Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

“Độc tài” kiểu…Miến Điện

Hiệu Minh
Vài dòng ghi nhanh về đất nước Miến Điện gửi tặng các bạn đọc Cua Times [blog Hiệu Minh] . Những ai đã từng đi thăm đất nước này xin đóng góp thêm cho phong phú. Mong bạn đọc hiểu tại sao dạo này Tổng Cua [Hiệu Minh] ít vào blog. Chúc các bạn vui cuối tuần.

Chuyến đi trong “bão táp”

Tháp chuông chùa ở Naypyitaw. Ảnh: HM
Sau chuyến bay dài 14 tiếng từ Washington DC, qua Canada, vòng lên biển Bering, vào không phận của vùng Viễn Đông nước Nga, trên nước Nhật, nghỉ vài tiếng trên sân bay Inchon (Hàn Quốc), lại phải thêm 6 tiếng nữa Tổng Cua mới đến Singapore. Nghỉ tạm trong khách sạn Crown Plaza ngay cạnh sân bay, kiến trúc hiện đại toàn kính, để sáng sớm sau đi Myanmar.

Hồi mới đi Mỹ, từ Hongkong, Bangkok hay Singapore, mình cứ băn khoăn, tại sao lại vòng lên Bắc Cực mới được, mà sao không bay thẳng qua Thái Bình Dương cho tiện. Hóa ra vòng lên đó mới là đường ngắn nhất vì nếu lần theo gần đường xích đạo thì quãng đường đã tăng lên gấp bội.
Vừa đặt chân xuống Changi, một trong những sân bay đẹp và hiện đại nhất thế giới, cái Blackberry chuyên nhận email, bỗng rung chuông “Unknown number”. Khỉ thật, 12 giờ đêm ở Singapore mà ai gọi mình, chắc có chuyện chẳng lành.
Trước khi đi, mình được biết là dân Việt Nam có hộ chiếu phổ thông sẽ được lấy visa tại sân bay. Chuyến đi ngoài dự định, vào phút chót, ông sếp bảo “Please go… anh Cua bò ngay cho tôi nhờ”.
Gửi thư xin visa ở sứ quán Myanmar ở DC mãi chẳng thấy hồi âm. Gọi điện đến toàn nghe trả lời tự động, sao mà giống sứ quán nước quen đến thế.
Chị Thu Thủy, nổi tiếng trong bài Tình mẹ bao la, có con rể là người Myanmar, gọi điện hỏi thăm xem có giúp được gì không. Mình lại nghĩ đến cảnh ở VN, quen biết nhờ vả thì sẽ nhanh hơn. Chị gọi hẳn cho bà nào to lắm, rồi hẹn sẽ giúp.
Sáng thứ 2 bay, chiều thứ 6 vẫn chẳng tin tức gì. Thế là đành lấy lại hộ chiếu, cùng một cái thư mời của World Bank, hy vọng tên tuổi lớn này và Hiệu Minh Blog sẽ giúp mình cái visa tại sân bay Yangon.
Cú điện thoại “unknown number” do một đồng nghiệp từ Yangon gọi. Cô bé biết lịch bay của mình nên gọi rất đúng lúc, chỉ nói ngắn gọn, dù anh là người Việt Nam, thân thiết với Myanmar, có thư của WB, dù là blogger, thì cũng khó mà được cấp visa tại sân bay.
Mới cũ đan xen. Ảnh: HM
Lý do thật đơn giản, lệnh trên trời mới được vài tuần, mà dưới mặt đất chưa thuộc hết bài, nhất là nước Myanmar giống Việt Nam các anh, làm cái gì cũng chậm. Vì ở đây họ chuyên mặc váy để giải quyết việc lớn mà. Nghe cứ như đùa.
Giải pháp, bỏ chuyến Singapore đi Yangon, mà đổi hướng vào Bangkok. Chúng tôi đã mua e-ticket cho anh, cứ mở email sẽ có. Sáng mai, anh Cua vào Bangkok đợi lấy visa do sứ quán Myanmar và bay từ đó đi Yangon vào tối đó.
Thế là đành nghe theo…đàn bà. Ngủ ở Changi với giá ks 300S$, chỉ được 3 tiếng vì đêm đó gần như thức trắng để liên lạc hủy vé, hủy khách sạn, nếu không bị phạt rất nặng.
Vừa vào văn phòng Bangkok thì mọi giấy tờ đã xong, Tổng Cua ký xoẹt phát, đưa hộ chiếu và ngồi đợi…tới 3:30 chiều. Nếu có visa, đi Myanmar, nếu không ở Bangkok mà chơi Patpong đến cuối tuần để đợi hội thảo dự định tuần sau đó.
Trong lúc chờ, mình còn sang khách sạn Shang-ri La họp để chuẩn bị hội thảo của cánh IT khắp thế giới về đây. Họp xong, về vp thì người đi lấy visa đã đợi sẵn ở cửa. Họ làm vô cùng chuyên nghiệp và tính đến từng phút.
Lúc đó là 4:00 chiều, mà chuyến bay đi Yangon xuất phát lúc 5:55. Chỉ có gần 2 tiếng để đi từ Bangkok ra sân bay Suvarnabhumi. Những ai từng đi lại qua đây thì hiểu rằng, với khoảng thời gian đó, gần như vô vọng để kịp chuyến bay.
Cậu IT đồng nghiệp liền bắt taxi, đi 15 phút, đến ga tầu gọi là Airport Link, nối thẳng từ Bangkok ra đúng nhà chờ của sân bay. 15 phút nữa với vé tốc hành chỉ có 90 baht, không dừng bất kỳ ga nào. Cứ 30 phút một chuyến. Nếu đi taxi vào lúc tan tầm, chắc mất thêm vài tiếng nữa.
Cũng may là Tổng Cua có vé business nên mất 5 phút check in, ra cửa immigration ưu tiên. Mình gần như là người cuối cùng vào máy bay.
Chia sẻ với bạn đọc đôi chút để bạn đọc hiểu tại sao hang Cua dạo này không nhộn nhịp entry mới, cỏ mọc tùm lum, không ai cắt xén.
Tối đó mình đến Yangon và đây mới là nội dung chính của entry này. Nó ngắn hơn phần mở đầu, và bạn đọc đừng cười và lão Cua dạo này viết đầu voi đuôi chuột.

