Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Quan hệ Việt Nam-Campuchia, bài học cay đắng!

Nguyễn Hữu Quý
Để Trung Quốc chiếm Quần đảo Hoàng Sa là một trong những sai lầm lớn nhất của người Việt Nam trong thế kỷ 20. 
Khi để Trung Quốc làm chủ Biển Đông, thì số phận dân tộc Việt Nam như cá nằm trong chậu. Sự bất lực của Việt Nam trước hành động 30 tàu của Trung Quốc xâm lược vùng biển Trường Sa trong mấy ngày từ 15-18/7/2012 vừa qua, như báo hiệu sự khởi đầu cho tiến trình ấy.
Nếu đem so sánh Việt Nam với các nước trong phạm vi châu Á cùng có xuất phát điểm giống Việt Nam về kinh tế, xã hội, như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, thì có thể khẳng định rằng, thế kỷ 20 là thế kỷ sai lầm của người Việt Nam. Tất cả những điều phi lý, vô lý, bất cập… trong thời điểm hiện tại (2012) của Việt Nam đã chứng minh điều này.
Cho rằng quan hệ Việt Nam-Campuchia, là bài học cay đắng, là sự thất bại ê chề của Việt Nam…, là xuất phát từ những căn cứ sau:
- Được Việt Nam cứu thoát khỏi nạn diệt chủng do Trung Quốc gây nên, nhưng sau 33 năm (từ 1979-2012), Campuchia đã phản bội lại người Việt Nam, quay lại với chính kẻ thù đã đưa đến cái chết oan uổng cho hơn hai triệu đồng bào của mình.
- Do tầm nhìn hạn hẹp của lãnh đạo Việt Nam trong các giai đoạn; từng bước một và cuối cùng đã để Campuchia đứng hẳn về phía Trung Quốc trong mọi vấn đề; chính vì thế, tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF-19) tổ chức tại Campuchia, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, theo Tân Hoa Xã đưa tin, trong cuộc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen trước khi diễn ra hàng loạt hội nghị ngoại trưởng, đã bày tỏ lòng biết ơn đối với “sự ủng hộ bền bỉ và kiên định” của Campuchia trong những vấn đề có liên quan đến “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Trong bài Nguy cơ đối với Việt Nam đến từ Lào và Campuchiaviết cách đây đúng hai năm, trong phần kết luận, tôi đã đưa ra nhận định là:
Nguy cơ bị xâm lược, thảm họa mất nước, sống kiếp nô lệ đối với dân tộc Việt Nam ta là rất rõ ràng, hiện hữu; chúng ta cũng không thể trách cứ các bạn Lào và Campuchia, xem như là “tiên trách kỷ” vậy!? Tất cả các nguy cơ như đã nêu trên do chính người Việt Nam chúng ta tạo nên, do chính những sai lầm trong nội tại của người Việt Nam. Đã từ rất lâu rồi, những người Việt Nam yêu nước đã cảnh báo, bằng những luận chứng khoa học và tấm lòng nhiệt huyết… nhưng thay vì thay đổi, chúng ta lại sử dụng biện pháp ngược lại, bưng bít và che giấu sự thực, để rồi, có thể sẽ sa lầy đến hồi không còn cơ hội cứu vãn!
Và nay thực sự Việt Nam vẫn đang mắc những sai lầm.
Ngày 12/7/2012, Trung Quốc đã huy động 30 chiếc “tàu cá” gồm: 01 tàu với độ choán nước 3.000 tấn và 29 tàu đánh bắt trọng tải 140 tấn, đây thực sự là cuộc xâm lược Việt Nam đối với chủ quyền tại vùng biển quần đảo Trường Sa, nhưng các báo chính thống đã bất lực, né không dám nói đến hành động “xâm lược”, mà nói là “xâm phạm”; Hải quân Việt Nam đã “án binh bất động”, và như thế, đang tạo một tiền lệ nguy hiểm để Trung Quốc chiếm nốt Trường Sa sau này.
- Không thể trách ông Hun Sen được, và hãy so sánh, khi mà trước hành động gây hấn của Trung Quốc ngoài Biển Đông, thì lãnh đạo Việt Nam lại bắt bớ, gây khó dễ cho lực lượng yêu nước biểu tình phản đối Trung Quốc như đã diễn ra trong năm 2011 và hai cuộc biểu tình trong tháng 7/2012 này.
Không lo bảo bệ lãnh thổ của mình, thì lấy lý do gì để trách Hun Sen trong trường hợp này?
Chưa hết, ngày 10/7/2012 tại Hà Nội còn tổ chức Đại hội Hội hữu nghị Việt-Trung lần thứ 5 nhiệm kỳ 2012-2017, theo các báo dẫn nguồn từ TTX Việt Nam, thì:
Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng; Phó Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Trần Đắc Lợi; Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Khổng Huyễn Hựu; đại diện một số Bộ, ngành, cùng 150 đại biểu, đại diện cho các tổ chức thành viên, các hội viên của Hội.
[…]
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu bày tỏ mong muốn, hai nước đã xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt. Trong nhiệm kỳ tới, Hội sẽ quán triệt phương châm này vào các hoạt động cụ thể, tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp củng cố và phát triển tình hữu nghị, sự hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc.
clip_image002
Mặc cho sự xâm lược của Trung Quốc, người Việt Nam vẫn kiên định
“… hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt”.
Như vậy, ngay trong thời điểm hiện tại, người Việt Nam (cụ thể là lãnh đạo Việt Nam) vẫn đang mắc phải sai lầm. Tiếc thay, đây lại là những sai lầm về mặt chiến lược của lãnh đạo Việt Nam!
- Về phía Việt Nam, nếu có trách ông Hun Sen, là trách ông ở sự bội nghĩa mà Việt Nam đã dành cho cá nhân ông và cả dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng, nhưng do chính những sai lầm của mình, Việt Nam đã đẩy ông Hun Sen về phía Trung Quốc; tựa như Trung Quốc cũng đã mắc sai lầm do tham lam ở Biển Đông và đẩy Việt Nam cùng các nước ASEAN về phía Mỹ khi liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Trong điều kiện phải chọn giữa Việt Nam và Trung Quốc, rõ ràng ông Hun Sen đã chọn Trung Quốc, vì không những mang lại cho đất nước ông những khoản đầu tư lớn.
- Cuối cùng, nếu ngay sau ngày thống nhất, Việt Nam xây dựng một nhà nước dân chủ, đa nguyên… làm hình mẫu cho Campuchia từ những năm Hun Sen mới lên nắm, thì liệu Trung Quốc có mua chuộc được cá nhân Hun Sen và đất nước Campuchia hay không?
Ngoài những viện trợ hàng tỷ đô la Mỹ cho Campuchia, thì Trung Quốc vốn được thế giới biết đến là rất giỏi trong việc hối lộ các quan chức cấp cao, tại các nước mà Trung Quốc tiến hành đầu tư; do đó, ai dám đảm bảo rằng, cá nhân Hun Sen không nhận “lại quả” từ Trung Quốc?
Tất cả điều trên đây cho thấy, mọi sai lầm trong quan hệ Việt Nam-Campuchia đều xuất phát từ phía Việt Nam, trước khi trách người, Việt Nam hãy nghĩ lại chính bản thân mình.
Mấy chục năm nay, lãnh đạo Việt Nam chưa thoát ra khỏi là những nhóm cá nhân cục bộ, luôn đặt lợi ích phe nhóm, dòng họ lên trên lợi ích dân tộc, là nguyên nhân để đưa đất nước đến thảm cảnh hôm nay.
18.7.2012
N. H. Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"