Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Di cư 1954- 1955: Cuộc bỏ phiếu bằng đôi chân

Phay Van
Khoảng năm 1978- 1980 thì tôi bắt đầu có những bạn học mới người Bắc, đó là các bạn có cha mẹ là cán bộ viên chức nhà nước chuyển công tác vào miền Nam. Các bạn đang học chương trình phổ thông hệ 10 năm, chuyển vào Nam tự động được nhảy lên hai lớp rồi… nghiễm nhiên học chung với chúng tôi, và tất nhiên là sức học của các bạn rất kém. Đặc biệt tới giờ ngoại ngữ thì các bạn được miễn học, vì các trường miền Nam chỉ dạy tiếng Anh và tiếng Pháp.
Dần dà chúng tôi bớt kỳ thị, thay vào đó chúng tôi giúp các bạn trong việc học để họ theo kịp chương trình. Tuy thế, trình độ hai nhóm học sinh Bắc và Nam vẫn là một khoảng cách không thể lấp được.
Thế rồi nhiều năm sau, những bạn ngày xưa ấy (dù rằng cái sự học rất kém), cũng đã được học hành và rồi trở thành cán bộ nhà nước. Còn chúng tôi, cái đám con cái “ngụy quân ngụy quyền”, do cái gọi là nền giáo dục ưu việt xhcn, đã chẳng thể len vào đại học. Tới phiên họ ái ngại cho cái hoàn cảnh của mình. Tự nhiên mình trở thành kẻ đáng thương trong mắt họ. Tới nhà bạn chơi, sợ “được” cha mẹ bạn nhìn bằng con mắt thương hại, tôi phải nói ngay, vẻ hãnh diện (khi được hỏi về thân thế): Cháu là Bắc 54!
Sau này trong một buổi tiệc, một vị là phó giám đốc một công ty quốc doanh đã ngạo mạn, chế diễu, gọi người Bắc 54 là dân “đuổi tây quá đà, chạy tuốt vô miền Nam”. Vì đã kinh nghiệm về cái sự học của các bạn thời phổ thông, nên tôi dõng dạc nói thẳng vào mặt ông ta mà rằng: “Tôi là Bắc 54 đây, và tôi rất hãnh diện về điều đó”.
.
Nhân tháng Bảy về, thân mời quý bạn xem hai con tem (tỉ lệ 2:1) hiện tôi may mắn còn giữ. Phần thuyết minh lấy từ 20 Năm Bưu hoa Việt Nam 1951-1971 (Phủ Quốc Vụ Khanh xb 1971) của Nhà sưu tập Nguyễn Bảo Tụng.
Năm Thế-Giới Giúp Người Tỵ-Nạn
Giá tiền 0đ50-hồng; 3đ00-xanh lá cây; 4đ00-đỏ, da cam; 5đ00-tím. Họa sĩ Nguyễn-Minh-Hoàng vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris. Số lượng in: 0đ50-1 triệu , 3đ00-1 triệu, 4đ00-1 triệu, 5đ00-1 triệu. Phát hành: ngày 07/04/1960 ngày khai mạc tuần lễ triển lãm về “Năm Thế-giới giúp người tỵ-nạn” tại Phòng Thông-Tin Đô-Thành Saigon”.
Đề tài: con tem diễn tả một gia-đình tỵ-nạn, trên bước đường di-cư, mang theo một bao đồ, một chiếc va-li, tất cả của cải còn lại của họ, ở góc trái tem, hình vẽ một cây mất rễ, tượng-trưng những người tỵ-nạn, không còn nơi nương-tựa, được Liên-Hiệp-Quốc nâng đỡ. Nhật ấn: Nhật-ấn “Ngày đầu tiên” tại Chánh-Thâu-Cuộc Bưu-Điện Sài Gòn.
