Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Hãy biết tôn trọng các nhà đấu tranh trong nước!

Nếu tinh ý thì sẽ thấy, chưa một nhà đấu tranh có tên tuổi trong nước nào dám (hay chỉ là có ý) chê bai người khác là hèn nhát, là thiếu dũng cảm, mặc dù họ đang ngày đêm phải đối mặt với công an, nhà tù, và có thể cả cái chết, họ có quyền phán xét kẻ khác. Nhưng ngược lại, những “nhà đấu tranh trước bàn phím” ở hải ngoại thì cứ thản nhiên viết bài, có lẽ là để thể hiện cái “tôi” nhiều hơn, chê bai cá nhân này tổ chức nọ là dễ nhận tội, hay xin hưởng khoan hồng.
Cuộc đấu tranh ôn hòa chống bất công, chống độc tài Cộng Sản của những người có lòng với quê hương đất nước, với vận mệnh dân tộc, đang đứng trước một thời cơ vô cùng thuận lợi: Bên ngoài họ được quốc tế ủng hộ, bên trong được đồng bào góp sức. Không những thế, căng thẳng có thể dẫn đến đối đầu bạo lực trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng là một yếu tố có lợi cho công cuộc dân chủ hóa đất nước…

Nhưng xã hội đã có thái độ nào đối với những con người dám xả thân vì công cuộc đổi thay đất nước? Tôn vinh, ủng hộ những người đấu tranh – đó là đối với số đông. Nhưng đối với một số nhà trí thức người Việt đang sống ở hải ngoại, không ít người đã có những góc nhìn sai lạc, dẫn đến những nhận định ít tính nhân bản, thiếu thực tế về nhiều cá nhân các nhà đấu tranh trong nước.
Thực ra con người ta ai cũng biết sợ hãi, ngoại trừ là kẻ mất trí hoặc ai đó đang trong tình trạng ngộ độc thần kinh cấp tính. Ngay cả đối với một con hổ dũng mãnh vốn được coi là “chúa sơn lâm” cũng phải bỏ chạy nếu bị tấn công bất ngờ. Và kể cả đối với một vị anh hùng, gặp thế cô trong trận mạc cũng phải tìm đường thoát thân. Như vậy chúng ta dứt khoát không nên vội vàng kết luận về lòng dũng cảm của các nhà đấu tranh trong nước nếu có ai đó phải nhận tội trước công an và tòa án của chế độ Cộng Sản…
Nếu là một người chịu khó tìm hiểu thì có thể thấy, đối với ngay cả Mahatma Gandhi – người được coi là ông tổ của phương pháp đấu tranh lấy bất bạo động ôn hòa chống lại cường quyền, cũng đã rất dè dặt trong việc tìm cách đấu tranh sao cho hiệu quả và tránh bị đàn áp thẳng tay. Gandhi đã vài lần bị bắt giam và kết tội tù ở Nam Phi và Ấn Độ, vì luật pháp ở những nơi đó không đặt nặng vào việc trước tòa bị can có nhận tội hay là không, họ chỉ căn cứ vào bằng chứng để mà kết tội. Nhưng nếu như họ cũng theo cách làm của chế độ Cộng Sản ở Việt Nam, tức là “nhận tội nghĩa là có tội” và sẽ được “hưởng khoan hồng” thì rất có thể Gandhi cũng đã từng… nhận tội.
Bản thân lãnh tụ dân chủ Lech Walesa vĩ đại của Ba Lan cũng đã từng phải ký kết một vài thỏa hiệp với nhà cầm quyền Cộng Sản Ba Lan trước đây để “giải quyết vấn đề tình thế”. Trong lịch sử Việt Nam đã từng có nhà nghĩa quân anh hùng Nguyễn Trung Trực uy danh lẫy lừng, coi cái chết tựa lông hồng. Nhưng cuối cùng vì chữ hiếu với mẹ, ông đã buộc phải quỳ gối nộp mạng đầu hàng quân Pháp. Thời “Tam Quốc”, Quan Vân Trường là một dũng tướng vô song, nhưng khi lâm vào đường cùng vẫn phải đầu hàng Tào Tháo. Phàm làm người thì quả là bất toàn: Hiện tại có thể là một anh hùng, nhưng sau này có thể lại là một kẻ hèn nhát…

