Những ngày gần đây có nhiều thông tin đồn đoán về sự hiệp đồng của Chủ Tịch Trương Tấn Sang và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hạ bệ Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thực hư chuyện này là như thế nào? Có đúng là vì Ba Dũng quá tham nhũng mà nhóm lãnh đạo thượng tầng của Việt Nam sẵn sàng động thủ?
Trước khi đề cập đến chuyện hạ bệ ngài Thủ Tướng Việt Nam chúng ta hãy cùng dông dài về mấy nhân vật của chính quyền một chút.
Đầu tiên, phải nói đến cầu thủ bóng đá Vũ Minh Hiếu, cựu tiền vệ của đội Công An Hà Nội, cựu tuyển thủ của đội tuyển Việt Nam và cũng là Trung Úy của Lực Lượng Công An Nhân Dân Việt Nam. Vũ Minh Hiếu giải nghệ vào năm 2005 sau 16 năm theo nghiệp quần đùi áo số. Là một tiền vệ khá tài hoa cho nên dù chỉ như một con ốc nhỏ trong bộ máy nhưng Vũ Minh Hiếu cũng được coi là đã có cống hiến cho nhà nước. Thêm nữa cũng được đồng đội tin cậy và lãnh đạo thương cho nên sau khi giải nghệ anh đã được cấp trên sắp xếp về Đội Cảnh Sát Giao Thông số 2 của Công An Thành Phố Hà Nội. Một quyết định rất hợp tình hợp lý vì Vũ Minh Hiếu “đã quen dang nắng bao năm” nên tiếp tục dang nắng ngoài đường là đúng sở trường. Có nhiều khán giả khi thấy Vũ Minh Hiếu ngoài đường đã ngạc nhiên “Ông mà cũng ra đứng đường à?” là vì họ không hiểu hết hiện tình của Công An Nhân Dân Việt Nam và Lực Lượng Cảnh Sát Giao Thông trong bối cảnh như thượng tướng Thứ Trưởng Bộ Công An Lê Thế Tiệm từng băn khoăn “ngoài đường có gì ngoài nắng bụi và khói xe mà ai cũng xin cho con em được làm Cảnh Sát Giao Thông, được ra đứng đường?” Chúng ta không dám khẳng định rằng Vũ Minh Hiếu đã là Cảnh Sát Giao Thông thì tha hồ ăn hối lộ mà chúng ta luôn hy vọng anh sẽ giữ được mình trong sạch. Vì bây giờ Cảnh Sát Giao Thông có nhiều nhà lầu và nhiều xe hơi không phải là chuyện hiếm. Theo người quen của người viết tiết lộ có tay Cảnh Sát Giao Thông muốn xin lãnh đạo cho được đứng thêm 1 năm nữa tại Trạm Liên Chiểu trên Quốc Lộ 1 thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng mà phải chung đủ 500 triệu đồng. Mới nghe thì hết hồn nhưng tính nhẩm lại thì ra ngay! 500 triệu cho một năm tức là 41 triệu một tháng. Vậy một ngày mà cứ kiếm nhiều hơn 1 triệu 300 ngàn là có ăn. Con số này mà so với lượng xe khách, xe tải Bắc-Nam chạy nườm nượp trên quốc lộ 1 thì chỉ là con số lẻ. Xe nộp mãi lộ ít thì 100 ngàn nhiều thì không có giá, thật không biết cách nào đếm cho hết tiền! Vũ Minh Hiếu bây giờ không biết được phân công nhiệm vụ gì, nếu anh được châm chước lên cỡ lãnh đạo tép riu thôi là tự nhiên bổng lộc sẽ kéo tới chẳng cần tốn công gì nhiều. Còn nếu anh là sỹ quan thanh liêm và vẫn còn trong biên chế của tổ chống ùn tắc quận Ba Đình và Tây Hồ thì anh và đồng đội cũng vẫn có thể sống xông xênh vì Lực Lượng Cảnh Sát Giao Thông được hưởng bồi dưỡng tới 70% tiền phạt vi phạm giao thông trong toàn quốc. Điều này đã được Bộ Tài Chính quy định rõ ràng từ nhiều năm rồi. Công An Nhân Dân là lực lượng con cưng của nhân dân và chế độ nên tất nhiên được ưu ái hơn các thành phần khác.