*
Thống-Nhất
Giá tiền 0đ30-xanh lá cây đậm, xanh dương, nâu; 0đ50-rượu chát, vàng, xám; 1đ50-xanh dương đậm, xám. Số lượng: 0đ30- 1 triệu; 0đ50- 1 triệu; 1đ50- 1 triệu. Hình do họa sĩ Nguyễn-Minh-Hoàng vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 20/07/1964 nhân ngày “Quốc-Hận” đánh dấu chia cắt lãnh thổ quốc-gia. Đề tài: Mẫu tem hình dung hai miền phân tách nhuộm hai mầu sắc riêng biệt, ở giữa là bản đồ Việt-Nam chia làm hai đoạn do một chiến tuyến rõ rệt. Hàng đầu phác họa chân dung một thanh niên cường tráng, biểu hiệu cho người dân miền Nam, giơ tay đón tiếp đồng bào miền Bắc, thân thể ốm yếu, quần áo tả tơi, cánh tay bị xiềng xích. Dấu đặc-biệt: a) Nhật-ấn “Ngày đầu tiên” tại Chánh-Thâu-Cuộc Bưu-Điện Sài Gòn. b) Dấu cổ động tại các Bưu-cục lớn.
*
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp Định Genève về Việt Nam được ký kết. Vĩ tuyến 17 đã là ranh giới chia đôi hai miền đất nước. Gần một triệu người miền Bắc đã rời bỏ quê hương di cư vào Nam.
Xin trích lại một số đoạn trong loạt bài viết “Nhìn lại cuộc di cư 1954- 1955” của Giáo sư Nguyễn Văn Lục (nguồn: DCVOnline)
——————
Nay tôi nhìn lại cuộc di cư ấy trước hết là sống lại hình ảnh kỷ niệm quá khứ.
Như một cái vẫy cánh của một con chim xa tổ, đã lìa cành, nhìn lại.
Đó là thời đại của cuộc di cư không tiền khoáng hậu đã để lại dấu tích không phai nhòa trong mỗi mảnh đời…
… hình ảnh bà mẹ còn giữ lại chiếc đồng hồ quả lắc cũ treo trên tường cũng như những tấm phản đã mang vào miền Nam mà cho đến bây giờ, bà vẫn nằm trên đó. Hay hình ảnh đồng bào Thiên Chúa giáo xứ Kẻ Sặt còn mang theo quả chuông nhà thờ. Họ đã để lại hết, nhưng quyết đem cho bằng được quả chuông này tượng trưng cho niềm tin sắt đá của họ.
Và đó là tất cả phần đời của họ còn lại.
Sau nữa nhìn lại chiến dịch Operation Passage to Freedom của Hải quân Mỹ để thấy rằng không có chiến dịch này, cuộc di cư của gần một triệu người có thể không trọn vẹn…
Việc di cư ấy nói cho cùng chỉ là sự kéo dài tình trạng trốn chạy cộng sản mà không phải đợi đến Hiệp định Geneva, 1954. Ngay từ đầu thập niên 1950, phong trào tỵ nạn cộng sản đã thành hình dưới hình thức “phong trào nhập thành”, hay nói nôm na là phong trào “dinh tê”. Đã có bao nhiêu người tìm mọi cách dời bỏ khu “an toàn Phát Diệm”, thoát đi bằng đường biển, từ cửa Cồn Thoi, ra Hải Phòng vào những năm sau 1950? Và đã có bao nhiêu người có tiền bạc của cải đã chạy trốn vào Nam khi mà Hiệp định Geneva chưa thành hình?
Theo nhận xét của phần đông thủy thủ Mỹ, nhiều người di cư đem theo những thứ lỉnh kỉnh không có đáng một đồng xu. Như một cái chậu, một cái thùng bằng nhựa, một tay nải quần áo cũ. Những thứ lỉnh kỉnh không đáng gì. Phải, nothing, nhưng lại chính là gia tài của họ.
Sản nghiệp ra đi có khi không có gì, có khi chỉ là đôi tay nải. Nhưng lòng lại tràn ngập niềm tin tưởng.
