Ông Lâm Tổ Loan (Lin Zuluan), một trong những người lãnh đạo cuộc
phản kháng ở Ô Khảm, được bầu làm Chủ tịch kiêm bí thư đảng ủy xã Ô Khảm
ở tỉnh Quảng Đông thuộc miền nam Trung Quốc
Ô Khảm là tên một ngôi làng ven biển phía Nam của Trung Quốc. Từ cuối
năm 2011 Ô Khảm nổi lên trên các phương tiện thông tin đại chúng của
Trung Quốc và toàn thế giới. Sang năm 2012, tên làng Ô Khảm – Wu Kan
càng nổi bật trong các bài bình luận quốc tế về Trung Quốc trên các tờ
báo lớn của Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Ý, Nhật, Úc…Các nhà chính trị nói
đến sự kiện Ô Khảm, mô hình Ô Khảm, giải pháp Ô Khảm, tư duy Ô Khảm và
cả con đường Ô Khảm cho Trung Quốc khi Đại Hội đảng CS Trung Quốc lần
thứ 18 sắp đến gần.
Sự kiện Ô Khảm nổ ra ngày 21 tháng 9/2011 khi hàng trăm nông dân mất
đất của làng này kéo đến trước trụ sở chính quyền và đảng ủy đòi lại
ruộng đất đã bị thu hồi nhằm xây dựng một khu công nghiệp, với số tiền
đền bù rẻ mạt. Họ bị lực lượng công an xã ngăn chặn, giải tán. Hôm sau
nông dân lại xuống đường đông hơn, gần một ngàn nông dân kéo đến đấu
tranh quyết liệt hơn. Lực lượng công an cũng được tăng cường. Đã xảy ra
xô xát, phía nông dân và phía công an đều có người bị thương. Một số
nông dân bị nghi là cầm đầu cuộc đấu tranh bị bắt, bị đánh đập, tra tấn
có thương tích. Ngày 23/9, ngày thứ 3 của cuộc đấu tranh, số nông dân
xuống đường đông đảo hơn, hầu như toàn dân làng Ô Khảm, cùng với nông
dân làng bên cạnh. Huyện Lục Phong phải cử cán bộ và lực lượng an ninh
xuống dàn xếp và tạm ổn định tình hình.
Đến ngày 14/12/2011, tình hình căng thẳng gay gắt khi có tin một đại
diện thôn của Ô Khảm là ông Tiết Cẩm Ba đang bị giam trên huyện về tội
cầm đầu cuộc nổi dậy tháng 9, chờ ngày ra tòa về tội sách động nông dân
chống đảng và nhà nước, đã chết trong tù. Nhân dân cả làng đổ xô ra
đường, với khí thế uất hận căm thù, một số mang khăn tang, có người mang
cả gậy gộc, làm cho cán bộ và công an bỏ trốn hết. Nông dân đập phá một
số phòng làm việc của đảng ủy và trụ sở công an thôn. Tình hình vang
động toàn quốc và ra thế giới.
Nếu cứ giải quyết ở Ô Khảm như ở những nơi khác trên toàn lãnh thổ
Trung Quốc thì một số người cầm đầu cuộc nổi dậy đã bị tù giam từ 2 đến 5
năm, tiền đền bù cho nông dân có thể được nâng lên đôi chút và nông dân
vẫn mất đất và khu công nghiệp vẫn hình thành. Nhưng không, sự việc sau
đó đã diễn ra khác hẳn, trái ngược hẳn, vì lẽ…
Vì lẽ có sự can thiệp của ông Wang Yang – Uông Dương, năm nay 55
tuổi, quê ở Tô Châu tỉnh An Huy, hiện là bí thư tỉnh ủy đảng CS Trung
Quốc tỉnh Quảng Đông, tỉnh có 100 triệu dân, là tỉnh đông dân nhất, cũng
là tỉnh giàu có nhất của Trung Quốc, PNB – giá trị sản lượng hàng năm
luôn đứng đầu các tỉnh thành. Ông Uông Dương là ủy viên bộ chính trị gồm
25 người từ Đại hội đảng CS thứ 17 (năm 2007), có nhiều triển vọng vào
ban thường vụ bộ chính trị gồm 9 người trong Đại hội thứ 18 cuối năm
nay.
