MAI XUÂN DŨNG
.
Trong khi không ít người Việt nam nồng nhiệt chào đón Ngoại trưởng Mĩ Hillary Clinton đến Hà nội thì tôi lại cảm thấy muốn ngồi lặng lẽ một mình.
Tôi lặng lẽ nghĩ về cuộc sống riêng tư không hoàn hảo của bà Hillary với ông Clinton, cựu tổng thống xứ cờ hoa cũng là chồng của bà.
Điều đó có vẻ hơi mâu thuẫn với thái độ của nhiều người có tư tưởng tiến bộ và có thể gợi nên chút ác cảm với cá nhân tôi.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là tôi không thán phục bà về năng lực tuyệt vời của một nhà lãnh đạo quốc gia và yêu mến bà ở sự dũng cảm, chân thành trên chính trường và trong cả cuộc sống riêng tư.
Năm 1998, mối quan hệ trong gia đình Clinton trở thành mục tiêu của nhiều lời đồn đại và suy diễn về vụ tai tiếng Lewinsky khi tổng thống thừa nhận có quan hệ tình dục với cựu thực tập sinh tại Nhà Trắng, Monica Lewinsky.
Sau những chứng cớ rõ ràng về mối quan hệ giữa tổng thống và Lewinsky bà thừa nhận sự thật về một tai họa nhưng bày tỏ sự vững tin vào sự bền vững của mối quan hệ hôn nhân với chồng.
Đầu năm năm 2008, Tổng thống mới đắc cử Barack Obama cho biết ông sẽ đề cử Hillary Clinton làm ngoại trưởng Hoa Kỳ khi ông nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2009 thì đến ngày 21 tháng 1 năm 2011, bà được Thượng viện phê chuẩn và trở thành Ngoại trưởng thứ 67 của Hoa Kỳ.
Sự xuất sắc của bà trên chính trường làm cho dư luận Mĩ nghĩ đến Hillary Clinton như một ứng viên tiềm năng cho chức vụ Tổng thống Mĩ. Sau đó, bà được tạp chí Forbes chọn vào danh sách những nhân vật thế lực nhất thế giới cùng thời.
Tất cả những điều đó trở thành một nhát khắc trong tâm trí cá nhân tôi khi nghĩ về Hillary Clinton, nó khiến tôi không ngừng tìm tòi những chứng cứ cho các so sánh của mình.
Việc đem một Ngoại trưởng Mĩ so sánh với ba, bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt nam là một so sánh khập khiễng về thứ bậc vì bà chỉ là một Ngoại trưởng ngang hàng với ông Ngoại trưởng Việt nam Phạm Bình Minh.
Nhưng rõ ràng chẳng ai mảy may muốn so ông Minh với bà Hillary vì như vậy chỉ đạt được sự hợp lý về thứ bậc hành chính nhưng quá khập khiễng về tiếng tăm và những hoạt động thực tế chính trường thế giới giữa hai vị ngoại trưởng.
Vậy nên trong suy tưởng, người ta muốn so sánh Hillary với các ông Nguyễn Phú Trọng hoặc ông Nguyễn Tấn Dũng.
Phải công bằng mà nói ông Trọng không bị mấy tai tiếng trong cuộc sống. Chưa thấy ai khẳng định rằng ông Trọng là kẻ lợi dụng chức quyền để vun vén tư lợi hoặc cất nhắc thân tộc vào những vị trí cao trong bộ máy đảng, nhà nước nhằm trục lợi.
Nhưng những tuyên bố như trong “cơn mê sảng của ông Trọng”- như nhiều người nhận xét về việc kiên định ”Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” trong bài phát biểu tại Cuba làm nhiều người giật nảy mình vì hiện nay ai cũng đã biết cái “chủ nghĩa xã hội” đó là một bức tranh viễn tưởng huyền hoặc chưa ai từng thấy và ngay trong quá trình “quá độ đi lên” của nó đã là nguyên nhân gây ra biết bao nhiêu xương máu, nước mắt đau thương của nhân dân. “Cỗ xe CNXH bánh vuông” này có vẻ như đang luẩn quẩn trên sườn dốc trước khi tùng bê rơi xuống hố. Chính những phát biểu theo cung cách giáo điều đó đã góp phần làm nên danh hiệu “Trọng Lú” mà dân chúng từng gán cho ông.
Sự nhút nhát của ông Trọng trước Trung quốc được một số người thân cận của ông giải thích như một sự “khôn ngoan ngoại giao” không át được các đồn thổi về thái độ quá thân Tàu đã làm hình ảnh của ông trở nên mờ nhạt so với Thủ tướng Dũng.
Thủ tướng Dũng là một nhà lãnh đạo có dáng dấp, có tư thế, mạnh mẽ, mưu lược.
Tuy nhiên sự vỡ nát của các “quả đấm thép kinh tế nhà nước” như Vinashin, Vinaline…đã làm cho sự đánh giá về năng lực lãnh đạo và trách nhiệm điều hành kinh tế vĩ mô của Thủ tướng mất uy tín nghiêm trọng đến mức gần như đổ vỡ.
Mặt khác, sự phát triển thần tốc và quy mô quá to lớn trong việc thâu tóm tập đoàn tài chính, ngân hàng của cô Thanh Phượng, con gái ông Dũng cộng với việc đưa con trai ông vào trung ương đảng đã làm cho người dân không thể không nghi ngờ về sự hỗ trợ chính trị mạnh mẽ và tính liêm chính của ông.