Hình ảnh con tầu LST (*) rất quen thuộc đối với người tỵ nạn vốn chỉ dùng để chuyên chở xe tăng, vũ khí hạng nặng dùng để giết người, nay chở những con người tỵ nạn bất hạnh. Và đã có 26 chiếc. (Có tài liệu viết 74 chiếc là không đúng, vì tất cả số tầu của Hải quân Mỹ tham dự vào chiến dịch là 113 chiếc bằng nhiều chuyến hải trình Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn). Dù chỉ là chiếc tàu nhỏ, bình thường chở được 170 người, tối đa 700 người, nhưng trường hợp khẩn cấp, có thể chở đến cả 1000 người di cư. Các tầu LST có thể cập bến dễ dàng để vớt người tỵ nạn, sau đó có thể dùng để chở ra các tầu lớn. (Trích Operation Passage to Freedom, Ronald B. Frankum, Jr. trang 137)
Đó là những chiếc LST- 526, LST-803, LST-825, LST- 840 v.v… Nhiều bạn đọc có thể còn nhớ tên những chiếc tầu LST thân yêu này…
Các tầu há mồm LST là biểu tượng cho những con tầu chở người di cư
Những người di cư ấy đều quyết tâm, như thế mới đi được. Người ta nói đến cuộc bỏ phiếu bằng đôi chân. Có đến gần 1 triệu đôi chân đã bỏ phiếu như thế. Đó là đôi chân trần, chưa hề biết xỏ chân vào đôi giầy, đôi dép. Họ là những người dân quê nghèo nàn, cơ cực.
Cũng không phải chỉ có đa số là người Thiên Chúa giáo di cư như đã có sự hiểu lầm từ trước đến giờ. Cuộc di cư 1954-1955 là của toàn thể dân chúng miền Bắc, Kinh có, Thượng có và đủ thành phần xã hội và tôn giáo.
Họ thuộc đủ loại người, đủ thành phần xã hội. Đồng bào các tỉnh miền Thượng như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang (vốn là những nơi sào huyệt của Việt Cộng) cũng cùng với đồng bào Thượng ở Hòa Bình bỏ lại tất cả rừng núi quen thuộc lần mò về Hà Nội để vào Nam. Đã có hơn 10 ngàn người Nùng ở Hòn Gai được di cư dưới quyền Đại tá Sung. Có 2340 người Nùng gốc Tầu đi vào Nam ngày 02/09 trên tầu Montrose. Có chuyến tầu như Beauregard chở các người thuyền chài và gia đình họ mang theo cả dụng cụ đánh cá. Đặc biệt hơn cả, có những gia đình và có khi cả một làng ở trong các vùng do Việt Minh kiểm soát như Vinh, Nghệ An tìm cách trốn thoát khỏi sự kiểm soát của cộng sản. Tỉ dụ dân chúng ở Ba Làng, huyện Tĩnh Gia tụ họp hơn 2 vạn người đòi di cư bị Việt cộng nã súng bắn giải tán.Tỉ dụ những người di cư ở Vinh đà trải qua bao gian nan, khốn khó mới tìm được con đường đi đến tự do. Sau này, họ tụ tập định cư trong khu vực Bình Giả, Bà Rịa.
Trên bước đường đi tìm Tự do, nhiều người đã lên được tàu, nhưng vì quá mệt mỏi, kiệt sức đã chết trên tầu.
Căn bệnh sốt rét và sự ốm yếu chung đã gây nên chết chóc cho nhiều người. Người ta nhận thấy rằng tình trạng cơ thể của người Việt Nam khi họ lên những chiếc tầu Mỹ thường là tuyệt vọng. Nhiều người Việt Nam đã phải đi những đoạn đường rất dài để đến trung tâm tiếp cư, thường là nguy hiểm cho chính bản thân họ và ít khi mà không có sự gian khổ. (Trích OPTF, trang 82).
Nhưng nếu tính chung tất cả cuộc di cư thì đã có 66 người di cư chết trên biển vì nhiều nguyên do, nhưng đồng thời ghi nhận có 184 trẻ sơ sinh trên các tầu chiến.
Và còn bao nhiêu người bỏ xác trên biển trên những bè mảng ghép vội vàng để đi tìm tự do?