Myanmar những cảm xúc lẫn lộn

Máy bay đến lúc đêm, trời mưa tầm tã, Yangon đang vào mùa mưa (monsoon), tối thui chả nhìn thấy gì. Dù vậy qua cửa sổ máy bay cũng thấy đồng lúa be bờ, cây cối thấp thoáng, cũng nghèo như quê mình.
Bước chân chú tiểu. Ảnh: HM
Miến Điện hiện lên bằng xương bằng thịt. Phố phường Yangon cũng chật hẹp, không có xe máy vì chính quyền không cho dân sử dụng phương tiện này trong thành phố. Xe hơi đi lại đông đúc, nhưng khá trật tự. Thỉnh thoảng có bác tài phóng ngược chiều.
Xe khách đủ loại, to tướng đến loại tự tạo. Xe nào cũng chật ních khách do không có xe máy nên đi lại đành nhờ vào bất cứ phương tiện nào. Khách đu bám bên ngoài là chuyện thường. Tuy vậy, giao thông Yangon đỡ hỗn loạn vì không có xe máy và tốt bội phần so với hai thủ đô lớn nhất của Việt Nam.
Xứ này có tới 55% đàn ông cạo đầu vào chùa, tụng kinh, gõ mõ, đi khất thực, cũng làm lụng đôi chút, và không được…lấy vợ. Sư nữ mặc áo hồng, mặt trắng trẻo, xinh phết. Cứ tiếc sao các nàng đi tu làm gì. Bỗng nghĩ, hay mình bỏ blog sang đây vào chùa cho sướng.
Trong thành phố cánh đàn ông diện váy lẫn với quần âu. Nhiều cậu trông khá trẻ nhưng miệng nhai trầu bỏm bẻm, môi hơi đo đỏ do ăn trầu. Họ cũng nhổ toẹt như các cụ nhà ta, nhưng thường nhổ vào thùng rác hay gốc cây.
Cái váy Myanam là tấm vải may quây tròn, chui hai chân vào, quấn quấn và vặn nút, giắt vào cạp, thế mà không tụt bao giờ. Thấy một anh đái gốc cây, ngồi như các bà, vén váy lên. Trông “xử lý” dễ thế, đoán là trong không mặc gì
Do không biết, lão Cua thăm chùa vàng ở Naypyitaw, diện quần sooc, nên nhà chùa bắt phải mặc cái váy cho thuê mầu xỉn xỉn, chắc cả ngàn người dùng rồi. Mình quấn đi quấn lại vẫn không chặt, thỉnh thoảng phải xốc lại. Đang thăm chùa, ngó nghiêng các đức phật quan âm mặt mũi trầm mặc, bỗng thấy man mát phía dưới. Hóa ra váy tụt lúc nào không biết.
Phố khá sạch, nhà cửa kiến trúc theo lối Ăng lê, villa ẩn hiện sau những bức tường cao, thép gai bao bọc, chứng tỏ trộm cắp cũng nhiều.
Mình sang xưa này mới biết nước ta gọi là Miến Điện, người Anh, người Mỹ gọi là Burma, phần thế giới còn lại gọi là Myanmar, tất cả đều chỉ một quốc gia. Phía bắc giáp Trung Quốc (2.185 km), phía nam giáp Thái Lan (1.800 km), phía Tây giáp Ấn Độ (1.463 km), Lào (235 km) và Bangladesh (193 km). Đường bờ biển dài 1.930 km. Diện tích Myanmar là 676.577 km², gấp đôi Việt Nam ta, dân số khoảng 60 triệu.
Myanmar cùng với vương quốc Khmer từng thống trị vùng Đông Nam Á trong thời gian khá dài từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 14. Thế kỷ 16, Vương quốc Miến Điện từng nuốt Thái Lan, Lào, Malaysia, biên giới sát với Việt nam và Campuchia. Như vậy, Việt Nam mình từng là hàng xóm với quốc gia độc tài có một không hai trên thế giới.
Cao tốc đi Yangon vắng lặng. Ảnh: HM
Nghe nói một thời, nước này từng theo Liên Xô nên có tên là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Myanmar. Sau này giới quân sự đảo chính và đổi thành Liên bang Myanmar, chả theo tây mà cũng chẳng theo ta, chỉ một mình là anh Myanmar – one man country.
Cuối thế kỷ 16, vương triều Myanmar cũng sụp đổ, sau đó bị người Anh chiếm đóng cho tới năm 1948 mới giành được độc lập.
Thời trước chưa đi Australia thì cứ nghĩ thủ đô là Sydney, đi rồi mới biết thủ đô hành chính là Canberra cách Sydney hơn một giờ bay. Malaysia có thủ đô là Kuala Lumpur nhưng trung tâm hành chính là Putrajaya cách đó vài chục km.
Mình sang Myanmar cũng vậy, luôn nghĩ trong đầu Yangon là thủ đô. Nhưng đến đó mới biết Naypyitaw (royal capital) là thủ đô mới từ năm 2008.
