Blog VietTuSaiGon
Từ xưa người Việt đã nói rằng, có
hai điều không thể chọn lựa, đó là cha mẹ ruột và nước láng giềng, vì nó đã sẵn
như vậy, chẳng thể thay đổi. Chẳng lẽ vì một nước láng giềng khó chơi nào mà
chúng ta phải bán nước (như bán nhà) để dọn đi nơi khác.
Trong bài trả lời của Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang với báo Tuổi trẻ ngày 25/6 vừa qua, có đoạn như sau:“Trước
kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà
thấy xấu hổ. Không nhẽ cứ để mãi như vậy, mai kia người ta nói là cả một bầy
sâu, tất cả là sâu hết. Thế đâu có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi. Một bầy
sâu là chết cái đất nước này!”
Giương Đông kích Tây
Cũng trong bài trả lời này, ông Sang
khẳng định về việc chống tham nhũng: “Dứt khoát phải tiến hành thành công.
Ðó là mệnh lệnh của nhân dân. Không thể để nghị quyết trung ương 4 không thành
công, là phụ lòng tin của dân, của đảng, là không vì lợi ích của nhân dân, của
tổ quốc. Chúng ta không có con đường nào khác, chỉ có một lựa chọn duy nhất là
phải thành công.
Cho dù phải chấp nhận những biện
pháp đau đớn cũng phải làm, vì đó là sự sống còn của đảng, của chế độ và tương
lai tươi sáng của đất nước này.
Nhiều cử tri TP.HCM đã nói thẳng với
tôi ‘một số cán bộ có ăn (hối lộ) thì cũng ăn vừa phải thôi. Ăn hết như thế thì
còn đâu để nhân dân ăn’, nghe thật xót xa, đau đớn và xấu hổ. Do vậy, nhất định
phải làm trong sạch đảng, trong sạch bộ máy nhà nước, không còn cách nào khác”.
Nhìn từ lòng dân, thì đây là một lời
nói có tính khích lệ, an ủi… đúng lúc, để phần nào “dìm” cơn phẫn nộ Trung Quốc
về việc mời thầu trên biển Đông, mà nhiều người dự kiến sẽ biểu tình vào ngày
1/7/2012.
Với việc mời thầu của Trung Quốc,
nhiều ý kiến trong nội bộ đảng cũng tự an ủi với nhau rằng, đó là cách giương
Đông kích Tây thôi, chứ chẳng có “nước ngoài” nào nhảy vào khu tranh chấp để
thầu đâu.
Việc này cũng giống như mỏ Núi Pháo
vừa qua, dân chúng thì khiếu kiện và biểu tình tùm lum, nhóm của Nguyễn Thanh
Phượng vẫn bán sang tay thành công cho “nước ngoài” đấy thôi. Quan trọng ở đây
là “nước ngoài” nào, khi mà với các nhóm phe phái như hiện nay, họ có trong tay
hàng tá quốc tịch, tài khoản ở hàng trăm ngân hàng quốc tế, việc lập nên một
công ty “nước ngoài” còn dễ hơn trở bàn tay. Tài nguyên và tài sản của nhân
dân, họ thâu tóm và tự bán cho chính mình để lấy tiền lời hợp pháp, thì có 100
bộ máy chống tham những cũng sẽ là “không thích hợp”.
Trung Quốc không danh chính ngôn
thuận đứng ra thầu khai thác biển Đông, nhưng trong cái quyền còn nhiều ngụy
biện và lấp lửng “cùng nhau khai thác” này, họ tự lập các công ty “nước ngoài”
là quá dễ. Nếu Việt Nam không cương quyết, khi họ đã tự lập các công ty nước
ngoài rồi, việc thầu với chính họ thì đâu còn gì để nói.
Cho nên, với việc chống tham nhũng cũng
vậy, phải cấp tiến hóa và cập nhật hóa thì mới mong hiểu được tình hình hiện
nay, chứ bảo thủ hóa theo hướng của ông Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang
(theo nghĩa tham nhũng là cầm phong bì tiền mặt) thì con lâu mới chống được.
Bởi mọi luật lệ về tiền bạc nói chung của Việt Nam vẫn còn phải chấp nhận 5 đến
10% tiền “bôi trơn” hợp pháp, đó là chưa nói tiền lãi hợp pháp, mà thực chất
giống như câu chuyện hai bợm nhậu tự bán rượu cho mình, từ tờ mờ sáng cho tới
khuya, chỉ có một đồng được giao dịch mà hai gánh rượu thì đi tong.
