Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Dân trong một nước

K.s Nguyễn Văn Thạnh
Là người VN, ai cũng biết đến câu ca “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng”. Cái tinh thần của câu ca là khuyên nhủ đồng bào cùng chung đất nước phải yêu thương nhau. Đây không chỉ là vấn đề tình cảm của người cùng chủng tộc mà còn là vấn đề quyền lợi và sự sinh tồn.
Lấy một hình ảnh dễ hình dung: ta xem một đất nước như một cơ thể, người dân như từng tế bào, khi đó những tổ chức nhỏ hơn như gia đình, dòng họ, cơ quan, công ty,… là những “mô”-bộ phận trên cơ thể. Khi một bộ phận nào đó trên cơ thể bị ảnh hưởng, bị yếu, bị virus tấn công đều ảnh hưởng dây chuyền đến các bộ phận khác. Dân trong một nước cũng giống như vậy, khi một nhóm, một bộ phận nào đó gặp nạn thì những người còn lại cũng ảnh hưởng theo: khi ngư dân bị nước ngoài ức hiếp, đánh đập thì toàn bộ dân trên đất liền phải trả giá cao hơn, tốn kém hơn để có cá ăn. Cả dân tộc bị ảnh hưởng.

Dân tộc ta sau hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã học bài học về sự đoàn kết trong chống ngoại xâm nhưng rất tiếc bài học đó lại bị sao nhãng khi đất nước hòa bình. Chúng ta hãy xem phản ứng của dân ta khi ngư phủ bị lính TQ bắn chết với phản ứng của dân Hàn Quốc khi lính biên phòng của họ bị ngư dân TQ tấn công. Chính điều này giải thích một phần cho câu hỏi vì sao HQ giàu mạnh, văn minh hơn ta, dù họ cũng là một dân tộc nhỏ bé có xuất phát điểm còn thấp hơn dân tộc ta. Với dân số tầm 25 triệu người, họ có GDP lên đến trên 1.000 tỷ USD, đứng hàng thứ 3 châu Á và thứ 10 thế giới (VN có đến 90 triệu dân nhưng GDP có 100 tỷ USD). Người khổng lồ TQ cũng không dám ức hiếp họ, thậm chí phải xuống nước nhũn nhặn với họ trong vụ xung đột trên. Tôi rưng rưng nước mắt khi nhìn về quê nhà với hình ảnh cái chết quá thảm thương của ngư dân Việt dưới họng súng kẻ thù phải ướp xác mang về, vậy mà trên đất liền từ dân đến quan không có chút gì động tĩnh. Một nhóm nhỏ xuống đường thì bị quan cho là phiến loạn tống giam còn dân thì cho là thành phần phản động, tiếp tay thế lực thù địch nước ngoài. Một dân tộc như thế, bảo sao không đói nghèo, suy kiệt.
Nhiều người sẽ cho rằng đó là việc của nhà nước, của đảng. Họ có bao giờ nghĩ tiếp nhà nước, đảng là gì? Suy cho cùng cũng là một nhóm người mà thôi. Mà bản chất con người là tư lợi, hành động vì quyền và lợi ích của mình. Kẻ thù nước ngoài hoàn toàn có thể tung tiền ra mua đứt nhóm này. Xưa nay lịch sử đã nhiều lần chứng minh kẻ nắm quyền ăn cơm của dân có thể bán đứng nhân dân nếu được trả giá cao hơn. Nguyên lý “yêu nhà trước yêu nước, thương con trước thương dân, lo cha mẹ trước đồng bào” luôn có giá trị chi phối mọi người.
Chúng ta cần chính phủ để trị an, lo việc chung nhưng không thể làm ngơ, hay ngây thơ giao phó quyền lợi của mình vào tay họ. Chúng ta không thể trông chờ hoàn toàn vào lòng tốt của giới lãnh đạo. Đảng được rêu rao ca tụng là thiên tài, là anh minh sáng suốt, là đại diện quyền lợi nhân dân,... thật ra cũng chỉ là một nhóm người đang nắm quyền mà thôi. Đảng được nhóm cầm quyền hiện nay ra sức phục dựng, tô vẽ,… để làm bình phong che đậy cho việc rút ruột, ăn chia nhau trên mồ hôi, nước mắt nhân dân.
Dân trong một nước như tế bào trên một cơ thể, chúng ta hãy nghe ngóng mà lo cho nhau, lên tiếng vì nhau; đừng ngây thơ tin vào đảng vào chính phủ hay chính quyền. Lớp nắm quyền đó có thể bán nhân dân bất cứ lúc nào nếu được giá và có sự an toàn cho chúng.
K.s Nguyễn Văn Thạnh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"