Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Con đường Việt Nam, tại sao không?

Việt Nguyễn
Có phải tất cả người Việt Nam chúng ta, những ai quan tâm tới tương lai của đất nước, đều mong muốn có sự đổi thay hiện tình của đất nước từ thể chế chuyên chính độc quyền, nghèo khó và thiếu dân chủ, sang một thể chế đa nguyên, giàu mạnh và dân chủ. Vì mục đích ấy, rất nhiều người đã lên tiếng, rất nhiều người đã dấn thân, và cũng rất nhiều người bị khủng bố, bắt bớ, tù đày, hành hạ đủ trò đủ kiểu. Nhưng kết quả đạt được chưa đáng là bao, so với những mất mát hy sinh. Cũng chưa có cá nhân, tổ chức nào đủ tài đủ lực xoay chuyển được tình hình, trước sự kìm kẹp, đàn áp tàn bạo của công an, chính quyền cộng sản Việt Nam. Từ trước tới nay cũng chưa thể có tổ chức đảng phái nào trong nước công khai hoạt động, phát động phong trào, khuấy động và cố kết được lòng người, khả dĩ làm đối trọng với ĐCSVN, để đòi lấy những quyền tự do dân chủ, quyền làm người đã bị đánh cắp.

Anh Lê Thăng Long thay mặt cho anh Trần Huỳnh Duy Thức, anh Lê Công Định còn ở trong nhà tù CS ra lời kêu gọi phát động phong trào Con Đường Việt Nam (CĐVN). Có thể cá nhân anh Lê Thăng Long đã nhận tội để được ra tù sớm hơn, trong mắt mọi người thế là không đủ bản lĩnh. Thứ nữa anh mới ra tù có mấy ngày, đang bị quản chế, làm sao có đủ điều kiện cho ra lời kêu gọi, sự kiện lớn lao như vậy, một cách dễ dàng. Phía chính quyền Cộng Sản là bậc thầy của các biện pháp khủng bố, có thừa lực lượng và tàn ác để ngăn chặn đối lập, sao có thể để anh Lê Thăng Long hành động khơi khơi vậy được?
Bấy nhiêu giả thiết cũng đủ cho bất kỳ ai phải đắn đo, nghi kỵ, cho anh là con mồi, là ngây thơ tự làm cạm bẫy. Lúc đầu tôi cũng cho là vậy, nhưng khi nghĩ kỹ lại tôi thấy anh Lê Thăng Long chẳng ngây thơ, mà cũng chẳng tự làm cạm bẫy cho mình. Mà anh Lê Thăng Long chơi bài ngửa, chơi công khai. Mọi tài liệu về lời kêu gọi, mục đích, cương lĩnh hành động, lời mời tham gia, đều được đưa lên mạng công khai minh bạch.
Trả lời BBC, anh Lê Thăng Long nói nhận tội để ra tù sớm hơn. Còn phong trào CĐVN đã được các anh bàn bạc thống nhất từ trước. Hai người đứng tên cùng anh Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định còn ở trong tù, anh cũng xác định nếu bị bắt lại vào tù thì những người khác sẽ thay thế mà củng cố phong trào (PT). Anh chỉ ở vị trí này cho đến khi kiện toàn được lãnh đạo Phong trào, tất cả đều công khai minh bạch. khẳng định Phong trào là của tất cả mọi người, các anh chỉ là người khởi xướng.
Cốt lõi của Phong trào CĐVN, qua các tài liệu đã được công bố rộng rãi là các điểm chính sau:
- Tiếp nối con đường duy tân, KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH. có nghĩa là HIỂU BIẾT, ĐỂ TỰ TIN, LÀM GIẦU CUỘC SỐNG.
- Bằng con đường Việt Nam, mục tiêu tối thượng phải hoàn thành là quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng ở đất nước chúng ta.
- Lấy dân làm gốc để xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hiện phát triển kinh tế xã hội đến phồn vinh, thịnh vượng.
- Không chủ trương bạo động, thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc, trong sự tôn trọng yêu thương, lẫn nhau, không tôn sùng chủ thuyết, hành động theo mệnh lệnh của nhân dân.
Và để khởi đầu, hãy giúp trả lời câu hỏi: “Làm sao để người dân tự tin sử dụng tất cả quyền con người của mình mà không phải đợi ai cho phép trong hoàn cảnh của đất nước hiện nay?".
Bản thân nhóm các anh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, đều là các trí thức thành đạt. Họ có thừa khả năng tạo dựng cuộc sống khá giả, nếu chịu im hơi lặng tiếng trước bất công và cường quyền. Họ đã chịu, và đang chịu tù đầy khắc nghiệt để kiên định cho ra đời phong trào CĐVN.
Những mục đích nội dung của phong trào, được nhóm chủ trương nêu ra, giải thích rất rõ ràng dễ hiểu, và thiết thực.