Nếu thiếu hiểu biết và thiếu thông
tin, việc “giăng lưới” chống tham nhũng mãi mãi chỉ bắt được những con cá thí,
chứ bầy đàn cá và cá lớn thì phải chịu thua. Tự nó cũng là trò giương Đông kích
Tây mà thôi, bởi đánh động ở chỗ này thì chỗ kia đã thu xếp xong mọi sự.
Thay đổi chế độ
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn của
ông Sang, cái ý ngầm và cũng là ý hay nhất mà ông nói đến, đó là tham những có
thể làm thay đổi chế độ, đảng phái.
Không phải ngẫu nhiên mà ông nói ra
điều này, nó xuất phát từ nội bộ đảng đang chia rẽ nghiêm trọng. Chính TT
Nguyễn Tấn Dũng đã vài lần phát biểu mình là người đứng đầu nhà nước, đành rằng
nhà nước chưa phải là đảng, chưa phải chế độ (trong hình thức bộ tam quyền lực
tại VN, khi còn có Tổng bí thư, Chủ tịch nước ở đó).
Rõ ràng phe cánh của ông Dũng đang
ngày càng mạnh lên vì nó dính trực tiếp tới tiền và những vụ ép phe hàng vô số
tỷ USD. Trong khi ông Trọng và ông Sang thì thân cô thế cô, vì không điều phối
được đồng tiền của quốc gia.
Tại Việt Nam đang nổi lên một câu
ngạn ngữ mới: “Chúng ta không sống bằng lương, nhưng vẫn sống bằng lương đấy”.
Bởi với mức lương như hiện nay, có lý tưởng hóa cỡ nào đi nữa, thì cũng chỉ đủ
cho khoảng 49% nhu cầu của một người công chức - viên chức, trong khi họ có cả
gia đình phải lo.
Cái câu “một người làm quan cả họ
được nhờ” vừa sai vừa đúng trong bối cảnh hiện nay. Sai là vì lương thấp, giúp
được ai, mà đúng là vì bổng lộc, quyền lợi ngầm rất nhiều. Chính một bộ máy
đang loay hoay với đồng lương, mà nhóm chống tham nhũng lại không có tiền để
nâng lương, thành ra nói đâu mấy người nghe. Bộ máy ở dưới vừa muốn sếp của
mình chống tham nhũng thành công để có tiền tăng lương, họ vừa lo kiếm bổng lộc
hàng ngày để đủ sống, để dư giả, nên đầy mâu thuẫn.
Trong cuộc họp trung ương đảng gần
đây, một đảng viên cao cấp tiết lộ cho biết có hơn 100 ngàn đảng viên (cả nước
có khoảng 3,6 triệu đảng viên) bị kiểm điểm do sai phạm, biến chất; có khoảng
135 đảng viên cao cấp gây mất đoàn kết nội bộ đảng. Nội bộ mất đoàn kết và mâu
thuẫn gay gắt, ai cũng muốn thủ thế cho riêng mình, đó là điều đương nhiên.
Cho nên cuộc chiến chống tham những,
cũng giống như cuộc chiến với nước láng giềng xấu tính, không chỉ đến từ những
cái sai phạm, biến chất, mà còn đến từ những thứ tưởng như tốt đẹp.
Chưa có chứng cứ gì cụ thể, nhưng
cũng khó để không nghi ngờ việc hệ thống tham nhũng không nhúng tay vào việc
“Trung Quốc mời thầu trên biển Đông” - nơi thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bởi
lịch sử đảng cũng cho thấy, đã có nhiều chóp bu của họ sẵn sàng dâng hiến, buôn
bán biển đảo của đất nước.
Chính vì vậy, khi ở gần một nước
láng giềng khó chơi như Trung Quốc, thì từ việc nội bộ như chống tham nhũng cho
đến bảo vệ biên cương hải đảo đều cần phải làm từ gốc. Mà cái gốc ở đây là tiềm
lực, là đồng tiền của người dân đang bị cơ chế độc đảng và một nhóm ít quyền
lực điều phối theo hướng có lợi cho tham ô, móc ngoặt của bản thân họ. Nhìn
theo hướng này sẽ thấy những phát biểu như của ông Sang vừa tội nghiệp vừa ảo
tưởng, vì nó chỉ đi lòng vòng bên ngoài, kêu la than khóc, chứ chưa thực sự đi
vào “tâm bệnh” để trị dứt điểm.
Mà “tâm bệnh” ở đây là chế độ, ông
Sang đã nói đến “thay đổi chế độ”, nếu việc chỉnh đốn nội bộ bất thành. Mà cơ
hội để thành thì khá mong manh.