Cuối năm 2011 ông cử ngay một đoàn điều tra xuống Ô Khảm rồi sau đó
ông đích thân xuống tận nơi đối thoại trực tiếp với người dân bình
thường thôn Ô Khảm. Do có tư duy độc lập, có công tâm và tinh thần tôn
trọng nhân dân, ông đã giải quyết sự kiện Ô Khảm một cách phân minh,
công bằng, theo luật pháp. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông và tỉnh
ủy, tòa án trả lại tự do cho các nông dân bị giam trong vụ Ô Khảm, việc
xây dựng khu công nghiệp bị đình hẳn lại, những nhân viên công an dùng
bạo lực với dân và nhất là làm chết dân bị kỷ luật và có người bị truy
tố.
Ông chỉ đạo trực tiếp cuộc chấn chỉnh đảng bộ thôn Ô Khảm, làm thí
nghiệm và làm gương mẫu cho toàn tỉnh. Tiếp theo là một cuộc bàu cử thật
sự dân chủ trong đảng bộ và ngoài nhân dân của thôn Ô Khảm có hơn 1300
dân; trúng cử vào đảng ủy và hội đồng nhân dân là những đảng viên và
công dân có hiểu biết, công tâm và tinh thần phục vụ nhân dân, do chính
các công dân bàn bạc lựa chọn kỹ và bỏ phiếu trực tiếp.
Một điều làm nhân dân nức lòng là bí thư đảng ủy thôn Ô Khảm mới được
bầu là ông Lâm Tổ Loan, từng bị giam và bị đe dọa đưa ra tòa về tội
kích động nhân dân phá rối trật tự trị an xã hội. Ông Lâm được số phiếu
cao nhất. Thay vì nằm trong tù, ông và một số bạn ông trở thành người
lãnh đạo.
Sự kiện Ô Khảm và sự kết thúc rất có hậu có thể có tác dụng sâu đậm,
vượt rất xa tầm vóc của một thôn ven biển và có thể tác động đến tình
hình toàn Trung Quốc rộng lớn.
Bởi vì gần đây có 2 mô hình sẽ đưa ra trình Đại Hội 18. Một là mô
hình của Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh, được coi là mang tính
chất cực tả, với nội dung là duy trì sự sùng bái Mao, khôi phục những
bài hát, y phục thời Mao, phát huy tinh thần và lối sống đầy khí thế
“cách mạng văn hóa vô sản trong sáng” đã bị bỏ quên. Thật ra đây chỉ là
phản ứng không tưởng viển vông trước sự suy đồi đạo đức xã hội, khi tiền
bạc làm chúa tể và nạn nhũng, thói hưởng lạc vật chất đang ăn sâu lan
rộng.
Bạc Hy Lai là ngôi sao đang lên, cũng như Uông Dương, được dự kiến
vào ban thường vụ bộ chính trị 9 người. Nhưng ngôi sao này đã đột ngột
tắt ngấm giữa tháng 3 vừa qua khi bị mất hết chức, bị điều tra cùng bà
vợ Cốc Khai Lai trong vụ giết một tỷ phú người Anh và trong nhiều vụ án
kinh tế, 2 vợ chồng có thể bị kết án rất nặng, từ tù chung thân đến tử
hình. Rồi sẽ như nguyên bí thư thành ủy Thượng Hải Trần Hy Đồng cũng
từng là ủy viên bộ chính trị, bị tuyên án tử hình. Nay mô hình Trùng
Khánh của ông Bạc Hy Lai coi như chết yểu từ trong trứng.
Mô hình thứ hai chính là mô hình Quảng Đông là vùng đất đang phồn
thịnh, do Uông Dương đề xuất. Lập luận của Uông là thành tích đổi mới
rất lớn, quý giá nhưng chưa vững chắc, luôn có nguy cơ phá sản vì có
nhiều nhược điểm nguy hiểm. Cái gốc của vấn đề là trên thực tế đã đặt
đảng cao hơn dân, đảng bao biện, quan liêu, xa rời dân. Ông căn dặn cán
bộ đảng viên không được quan niệm rằng đảng đem lại hạnh phúc ấm no cho
dân. Tất cả sức mạnh, thành tích đều do dân. Dân chủ trực tiếp là con
đường thắng lợi.
