Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Tản mạn nhân ngày 20/7

Hàn gắn vết thương dân tộc để chống ý chí xâm lược của Chủ nghĩa Cộng Sản Đại Hán


Trần Phương Bình
-
Chúng ta đang tiến đến gần ngày 20 tháng 7, ngày mà các đại biểu tham dự Hội nghị Genève hạ bút ký Hiệp định đình chỉ chiến sự Đông Dương, trong đó có điều khoản về chia cắt đất nước Việt Nam làm hai miền.

Năm nay, chúng ta tiến đến ngày đó trong một hoàn cảnh rất nóng bỏng: Những đoàn tàu khoác áo “dân sự” ào ạt tiến vào vùng biển nước ta, nơi mà bọn Trung Cộng vừa trắng trợn đưa ra “mời thầu” khai thác dầu khí.
Đây là đạo quân của “chiến tranh nhân dân” theo kiểu Mao Trạch Đông, lấy thịt đè người, không khác gì những đoàn thủy binh của triều Nguyên năm xưa ào ạt tiến vào Bạch Đằng Giang để thực hiện mưu đồ xâm lược nước ta.

Dù đại biểu của các phái đoàn tham dự Hội nghị Genève về Đông Dương có ký hay không ký vào bản Hiệp định, nhưng họ đều phải chấp nhận và sống trong một sự kiện không thể chối bỏ, là nước Việt Nam chúng ta bị chia làm hai miền, và họ đều phải chấp nhận một sự thực là, sau Hiệp định đình chỉ chiến sự Đông Dương này, thì cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt: Cuộc chiến giữa một bên là Miền Bắc, tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa được Liên Xô và Trung Quốc hậu thuẫn, còn một bên là Miền Nam, tiền đồn của phe theo chủ thuyết chống lại nguy cơ dây chuyền đô-mi-nô cộng sản được Mỹ cùng với các đồng minh của Mỹ hậu thuẫn và trực tiếp tham chiến.

Trên mạng hiện có nhiều bài tranh luận của các nhà nghiên cứu về chủ đề “Tên gọi cuộc chiến tranh Việt Nam”, trong đó có các nhà nghiên cứu Việt Nam ở trong nước hoặc đang ở nước ngoài, và cả các nhà nghiên cứu ngoại quốc. Tôi cũng đã đọc có thể nói là hầu hết những bài tranh luận đó.

Tôi không muốn bàn về cuộc chiến tranh Việt Nam theo quan điểm nào thuộc các bài viết mà tôi vừa nhắc tới ở trên các diễn đàn. Vì sa đà vào đây luôn gây ra những cuộc tranh luận không bao giờ chấm dứt. Tôi chỉ viết theo những gì mà chúng ta có thể dễ dàng kiểm chứng bằng cách tìm đọc theo những văn kiện chính thức: báo Nhân Dân, chỉ thị, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, và những gì viết trong sách giáo khoa dạy ở các trường trên đất nước chúng ta.

Theo tất cả các tài liệu này, chúng ta dễ dàng tìm đọc được những điều có thể tóm tắt như sau:

- Cuộc chiến tranh trong giai đoạn 1946-1954 là cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp. Để giương cao ngọn cờ dân tộc, từ 1946-1951, Đảng Cộng sản tuyên bố giải tán. Có thể nói, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đại bộ phận dân tộc đi theo ngọn cờ giải phóng dân tộc của Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh.

- Sau chiến thắng biên giới 1950, Đảng trở lại hoạt động công khai trên chính trường với tên gọi là Đảng Lao Động Việt Nam, và trên báo chí kháng chiến đã công khai thể hiện lập trường dựa hẳn vào phe xã hội chủ nghĩa. Cuộc chiến tranh chống Pháp từ đây chính thức mang màu sắc ý thức hệ. Lực lượng kháng chiến bắt đầu bị phân hóa. Nhiều người đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến ra ẩn dật ở nước ngoài cho đến cuối đời, hoặc được tập hợp dưới ngọn cờ khác chống lại khuynh hướng xã hội chủ nghĩa ở trong nước.

- Với Hiệp định Genève, đất nước bị chia thành hai miền. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo công cuộc kháng chiến để thống nhất đất nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa.

- Cuộc chiến tranh 1960-1975, tuy gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng trong hàng loạt văn kiện mà chúng ta rất dễ dàng tìm đọc được ngày nay, thì nó được gán cho một sứ mạng quốc tế cao cả, là bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa với tư cách là một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa. Trong nhiều cuộc học tập chính trị thời đó, chúng ta luôn được quán triệt tư tưởng về ý nghĩa quốc tế của cuộc chiến tranh Việt Nam, là bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa, và như thế càng khẳng định, cuộc chiến tranh ngày càng mang đậm màu sắc ý thức hệ.

Trong cuộc chiến tranh để giữ vững tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, các hậu phương lớn của phe xã hội chủ nghĩa, là Liên Xô và Trung Quốc, mà trực tiếp là Trung Quốc, đã dốc một nguồn lực không nhỏ để tăng sức chiến đấu của quốc gia tiền đồn này. Nói cho cùng, là họ làm công việc mà họ nói là “giúp đỡ” Việt Nam, nhưng thực ra là để bảo vệ cho sự an ninh của chính bản thân họ và của toàn phe xã hội chủ nghĩa.

