Alan Phan
Vừa qua tôi được chứng kiến một chuyện đau lòng: một đám tang của một người trẻ ở Thanh Hóa. Người chết là một người đàn ông còn trẻ, Anh 39 tuổi – (tôi xin dùng chữ hoa để gọi Anh. Vừa thể hiện tấm lòng thương cảm, xót xa của tôi với hoàn cảnh của Anh; vừa “tiễn đưa Anh về với đất qua những dòng này, dù không khóc nỉ non nhưng tôi cũng đang đứt từng khúc ruột” – như cách nói của Nam Cao trong “Điếu Văn”). Anh có mẹ già, vợ và 2 con còn nhỏ dại.
Quê anh là một vùng quê thuần nông như bao làng quê khác ở xứ Thanh. Mang tên Phú Điền nhưng nó chẳng có gì là “phú” cả. Vẫn nghèo hèn, lạc hậu, âm u…; vẫn những tiếng kêu của ếch nhái, của chão chuộc khi đêm về làm buổi đêm thêm u tịch, thê lương. Người dân trong làng bây giờ vẫn như các làng quê khác là chỉ toàn người già, con trẻ; con gái đẹp bỏ làng mà đi hết…
Quê Anh nghèo nên như bao thanh niên khác, Anh phải bỏ lại mẹ già con dại ở lại cho người vợ trẻ chăm sóc, khăn gói quả mướp từ Thanh Hóa vào tận Bình Dương kiếm sống. Công việc của Anh là dùng hóa chất để sơn đồ gỗ, đơn giản nhưng độc hại. Thương mẹ già con dại, Anh làm việc ngày đêm. Nào tăng ca, nào làm thêm giờ… bất chấp công việc rất độc hại. Làm việc vất vả như thế nhưng cũng như bao người lao động tha phương cầu thực khác, điều kiện ăn ở của Anh thật tồi tệ. Căn phòng trọ ổ chuột tồi tàn, nóng nực; những bữa ăn thiếu chất…là những điều Anh phải đối diện hàng ngày. Mà thực ra, Anh đã phải đối diện những điều tồi tệ này gần chục năm rồi. Anh dự kiến là tháng Tư này là về quê sinh sống. Tháng Tư không thành, lại tính sang tháng Bảy này. Ai ngờ…
Trưa một ngày đầu tháng Bảy vừa qua, sau khi tắm rửa, Anh lên giường đi ngủ. Đến chiều tối khi mọi người cùng xóm trọ đi làm về thì đã thấy Anh mất rồi. Anh ra đi không lời trăn trối, không người thân bên cạnh. Đau xót là Anh ra đi vì bị đột quỵ do làm việc quá sức, điều kiện ăn ở khó khăn. Đau xót hơn nữa là những nguyên nhân này đa số là do chủ quan - chính chúng ta tự gây ra.
Nếu kinh tế không quá khó khăn, nếu vùng quê Anh có nhiều nhà máy xí nghiệp, nếu ở quê Anh cũng có thể dễ dàng kiếm được việc làm để nuôi mẹ già con dại v.v… thì Anh đã không phải đi tha phương cầu thực, để rồi phải đón nhận một kết cục đau lòng như thế. Dĩ nhiên để có nhà máy xí nghiệp, có điều kiện phát triển bản thân… là rất khó nhưng không đến mức là không thể. Phụ thuộc phần lớn vào chúng ta. Nếu cơ chế mở, thành phần kinh tế tư nhân cũng bình đẳng như thành phần kinh tế nhà nước, nếu chúng ta không ấu trĩ khư khư đi những lối mòn mà nhân loại đã đi hàng trăm năm trước (ý của TS Alan Phan)… thì tình hình đất nước chắc sẽ khác. Lúc đó mỗi người dân sẽ được là chính mình, sẽ có một môi trường tự do để cho mỗi công dân có thể phát huy hết khả năng của mình, phát triển đến giới hạn có thể của mỗi người tùy theo khả năng như thế nào mà thôi (ý của tiểu thuyết siêu kinh điển Suối Nguồn). Báo chí Mỹ khi so sánh sự khác biệt giữa TQ và Mỹ có một điểm đáng chú ý thế này: người Mỹ được tự do phát huy hết khả năng của mình còn người TQ phải phụ thuộc vào lề thói, truyền thống… Kết quả là người Mỹ có được những kì tài hoặc quái tài làm thay đổi TG như Bill Gates, Steve Jobs… còn người TQ thì không tìm thấy có ai như vậy. Và người ta kết luận rằng, nếu nước Mỹ vẫn giữ được sự tự do thực sự: tự do ngôn luận và đa nguyên chinh trị; sự sáng tạo luôn được coi trọng tuyệt đối thì nước Mỹ sẽ luôn dẫn đầu và hiển nhiên là TQ không thể đuổi được. Sự so sánh này cũng tựa như là so Việt Nam chúng ta với Mỹ vậy. Nói đâu xa, nếu GS Ngô Bảo Châu mà không làm việc ở nước ngoài thì anh sẽ không bao giờ giải được Bổ đề Langlands như chúng ta biết. Còn mới đây chỉ riêng chuyện bình thường là chữa bệnh nhưng nhiều người có tiền lại sang Singapore, Thái… làm chúng ta thất thoát hàng năm khoảng 1 tỷ USD. Khi được hỏi rằng tại sao lại không chữa ở nhà thì có người trả lời: sang nước ngoài thì trình độ của họ vẫn vậy, có khi không cao hơn mình bao nhiêu nhưng chúng tôi vẫn sang vì ở đó chúng tôi mới được coi là… người, còn ở VN thì… (Vienamnet)! Xin miễn phải bình luận!