Tiếp theo là một cán bộ cấp cao, ông Trần Xuân Bách.
Trần Xuân Bách là Ủy Viên Trung Ương Đảng từ năm 1982 sau đó vào Bộ Chính Trị trong Đại Hội Đảng 6 năm 1986. Trưởng thành từ cơ sở và kinh qua các chức vụ lãnh đạo của các địa phương Khu III như Ninh Bình, Nam Định… ông đã trở thành nhân vât thứ 10 trong Bộ Chính Trị và có thể được cơ cấu sẽ thay Tổng Bí Thư lúc đó là ông Nguyễn Văn Linh. Là Trưởng Ban Đối Ngoại Trung Ương và nghiên cứu về lý luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam thời đó, tư tưởng cách tân của ông là cổ vũ đa nguyên trong Đảng và mở rộng dân chủ trong bối cảnh các nước Đông Âu cũng như Liên Xô cũ đã thay đổi.Thế nhưng từ một vị thế của một ngôi sao đang lên ông đã bị những đồng chí của mình hạ bệ vào năm 1990 vì những nhân vật bảo thủ của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lo sợ nguy cơ mất chế độ. Ông mất cả vị trí trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng, sau đó được ông Nguyễn Cơ Thạch kéo về Bộ Ngoại Giao nghiên cứu chơi chơi 2 năm. Sau khi ông Thạch bị thất sủng do bị Trung Quốc giật dây thì ông cũng nghỉ luôn. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã biến ông trong phút chốc từ một Tổng Bí Thư tương lai thành một kẻ trở cờ và sống cuộc đời thường dân vô danh. Năm 2006 ông chết trong lặng lẽ.
Hai người nữa là đương kim Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và đương kim Bí Thư Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Cả 2 ông đều từ Quảng Nam đi lên, một từ Quế Sơn một từ Hòa Vang. Trải qua các chức vụ nhỏ từ cấp huyện hai vị quan nhà nước này đã lên như diều và làm vua một cõi. Sau khi làm Bí Thư Quảng Nam trong thời kỳ tách tỉnh, ông Phúc lên tiếp Văn Phòng Chính Phủ và hiện là Ủy Viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ Tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Một bất ngờ cho những người Quảng Nam! Ông Thanh dừng lại ở vị trí Ủy Viên Trung Ương, Bí Thư thành phố Đà Nẵng. Gần đây có tin vỉa hè rằng ông sẽ làm Bí Thư thành phố Hà Nội. Nếu quả thực như vậy thì quá bất ngờ! Và cũng buồn cho Việt Nam, buồn cho người Hà Nội giỏi đấu đá quá mà triệt hết nhân tài để phải sử dụng một tay gian hùng như Bá Thanh!
Chúng ta thấy gì qua những nhân vật này của chế độ?
Thứ nhất, nếu anh trung thành anh sẽ được chế độ đãi ngộ.
Thứ hai, nếu anh bị coi là phản bội anh sẽ bị tiêu diệt không thương tiếc. Sự tồn vong của chế độ được đặt lên trên hết, trên cả quyền lợi của nhân dân.
Thứ ba, nếu anh trung thành mà lại khôn ngoan biết theo bè theo cánh anh có thể đạt được quyền lợi vô biên, chạm trần quyền lực. Còn nếu anh là một kỳ đà cản mũi đường đi của các đồng chí, anh không bao giờ có cơ hội lên cao.
Điều tiên quyết là anh phải được chiến hữu ủng hộ và lãnh đạo yêu thương cất nhắc. Trong một Đảng phái khép kín như Đảng Cộng Sản Việt Nam anh còn phải biết ẩn nhẫn chờ thời, biết đón chiều gió khéo léo che chắn mới mong hoạn lộ thênh thang.
