Phong Uyên
Để tránh bị trấn áp và lôi kéo được nhiều người, Phong trào Con đường Việt Nam cần chính thức khẳng định chỉ là một tổ chức xã hội dân sự.
Trong lời dẫn đầu bài dịch "Ki Tô giáo, Thành phần tiền phong trong Xã hội dân sự Trung Quốc" đăng trên Dân Luận mới đây, tôi có gợi ý Phong trào Con đường Việt Nam nên noi gương những người Phản thệ Trung Quốc, chỉ nên hoạt động trong xã hội dân sự như một tổ chức phi chính trị. Bữa nay, đọc trên Dân Luận bài "Mục tiêu và tôn chỉ của Phong trào Con đường Việt Nam", tôi xin đưa ra ý kiến là PTCĐVN nên tự khẳng định sẽ chỉ là một thành phần trong xã hội dân sự đang nhen nhúm ở Việt Nam, với những mục tiêu rõ ràng và giới hạn. Chỉ như vậy mới hi vọng tập hợp được đông đảo quần chúng và hoạt động một cách hữu hiệu trong việc bảo vệ những quyền Con người nằm trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và được cam kết trong Hiến pháp hiện hành.
Trước hết tôi xin nói qua về định nghĩa của Xã hội dân sự:
Theo Tổ chức Văn hóa Giáo dục và Khoa học Liên Hợp Quốc (UNESCO): Xã hội dân sự là sự tự tổ chức của xã hội ở ngoài khung cảnh của chính trị và của thị trường thương mại và được cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc của nhà nước và các tổ chức thương mại của thị trường.
Theo Trung tâm Xã hội dân sự Trường Đại học Kinh tế London ("What is civil society" Center for Civil Society, London School of Economics): "Xã hội dân sự đề cập tới một mảng các hoạt động tập thể tự nguyện xung quanh các giá trị, mục tiêu, ý thích chung. Xã hội dân sự thường được hình thành dưới dạng các tổ chức như các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm tương trợ, các phong trào xã hội, các tổ chức phi chính phủ".
Trong cuốn Chế độ Dân chủ, nhà nước và xã hội của N.M.Voskresenskaia và N.B.Davletshina, NXB Trí thức, tr 242, năm 2009: "Xã hội dân sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, các công đoàn, các hợp tác xã, các nhóm,... thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình". Tất nhiên là định nghĩa này chỉ thích hợp với những nước dân chủ trong đó quyền được lập đảng không bị cấm đoán bởi điều 4 Hiến pháp.
Xã hội dân sự không phải chỉ mới xuất hiện trong thời đại này: Đứng về phương diện lịch sử, một số sử gia Trung Quốc cho rằng vấn đề xã hội dân sự đã được nhắc đến ngay từ thời nhà Chu ở Trung Hoa. Theo quan niệm truyền thống Tây phương, xã hội dân sự được coi là một tổ chức (hội) đối trọng với chính quyền.
Tin liên quan:
Nhưng cũng vì chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn chỉ hiểu đối trọng với chính quyền nghĩa là chống đối chính quyền, nên không thể hiểu xã hội dân sự theo định nghĩa ở các nước dân chủ Tây phương được, và có thể thông cảm với ông Lê Thăng Long khi một lần nữa ông phải khẳng định là Phong trào Con đường Việt Nam không phải là một đảng, không có mục đích chính trị, thậm chí không phải là một tổ chức.
Chỉ có cách tránh bị vu khống là một tổ chức chính trị trá hình, PTCĐVN nên lấy lại định nghĩa của UNESCO mà Việt Nam là một thành viên và định nghĩa của trường Đại học Kinh tế London, để hoạt động như một tổ chức xã hội dân sự theo những định nghĩa này.
Là một tổ chức phi chính phủ, PTCĐVN cũng có thể giới hạn mục tiêu của mình là tranh đấu, đòi hỏi những quyền hiến định của người dân Việt Nam được tôn trọng, nghĩa là trở thành một tổ chức bảo vệ các quyền con người được nêu trong Hiến pháp, mà không nhất thiết phải đụng chạm đến vấn đề sửa đổi điều 4 Hiến pháp. Nếu các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long làm sao cho PTCĐVN trở thành một Human Rights Watch của Việt Nam, hay một Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontieres) của Việt Nam mà những người sáng lập hay cầm đầu chả ai nhớ tên, cũng là một thành công vĩ đại.
Là một phong trào, Con đường Việt Nam cũng có thể mở đường cho những tổ chức xã hội dân sự khác. Những tổ chức này có thể chỉ giới hạn vào một vấn đề, có thể chỉ có tính cách địa phương như đòi tự do cho anh Điếu Cày, đòi đất cho nông dân Văn Giang, đòi nhà cho anh Đoàn Văn Vượn chẳng hạn. Một trăm, một ngàn những nhóm xã hội dân sự như vậy đâm chồi nẩy lộc khắp đất nước sẽ làm cho ĐCSVN bối rối hơn là đòi hỏi đa nguyên đa đảng. Chính cái xã hội dân sự này sẽ tạo ra đột biến chính trị và cũng tạo cho những phần tử tiến bộ trong Đảng những chỗ dựa vững chắc để làm biến chuyển trong và ngoài Đảng.