~Nói đùa nhiều rồi, cho em xin nói thật vài câu nhé…
Em sinh ra ở Hà Nội. Bố mẹ em đều là người Hà Tây, lớn lên vừa đi
học, vừa tránh bom, vừa làm ruộng. Họ hàng nhà em còn rất nhiều người
sống ở nhà quê, trồng lúa trồng rau bán vịt bán gà để kiếm sống. Cách
đây vài năm, khi “Hà Nội 2″ được sát nhập vào Hà Nội, em có đi ăn ốc với
một nhóm bạn và nói rằng, sát nhập thì tốt quá vì từ giờ em sẽ là người
Hà Nội gốc nghìn đời. Một người nghe thấy cười và nói :”Ô, hoá ra em cũng là người Hà Lội à?” Em đã rất cố gắng để bỏ qua câu nói đó, nhưng bỏ qua thì dễ, mà quên thì rất khó.
Vì em thần tượng rất nhiều người nhà quê.
Bố em sinh ra trong thời bom đạn, từ năm 10 tuổi đã vừa đi học, vừa
đi làm, để nuôi ba em nhỏ. Đến tận bây giờ, biết 2 ngoại ngữ, đã đi du
dọc và du lịch ở hàng mấy chục quốc gia, bố em vẫn có nhiều thói quen
của “người nhà quê” như không bao giờ bỏ phí đồ ăn, mặc đi mặc
lại quần áo dù đã rất cũ, và lúc nào cũng cưu mang, đùm bọc những người
thân và bạn bè mình. Có lẽ ra đường bố em sẽ được rất nhiều bạn trẻ tặng
cho biệt danh “nhà quê” mĩ miều vì chiếc xe đã cũ, vì cách ăn
mặc giản dị, vì lối cư xử chân thành có phần vụng về của bố. Nhưng nếu
được chọn, em xin được “nhà quê” như bố, thay vì thành phố như ai.
Bà ngoại em là người nhà quê, lấy chồng năm 15 tuổi. Mãi đến những
năm 50 sau cải cách bà mới được học chữ. Đối với bà em, hot gơn là những
cô đầu, những người hát ả đào làm điên đảo tâm trí của ông em những năm
30-40, mà đến giờ bà còn nhắc mãi. Bà em sẽ không bao giờ biết tới ngôn
ngữ 9x, không biết tới âm nhạc hiện đại, nhưng tiếng Việt của bà em
thật đẹp, với những câu tục ngữ, ca dao, với cách nói ví von duyên dáng
mà cũng đầy ẩn ý. Bà em thường nói :”Người ta là hoa của đất”. Chẳng có bài giáo dục công dân nào thấm thía hơn câu nói ấy của bà.
Cụ nội em mất đã gần mười năm rồi. Khi em còn bé xíu, cụ em lưng đã
còng, tóc đã bạc. Khi em còn nhỏ, cụ cõng em trên lưng không biết bao
lần… Cụ nội em không biết chữ, và cho tới khi qua đời cụ vẫn tin rằng
trong chiếc ti-vi có người thật đang cười nói. Cụ em vấn tóc bằng khăn
nhung, mặc quần lụa đen, đi dép cao su, hàm răng nhuộm đen chiếc còn,
chiếc mất. Cả đời cụ chỉ sống ở quê, lần đi xa nhất là ra Hà Nội thăm
con cháu. Cả đời cụ có cái gì cũng hi sinh hết vì con, vì cháu, nhưng
đổi lại, cụ không đòi hỏi cái gì.
Và mẹ… Em yêu và thần tượng mẹ hơn bất kì một bạn phan cuồng nào yêu
và thần tượng Su-du. Em thề nếu các bạn í dám nói khác em sẽ ở đây cãi
các bạn í đến tàn in-tờ-nét.
Em thần tượng những người “nhà quê” ấy. Họ đã cho em cuộc
sống, và quan trọng hơn, họ dạy cho em cách sống đẹp. Họ dạy em cách
vươn lên bằng chính đôi chân của mình, dạy em cách sống hào hiệp, nhân
hậu, vị tha.
Em thần tượng họ có gì là sai?
Bài không-thi-đại-học của Pé Tin Cute