Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Một phiên tòa thách thức công luận

12Bếnnước: Tại sao phiên toà này không có thêm mục vài năm quản chế như các phiên toà khác nhỉ, lại không có cả vụ bị thu hồi tất cả lương hưu bổng nhỉ? Cứ như thế ra tù, không phải làm việc gì nữa cứ ăn tiền hưu trí nhàn hạ, lại không mất quyền công dân.  Hỏi sao xã hội không "khuyến khích" công an "giết dân" chứ?

Nguyễn Tường Thụy
Kết quả phiên tòa phúc thẩm xử nguyên trung tá công an nguyễn Văn Ninh (NVN) đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng (TXT) đã làm cho công luận phẫn nộ. Người ta quá thất vọng khi những người được gọi là cầm cán cân công lý thực thi pháp luật như thế nào. Cố tình làm lệch cán cân công lý là đồng lõa với tội ác, là thách thức công luận.
Tất cả những cố gắng, nỗ lực nhất của Trịnh Kim Tiến và gia đình nạn nhân đã không tới được đích của công lý. Luật pháp nước ta vốn đã nhiều khiếm khuyết, lắm sơ hở lại bị chà đạp trắng trợn còn công lý thì bị nhạo báng.
NVN bị khởi tố theo tội danh “Làm chết người khi thi hành công vụ”. Hãy tạm chấp nhận cái tội danh ấy, người ta thấy HĐXX đã:
- Bỏ qua những hành vi phi nhân tính của Ninh sau khi đã đánh ông Tùng dẫn đến cái chết sau đó.
- Nhóm công an, dân phòng tham gia đánh ông Tùng không ai phải chịu trách nhiệm gì
Yêu cầu của người nhà nạn nhân khởi tố NVN về tội giết người không phải là không có lý. Khi NVN nhất quyết không cho đưa ông Tùng đi cấp cứu, bất chấp lời van xin của gia đình, không cho ông ăn, còng tay ông đến tận bệnh viện … thì y đã thể hiện hành vi truy cùng giết tận. Cũng lạ, cùng kết quả đánh chết người, nếu là người Nhà nước thì chỉ nằm trong khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù, còn dân phạm tội thì có thể tử hình. Điều này chỉ tạo cho những kẻ muốn chém giết trong bộ máy công quyền coi tính mạng của dân như cỏ rác.
Nhắc lại mấy vụ án công an giết (hay đánh chết) người khi thi hành công vụ gây xôn xao dư luận. Trong vụ án cầu Chương Dương đêm 29/2/1993, viên trung úy cảnh sát Nguyễn Tùng Dương đã lĩnh án tử hình. Còn vụ đánh chết anh Khương ở Bắc Giang hôm 25/7/2010, thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp cũng đã lĩnh 7 năm tù.
Chỉ cần so sánh với vụ đánh chết anh Khương cũng dễ thấy bản án dành cho NVN là quá nhẹ vì hành vi của Ninh tàn bạo hơn, mang tính côn đồ hơn, vô nhân tính hơn so với Nguyễn Thế Nghiệp.
Công an đánh chết dân thì chỉ như thế, còn dân động đến công an thì sao? Dư luận rất bất bình khi một cô gái 18 tuổi không kiềm chế được đã tát cảnh sát giao thông 1 cái (ngày 2-7-2011) mà cũng chịu án tù 6 tháng.
Trở lại phiên phúc thẩm hôm 17/7/2012, ai cũng cho rằng, phiên tòa chỉ là trình diễn chứ bản án đã được ấn định từ trước (án bỏ túi). Phiên tòa có những dấu hiệu của sự độc đoán, thiếu dân chủ. Tuy phiên phúc thẩm lần đầu bị hoãn do yêu cầu của người nhà nạn nhân với lý do không triệu tập đủ nhân chứng nhưng lần này họ vẫn không chịu triệu tập những nhân chứng gia đình nạn nhân yêu cầu. Trong khi đó, họ lại triệu tập nhân chứng ở đồn công an Thịnh Liệt, tức là nhân chứng của phía bên kia. Những lý lẽ của gia định nạn nhân quá trình tranh tụng đã không được HĐXX đếm xỉa tới.
Người theo dõi phiên tòa rùng mình khi bị cáo và đại diện Viện kiểm sát cho rằng NVN đã làm đúng nhiệm vụ khi gây ra cái chết cho ông TXT. Thật không còn gì để nói. Rồi đây, hẳn sẽ còn nhiều người dân lương thiện nữa chết trong tay cảnh sát khi lực lượng này “làm đúng nhiệm vụ”. Như thế, ai mà không lo sợ.
Việc xét xử phạm nhân ngoài mục đích cách ly phạm nhân ra khỏi đời sống xã hội còn có ý nghĩa răn đe không để tội phạm tái diễn. Nhưng công an đánh chết người dã man như thế chỉ bị phạt 4 năm tù (và biết đâu rồi lại được đặc xá, ra tù trước thời hạn) thì làm sao ngăn chặn được tội ác do những kẻ nhân danh chính quyền gây nên.
18/7/2012
NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"