Tình trạng đó cho thấy người di cư đã phải trả giá cho chuyến hành trình đi tìm tự do của họ.
…hình ảnh một bà cụ cõng cháu gái di cư, mang tương lai tuổi trẻ lên đường. Hay câu chuyện về những trẻ em Việt Nam thưởng thức món quà tự do. Đó là những chiếc kẹo Mỹ mà lần đầu tiên trong đời các em đã được ăn.
Henry Đỗ, một trong những đứa trẻ đã nhận ăn cái kẹo do người thủy thủ Mỹ cho năm 1954 viết lại như sau:
“I cannot forget the first moment I stepped onto a American ship to go to South Vietnam. A sailor handed me a candy, at the moment, I could not say thanks in English… Oh, my God, it was very very delicious. It was the best candy in the world. 21 year after, the sweet moment I meet the candy again at American soil…I can eat the candy anytime I want, but I didn’t eat many candy…I eat the candy only I want to remember the sailor and the ship that brought me and my family to the freedom land”. (Trích lại trong bài viết Passage to Freedom in Việt Nam của Gertrude Samuels, số tháng 6-1955)
Tôi không thể quên được cái giây phút đầu tiên tôi bước lên một chiếc tầu Mỹ để đi đến miền Nam Việt Nam. Người thủy thủ đưa cho tôi cái kẹo. Lúc ấy, tôi không nói được câu cám ơn bằng tiếng Anh. Ôi, trời ơi! Ngon thật là ngon. Cái kẹo ngon nhất thế giới. Hai mươi mốt năm sau, cái giây phút dễ thương là khi tôi lại trông thấy kẹo ở đất Mỹ. Tôi có thể ăn kẹo bất cứ lúc nào tôi muốn, nhưng tôi không ăn nhiều kẹo đâu… Tôi ăn kẹo chỉ để muốn nhớ đến người thủy thủ và chiếc tầu đã đưa tôi và gia đình đến vùng đất tự do.
Có những cuộc chia lìa bà con, anh em, họ hàng, làng nước.
Cũng đành đoạn mà bỏ đi thôi. Nào ai muốn thế đâu? Sau này, liên lạc Bắc Nam giới hạn vào một tấm bưu thiếp in sẵn…
Bên cạnh những khổ đau, cuộc di cư ấy không thiếu những nét đẹp
Tôi vẫn thấy đẹp và ý nghĩa là câu chuyện do một anh thủy thủ người Mỹ tên John Ruotsala trên chiến hạm Montrose (*) kể lại như sau:
Khi bước lên tầu, các người di cư phải xịt thuốc DDT để diệt trừ chấy rận (1). Nhiều người di cư hoảng sợ vì phải cởi quần áo, nhất là phụ nữ. Trong đó có trường hợp một bé gái khoảng 9 tuổi bế đứa em khoảng 3, 4 tuổi. Thủy thủ Mỹ đã chẳng may xịt thuốc vào mắt đứa em 3 tuổi. Nó khóc, chị nó bình tĩnh dỗ dành em và lau mắt cho em. Sau đó như không có chuyện gì xảy ra, ôm em bước lên thang để lên tầu.
Câu chuyện có vẻ bình thường, nhưng lại là những hình ảnh đẹp nhất trong cuộc di cư này.
Nó cho thấy tình nghĩa đùm bọc của gia đình Việt Nam, cho thấy tình chị em, cho thấy tình người, cho thấy tình liên đới nhân loại vượt lên trên những dấu ấn chính trị vốn đè nặng lên tâm trí người tỵ nạn.
Trong số những người mới di cư vào Nam thì đến 60% là nông dân, 10% là dân thuyền chài. Còn lại trải đều cho công chức, sinh viên, thợ thuyền và người buôn bán.
Những người dân nghèo, 80%, ít học tưởng đi theo Việt Minh mới phải thì lại là thành phần đông đảo sợ hãi cộng sản nhiều nhất. Và đi nhiều nhất. Đi rất đông. Đi cả nhà. Và nhất là đi cả làng. Không phải một làng mà nhiều làng. 25 ngàn người trong cùng khu vực không hẹn mà cùng nhau bỏ ra đi.
