(Dân trí) - “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do Trung Quốc
xuất bản hơn 100 năm nay rất có ý nghĩa vì đó là sự thừa nhận chủ quyền
quản lý của nhà Thanh chỉ đến đảo Hải Nam, ít nhất cho đến đầu thế kỷ
20”, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá.
Nhà sử học Dương Trung Quốc có cuộc trao đổi tại buổi lễ tiếp
nhận tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do tiến sỹ Mai
Hồng hiến tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia sáng nay, 25/7.
"Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được lập dưới thời nhà
Thanh, xuất bản cách đây hơn 100 năm thừa nhận chủ quyền quản lý của họ
chỉ đến đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là một căn cứ
khẳng định thêm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa trong
bối cảnh tranh chấp trên biển Đông hiện nay?
Hoàng Sa và Trường Sa - chân lý lịch sử đã khẳng định chủ quyền đối
với 2 quần đảo thuộc về Việt Nam. Trong thư tịch của chúng ta đã nói về
việc các chúa Nguyễn cử những đoàn hải đội Bắc hải, đoàn Hoàng Sa đến
những hòn đảo ấy. Chúng ta cũng biết rằng năm 1834, triều Minh Mạng đã
có bản đồ vẽ rất cụ thể về dải vạn lý Trường Sa trên biển Đông.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tìm tòi nguồn tư liệu làm phong phú lịch sử dân tộc, trong đó có lịch sử chủ quyền là rất quan trọng”.
Như vậy, có thể nói thư tịch và bản đồ của các triều đại Việt Nam đều
đã thể hiện vị trí Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi đó, những hoạt động
mang tích chất quản lý chủ quyền trên bản đồ Trung Quốc lại không đề cập
tới hai quần đảo này. Đây là một yếu tố quan trọng khi xác lập chủ
quyền về mặt lịch sử, đặc biệt trong bối cảnh xảy ra tranh chấp hiện
nay.
Vì thế việc phát hiện tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do
chính người Trung Quốc làm chính là sự thừa nhận chủ quyền quản lý của
nhà Thanh, ít nhất là cho đến đầu thế kỷ 20 (như niên đại bản đồ là năm
1904), chỉ đến đảo Hải Nam, tôi cho là rất có ý nghĩa. Bản thân tấm bản
đồ sưu tập được này cũng rất có giá trị vì được xuất bản hơn 100 năm
trước, là sản phẩm của nền bản đồ học của Trung Hoa.
Việt Nam có văn bản sử sách nào tương ứng với tấm “Hoàng triều
trực tỉnh địa dư toàn đồ” này có giá trị đối chiếu về chủ quyền lãnh
thổ?
Theo tôi, chúng ta không cần phải so sánh việc này, vì gần 100 năm
trước khi “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” xuất bản (năm 1834),
chúng ta đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ Việt Nam. Nếu như
dựa vào các thư tịch của các triều đại Việt Nam thì Hoàng Sa, Trường Sa
thuộc về chúng ta còn lâu hơn nữa.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia được tiếp nhận tấm bản đồ do chính tay
người Trung Quốc lập hơn 100 năm trước thừa nhận việc không có chủ quyền
đối với Hoàng Sa, Trường Sa trong khi nước này vừa tuyên bố thành lập
cái gọi là "thành phố Tam Sa" càng có ý nghĩa đối với chúng ta?
Thực sự, tôi không có sự liên tưởng đến sự kiện cụ thể đó! Về những việc làm của Trung Quốc vừa qua, Nhà nước đã lên tiếng và tôi rất đồng thuận với cách đặt vấn đề như vậy. Trong lúc còn đang tranh chấp mà phía bạn có những động thái để biến thành "việc đã rồi" thì đó là cách làm không minh bạch.
Thực sự, tôi không có sự liên tưởng đến sự kiện cụ thể đó! Về những việc làm của Trung Quốc vừa qua, Nhà nước đã lên tiếng và tôi rất đồng thuận với cách đặt vấn đề như vậy. Trong lúc còn đang tranh chấp mà phía bạn có những động thái để biến thành "việc đã rồi" thì đó là cách làm không minh bạch.
Bằng chứng khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, chúng ta
đã có. Còn việc bổ sung thêm những bằng chứng, tăng cường thêm ý thức
của người dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng rất quan trọng.
Mỗi nhà khoa học cần tiếp tục nghiêm cứu, tìm tòi những nguồn tư liệu để
làm phong phú lịch sử dân tộc, trong đó có lịch sử chủ quyền. Tôi cho
rằng điều đó cũng rất quan trọng.
Ông nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà khoa học. Còn ở góc độ
người trong ngành, ông mong muốn gì việc thể hiện vai trò quản lý của
nhà nước, tiếng nói của chính quyền?
Chúng ta đừng tách việc của chính quyền hay của giới ngành nào ra.
Tôi nghĩ rằng đây là trách nhiệm chung của cả Nhà nước và công dân. Cụ
thể như việc làm của tiến sĩ Mai Hồng hiến bản đồ sau hơn 30 năm lưu giữ
cho Nhà nước cũng trách nhiệm chung. Những cơ quan như của Bộ Ngoại
giao, Cục Lưu trữ cũng thu thập được rất nhiều bằng chứng.
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do người Trung Quốc vẽ cách đây hơn 100 năm cho thấy họ đuối lý khi tranh chấp ở biển Đông.
Như ông nói, các cơ quan chức năng của chúng ta nắm thừa đủ bằng
chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ
hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, nhiều người dân còn chưa biết đến những cứ
liệu lịch sử này. Làm cách nào để cả người dân Việt Nam và Trung Quốc
đều biết những thông tin này?
Việc phát hiện "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" lần này làm cho
chúng ta nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm phải tiếp tục thu thập tài
liệu bảo vệ chủ quyền dân tộc, gồm sách vở, bản đồ, không những của
chúng ta mà của cả Trung Quốc và nhiều nước khác nữa.
Việt Nam nằm trong không gian trọng yếu của con đường vận tải biển. Vì vậy, biển Đông được thể hiện rất nhiều trên bản đồ của các nước phát triển hàng hải trên thế giới như Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức… Chúng ta phải có ý thức sưu tập các tài liệu để có thêm bằng chứng thuyết phục khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Điều đó còn cho thấy việc bảo vệ chủ quyền là dựa trên cơ sở lịch sử vững chắc.
Việt Nam nằm trong không gian trọng yếu của con đường vận tải biển. Vì vậy, biển Đông được thể hiện rất nhiều trên bản đồ của các nước phát triển hàng hải trên thế giới như Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức… Chúng ta phải có ý thức sưu tập các tài liệu để có thêm bằng chứng thuyết phục khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Điều đó còn cho thấy việc bảo vệ chủ quyền là dựa trên cơ sở lịch sử vững chắc.
Xin cảm ơn ông!