Trở lại trường hợp của ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Nguyễn Bá Thanh hẳn chúng ta còn nhớ cách đây mười mấy năm không ai biết anh chàng Nguyễn Xuân Phúc là ai cả. Nhưng lúc ấy Nguyễn Bá Thanh đã được thiên hạ nhắc tên rất nhiều. Làm vua một cõi tiền bạc cả hai không thiếu, thủ đoạn cũng có thừa nhưng sao Nguyễn Xuân Phúc có thể leo cao chót vót trong khi Nguyễn Bá Thanh vẫn dừng chân ở chức Trung Ương Ủy Viên? Câu trả lời là Bá Thanh chính kẻ gian hùng, thủ đoạn tàn khốc, đã xuống tay hạ độc thủ thiếu tướng công an Trần Văn Thanh quá tàn ác nên bị lãnh đạo kiềng mặt dè chừng.
Những kẻ ác chơi chung với nhau thói đời chẳng ai tin ai!
Trong khi đó Nguyễn Xuân Phúc thuần hơn, làm quan cộng sản không ai thiếu tiền để lót đường cũng như các thủ thuật chính trị nhưng Xuân Phúc biết nhường trên nhường dưới hơn Bá Thanh. Ông đã khôn ngoan, trọng thị và đón tiếp Nguyễn Tấn Dũng rất chu đáo mỗi khi vị này thị sát miền Trung lúc còn là phó cho Thủ Tướng Phan Văn Khải. Bởi vậy khi cần kẻ trợ lực lúc trở thành Thủ Tướng, Ba Dũng đã nghĩ ngay đến Nguyễn Xuân Phúc và nâng đỡ vị cựu Bí Thư Quảng Nam lên tới Ủy Viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam. Rõ ràng trong những kẻ cơ hội mà chọn thằng ít gian hùng vẫn hơn là thằng nhiều gian hùng.
Lan man về vài nhân vật của chế độ là vậy còn đương kim Thủ Tướng của chúng ta thì như thế nào?
Nguyễn Tấn Dũng xuất thân là quân nhân. Ông gia nhập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam từ rất sớm, khi mới 12 tuổi, là thiếu sinh quân du kích. Trải đủ cấp bậc từ lính lác lên tới Thủ Tướng của một quốc gia trong một chế độ khép kín như Việt Nam rõ ràng chẳng hề đơn giản. Những nước cờ chồng chéo, những liên hệ dây mơ rễ má của những kẻ cơ hội có thể làm đau đầu những người tìm hiểu về bàn cờ chính trị Việt Nam thời hiện đại.
Nhiều người chê Nguyễn Tấn Dũng chỉ là y sỹ, là lính kiểng nhưng trong chiến trường thực tế thì y sỹ hay lính chiến đấu cũng đều cầm súng cùng nếm mùi gian khổ như nhau. Nguyễn Tấn Dũng đã trải đủ qua cuộc chiến gian nan và phục viên với cấp bậc thiếu tá năm 1981. Vào thời đó ít người để ý đến viên thiếu tá này nhưng nếu biết rằng sau đó 14 năm Nguyễn Tấn Dũng đã là Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ tức là ngang chức Trung Tướng hẳn nhiều người sẽ ngộ ra rằng việc ông phục viên và đi học Trường Đảng cao cấp là một cơ cấu tính trước của các bậc đỡ đầu. Người đỡ đầu nặng ký nhất của ông chính là Đại Tướng Lê Đức Anh nguyên Tư Lệnh Quân Khu 9, Quân Khu 7 và một đàn em của vị tư lệnh này nữa là cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu. Năm 1974 thượng tá Lê Khả Phiêu là chính ủy Quân Đoàn 2 nhưng quá mê gái để bị tai tiếng nên được các đàn anh Thanh Hóa cho lánh vào Quân Khu 9 trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam đã sắp hạ màn. Sự kết hợp giữa Lê Đức Anh và Lê Khả Phiêu đã gây một mối họa to lớn cho dân tộc Việt Nam sau này. Lê Đức Anh là cánh hẩu của Lê Đức Thọ từ năm 1979 khi Lê Đức Thọ được Bộ Chính Trị phân công làm Trưởng Ban Chính Trị Đặc Biệt phụ trách chiến trường Campuchia nên đã được bậc trưởng thượng này lựa chọn cho thành phần kế cận. Thời gian Nguyễn Tấn Dũng phục viên cũng chính