Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Chính người Việt tự mình làm nô lệ

Lê Diễn Đức
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, Hà Nội 10/7 - Ảnh: Reuters
 
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tới Hà Nội ngày 10/7/2012. Bà đã có buổi làm việc với Ngoại trưởng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Phạm Bình Minh và có các cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng.
 
Sự có mặt của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Hà Nội được dư luận xem như là sự chuẩn bị cho chuyến công du quan trọng của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam dự tính vào tháng 11 năm nay.
 
Thấy gì qua chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton?
 
"Việt Nam đang kẹt giữa nhiều làn đạn. Một bên là hệ tư tưởng Cộng sản, một bên là biển Đông đang dậy sóng, mặt khác muốn hội nhập để quốc gia mạnh lên nhờ kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Xem chừng chưa có lối thoát.
 
Tam giác Nga-Mỹ-Trung luôn là mối quan tâm của cả thế giới. Ba anh này vui cười với nhau trên sân khấu chính trị, “đồng sàng dị mộng” như đôi vợ chồng, dù nằm chung giường hàng đêm, nhưng lại nghĩ đến tình nhân riêng của mình.
 
Tại Á châu, có một người tình rất đẹp để ba anh kia ve vãn. Nhưng chân dài lại đỏng đảnh, lúc nghiêng anh Trung, lúc hẹn chàng Mỹ ra chỗ vắng, ngày khác lại nhắn tin cho lão Nga già lụ khụ tới quán café mờ.
 
Nhưng ai cũng biết, vẻ đẹp khó mà tồn tại với thời gian. Một hôm nào đó, đứng trước gương, nàng chợt nhận ra những vết nhăn trên trán xuất hiện. Gửi email không ai trả lời, nhắn tin vào hư không, điện thoại không ai nhấc máy. Thảm họa cuộc đời bắt đầu.
 
Vì thế, người đẹp nên chọn bạn tình khi còn đang trẻ đẹp, đang có giá. Để làm được việc đó, cần có cái đầu lạnh".
 
Trên đây là nhận xét khá thú vị của nhà báo-blogger Hiệu Minh trong bài viết "Cú bắt tay ở Hà Nội" ngày 10/7, nhân chuyến công du của Ngoại trưởng Hillary Clinton.
 
Tuy nhiên, để nhân cách hoá Việt Nam trong hình ảnh một cô gái chính xác hơn, "cái đầu lạnh" chưa hẳn đủ, tôi muốn phân tích một khía cạnh khác, thậm chí quan trọng hơn, đó là thân phận của "Cô gái Việt Nam" này.
 
Việt Nam đang như một cô gái còn trẻ đẹp, ít nhất trên phương diện con cờ trong cuộc tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc. Nhưng cô gái này đang nằm trong tay của một gã chồng (là ĐCSVN) già nua với bản chất ích kỷ, bảo thủ, độc ác, tham lam và dối trá. Vì thế, suốt hơn nửa thế kỷ qua, cô gái vừa bị làm nô lệ tình dục, vừa bị bóc lột cơ cực đủ điều.
 
Để thoát khỏi bi kịch "Cô gái Việt Nam" chỉ có hai khả năng.
 
Một. ĐCSVN tự lột xác, thay đổi hoàn toàn tư duy và ý thức hệ tư tưởng, tất cả vì lợi ích của dân tộc.
 
Điều này xem ra vô cùng khó khăn vì hệ thống chính trị thối nát vì thanm nhũng hiện nay tại Việt Nam đã và đang gắn chặt với quyền và tiền. Biện pháp này chỉ khả thi khi có áp lực rất mạnh từ phong trào tranh đấu xã hội rộng lớn.
 
Chừng đó, nếu tập thể lãnh đạo ĐCSVN không thay đổi chắc chắn sẽ xuất hiện nhân tố tích cực từ nội bộ để tạo ra biến chuyển có tính bước ngoặt theo khát vọng của quần chúng. Chưa có hậu thuẫn rộng lớn của quần chúng, không một "Boris Jeltsin Vuệt Nam" nào (nếu có) dám xuất hiện!
 
Thậm chí, nếu không xuất hiện một "Boris Jeltsin Việt Nam", ĐCSVN chỉ có thể nhân nhượng, "thay đổi hay là chết" khi bị dồn vào chân tường. Trong lịch sử nhân loại chưa có chế độ độc tài nào tự nguyện chia xẻ quyền lực khi còn nắm thế thượng phong nhờ bộ máy cai trị bằng bạo lực.
 
Hai. "Cô gái Việt Nam" phải phải cương quyết ly dị chồng, tìm một người đàn ông tử tế hơn, xứng đáng hơn với vẻ đẹp, sức sống và vị thế của mình.
 
Nghịch lý thay, giải pháp này lại cũng hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố của giải pháp một.
 
Xem ra yếu tố chủ chốt cho lối thoát của "Cô gái Việt Nam" còn phải chờ lâu lắm.
 