Trong bài viết “Đã đến lúc phải xóa món nợ ân oán giang hồ!” đăng trên Bauxite Việt Nam nhân Quốc khánh Trung Cộng, ngày 1 tháng 10 năm 2011, tác giả Vũ Cao Đàm đã mạnh dạn nêu lên sự thực này, để xác quyết một điều rằng: Dân tộc Việt Nam không nợ nần gì Trung Cộng cả. Chỉ có Trung Cộng mới là kẻ nợ xương, nợ máu dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã đứng làm tiền đồn bảo vệ cho Trung Cộng được yên ổn để lớn mạnh. Chính Trung Cộng mới là kẻ vô ơn bạc nghĩa, mới là kẻ dĩ oán báo ân, xưng hùng xưng bá với dân tộc Việt Nam và các nước trong vùng. Và chúng ta cũng phải xác quyết một điều nữa rằng: Trung Cộng, cũng như chủ nghĩa Đại Hán ngàn đời nay là giặc thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam.

Khi vướng trong đầu cái món nợ “ân oán giang hồ” này thì một số người trong chúng ta vẫn lấn cấn cái “tình đồng chí”, như cái mũ kim cô xiết vào đầu dân tộc Việt Nam… Và rồi, để bào vệ cái tình đồng chí đó, mà Việt Nam phải cho các “đồng chí” trấn đóng Tây Nguyên; để bảo vệ cái tình đồng chí đó, Việt Nam phải cho các “đồng chí” thuê cả mấy chục ngàn hecta rừng đầu nguồn, phải cho các đồng chí “thắng thầu” tới 80% số dự án xây dựng các công trình công nghiệp, để tàu bè của chúng, với danh nghĩa nuôi cá, tung hoành ngang dọc ở một cứ điểm huyết mạch về quân sự là quân cảng Cam Ranh,… Và cuối cùng, vì để bảo vệ cái tình đồng chí đó, mà ngày nay đã có tới hàng chục vạn tên giặc Hán ngang nhiên giày xéo đất nước Việt Nam, chìa ra đủ các trò “mua bán đểu” để triệt phá các vùng nguyên liệu công nghiệp của Việt Nam, triệt phá sức kéo của dân nghèo Việt Nam, tàn phá môi trường Việt Nam, và còn tổ chức những cuộc đánh hội đồng (theo nghĩa đen) dân lành Việt Nam; chúng hoành hành khắp các vùng đất biển của Việt Nam, đóng vai từ “sư đểu” lang thang khất thực trên các bến xe Việt Nam để dò la nhòm ngó, rồi “ngư dân đểu” để làm tình báo ở các quân cảng của Việt Nam, “thầy lang đểu” để gieo rắc nguy hại cho sức khỏe và giống nòi Việt Nam đến các hạng “đại gia đểu”, “sinh viên đểu” và “đại trí thức đểu”, lân la suốt từ Sài Gòn ra Hà Nội, suốt từ Hà Giang, Cao Bằng cho đến Cà Mau, từ Vũng Rô cho đến Lâm Đồng, từ Hoàng Sa, Trường Sa cho đến quê hương kháng chiến, từ rừng U Minh, bưng biền Đồng Tháp đến chiến khu Việt Bắc.

Chúng ta đang tiến dần tới ngày 20 tháng 7. Tôi viết những dòng tản mạn này để chia sẻ nỗi đau với tất cả những ai yêu nước thương nòi, với lòng mong mỏi, tất cả chúng ta hãy gắng gạt bỏ sự cố chấp về ý thức hệ sang một bên, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, người đã dũng cảm tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương, để giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc, cùng nhau bảo vệ xã tắc sơn hà. Kiên quyết không nghe theo Trung Cộng, kiểu như trong một bản tuyên bố chung nào đó, gọi những người không cùng ý thức hệ là “thế lực thù địch” của hai đảng “anh em”, rất ngại dân chúng biểu tình thể hiện lòng yêu nước mà xao lãng ý chí chống quân xâm lược Trung Cộng, dung túng cho bọn tham nhũng và các nhóm lợi ích nhân danh Đảng và Nhà nước cướp bóc và hà hiếp dân lành, … để đến mức, mỗi ngày Đảng một xa dân, thậm chí phải lo cảnh giác với dân, mỗi ngày dân một quay lưng lại với Đảng, khinh miệt đảng viên cầm quyền, … Chưa bao giờ, kẻ thù Trung Cộng thành công như bây giờ trong mưu đồ chia rẽ Đảng với dân. Không ai khác, mà chính bọn cộng sản Đại Hán mới là thế lực thù địch đang phân hóa và tận diệt Đảng và dân tộc Việt Nam.