*
Cuộc di cư 1954-1955 dưới mắt người Cộng sản
Không gì tức tối bực bội hơn cho chính quyền cộng sản là chiến thắng xong, đuổi được thực dân Pháp phải ra đi. Vậy mà vô lý thay gần một triệu người đã ùn ùn kéo nhau bỏ chạy cộng sản. Gần một phần mười dân số toàn miền Bắc đấy. (Miền Bắc gồm 12 triêu người và chiếm 60.900 dặm vuông, miền Nam 11 triệu người và chiếm 66.300 dặm vuông) Ngay những người dân trong vùng bị Việt Minh kiểm soát từ 1946 như Vinh, Nghệ Tĩnh càng lo bỏ chạy bán sống bán chết. Họ phải hiểu tại sao chứ? Họ phải làm gì để hàng triệu người đã trốn chạy như vậy? Phải có một câu trả lời chứ?
Nhưng họ cố tình không cần biết điều ấy và tìm cách bôi nhọ hình ảnh cuộc di cư 1954-1955.
Vì thế, họ đã cho xuất bản cuốn sách: Sự thật về vấn đề di cư ở Việt Nam, Hà Nội. Sự thật của họ không phải là sự thật của người di cư. Cuốn sách này không dễ mấy ai còn giữ lại. Nhưng nó được tuồn sang Pháp. Sau này, ông linh mục, giáo sư Trần Tam Tỉnh, dạy ở tỉnh bang Québec, Canada đã dùng tài liệu này viết một cuốn sách rất bôi bác và tồi tệ về cuộc di cư này, đó là cuốn Dieu et César. Les catholiques dans l’histoire du Việt Nam, Rome ngày 19/05/1975. Vương Đình Bích, môt linh mục nữa đi theo cộng sản mà tôi gọi là một trong bọn Tứ nhân bang đã chuyển ngữ ra tiếng Việt và đã đổi nhan đề cuốn sách thành:Thập giá và lưỡi gươm. Vương Đình Bích cũng bỏ không dịch câu: Les catholiques dans l’histoire du Viet Nam. Sự tùy tiện của Vương Đình Bích còn thấy ở phần cuối cuốn sách. Ông đã bỏ phần Bibliographie selective của tác giả. Ông tự nhét thêm bài viết của Nguyễn Quang Huy, trưởng ban tôn giáo chính phủ về vấn đề phong thánh vốn chẳng ăn nhập gì với cuốn sách Dieu et Cézar. Đồng thời cho in bức thư chung của Hội đồng giám mục Việt Nam 1986. Phần ông Trần Tam Tỉnh, trong lời nói đầu của cuốn sách, ông đã viết:
Ce livre écrit avec amour par un des membres fidèles, de cette église catholique vietnamienne, n’a autre ambition que de présenter la vérité historique. Cuốn sách này được viết ra do một trong những đứa con trung thành của giáo hội Thiên chúa giáo Việt Nam, không có một tham vọng nào khác ngoài việc trình bày sự thật lịch sử.
(Trích Dieu et César, Trần Tam Tỉnh, trang 13)
Nay thì chúng ta thử tìm hiểu xem, căn cứ vào cuốn sách để thứ tìm hiểu thứ lịch sử mà ông Trần Tam Tỉnh đưa ra là thứ lịch sử nào, một thứ lịch sử sao chép theo tài liệu của cộng sản Hà Nội trong cuốn: Sự thật về vấn đề di cư ở Việt Nam?
Và đây là những sự thật dưới mắt Hà Nội:
- Có những tin đồn rằng quân Mỹ sẽ ném bom nguyên tử tiêu diệt miền Bắc.
- Đức mẹ được giao chức năng chính trị là để giải thoát những kẻ tôn sùng ngài.
- Chúa Ki tô đã đi vào Nam.