Chuyện vui kể rằng, trong một giấc mơ, ông tướng trị vì Myanmar, thấy nước mình bị tấn công từ vịnh Bengal, nên đã hỏi lão thày bói.
Lão vái tứ phương rồi phán, phải chuyển thủ đô về giữa đất nước để không bị lụt lội, không bị động đất, không bị mưa nhiều như Yangon, lại dễ bảo vệ trước những kẻ xâm lược phương Tây. Naypyitaw hội tụ đủ các ưu điểm đó.
Thế là đại tá Thein Nyunt, ông tướng của mọi ông tướng, ra lệnh chuyển thủ đô và được điều này được ghi vào hiến pháp năm 2008.
Nghe chuyện này thấy going giống cái chùa Bái Đính, thủ đô Phật giáo của Việt Nam. Do ai đó mơ, rồi các UV Bộ CT thi nhau khấn vái, mong chế độ tồn vong nên phải xây chùa ở nơi được coi là điểm huyệt quốc gia, thầy Tầu phán thế.
Quay lại Miến Điện, thủ đô được bắt đầu xây dựng từ năm 2002 trên một diện tích 7000km2 của vùng trung du không có làng mạc. Tất cả được xây từ đầu từ nhà cửa, điện đường trường trạm. Do thiết kế có tầm nhìn xa nên Naypyitaw hiện trông khá hiện đại. Đường đi lại dọc ngang mỗi bên hai hay ba làn xe chạy, thẳng tắp, nhà cửa xây rất đẹp, có quy hoạch dù đang là công trường lớn.
Đất chuẩn bị bán. Ảnh: HM
Ngày 6-11-2005 vào 6:37 phút sáng, theo lời thầy bói, cần làm lễ “chuyển nhà”. One Man Coutry – lệnh tối cao ban ra nên các bộ các ngành nuốt nước mắt bỏ Yangon hoa lệ để về Naypyitaw khỉ ho cò gáy cách đó 320 km.
Để chiều các quan chức phải xa vợ con gia đình, Đại tá Thein Nyunt cấp nhà ở rất đẹp cho cán bộ làm việc tại đây. Riêng ông có lâu đài khá to, Tổng Cua đứng ngoài nhìn vì lính canh không cho tới gần.
Sau 6 năm, hiện dân số đã lên gần 1 triệu. Họ còn xây dựng một cao tốc 4 làn xe dài 300 km nối Yangon cho tiện đi lại. Tuy vậy, đi gần 5 tiếng, thấy được vài chục cái xe đi ngược chiều. Trước mặt mình vắng tanh. Giữa hai thành phố có mỗi một chỗ nghỉ và mua xăng. Muốn giải quyết nỗi buồn thì dừng xe và ra gốc cây y chang bên Việt Nam ta.
Dù thủ đô mới đã chính thức đi vào hoạt động 6 năm, nhiều nhà cửa, công trình hoành tráng đã xây và đợi người đến ở, nhưng Naypyitaw vẫn vắng vẻ khác thường. Đèn đỏ gần như không hoạt động vì có xe đi lại nhiều đâu.
Đang ở Naypyitaw về Yangon, Bangkok hay Hà Nội kẹt xe, ô nhiễm, kiến trúc tạp nham, sao mà nhớ thủ đô mới, hiện đại và trống trải ở giữa Myanamar này đến thế.
Khu đất dành riêng cho ngoại giao vẫn là đất lưu không. Các sứ quán, các công ty lớn vẫn cầm chừng, không ai chịu chuyển. WB cũng đang đợi và vì thế mà Tổng Cua có chuyến đi khám phá này.
Các bác sứ nhà ta mà nhanh tay, nên mua đất cho đại sứ quán nhà mình ngay bây giờ, kẻo sau này giá đất lên, không mua nổi.
Hà Nội ta mở rộng lên Hà Tây, Hòa Bình, cuối cùng chẳng thấy tiến bộ hơn. Tự nhiên sang đây mình thích anh “độc tài” Myanmar trong lĩnh vực chuyển thủ đô, quản lý giao thông và kiến trúc này.
Cấm xe máy trong Yangon là cấm tiệt, di chuyển thế nào thì kệ bố dân. Bảo chuyển thủ đô một phát là chuyển. Bảo bỏ Yangon lên miền núi làm cũng phải lên. Bắt xây dựng cao tốc thẳng tắp 320 km cũng xây, dù còn ít xe đi lại, đường bê tông lởm khởm, nhưng vẫn là gì đó hơn ối nước khác.
Năm trước, sau cuộc gặp với Thủ tướng Dũng của Việt Nam, hình như đại tá Thein Nyunt bỗng “đổi ý”, mở cửa cho phương Tây, thả bà Aung San Suu Kyi, bầu cử dân chủ hơn. Quyết định liên quan đến vận mệnh đất nước, cần sự độc tài trong…sáng suốt.
Tin tức về cách mạng mầu, mùa xuân Arap, chắc mấy ông cao cao lo sốt vó. Theo Trung Quốc chắc gì đã xong, thôi thì ngả về Tây chút xem sao. Trước theo Liên Xô, rồi hàng xóm Trung Quốc có làm cho nước giầu lên đâu. Myanmar đang chuyển mình theo thời cuộc dù con đường còn rất dài.