Thêm vào đó, sự chao đảo của con thuyền kinh tế Việt nam, lạm phát cao, các doanh nghiệp phá sản hàng loạt, bất động sản đóng băng trước nguy cơ đổ vỡ, chứng khoán ảm đạm cộng với hàng loạt các vụ bê bối tham nhũng của các quan chức thân tín đã làm cho hình ảnh đường bệ của Thủ tướng trở nên “tức con mắt” hơn là tự hào phấn khởi của người xem truyền hình.
Đối nghịch với hình ảnh của ông Trọng, ông Dũng là một bà Ngoại trưởng Mĩ, người đại diện ngoại giao cho một quốc gia cựu thù trong “hệ thống tư bản giẫy chết” mà hiện nay Việt nam đang có gần 15.000 sinh viên Việt theo học hàng năm.
Tôi rất “giận” bà Ngoại trưởng khi bà thẳng thừng phát biểu: “Tôi biết có một số người lập luận rằng, phát triển kinh tế cần phải đặt tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu, còn lo nghĩ về cải cách chính trị và dân chủ thì hãy để sau, nhưng đó là một kiểu mặc cả thiển cận. Dân chủ và thịnh vượng đi đôi với nhau, cải cách chính trị và tăng trưởng kinh tế liên quan với nhau”.
Nói như vậy khác gì “mắng” vào mặt chủ nhà.
Hillary chẳng e ngại vòng vo mà còn nêu rõ: “ lo ngại về vấn đề nhân quyền, bao gồm việc tiếp tục giam giữ các .nhà hoạt động, các luật sư và các blogger phát biểu ý kiến ôn hòa. Đặc biệt, chúng tôi quan tâm về các hạn chế tự do ngôn luận trên mạng, và phiên tòa sắp diễn ra để xử những người sáng lập (nhóm) được gọi là Câu Lạc bộ Nhà Báo Tự do”.
Điều đặc biệt, không hiểu có thâm ý gì không trong việc bà Hillary Clinton chọn Đại học Ngoại thương làm nơi nói chuyện gặp gỡ sinh viên Việt nam?
Lựa chọn này làm tôi hơi chạnh lòng nghĩ đến bà Nguyễn Thị Doan, người đã có nhiều năm công tác ở trường đại học Ngoại thương, (không rõ hôm đó có ngồi lẫn trong đám cử tọa không), người nổi tiếng như sóng cồn khi từng có phát ngôn ấn tượng nhất năm: “Dân chủ ở Việt nam cao hơn gấp vạn lần dân chủ các nước tư bản”.
Về việc này nếu bà Hillary “cố tình” thì sẽ làm tôi giận bà thực sự vì tôi “thích huân chương” mà bà Doan hiện nay là người nổi tiếng nhất trong việc đi cắt băng khánh thành và gắn huân chương.
Sáng nay có một bình luận trên Facebook nêu việc “đề nghị bà Hillary đẩy xe cho cụ bà Lê Hiền Đức đi từ Nhà hát lớn thành phố và làm một vòng bờ hồ để ủng hộ Quốc hội ra luật biển đảo”. Theo tôi đây không phải là một ý tưởng không nghiêm túc. Tuy nhiên tôi rất ngại nếu bà Hillary nhận lời. Việc đó có thể dẫn bà Hillary đến với cơ quan cảnh sát điều tra Việt nam. Bà rất có thể bị công an Hà nội gây khó dễ vì trở thành “tòng phạm” với cụ Lê Hiền Đức bởi ngay ngày hôm qua, việc cụ Đức đi biểu tình chống Trung quốc, ủng hộ Quốc hội mà còn bị công an Hoàn kiếm tống đạt cái “trát mời lần thứ I” đến đội cảnh sát điều tra công an Hoàn kiếm về việc “gây rối TTCC”. (Công an họ viết tắt như vậy).
Nói về chuyện biểu tình chống Trung quốc, nhân đây tôi cũng muốn nói về một con số ấn tượng trong ngày 1/7 là ngày thành lập đảng cộng sản Trung quốc.
Hongkong thuộc Trung quốc có 7 triệu dân nhưng ngày 1/7 đã có nửa triệu người đi biểu tình chống Trung quốc. Tỷ lệ đó là quá cao so với Việt nam khi ngày 1/7 cả Hà nội và Sài gòn cộng lại mới chỉ có cỡ 3000 người xuống đường so với gần 90 triệu dân. Điều đó cho thấy nhân dân Việt nam được đảng giáo dục rất tốt, yêu Trung quốc hơn cả người Trung quốc.
Như đã nói từ đầu entry này, tôi đã âm thầm suy nghĩ rất nhiều về đời sống riêng của bà, những hy sinh của bà trong đời sống cá nhân cho nước Mĩ và so sánh với các nhà lãnh đạo của đất nước chúng tôi.
Tôi không muốn nói thêm nữa. Bởi biết nói gì khi những điều nói ra có thể sẽ là không phù hợp với tuyên bố mới đây của Liên hợp quốc coi “Quyền tự do sử dụng, phát biểu tư tưởng trên Internet là quyền cơ bản của con người”.
Có thể mượn mấy câu thơ của cố thi sỹ Nguyễn Du nói về thân phận của một con người hay rộng ra có thể ứng vào một đất nước:
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.