là lúc Lê Đức Anh được Sáu Búa kéo lên Trung ương và trao vào tay ông chức Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, một bàn đạp để nắm luôn chức Bộ Trưởng. Khi đó trong quân đội có nhiều sỹ quan kiên trung rất phản đối việc này vì tài năng của ông thua xa nhiều vị tướng khác như Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái… cho nên với một chàng thiếu tá trong thời bình như Ba Dũng việc ngoi lên thành tướng lĩnh cao cấp sẽ rất khó khăn và dễ bị soi. Bởi vậy Ba Dũng mới được sắp xếp chuyển qua bên chính quyền và những công tác của Ba Dũng tại Kiên Giang chỉ là nền tảng cho vị Thủ Tướng tương lai bay lên như hỏa tiễn tiếp đó. Năm 1982 Ba Dũng mới chỉ là Phó ban tổ chức cán bộ của Kiên Giang nhưng 4 năm sau đã là Bí Thư Tỉnh Ủy và có chân trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. 9 năm sau nữa, trong Đại Hội 8 Ba Dũng đã là Ủy Viên Bộ Chính Trị phụ trách kinh tế cho các cụ và nằm trong Ban Thường Vụ 5 người, tức là thành phần cao cấp nhất gồm Tổng Bí Thư Đỗ Mười, Chủ Tịch Lê Đức Anh, Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và Chủ Nhiệm Tổng Cục Chính Trị Lê Khả Phiêu. Cả nhân vật mới là Dũng và Phiêu được cơ cấu vào Thường Vụ nhằm nắm chắc chức Tổng Bí Thư và Phó Thủ Tướng thường Trực. Vị trí của Ba Dũng đến lúc này đã vững như bàn thạch vì được chung vai với các vị bô lão. Cũng như Lê Đức Anh, đối với Ba Dũng thì Đỗ Mười cũng rất ưu ái vì ông này cũng là đàn em ruột của Lê Đức Thọ. Còn Võ Văn Kiệt trong chiến tranh cũng là bạn chiến đấu với các bậc cha chú của Ba Dũng. Bởi vậy việc Ba Dũng chưa ra giành chức Thủ Tướng với Phan Văn Khải thời điểm năm 1997 là vì ông còn trẻ quá, mới chỉ có 48 tuổi. Nhưng với chức Phó Thủ Tướng thường trực trong tay thì ông có thể tự quyết được vận mệnh chính trị của mình. Và như chúng ta đã thấy sau khi Phan Văn Khải nghỉ không ai khác hơn Nguyễn Tấn Dũng điều hành chính phủ Việt Nam.
Hiện nay trong tầng lớp lãnh đạo thượng tầng, quyền lực của Ba Dũng là áp đảo. Đối với một người được cơ cấu để cố ý leo lên đến đỉnh cao như Ba Dũng thì mọi miếng võ chính trị đều được ông nắm chắc và từng dùng. Vào Đảng từ năm 18 tuổi trải qua 45 năm tôi luyện trong chế độ độc tài và hơn 30 năm lăn lộn trong chính trường có lẽ không ai qua được Ba Dũng về các thủ đoạn đấu đá. Và tất nhiên để ngoi lên tới chức Thủ Tướng ông đã ban phát chức vụ và bổng lộc cho không biết bao nhiêu chiến hữu trong phe đảng để tạo chân đứng vững chắc cho mình. Trong đảng bộ khối chính phủ Ba Dũng trấn áp quần hùng không chỉ với tư cách Thủ Tướng mà còn với tư cách Ủy viên Bộ Chính Trị kỳ cựu nhất, từ Đại Hội 8 trước Phùng Quang Thanh hai khóa và Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc 3 khóa. Ba Dũng tự quyết tự tác thành lập các Tổng công ty, các Tập Đoàn ăn hại cũng như điều hành kinh tế quốc gia rất tùy hứng. Trong 2 nhiệm kỳ của ông tham nhũng đã băng hoại thành quốc nạn với các nhóm lợi ích được hình thành và tồn tại vững chắc trong mọi ngóc nghách xã hội Việt Nam trong khi mọi tiếng nói phản biện của các nhân sỹ trí thức đều bị ông dập tắt từ trong trứng nước. Bên ngoài Chính Phủ các chiến hữu của ông như Lê Hồng Anh, Nguyễn Sinh Hùng, Trương Hòa Bình… đang cài cắm khắp nơi.