Nụ cười Myanmar. Ảnh: HM
Khách sạn 5 sao giá phòng 300$-400$ /tối đắt khủng khiếp nhưng không đặt trước thì khó mà có chỗ. Chuyến bay Bangkok - Yangon cả đi lẫn về đều chật cứng với mấy trăm hành khách trên khoang. Khu dành cho thương gia không còn ghế trống.
Đúng hôm tôi ở Yangon thì Tổng thống Obama ra lệnh cho các công ty dầu khí của Mỹ được đầu tư vào Myanmar. Tin này vui như thời Bill Clinton tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam hơn chục năm trước.
Lang lang thăm chùa lớn nhất ở Yangon, tháp vàng, tháp ngọc, phù điêu tượng đài, kiến trúc tinh tế, tôi chợt nghĩ, đất nước này có rất nhiều giá trị văn hóa để nói với thế giới. Họ có U Thant từng giữ chức Tổng thư ký UN, bà Aung San Suu Kyi trông vẻ yếu đuối nhưng ẩn chứa tính cách sắt đá, đại diện cho dân tộc mặc váy ăn trầu đang hội nhập.
Thực trạng vẫn còn nhiều cảnh nghèo khó ở miền quê hay cả thành phố, người làm đường lam lũ, nông dân mặc váy cấy cầy rất khổ.
Nhưng những gì nhìn thấy ở Naypyitaw và Yangon trong chuyến đi ngắn ngủi 4 ngày, kiến trúc đền đài hoành tráng với những bức tượng nhìn ra bốn hướng, thì tôi tin Miến Điện đang lung linh hy vọng một nền văn minh khác, xứ sở từng tung vó ngựa chinh phục Đông Nam Á cách đây nửa thiên niên kỷ.
Hiệu Minh. Yangon – Naypyitaw. 11-14 July 2012
Vài ảnh khác gửi tặng bạn đọc Cua Times. Ảnh Yangon vẫn trên máy ảnh, lười quá không nạp xuống được

Khách sạn Naypyitaw. Ảnh: HM

Chùa vàng. Ảnh: HM

Dân chúng lên chùa. Ảnh: HM

Phái mạnh trong váy và ăn trầu. Ảnh: HM

Phái yếu ở đâu cũng duyên. Ảnh: HM

Chùa đặc trưng của Myanmar. Ảnh: HM

Trên đường phát triển. Ảnh: HM

Hiện đại và truyền thống. Ảnh: HM

Myanmar nhìn bốn hướng. Ảnh: HM

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"