Ước gì Việt Nam chúng ta có một môi trường tự do thực sự, để lúc đó mỗi công dân chúng ta được “là người đích thực”, để khi nói về con người “ta phải trân trọng, chứ sao lại thương hại” (Goorki), phải dùng chữ hoa “NGƯỜI” khi nói về con người. Mà những điều này sao lại quá xa xôi đến mức chúng ta phải ước nhỉ? Nhân loại tiến bộ đã đấu tranh không ngừng nghỉ trong suốt triều dài lịch sử và nhiều nơi đã dành được sự tự do thực sự cho dân tộc mình. Với riêng VN chúng ta, qua quá trình phát triển, bằng sự hội nhập quốc tế, chúng ta đã hiểu kết quả và ý nghĩa của các cuộc cách mạng, đó chính là một xã hội tự do thực sự: đa nguyên chính trị, tự do ngôn luận. Thế nhưng sao bây giờ chúng ta vẫn chưa có điều đó? Để mỗi người dân chúng ta vẫn “chưa là con người đích thực”, kéo theo đất nước vẫn còn nghèo nàn lạc hậu. Để thay đổi thì cũng không phải là quá khó khăn nhưng chúng ta vẫn không thay đổi? Tại sao khi nhận thấy những điều này mà chúng ta vẫn chấp nhận? “Ơn trên cũng bắt đầu sốt ruột với sự thụ động, ì trệ của chúng ta” (TS Alan Phan). Để rồi đất nước khó khăn vẫn cứ mãi khó khăn. Và tình hình khó khăn này không biết bao giờ mới chấm dứt?
Rồi sẽ còn bao người phải đi tha phương cầu thực nơi đất khách? Với nhiều người trong số những người này có thể họ không bị chết sớm như Anh nhưng nếu họ sống thì họ cũng chỉ sống với nghĩa là tồn tại. Nếu VN không có quá nhiều quyết sách sai lầm thì bây giờ chúng ta sẽ phát triển đến mức mà chúng ta có thể là (nói theo ý Suối Nguồn), chứ không đến mức khó khăn như bây giờ. Hãy coi như chúng ta đã sai lầm và bây giờ phải sửa sai. Tuy nhiên những suy nghĩ ấu trĩ đã ngăn cản sự thay đổi để sửa sai. Những lợi ích nhóm đã cản trở sự thay đổi. Bất công là bọn nó thì giầu có, thuận lợi nhưng đại đa số người dân thì rất khổ cực. Có bao nhiêu số phận giống Anh nhưng bọn chúng không mảy may thương xót, bởi nếu chúng nghĩ được chúng sẽ thay đổi. Thật đau xót vì sự vô cảm của chúng.
Bây giờ để đất nước phát triển phải cần nhiều thời gian, chúng ta biết điều đó. Tuy nhiên điều chúng ta mong muốn và có thể sớm biến thành hiện thực là VN là một xã hội dân chủ thực sự, để mỗi công dân được coi là một con người đích thực. Lúc đó dù cuộc sống khó khăn nhưng chúng ta cũng sẽ vẫn vui vẻ. Chúng ta không chấp nhận định hướng “cải cách kinh tế rồi mới dẫn đến cải cách chinh trị” bới “cải cách kinh tế rồi mới dẫn đến cải cách chính trị là một định hướng sai lầm” (bài viết trên BBC mới đây). “Ai không luyến tiếc khi CNXH tan rã là người không có trái tim nhưng nếu ta vẫn muốn tồn tại CNXH là người không có khối óc” (V. Putin). Và hơn nữa “tự do dân chủ đã trở thành quyền phát triển, quyền sống chứ không đơn thuần là quyền chính trị nữa” (Đối thoại với tương lai – Nguyễn Trần Bạt). “Chế độ dân chủ thực sự” bây giờ là quyền sống, không đơn thuần là quyền chính trị – chúng ta cần điều đó ngay lập tức, không một thế lực nào có thể khất lần được. Nếu thế lực nào đó khất lần thì đó thì đó chính là kẻ thù của sự phát triển, kẻ thù của mỗi người dân chúng ta. Thế lực đó cần phải được tiêu diệt ngay lập tức!
Anh à, từ đám tang của Anh nói về vấn đề bức xúc nhất của xã hội VN hiện nay, Anh cho phép nhé. Với mong muốn góp một viên gạch nhỏ trên con đường phát triển VN, để VN sớm thành nước dân chủ thực sự: đa nguyên chính trị, tự do ngôn luận. Khi đó VN chắc chắn sẽ phát triển hơn, sẽ có ít người phải vất vả như Anh. Nếu còn khó khăn thì chí ít lúc đó mỗi chúng ta cũng sẽ được coi là người đích thực, khi đó sống mới là sống – cuộc sống đích thực. Chặng đường còn dài nhưng đó là con đường tất yếu của Việt Nam! Việt Nam nhất định có ngày đó và ngày đó sẽ không còn xa phải không Anh?
Cầu mong tâm hồn Anh siêu thoát. Vĩnh biệt Anh!
(Thanh Hóa – Hà Nội những ngày đầu tháng 7-2012)