Trong khi đó 2 đối thủ đồng chí của ông, người thì nắm chức vụ Chủ Tịch không thực quyền người thì dù là Tổng Bí Thư nhưng lại mải nghiên cứu lý luận kiêm lú lẫn trung ương không hề giỏi các thủ đoạn bằng Ba Dũng. Trong cuộc đua vào chức Tổng Bí Thư Đại Hội 11 vừa qua, Ba Dũng không toại nguyện là vì phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả kinh tế lụn bại và sự đổ vỡ của Vinashin cũng như các Tổng Công Ty nhưng các đối thủ của Ba Dũng cũng không thể lên được. Các bên đã thỏa hiệp bằng ông bù nhìn Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật bàn giấy đặc trưng. Tuy vào Bộ Chính Trị cũng từ ngay sau Đại Hội 8 nhưng đương kim Tổng Bí Thư suốt ngày nghiên cứu lý luận Mác Lênin và kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa chẳng để tâm gì đến thời cuộc thực tế và bàn cờ chính trị thế giới. Còn Trương Tấn Sang tuy cũng tham gia cống hiến cho chế độ từ ngày còn chiến tranh nhưng đương đầu với Nguyễn Tấn Dũng ông cũng chưa phải đối thủ. Những người đỡ đầu Tư Sang so với Lê Đức Thọ, Đỗ Mười, Lê Đức Anh còn dưới cơ rất xa. Ngay Nguyễn Văn Linh còn sợ Lê Đức Thọ như sợ cọp và Đỗ Mười cũng luôn lấn át được Nguyễn Văn Linh ngay cả khi ông này là Tổng Bí Thư đương nhiệm. Họp Bộ Chính Trị để quyết về đổi mới triệt để, 12 trên 14 ủy viên tán thành nhưng chỉ một mình Đỗ Mười bác thì Nguyễn Văn Linh cũng không dám thông qua. Vì ông biết sau lưng Đỗ Mười còn có Lê Đức Thọ và những anh lớn khác nữa. Bí Thư Sài Gòn Võ Trần Chí thì đã rụng từ lâu, trong khi Võ Văn Kiệt thì đổi mới ba phải. Nói chung những nhân vật miền Nam không có trọng lượng khi tranh giành vị trí thống lĩnh nên Tư Sang bây giờ muốn mạnh động cũng không có lực lượng hậu thuẫn trong tay, chỉ lu loa cho sướng miệng nhằm tư lợi cho phe nhóm. Ba Dũng ngược lại được kèm cặp triệt để vì ông được coi là Thái Tử chính thức của Lê Đức Anh và nhóm Lê Đức Thọ.