Ông đã xắn tay áo giải quyết cuộc khủng hoảng gay gắt ở Ô Khảm và tạo
nên một mô hình sống động có sức thuyết phục. Vấn đề quan hệ giữa nông
dân với đảng cộng sản và vấn đề sở hữu ruộng đất của nông dân đang được
đặt ra cấp bách. Đã có 180.000 cuộc đấu tranh tập thể của nông dân trong
cả nước một năm qua.
Ông Uông Dương cũng quan tâm xây dựng xã hội dân sự, quan tâm đến sự
hình thành của những tổ chức phi chính quyền trong các lĩnh vực kinh tế,
văn hóa, giáo dục, từ thiện, làm cho xã hội năng động, có sức sống. Một
hạn chế nổi bật của mô hình Quảng Đông là chưa vượt qua được quan điểm
chuyên chính vô sản của một đảng duy nhất, chưa bước hẳn vào quan điểm
dân chủ đa nguyên, đa đảng, nghĩa là dân chủ thứ thật, dân chủ tiên
tiến, hiện đại.
Các học giả tiến bộ Trung Quốc nhận định dầu sao mô hình Quảng Đông
của Uông Dương cũng là một tiến bộ khá lớn so với mô hình hiện tại trong
cả nước. Đây có thể coi như mô hình cấp tiến quá độ tách ra khỏi khuôn
mẫu giáo điều bảo thủ hiện nay.
Hiện còn có mô hình dân chủ đa nguyên đa đảng ngày càng có tiếng vang
trong giới học giả Trung Quốc do trung tướng Lưu Á Châu, hiện là chính
ủy Học viện quân sự cấp cao ở Bắc Kinh đề xướng. Lập luận của tướng Lưu
là vì yêu nước, yêu đảng CS mà ông chủ trương cần học hỏi áp dụng cái
tốt, cái hay ở mọi nơi. Theo ông, mô hình đa đảng, các quyền phân lập,
có kiểm soát, ganh đua, thay thế nhau, cân bằng quyền lực, được thực
hiện ở Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây, vẫn đang hoàn thiện thêm, là mô
hình tối ưu, cần nghiên cứu vận dụng sáng tạo cho mỗi nước, trước hết là
Trung Quốc.
Theo phân tích của các giáo sư chính trị ở Đại học Thanh Hoa – Bắc
Kinh, trong thường vụ bộ chính trị (9 người) cũng như trong bô chính trị
( 25 người ), có thể chia làm 3 phái, 1 phái trung gian, 1 phái thiên
tả và 1 phái thiên hữu. Phái trung gian thường chiếm ưu thế.
Hiện nay trong khi ông Hồ Cẩm Đào thuộc phái trung gian thì Thủ tướng
Ôn Gia Bảo lại thuộc cánh tả. Ông Ôn luôn chủ trương đi sát dân, lắng
nghe công luận, thực hiện dân chủ từ cơ sở. Ông công khai thừa nhận là
môn đệ của Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, đòi khôi phục danh dự cho các
nạn nhân vụ Thiên An Môn năm 1989, đòi chấm dứt trừng phạt tổ chức Pháp
Luân Công, ông luôn tỏ thái độ mặn mà với mô hình Quảng Đông của Uông
Dương.
Lãnh đạo của Trung Quốc sẽ đi theo hướng nào, là vấn đề lớn sẽ sáng
tỏ dần qua Đại hội đảng CS lần thứ 18 dự kiến sẽ họp vào đầu tháng
10/2012 này, với 2.270 đại biểu. Có điều gần như chắc chắn là ông Tập
Cận Bình thay ông Hồ Cẩm Đào trên cương vị tổng bí thư kiêm chủ tịch
nước, Lý Khắc Cường thay ông Ôn Gia Bảo trên cương vị thủ tướng. Chưa
biết Uông Dương sẽ ở vào cương vị nào, mô hình Quảng Đông – Ô Khảm sẽ
được Đại hội 18 đánh giá ra sao.