Chính sách gia súc hoá của ĐCSVN dường như thành công hơn cả ông chủ "Trại súc vật" của George Orwell.
 
Tôi không cho rằng mình nhận định thái quá.
 
Không thể phủ nhận thực tế rằng, trong hơn hai thập niên qua, trước xu thế dân chủ trên thế giới lan toả mạnh mẽ, sự sụp đổ hệ thống cộng sản tại châu Âu và các chế độ độc tài lâu năm tại Bắc Phi, đồng thời nhờ phương tiện thông tin điện tử phổ biến, ở Việt Nam đã tồn tại tư tưởng đối kháng. Một số người bất đồng chính kiến đã và đang chấp nhận dấn thân, sẵn sàng đối mặt với tù đày và sự khủng bố thô bạo của nhà cầm quyền. Tuy nhiên số lượng này còn quá ít, chưa tương xứng với dân số gần 90 triệu người.
 
Bao trùm xã hội Việt Nam hôm nay vẫn là tâm thức thờ ơ với thời cuộc chính trị và vận mệnh của đất nước, phó mặc hệ thống cai trị tự tung, tự tác. Văn hoá nô lệ và sợ hãi nhấn chìm mọi khát vọng tinh thần và các giá trị nhân văn, thay vào đó là sự cam phận vì miếng cơm, manh áo.
 
Trong bài "Xã hội đèn dầu", nhà văn Đào Hiếu, hiện đang sống tại Sài Gòn, viết:
 
"Xã hội hiện nay chỉ còn hiu hắt những ánh đèn dầu của đám người mờ nhạt, bị thuần hóa, bị gia súc hóa một cách thảm hại.
 
"Chúng ta đang có hai nước Việt Nam: một Nước Việt Khốn Khổ, bị rút ruột, bị đục khoét, bị bán tài nguyên, bán máu, bán phẩm giá, bị xâu xé, cướp bóc tả tơi và nợ như chúa Chổm. Và một Nước Việt Ảo đang được vẽ vời bằng những lời nói dối, nịnh bợ, cơ hội, lừa mị… của đủ mọi thành phần, từ cán bộ lãnh đạo cho tới học sinh mẫu giáo".
 
"Hãy tưởng tượng một đàn vịt đang lạch bạch đi trên bờ ruộng. Bỗng nhiên một con kêu: “cạc cạc!” rồi con thứ hai cũng kêu “cạc, cạc”, con thứ ba, thứ tư, con thứ mười đều kêu “cạc, cạc”. Rồi tất cả đồng loạt kêu “cạc cạc”… Ta sẽ thấy rất buồn cười, nhưng không sao, có khi còn dễ thương nữa vì chúng là đàn gia súc. Nhưng thử tưởng tượng có một đám người, đủ mọi thành phần: nông dân, giáo viên, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, học sinh, sinh viên, nhà văn, nhà thơ, diễn viên điện ảnh, hoa hậu, á hậu, người mẫu thời trang, giáo sư đại học, cán bộ công nhân viên, học sinh mẫu giáo… vừa đi vừa kêu “cạc cạc” như thế thì sẽ ra sao? Đó không phải là một xã hội nữa, đó là một bầy đàn".
 
Giáo sư sử học của đại học Huế Hà Văn Thịnh gần đây cũng nói về sự chịu đựng nhẫn nhục phi thường của "Cô gái Việt Nam":
 
"Sự bức bối, ngột ngạt đến vô chừng bởi biết rằng cha ông xưa có thể chịu đựng kiếp nô lệ đến 1.117 năm (179 trước Công nguyên – 938 sau Công nguyên) thì vẫn còn tiếp tục đủ khả năng chịu đựng dài lâu mọi tủi nhục, xót xa.
 
Cái bi thảm của sự thật chính là ở đây: Người ta tha hồ tung tác bởi biết rõ sự “phi thường” của sự nhẫn nhục của hàng triệu con người!".
 
Và vì thế, dù đất nước đang bị Bắc Kinh khống chế về kinh tế và đe doạ nghiêm trọng chủ quyền, an ninh lâu dài của Việt Nam, tôi vẫn chưa nhìn thấy một bước đi nào khả dĩ.
 
Tờ nguyệt san "Scientific American" trong một bài viết về cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập đầu năm 2011 dẫn lời của Leon Tolstoy. Đặt câu hỏi làm thế nào 30 ngàn lính Anh lại có thể "chinh phục" được 200 triệu người Ấn Độ, Tolstoy trả lời rằng "Không phải người Anh đã bắt dân Ấn Độ làm nô lệ - Chính người Ấn đã tự mình làm nô lệ".
 
Tôi xin được chữa lại câu trên trong bối cảnh Việt Nam: "Không phải ĐCSVN đã bắt 90 triệu dân Việt làm nô lệ - Chính 90 triệu dân Việt đã tự mình làm nô lệ".
 
Ngày 10/7/2012
 
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"