Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Tế nhị của ngoại giao

Lê Phan
Diễn Đàn Thế Kỷ

Trong chuyến công du lần này, Ngoại Trưởng Hillary R. Clinton nói rất nhiều đến dân chủ.

Từ Mông Cổ về đến Việt Nam, ngoại trưởng đã thẳng thắn cổ vũ cho dân chủ và chỉ trích những chế độ độc tài. Mở đầu với một khẳng định “Chúng ta cần làm cho thế kỷ thứ 21 này là thời gian mà dân chúng ở Á Châu không những giàu có hơn, họ cũng cần phải được tự do hơn,” bà Clinton lên án những chính quyền “đang suốt ngày đêm cố gắng giới hạn khả năng tiếp cận tư tưởng và thông tin, bỏ tù người dân chỉ vì bày tỏ lập trường, ngăn cản quyền của nhân dân chọn người lãnh tụ, cai trị mà không chịu trách nhiệm, làm hại tiến bộ kinh tế và dành sự giàu có về cho chính mình.”

Sang Việt Nam bà lại tiếp tục “Tôi muốn nhấn mạnh đến một việc tôi đã nói ở Mông Cổ hôm qua. Tôi biết có những người lý luận là các nền kinh tế đang phát triển phải đặt kinh tế lên trước và lo đến cải tổ chính trị và dân chủ sau, nhưng đó là một trả giá thiển cận. Dân chủ và phồn vinh đi song hành, cải tổ chính trị và tăng trưởng kinh tế gắn liền với nhau, và Hoa Kỳ muốn ủng hộ tiến bộ trong cả hai lãnh vực.”

Nhưng đây cũng là chuyến đi mà Ngoại trưởng đã phải sử dụng khôn khéo ngoại giao cần thiết để làm nổi bật quyền lực của Hoa Kỳ ở Á Châu, tìm kiếm cơ hội đầu tư trong khi vẫn muốn có cải tổ từ những quốc gia vốn đã chẳng coi nhân quyền là điều quan trọng, và nhất là hợp tác với Trung Quốc trong khi bênh vực quyền lợi của Hoa Kỳ.

Từ Mông Cổ dân chủ đến một Việt Nam có thời thù nghịch đến Lào lâu nay cô lập, Ngoại Trưởng Clinton suốt tuần qua đã gặp gỡ những quốc gia rất muốn được làm đồng minh với Hoa Kỳ để làm đối trọng chiến lược cho sự chế ngự về kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong vùng, nhưng đồng thời vẫn còn ngần ngại trước đòi hỏi của Hoa Kỳ muốn có thêm dân chủ và chế độ pháp trị.

Sự cân bằng đó nổi bật khi bà Clinton gặp ông Dương Khiết Trì, ngoại trưởng Trung Quốc vào cuối cuộc công du. Bà Clinton ca tụng sự hợp tác với Bắc Kinh trong khi vẫn đứng ra bênh vực cho lập trường của những quốc gia đang bị đe dọa bởi những khẳng định chủ quyền quá mức của chính quyền cộng sản này về biển Ðông.

Trong những thảo luận với các viên chức trên một giải rộng lớn của lục địa đông dân nhất hành tinh, các viên chức Hoa Kỳ đã phác họa niềm tin của họ vào dân chủ và tự do cho Á Châu. Viễn ảnh này là một phần của cố gắng của chính phủ Obama nhằm chuyển hướng ngoại giao Hoa Kỳ và chính sách thương mại, đưa sang một khu vực mà có triển vọng sẽ trở thành trung tâm của kinh tế toàn cầu trong vòng thế kỷ tới.

Nhưng nó cũng là phản ứng cho sự việc là vùng càng ngày càng bị Bắc Kinh lấn áp khi nền kinh tế của Trung Quốc còn phát triển, ít nhất cho đến nay, trong khi Hoa Kỳ và Âu Châu gặp khó khăn.

Tuyên bố với báo chí hôm Thứ Năm, bà Clinton giải thích “Khi chúng tôi đi qua toàn Á Châu, tôi đã nói đến chiều sâu của sự tiếp cận của Hoa Kỳ với vùng này, đặc biệt công việc của chúng ta trong việc tăng cường liên hệ kinh tế và hỗ trợ dân chủ và nhân quyền. Ðây là một phần trong việc thúc đẩy viễn ảnh của chúng ta về một trật tự mở, công bằng và bền vững cho Á Châu-Thái Bình Dương.”

Vào cuối Diễn đàn ASEAN vùng ARF, bà Clinton đã gặp Tổng Thống Thein Sein của Miến Ðiện, vừa để giới thiệu các nhà kinh doanh Hoa Kỳ đang nôn nóng nhảy vào vùng đất mới. Hoa Kỳ đã giảm thiểu cấm vận cho quốc gia đã có thời là một nền độc tài quân phiệt khép kín, mở cửa những cơ hội mới cho một chính phủ Hoa Kỳ muốn tăng gấp đôi xuất cảng. Tuy vậy, bà Clinton cũng nhân cơ hội để thúc đẩy ông Thein Sein hãy làm thêm nữa vì “vẫn còn có tù chính trị chưa được trả tự do, bạo động sắc tộc và giáo phái vẫn tiếp tục làm suy yếu tiến bộ tiến đến hòa giải quốc gia, ổn định và hòa bình trường cửu.”

