Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

"Văn hóa thấp đi nhưng người Hà Nội rất tự tin"


Dương Thụ là một nhạc sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ông nổi tiếng với những ca khúc được nhiều người biết đến như "Họa mi hót trong mưa", "Đánh thức tầm xuân", "Vẫn hát lời tình yêu"...
Bàn về văn hóa và phong cách sống của người Hà Nội xưa và nay, nhạc sĩ Dương Thụ, một người am hiểu về văn hóa và con người nơi đây, cho rằng dân trí Hà Nội đã thấp đi rất nhiều, văn hóa thấp nhưng người Hà Nội cực kỳ tự tin…
Dân trí Hà Nội ngày nay không cao như người ta tưởng
Suốt thời niên thiếu sống ở Hà Nội, rồi xa Hà Nội đi nơi khác sinh sống, mỗi lần trở lại, nhạc sĩ Dương Thụ lại cảm nhận rõ hơn sự thay đổi của con người và cuộc sống nơi đây.
Hà Nội xưa, trong kí ức của nhạc sĩ là một Hà Nội không sôi động, không xa hoa nhưng rất lành.

Nhạc sĩ kể: “Cuộc sống Hà Nội bây giờ so với thời tôi còn ở đó khác đi nhiều lắm. Thời tôi, trước 1954, Hà Nội là một Paris thu nhỏ ở Châu Á, đến sau 1954 lại là một Hà Nội khác hoàn toàn mà ta thường gọi là Hà-Nội-Mới, Hà Nội của Cách mạng. Tất cả những gì dính dáng đến ngày xưa đều bị tẩy sạch. Một Hà Nội công nông hóa, nghèo và bình dị được hình thành. Cái cuộc sống ấy có một vẻ đẹp riêng. Không sôi động náo nhiệt, không xa hoa sang trọng, không có vẻ gì như một đô thị trung tâm, nó hơi buồn tẻ nhưng được cái rất lành”.