Nhân dịp này một việc làm bổ ích là so sánh tình hình sinh hoạt học
thuật giữa Trung Quốc và Việt Nam. Dù sao ở Trung Quốc sinh hoạt học
thuật cũng cởi mở, thoáng đãng hơn rõ rệt. Các mạng tự do và quốc doanh
đều đưa công khai những quan điểm hung hăng hiếu chiến nhất, như dọa
diệt dân Việt vô ân bạc nghĩa, làm lễ vật tế thần cho trận chiến Tam Sa.
Quan điểm hiếu chiến cực đoan đòi tiêu diệt Hoa Kỳ bằng vũ khí hóa học
để chinh phục thế giới không bị kiểm duyệt. Ngược lại, quan niệm học và
vận dụng theo mô hình Hoa Kỳ của một chính ủy đầy quyền uy đang tại
chức, cầm đầu một học viện quốc phòng đào tạo tướng lĩnh cho quân đội,
vẫn được tự do truyền bá.
Có điều gì như tự do thái quá, phóng khoáng quá mức, thả lỏng việc
truyền bá chiến tranh và đối lập chủng tộc vốn bị coi là vi phạm luật
quốc tế. Nhưng điều có lợi và bổ ích là các quan điểm tiến bộ cũng được
phơi bày và còn được thực thi như mô hình Ô Khảm ở Quảng Đông, một làng
ven biển sát khu kinh tế Thẩm Quyến sôi động, không xa Hồng Kông, nhìn
thẳng sang Đài Loan – một địa bàn dân chủ đa đảng tiền phong của Trung
Quốc.
Sau khi mô hình Trùng Khánh bị thui chột do số phận hẩm hiu của cặp
vợ chồng Bạc Hy Lai, mô hình Quảng Đông của Uông Dương tăng thêm giá
trị. Tuy nhiên số phận của mô hình này ra sao còn tùy thuộc ở tác động
của nó vào đông đảo nhân dân, vào trí thức, các nhà báo, các nhà nghiên
cứu, học giả, từ đó tác động vào trong đảng, vào các đại biểu Đại hội 18
sắp đến.
Đảng CS Trung Quốc từng có những nhà cải cách cấp tiến như Hồ Diệu
Bang, như Triệu Tử Dương, gần đây có ông Ôn Gia Bảo, nay lại có Uông
Dương, Lưu Á Châu…với nhiều mô hình mới mẻ để cân nhắc, so sánh, lựa
chọn.
Ở Việt Nam tuy ngày càng có nhiều trí thức dấn thân trong nghiên cứu
chính trị cũng như trong hành động chính trị cho dân chủ và tiến bộ xã
hội, nhưng việc nghiên cứu chính trị còn giản đơn, thô sơ, không khí học
thuật bị xu thế giáo điều kiềm chế nghiệt ngã, các viện nghiên cứu bị
đóng khung trong một khuôn tư duy khép kín, mà tiêu biểu nhất là Học
viện chính trị – hành chánh quốc gia, lại là nơi trì trệ, nhạt nhẽo
nhất. Kết quả đáng kinh sợ là lại xưng tụng các khẩu hiệu: kiên định chủ
nghĩa Mác – Lênin, kiên định chế độ độc đảng, kiên định chủ nghĩa xã
hội, kiên định lấy quốc doanh làm chủ đạo cho nền kinh tế, thế là chấm
hết.
Cả 14 ủy viên bộ chính trị, chưa ai đưa ra nổi một mô hình, một
phương châm, một chủ kiến do tư duy độc lập của chính mình. Chỉ duy nhất
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi là nhà lý luận “lớn” lại sang tận
Cuba để trổ tài hùng biện rao bán một một học thuyết đã lỗi thời, quan
điểm đảng duy nhất có nền dân chủ cao đã thành trò hề cho toàn thế giới.
Bao giờ cho đến tháng 10? Bao giờ sẽ có một mô hình đại thể như Ô
Khảm trên đất Việt Nam ta? Hay vẫn chỉ là những sự kiện đau buồn Tiên
Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Con Cuông…đầy uất hận, nhuốm máu và đầy nước
mắt của bà con nông dân ta, mà đảng luôn coi là đồng minh chiến lược của
giai cấp công nhân do đảng CS là đại diện. Liên minh công nông thủy
chung mặn mà là như thế đó.
Blog Bùi Tín (VOA)