Tôi nhớ đến một ngày đông năm 1951, được đọc một bài thơ trên tờ báo kháng chiến. Bài báo được viết trong bối cảnh phân hóa rất mạnh của lực lượng kháng chiến, hàng loạt người bỏ căn cứ địa kháng chiến để vào các thành phố, nơi quân Pháp chiếm đóng, và cũng là nơi một chính phủ chống cộng của Cựu Hoàng Bảo Đại được thành lập. Báo chí kháng chiến gọi đó là ngụy quyền bù nhìn tay sai của Pháp, nhưng trên thực tế, Chính phủ này đã tập hợp được một lực lượng không nhỏ những người rời bỏ kháng chiến, và những người đã từ chối cộng tác với chính phủ Hồ Chí Minh ngay từ đầu cuộc Cách mạng Tháng Tám. Bài thơ gọi những người rời bỏ kháng chiến là “những đứa con hoang”. Tôi xin trích đoạn bài thơ mà tôi còn nhớ như vừa mới đọc ngày hôm qua, và xin họa lại để chia sẻ tình cảm xót xa với những người con của Tổ Quốc:

Bài thơ kêu gọi lòng căm thù chủ nghĩa Thực dân xâm lược Đại Pháp

(Trích)

….

Thế mà dọc đường Hà Nội - Hà Đông

Đi về khối đứa lòng không căm thù

Họ an thân tủi phận

Được tụi Pháp nó ru

Bằng phim ảnh hủ hóa

Bằng đàng điếm lu bù

Không gian che lấp sương mù

Họ không nhớ rõ Mùa Thu huy hoàng

Nên họ không kháng chiến

Thích mặc đẹp ăn sang

Họ không có Tổ quốc

Họ là đứa con hoang

… (Hết trích)
   

Bài họa kêu gọi lòng căm thù chủ nghĩa Cộng sản xâm lược Đại Hán

….

Thế mà trước bão táp Biển Đông

Mắt lòa khối đứa lòng không căm thù

Họ vênh vang danh phận

Được Cộng Hán nó mua

Với đồng tiền ô nhục

Bán rừng biển lu bù

Không gian che lấp sương mù

Họ đã phản bội Mùa Thu huy hoàng

Nên họ ca “Bốn tốt”

Tụng “Mười sáu chữ vàng”

Họ bán rẻ Tổ quốc

Họ là đứa con hoang

….

Thế hệ chúng tôi nhớ lại rất rõ, trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, ranh giới “địch - ta” là rất rõ ràng. Đến khi Đảng đề cao “tình anh em” với các quốc gia cùng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa thì ranh giới ấy dần dần bị nhiễu. Chợt nhớ một ngày đầu năm 1975, khi còn làm việc ở Ủy ban Khoa học Nhà nước, tôi đã được nghe một quan chức rất lớn của Đảng đến nói chuyện thời sự. Vẻ mặt ông ta rạng rỡ báo tin: “Rất mừng là quân đội của đất nước Trung Quốc anh em đã giúp chúng ta lấy lại Hoàng Sa từ tay quân Ngụy”… Đến khi nghe có tiếng lao xao trong hội trường thì ông hạ giọng… “Bây giờ thì cứ để bạn giữ hộ, ..”, rồi ông kéo dài giọng… “sau này giải phóng hoàn toàn đất nước thì bạn sẽ bàn giao lại cho ta thôi”. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi, một người ở địa vị cao như vậy mà mơ hồ “địch - ta” như thế! Đáng tiếc, sự mơ hồ ấy vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay, …mơ hồ đến mức một quan chức có hàm có vị của Bộ Ngoại giao trấn an trí thức: các sự việc Trung Quốc ngang ngược với Việt Nam chỉ là “yêu con cho đòn cho vọt” mà thôi.

Đến đây, có lẽ chúng ta cũng không quá ngạc nhiên khi một ông thủ tướng, đảng viên của một cái “Đảng anh em” nào đó sai đại diện của mình trong một hội nghị quốc tế, bán rẻ “Tình hữu nghị đặc biệt” với Việt Nam để ủng hộ Trung Cộng lấn lướt trên Biển Đông. Chúng ta cần biết ơn cái “Đảng anh em” này về sự kiện đó, bởi vì nó đã nói toẹt ra một sự thực, rằng: Không có “đồng chí” nào hết, chỉ có quyền lợi của cá nhân người cầm quyền và dân tộc họ. Người ta sẵn sàng bán rẻ “đồng chí” để mưu cầu miếng cơm manh áo cho họ và dân tộc họ mà thôi.

Tôi vẫn tin tưởng rằng, những người đang lấn cấn về cái tình “anh em - đồng chí” nguy hại kia, đến một ngày nào đó chắc chắn sẽ nhìn ra bi kịch của dân tộc, dám từ bỏ những đồng tiền ô nhục thu được nhờ bán rừng bán biển và cái mũ kim cô “cùng ý thức hệ” với quân xâm lược Cộng sản Đại Hán và trở về hàng ngũ dân tộc để bảo vệ chủ quyền của Tổ Quốc.

Hơn bao giờ hết, nhớ đến ngày 20/7, mong mỏi Đảng, trong vị trí lãnh đạo của mình hiện nay, hãy giương cao ngọn cờ tiên phong trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp chống bọn Cộng sản xâm lược Đại Hán cứu nước.

T. P. B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"