Chế độ Cộng Sản là một chế độ độc tài toàn trị và bản chất của nó là chuyên chế trấn áp. Do không có cơ chế kiểm tra chế tài với bộ máy nên nó đã trở thành một sự vận hành giống như là tương tác với âm binh mà không điều khiển được âm binh. Tham nhũng đã ăn sâu vào xương tủy đất nước Việt Nam trong bối cảnh các nhóm lợi ích ngày càng lan rộng và xảo quyệt. Thành phần cơ hội và tham lam này luôn biến hóa và băng hoại khôn lường. Họ dư sức hiểu nếu Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang hạ được Nguyễn Tấn Dũng thì lợi lộc của họ cũng bị mất đi trong khi sự sụp đổ của thể chế vẫn là không thể cứu vãn. Bộ máy ưu tú của Đảng tài ba đến nỗi họ biết phải làm một điều gì đó trong thế cùng đường của độc tài chính trị nhưng không biết sẽ làm gì cụ thể. Nếu các phe nhóm để phe trung thành với định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa mà cầm quyền rồi cũng sẽ chỉ biết in tiền ăn dần cho tới lúc tiền là giấy lộn. Trong khi nếu họ cùng bảo vệ Nguyễn Tấn Dũng tại vị thì các chiêu phù thủy của ông Thủ Tướng âm binh này vẫn được biểu diễn và sự vơ vét của các nhóm lợi ích vẫn được kéo dài ngày nào hay ngày đấy trước khi họ kịp hạ cánh an toàn. Đó là chưa kể các đàn em của Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Phùng Quang Thanh cũng là một lũ tham nhũng hại dân không thua gì phe Ba Dũng, sự đấu đá quyền lực của họ chỉ nhằm phân chia lợi ích cho các bên đỡ thua thiệt hơn mà thôi. Ba Dũng có xuống thì những con sâu khác nhảy lên sẽ chẳng hơn gì. Nếu mọi biến động lẻ tẻ gần đây chưa đủ để làm chế độ sụp đổ thì các phe nhóm sẽ không dại gì lại rút dây để động rừng. Họ sẽ thỏa hiệp với nhau và kẻ thua cuộc lớn nhất sẽ vẫn chính là nhân dân. Mọi động thái những ngày qua chỉ là sự củng cố quyền lợi của những kẻ cầm quyền và như vậy Nguyễn Tấn Dũng vẫn rất khó bị hạ bệ. Chưa kể dù để bảo vệ chế độ mà hạ Ba Dũng thì cũng chỉ có tác dụng hình thức. Ba Dũng phía sau sân khấu thực chất vẫn nắm được các nhân vật trọng yếu của bộ máy và cầm chịnh kinh tế quốc gia trong tay ông dư sức khuynh đảo sân khấu chính trị Việt Nam. Ta thấy những ngày qua các hoạt đông thâu tóm ngân hàng và chiếm đoạt tài sản quốc gia mang hơi hướng maphia Nga đã được nhóm Ba Dũng thực hiện siêu tốc. Bài học thực quyền này đã được Lê Đức Thọ và Lê Đức Anh thực hành từ mấy chục năm trước rồi. Lê Đức Thọ tuy chỉ giữ chức Trưởng ban tổ chức Trung Ương nhưng được Lê Duẩn tin cậy nên sắp đặt bàn cờ chính trị của Đảng Cộng Sản suốt 30 năm áp đảo ngay cả Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh chứ đừng nói cỡ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt. Lê Đức Anh thời trước tuy là Chủ Tịch nước nhưng thực quyền bao trùm nắm cả an ninh, quốc phòng, đối ngoại và đã giật dây cho Pháp Lệnh Tình Báo ra đời để Tổng Cục 2 nắn gân được tất cả các lãnh đạo cao cấp của Đảng vốn toàn những kẻ cơ hội ném đá dấu tay, tham nhũng đầy mình. Trong Bộ Chính Trị thời đó tiếng nói của Lê Đức Anh là có trọng lượng nhất. Phe Tư Sang và Trưởng Ban Lú Lẫn Trung Ương dàn mưu tính kế thì Nguyễn Tấn Dũng cũng xảo quyệt khôn lường tìm cách đối phó chứ đâu phải tay mơ mà ngồi chờ bị tấn công.
Đối với Nguyễn Tấn Dũng, để hạ bệ ông chỉ có nhân dân mới là những người hành động đích thực. Khi sự kiên nhẫn của xã hội đã hết, sức mạnh của nhân dân sẽ bùng lên trong chốc lát và giật sập bạo quyền. Những vụ biểu tình trong những ngày qua của nông dân mất đất và các giáo dân thật sự mới là mối đe dọa lớn đối với đương kim Thủ Tướng Việt Nam. Nếu nhân dân Việt Nam ý thức được vận mệnh quốc gia nâng cao dân trí, cập nhật những kiến thức và giá trị dân chủ để đấu tranh bản lĩnh và trí tuệ hơn thì ngày đạp đổ chế độ độc tài này sẽ không còn bao xa nữa.
Nguyễn Xuân Chi.