Nhạc sĩ Dương Thụ.
Ông gọi tầng lớp công – nông – binh, người làm chủ Hà Nội thời bấy giờ là người Hà Nội Mới. Họ mang cái vẻ đẹp của xóm nghèo, của lính và của nơi thôn dã về cho đất Hà Thành, đó là cái chất phác, chân thật trong lời ăn tiếng nói, trong cách cư xử, đó là quan niệm sống và bảng giá trị mà họ theo đuổi.
“Người Hà-Nội-Mới” không có tiền nên không hiểu và không coi trọng đồng tiền. Dĩ nhiên cũng không biết tiêu tiền nữa. Tiền không nằm trong bảng giá trị để “Người Hà Nội mới” hướng tới. Những giá trị tinh thần mới là quan trọng và cần thiết. Những năm đầu thập niên 60, Hà Nội rất nghèo nhưng vẫn có dàn nhạc giao hưởng của mình. Nhà Hát Lớn trở thành thánh đường của nghệ thuật dù công chúng của nó là những người “áo vải”. Quán ăn không thu hút bằng hiệu sách. Tôi đã từng nhịn ăn để mua sách, mua tổng phổ nhạc và tôi cũng không phải là một ngoại lệ…”, nhạc sĩ ngậm ngùi nhớ lại.
Còn Hà Nội ngày nay nhạc sĩ gọi là một Hà Nội khác, giàu có hơn, phồn hoa hơn nhưng dân trí thì thấp đi rất nhiều.
Nhạc sĩ chia sẻ: “Bây giờ là một Hà-Nội-Khác. Người làm chủ Hà Nội là những “danh gia vọng tộc đời mới”, những ông chủ mà bạn bè tôi thường đùa là “tư sản đỏ”, rồi dân trung lưu và giới trí thức cán bộ có nguồn gốc công-nông-binh. Họ giàu có hơn cả tầng lớp thượng lưu trong chế độ cũ. Nhà cửa, xe cộ thừa mứa, tiện nghi hiện đại. Ăn chơi xa xỉ, xả láng. Còn lại dân “vỉa hè” nói là chủ cho nó sang thôi, thực ra họ là dân nghèo thành thị đúng nghĩa. Dẫu sao họ cũng là người Hà Nội nhưng vẫn thuộc về một Hà-Nội-Khác. Một Hà Nội như thế, nếu ai đi từ 1954 trở về sẽ không tìm thấy Hà Nội của mình”.
“Dân trí Hà Nội bây giờ không cao như người ta tưởng (nhưng có vẻ người Hà-Nội-Khác không nghĩ nghĩ như thế. Họ tự tin vô cùng, nhất là giới trẻ). Nếu chỉ nhìn những thể hiện bên ngoài thì có vẻ oách lắm. Bạn cứ đến bar Taboo trên Hồ Tây vào quãng 12h đêm thì biết. Đến đây tôi không nghĩ là Hà Nội nữa, mà như là ở bên Tây. Tiếng Anh, âm nhạc, rượu, những gương mặt văn minh biết tiêu tiền triệu cho ít phút giải trí thông thường, những cơ thể có rhythm lắc lư thoải mái… Những con người này mà bạn nêu cái nhận xét kia ra, họ sẽ cười mũi: “Giao hưởng là cái đinh gì” v.v. và nhiều “là cái đinh gì” khác. Chỉ có điều họ thấy bạn “cổ hủ” quá nên không tiện nói ra thôi”, nhạc sĩ nói thêm.
Xã hội nào thì văn hóa ấy
Lý giải cho sự cư xử thiếu văn hóa của người Hà Nội ngày nay, nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng: “Xã hội nào thì văn hóa ấy. Hậu quả của xã hội bao cấp là lối sống xin-cho, hậu quả này nặng lắm bởi nó đánh mất lòng tự trọng, đánh mất tính độc lập, đánh mất khát vọng và động lực làm việc do vậy con người hèn đi mà không tự biết. Khi không có lòng tự trọng thì mọi giá trị tốt đẹp sẽ bị tiêu hủy, trước tiên là giá trị văn hóa.
Cứ xem cách một số nhạc sĩ ở thủ đô tố cáo nhau, hạ nhục nhau về chuyện giải thưởng nhà nước thì biết. Giới sĩ còn thế nói chi đến dân thường. Chuyện dễ bị kích động, hay gây gổ, văng tục, chửi bậy, kiêu căng khinh khỉnh với những người cùng nguồn gốc xuất thân nhưng là dân ở quê dân tỉnh lẻ chưa hẳn đã là điều tệ hại nhất. Nói đến văn hóa xuống cấp là ở những chuyện lớn hơn nhiều”.
Hậu quả của xã hội bao cấp là lối sống xin-cho, hậu quả này nặng lắm bởi nó đánh mất lòng tự trọng, đánh mất tính độc lập, đánh mất khát vọng và động lực làm việc do vậy con người hèn đi mà không tự biết. Khi không có lòng tự trọng thì mọi giá trị tốt đẹp sẽ bị tiêu hủy, trước tiên là giá trị văn hóa.
“Những người nông dân, công nhân khi có tiền, giàu lên, chưa đủ văn hóa để chế ngự bản năng thì sẽ cư xử như vậy. Ở đâu sự hưởng thụ vật chất được coi trọng, thì ở đấy những giá trị tinh thần phải nhường bước”, nhạc sĩ nhấn mạnh.
Nhìn ra sự đổi khác của Hà Nội với những biểu hiện thụt lùi về văn hóa, nhưng không lên án, chỉ trích như phần đông ý kiến, nhạc sĩ Dương Thụ có cái nhìn bình tĩnh trước sự đổi khác ấy.
“Thời buổi bây giờ không thể “duy ý chí” được. Việc giữ gìn hay loại bỏ không thể bằng tâm huyết hoặc bằng những ý kiến thông minh mà phụ thuộc vào những cái lớn hơn. Ở tình trạng dân trí và quan trí như hiện nay thì đụng vào việc phát huy nét văn hóa đẹp có khi lại làm hỏng nó. Và đụng vào việc loại bỏ những nét văn hóa lạc hậu có khi lại là chỗ để ai đó kiếm tiền và để nó có đà ngấm ngầm mạnh lên”, nhạc sĩ bày tỏ.
Và ông vẫn tìm được những nét đẹp của Hà Nội để yêu, để nhớ về: “Theo tôi, vẫn còn sót lại những nét đẹp của Hà-Nội-Xưa sang trọng, thanh lịch, của Hà-Nội-Mới rất lành và trong sáng. Chỉ có điều nó không phải là phổ biến mà lẩn khuất ở đâu đó. Văn hóa của một dân tộc, của một cộng đồng giàu truyền thống là một cái không thể nào tiêu diệt. Anh muốn tiêu diệt cũng không được. Sức sống của nó mạnh lắm, nó như con chim phượng hoàng có thể hồi sinh trong đống tro tàn”.
Khi được hỏi về cao kiến để có thể biến Hà Nội trở thành một đô thị có nếp sống văn minh, sạch đẹp nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng “Người yêu Hà Nội nhất, có tư cách để trả lời câu hỏi này nhất chính là ông Bí thư Thành ủy và vị Chủ tịch Thành phố Hà Nội”.
“Hà Nội không phải là một địa phương. Hà Nội là thủ đô, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của đất nước. Chính vì vậy cư dân của nó là những con người tinh hoa của đất nước. Hà Nội là của khắp mọi miền, ai cũng nên yêu nên có trách nhiệm với Hà Nội” – nhạc sĩ Dương Thụ.

 La Hoàn

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"