Chuyến đi, ít nhất là chặng Á Châu, khởi đầu ở Nhật Bản nơi bà Clinton trấn an đồng minh lâu đời của Hoa kỳ về quyết tâm bảo vệ an ninh cho họ. Từ đó, bà viếng thăm ba quốc gia ở sân sau của Trung Quốc, một phần của một khu vực kinh tế lớn vốn hiện nay vẫn còn tăng trưởng. Tuy vậy cho đến nay Trung Quốc đã hưởng lợi nhiều nhất. Ở mỗi nơi, bà đã cẩn thận biện luận cho những giá trị Hoa Kỳ cùng với những tham vọng kinh doanh của Hoa Kỳ. Ðiều không rõ là thông điệp của bà có được hiểu hết hay không.

Ở Ulaan Baatar, bà đã khen ngợi Mông Cổ đã mở cửa không những về kinh tế mà còn về chính trị. Như lời trích dẫn ở trên, bà đã đưa Mông Cổ để chứng minh phản đề đối với khuôn mẫu phát triển của Trung Quốc, cởi mở kinh tế nhưng siết chặt chính trị. Rồi bà đề nghị một mức thân hữu mới đối với những chính quyền cộng sản ở Việt Nam và Lào và chính quyền Hun Sen ở Cambodia. Việt Nam và Lào đặc biệt đang trông cậy vào Hoa Kỳ vì sợ bị Trung Quốc nuốt chửng.

Nhưng trong khi mậu dịch song phương Mỹ-Việt tăng vọt lên 40% trong vòng hai năm qua, không có mấy cải thiện trong thái độ của chính quyền Hà Nội đối với những người đối lập. Lào có thể cũng muốn một liên hệ tương tự với Hoa Kỳ, nhưng cho đến nay chưa có một chỉ dấu nào là muốn cải tổ thành tích nhân quyền của mình.

Ðiều mà Washington không muốn có với những quốc gia này là một liên hệ như đã có với Bắc Kinh, một nước bạn hàng với kết hợp kinh tế chưa từng thấy nhưng đã khựng lại khi các cuộc thảo luận quay sang nhân quyền, dân chủ, và chia sẻ chung một viễn ảnh tương lai cho thế giới. Ðây, mỉa mai thay, là một liên hệ mà cả hai bên đều không thể thay đổi, cả hai bên đều trông cậy vào trao đổi hàng hóa và người tiêu thụ, trong khi hoàn toàn không tin tưởng gì vào ý định của nhau.

Một trong những công việc khó khăn nhất của bà Clinton trong tuần qua là thúc đẩy Bắc Kinh hôm Thứ Năm chấp nhận Quy Ước Về Ứng Xử Ở Biển Ðông, một cố gắng dàn xếp dung hòa về phía Hoa Kỳ đã gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của Bắc Kinh.

Trong buổi họp riêng không có sự hiện diện của báo chí, các viên chức Hoa Kỳ đã bàn thảo với các viên chức Trung Quốc về biển Ðông, một vấn đề mà các quốc gia láng giềng đang rất quan tâm, với căng thẳng có triển vọng bùng lên. Trong khi Trung Quốc dành trọn vẹn biển Ðông đã đẩy các quốc gia trong vùng chạy sang với Hoa Kỳ, nhiều giờ đồng hồ thảo luận giữa Hoa Kỳ và các viên chức Trung Quốc không dẫn đến tiến bộ cho một giải pháp lâu dài.

Bà Clinton đã đặt vấn đề như là một câu hỏi về nguyên tắc “Hoa Kỳ không dành chủ quyền ở đó và chúng tôi không về phe nào trong tranh chấp lãnh thổ hay biên giới biển. Nhưng chúng tôi có quyền lợi đối với tự do hải hành, sự duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, và mậu dịch hợp pháp không bị ngăn cản trong biển Nam Trung Hoa.” Bà nhấn mạnh đến “thái độ đối đầu” ở Bãi Scarborough, kể cả việc từ chối không cho các tàu bè khác vào khu vực này. Hành động bà đưa ra là hành động của Trung Quốc mặc dầu bà không nêu đích danh.

Bà nói “Chúng tôi đã thấy những vụ đáng ngại về ép buộc kinh tế và việc sử dụng không đúng quân đội và tàu của chính quyền liên quan đến tranh chấp giữa các ngư dân. Ðã có một loạt những biện pháp quốc gia tạo nên đụng chạm và làm thêm phức tạp cố gắng giải quyết tranh chấp.”

Nhưng mặc dầu thúc đẩy Trung Quốc và các quốc gia Ðông Nam Á, trong một cử chỉ tế nhị, thông cáo của Bộ Ngoại Giao không nhắc gì đến nó cả mà chỉ nói đến hợp tác Mỹ-Trung. Ðó chính là cái tế nhị của ngoại giao.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"