Vậy ai là người dũng cảm?
Nếu tinh ý thì sẽ thấy, chưa một nhà đấu tranh có tên tuổi trong nước nào dám (hay chỉ là có ý) chê bai người khác là hèn nhát, là thiếu dũng cảm, mặc dù họ đang ngày đêm phải đối mặt với công an, nhà tù, và có thể cả cái chết, họ có quyền phán xét kẻ khác. Nhưng ngược lại, những “nhà đấu tranh trước bàn phím” ở hải ngoại thì cứ thản nhiên viết bài, có lẽ là để thể hiện cái “tôi” nhiều hơn, chê bai cá nhân này tổ chức nọ là dễ nhận tội, hay xin hưởng khoan hồng…
Đơn cử như nhà văn Phạm Thị Hoài (đang sống ở Đức) dùng cụm từ “thuế tư cách” để bình luận về các nhà đấu tranh trong nhóm “Thức, Định, Long, Trung”. Thế nào là đóng thuế? Và thế nào là tư cách? Có người nói tư cách đồng nghĩa với nhân cách, điều đó không chính xác! Tư cách là vị trí xã hội mà từ đó người ta tiến hành hay duy trì một công việc nào đó, nó thường gắn với nghề nghiệp, vì vậy người ta thường nói “tư cách người thầy”, “tư cách cá nhân”, “tư cách cán bộ”, thậm chí là “tư cách mõ” (Nguyễn Công Hoan) vv… Vậy nếu như có thể nói về vấn đề tư cách của một người đấu tranh nào đó, hãy nhìn vào vị trí xã hội của họ, chứ không thể lấy chuyện dũng cảm hay không mà đánh giá…
Để hiểu sát hơn với thực tế, chúng ta hãy xem những người đấu tranh là ai? Có thể liệt kê ra ngay lập tức, đó là dân oan mất đất, những người bị chế độ đối xử bất công, bao gồm cả các cán bộ và đảng viên Đảng Cộng Sản bị trù dập, ngược đãi, thất sủng. Riêng đối với những người không vì gặp những vấn đề cá nhân ở trên mà tham gia đấu tranh nhằm bênh vực quyền lợi cho người khác là không nhiều. Đây chính là những người có tư tưởng chính trị đối lập mang tính ý thức hệ tư tưởng, dịp khác người viết sẽ bàn đến phạm vi này…
Và nếu ta thử hỏi hay tự hỏi, liệu có ai là những người kể trên đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đối đầu với công an, tòa án, nhà tù, cũng như những trò đàn áp hèn hạ khác mà chế độ Cộng Sản sẵn sàng tung ra? Có thể đáp ngay rằng, không có ai chuẩn bị trước điều đó, đơn giản là có rất nhiều người trở thành nhà đấu tranh tự lúc nào họ cũng không biết nữa, điều này rất chính xác đối với dân oan. Nhưng ví dụ đối với nhóm của các anh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và các nhóm hay tổ chức tương tự thì sao? Họ cũng không thể ý thức đầy đủ về những hệ lụy về sau. Và có lẽ họ đã rất tự tin trong việc tự giữ bí mật, rằng chế độ Cộng Sản không thể biết được những việc làm của họ…
Như vậy khác với việc một người lính ra trận biết trước có thể mình sẽ hy sinh, hầu hết những nhà đấu tranh ôn hòa sẽ không ý thức đầy đủ được những hiểm nguy trước mặt. Đến khi bị công an bắt bớ, nhất là khi họ phải chịu những đòn cân não nặng nề cộng với những thủ đoạn bức cung tàn bạo, thì việc họ chấp nhận “bài nhận tội xin khoan hồng” của công an là điều dễ hiểu. Nhưng chắc chắn một điều: Đó chỉ là giải pháp tình thế, họ không tâm phục khẩu phục những bản án vô lý bất công đã dành cho họ.
Vậy ai là người dũng cảm? Tất cả những người đấu tranh đều là người dũng cảm! Tại sao lại nói như vậy? Một khi ai đó không chịu chấp nhận bất công, không chịu chấp nhận thân phận con sâu cái kiến, họ cất tiếng nói và có hành động phản kháng ôn hòa với kẻ cầm quyền, đều là những người dũng cảm. Một khi những người như Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và những người giống như vậy sẵn sàng chấp nhận tạm gác sự thành đạt trong học tập nghiên cứu của mình, chấp nhận hy sinh sự bình an của bản thân, hy sinh sự vinh hoa mà họ đã và sẽ được hưởng, để làm một điều gì đó mới mẻ, đó chính là sự dũng cảm. Họ sẽ buồn như thế nào nếu như đọc được, nghe được những nhận xét sai lạc về họ? Điều đó có làm suy giảm sức đấu tranh và suy giảm số lượng người trong nước tham gia đấu tranh hay không?
Chúng ta còn muốn gì hơn ở những nhà đấu tranh trong nước? Muốn họ phải là những chiến binh bằng thép? Muốn họ phải tự thiêu, hay ôm bom liều chết? Chúng ta đã sai, nhiều người đã sai! Chúng ta quen đòi hỏi mà không quen hành động, quen ăn những bữa cơm đã được dọn sẵn mà không bao giờ tự vào bếp nấu nướng. Chúng ta quen phán xét mà không tự xét lấy bản thân. Hãy thử làm như những nhà đấu tranh trong nước xem liệu chúng ta có làm được điều gì hơn họ không? Sợ rằng, chỉ nghĩ đến nhà tù thôi, nghĩ đến công an thôi, là chúng ta đã “mất mật” ấy chứ! Vậy thì, xin hãy biết tôn trọng, hãy biết kính trọng những nhà đấu tranh trong nước!

Lê Nguyên Hồng

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"