làm công việc của chúng ta. (bóng
bẩy là rút quân về). Nguyên văn: “American soldiers have met every test
that they faced … Now, it’s our turn.” Theo ông James Mann – dựa vào sự
tiết lộ của giới thân cận bà Clinton – lời tuyên bố này hàm ý Hoa Kỳ
không còn cho mình là siêu cường mạnh nhất thế giới. Cho nên hơn một
tuần lễ sau bà Clinton phát biểu : “Hoa Kỳ có khả năng, phải và sẽ lãnh
đạo thế giới trong thế kỷ trước mắt. Chính quyền này sẽ duy trì lực
lượng quân sự lớn nhất thế giới và –nều cần- sẽ mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi
của mình và đồng minh” (nguyên văn: The United States can, must and
will lead in this new century … This administration is also committed to
maintaining the greatest military in the history of the world and, if
needed, to vigorously defend ourselves and our friends)
Bước vào chính quyền Obama với chức vụ Bộ trưởng ngoại giao bà
Clinton có nhiều tự do chuẩn bị và triển khai chính sách đối ngoại siêu
cường của Hoa Kỳ. Bà cùng với ông bộ trưởng quốc phòng Robert Gates
(nguyên là giám đốc Trung ương Tình báo – CIA) bén nhạy nhận ra mối đe
dọa của Trung quốc và đã nhanh chóng công bố chính sách của Hoa Kỳ tại
Thái Bình Dương tại Hà Nội tháng 7 năm 2010 khi dự Hội nghị ARF (Asean
Regional Forum). Bà Clinton (và ông Gates) là người buộc tổng thống
Obama để tâm đến vai trò của Hoa Kỳ tại Á châu và công bố chính sách
“pivot” trong chuyến đi Úc châu cuối năm 2011. Nếu hôm nay Việt Nam có
một tư thế rộng rãi để chọn đường lối đối ngoại (Trung quốc hay Hoa Kỳ)
là nhờ sự mở đường của bà Clinton.
Trong những năm qua bà Hillary Clinton từng tìm một chiếc cửa mở để
thử sức với ông Obama một lần nữa, và bà đã cho biết chỉ làm bộ trưởng
ngoại giao trong một nhiệm kỳ.
Nhưng hình như các biến chuyển không chiều ý bà. Kinh tế chưa phục
hồi, thất nghiệp còn cao, nhưng uy tín tổng thống Obama chưa mòn mỏi. Và
mới đây phán quyết của Tối cao Pháp viện chấp nhận tính hợp hiến của
luật Cải tổ Bảo hiểm Sức khỏe tổng thống Obama ký ban hành ngày
23/3/2010 củng cố thêm uy tín của ông Obama.
Bỏ ra ngoài yếu tố tâm lý của một quốc gia đang ở trạng thái tối phân
cực như hiện nay không ai có thể quyết đoán dân chúng Hoa Kỳ sẽ chọn
Obama hay Romney. Nhưng nếu xét theo tiền lệ thì không có lý do gì dân
chúng Hoa Kỳ không để ông Obama làm tổng thống một nhiệm kỳ nữa. Ông
Mitt Romney vốn là một chính khách Cộng Hòa có quan điểm trung dung,
nhưng càng đi sâu vào cuộc tranh cử ông càng ngã về phía cực hữu làm cho
thành phần thiểu số lo sợ.
Nếu ông Obama thêm một nhiệm kỳ nữa thì cơ hội để bà Hillary Clinton,
một đảng viên đảng Dân chủ bước vào tòa Bạch ốc vào năm 2016 trở nên
rất mong manh.
Nhưng nếu thiên mệnh không chìu lòng người, ít nhất lịch sử Hoa Kỳ cũng sẽ ghi nhận rằng bà Clinton là một Bộ trưởng Ngoại giao có nhiều quyền hạn nhất (hơn cả Henry Kissinger khi tổng thống Nixon mất uy tín sau vụ Watergate) nếu không muốn nói là nhìn xa nhất trong việc hoạch định chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong thời đại bản lề của thế kỷ 21 Hoa Kỳ chuyển mình từ thế mạnh vô địch sang thế mạnh tương đối.
Nhưng nếu thiên mệnh không chìu lòng người, ít nhất lịch sử Hoa Kỳ cũng sẽ ghi nhận rằng bà Clinton là một Bộ trưởng Ngoại giao có nhiều quyền hạn nhất (hơn cả Henry Kissinger khi tổng thống Nixon mất uy tín sau vụ Watergate) nếu không muốn nói là nhìn xa nhất trong việc hoạch định chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong thời đại bản lề của thế kỷ 21 Hoa Kỳ chuyển mình từ thế mạnh vô địch sang thế mạnh tương đối.
Và trong những thập niên tới khi nói tới quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt
Nam, người ta không thể quên sự đóng góp của bà Hillary Rodham
Clinton./.
July 12, 2012
© Trần Bình Nam