- Đức mẹ đã rời bỏ Bắc việt. Trong tập Passing the Torch, một trong những tuyển tập gồm 18 cuốn cũng nêu ra một nhan đề như sau: “The Blessed Virgin is moving South”, trích trang 95 (Đây là một vài khẩu hiệu mà ngày nay đọc lại người viết không mấy làm thích thú. Những khẩu hiệu này do đại tá Edward Lansdale in và phổ biến chung quanh Hà Nội và Hải Phòng. Sau này đại tá Lansdale được giải thưởng: Distinguished Service Medal on January 8, 1957. Ông là người trực tiếp chỉ huy những chiến dịch tâm lý chiến vào giữa thập niên 1950, Psychological war-fare projects).
- Lời một nhân chứng: Tôi không cầm nổi nước mắt, họng tôi nghẹn ngào, trí óc ghi sâu bức tranh thảm cảnh di cư đó của những con người vô tội bị giật lôi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, rồi bị bốc lên xe, chở đi và bị đối xử chẳng khác nào những súc vật người ta chở tới lò mổ. Một bầu khí rất nặng nề, còn những người ở lại thì nín bặt không dám nói ra, vì chắc là sợ bị trả thù bởi những tay bạo chúa tổ chức di cư.
- Một tổ chức phá hoại có hệ thống tại Hà Nội trước khi quân Pháp rút đi, chẳng hạn sẽ làm hỏng kho dầu xe buýt, phá hư các máy móc và đặt mìn đánh sập chùa Một cột, ngôi chùa đầy giá trị lịch sử và tôn giáo có từ hằng trăm năm.
- Giám mục Phát Diệm, Lê Hữu Từ thì nhảy lên chiếc ca nô cuối cùng của quân Pháp đang rời cảng, bỏ quân lính của ông tại chỗ. Một vài tên thấy giám mục mình hành động hèn nhát như thế, bèn nổi giận đến nỗi lấy lựu đạn ném theo ông.
- Bị các linh mục lôi kéo vào cuộc mạo hiểm nhục nhã và bi đát này, họ cảm thấy mình bị bỏ rơi do sự phản bội của quân Pháp.
- Việc Đức mẹ hiện ra: một linh mục đã dàn dựng mặc áo Đức mẹ cho một thiếu niên và đã cho em đứng vào sau bàn thờ Đức mẹ Fatima. Trước mấy cây nến lung linh, một vài nhà “đạo đức” coi đó là Đức mẹ hiện ra, nói với họ một giọng dịu dàng nhưng minh bạch rằng, phải từ bỏ đất Cộng sản với bất cứ giá nào, mà tìm lánh sang vùng đất tự do, Đức mẹ sắp bỏ miền Bắc. (Trích dẫn tóm tắt Thập giá và Lưỡi gươm, Trần Tam Tỉnh, từ các trang 101-112)
(…)
Bên cạnh đó là những tin đồn mà các thủy thủ Mỹ thu lượm được qua những người di cư kể lại lúc lên tầu do Việt Minh tung ra như sau:
- Người Mỹ cắt tay của trẻ sơ sinh và quẳng đàn bà xuống biển, còn đàn ông thì bắt đi làm cao su cạo mủ tại các đồn điền cao su.
- Tầu há mồm ra đến biển thì há mồm ra, rồi xô đẩy người ta xuống biển.
- Với những áp lực đủ kiểu, nhờ một lối tuyên truyền xảo trá, tạo ra một cơn hốt hoảng tinh thần nơi dân chúng công giáo.
- Một khi bầu khí hoảng loạn thì mạnh ai nấy chạy, trong khi đó từng toán xe tải nhà binh tiến vào các làng để bốc hốt đi thật nhanh, kể cả dùng bạo lực cưỡng ép tất cả dân chúng.
Giáo sư Nguyễn Văn Lục (nguồn: DCVOnline)
————
Một số hình ảnh về Cuộc di cư 1954- 1955 (nguồn: internet)

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

—————-
(*) LTS: Landing Ship Tank, tầu đổ bộ xe tăng- dùng để chuyên chở xe tăng, xe cộ… còn được gọi nôm na là tầu há mồm.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"