Chỉ đơn giản, “Hiểu biết để tự tin làm giàu cuộc sống”. Làm việc gì ta cũng cần hiểu biết về việc đó, hiểu biết càng nhiều thì ta càng tự tin hơn sẽ làm tốt việc đó, lẽ dĩ nhiên đã biết rõ việc cần làm lại tự tin, chắc chắn kết quả công việc sẽ là tốt nhất. Khi hiểu biết rõ quyền con người, tự tin về những hiểu biết đó, chúng ta sẽ hành xử quyền lợi cho mình tốt nhất mà không sợ hãi vì sự răn đe của chính quyền. Tỷ như quyền biểu tình, được hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt Nam minh định. Khi quốc hội chưa thông qua luật biểu tình, không có nghĩa là công dân không được biểu tình, mà trái lại còn không bị hạn chế bởi luật.
Nếu ai còn chưa tìm hiểu nội dung của phong trào CĐVN, thì hãy tìm đọc các tài liệu của nhóm phát động Phong trào, rồi suy gẩm. Tôi thiết nghĩ chúng ta còn nói đấu tranh cho dân chủ, cho tương lai tốt đẹp ở Việt Nam, có thể không tham gia Phong trào, nhưng không thể phủ nhận những mục tiêu tốt đẹp, thiết thực mà Phong trào đang vận động.
Nghi ngờ Phong trào là điều cần thiết cho người có trí tuệ, không tham gia Phong trào là quyền của mọi người, nhưng kết luận vội vả, cảm tính và thiếu căn cứ là không nên. Các nhân sĩ, trí thức bấy lâu được hâm mộ trên các diễn đàn, tiếng nói của họ rất được bạn đọc chú ý và suy nghĩ. Cá nhân tôi cũng rất phân vân khi thấy Tiến sỹ Hà Sỹ Phu kết luận: "Nhiều ý kiến cho rằng cuộc vận động phi thường vội vã này chỉ là một trong hai khả năng: hoặc là sự ngây thơ chính trị kiểu sách vở, hoặc một cạm bẫy. Hai khả năng ấy cuối cùng cũng chỉ là một, vì đã ngây thơ thì càng chân thành lại càng dễ thành cạm bẫy thôi.
Rồi Bọ Lập trong blog Quê choa, không thèm đọc xem anh Lê Thăng Long viết gì, mời gì đã vội buông lời: “Nay tui tuyên bố: ông Lê Thăng Long hãy bỏ tên tui ra khỏi danh sách của ông ngay! Chớ có bảo ông thích mời ai thì cứ tương tên người ta vào danh sách, đó là cách làm hồ đồ và vô sỉ!”. Tôi nhớ hồi Bọ Lập chửi xéo ông phó chủ tịch Hưng Yên tên Nguyễn Khắc Hào, khi ông này báo cáo với thủ tướng về vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang. Rằng ông Hào nói bằng mớ ngôn ngữ té re… kinh lắm. Nay nghe Bọ nói anh Lê Thăng Long “vô sỉ”, thật chẳng sướng tý nào.
Tôi cho rằng, giả sử chính quyền CSVN đứng ra dàn dựng cho anh Lê Thăng Long, ra tù sớm để thay mặt anh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, ra lời kêu gọi phát động Phong trào CĐVN. Có ba cách.
Một là CSVN, lấy nhóm anh Lê Thăng Long làm cái bẫy, để nắm lại chắc chắn những ai là thế lực thù địch, tôi nói nắm lại bởi vì danh sách được mời tham gia Phong trào CĐVN gồm toàn những vị, không ít thì nhiều đều có tiếng nói phản biện với CSVN. Số này CQCS có thể bắt bất cứ lúc nào bằng những chứng cứ lãng nhách, nếu họ thấy cần bắt.
Hai là chính quyền CSVN, thật tâm muốn tạo ra sự thay đổi theo cách mà ít ai nghĩ tới.
Ba là nhóm anh Lê Thăng Long, quyết tâm thực hiện ý chí của mình, một lòng vì nghĩa cả. Họ đã trả giá cho việc này bằng những bản án tù của chế độ CSVN. Cái giá lớn hơn cả sự tù đày chắc các anh cũng đã sẵn sàng.
Cho dù là cách nào đi nữa, căn cứ vào nội dung, mục đích của Phong trào CĐVN đang hướng tới, cũng đáng cho chúng ta ủng hộ, góp sức cho Phong trào lớn mạnh. Chẳng phải chúng ta vẫn mong ở Việt Nam xuất hiện một Phong trào, có người người đứng đầu, đưa ra một cương lĩnh đúng đắn, một cách làm thiết thực, để chung sức chung lòng đưa đất nước Việt Nam đến dân chủ, tự do, ấm no hạnh phúc đó sao! Chính quyền CSVN không chính danh, với học thuyết Mác - Lê phi khoa học, không còn khả năng chèo lái con thuyền Việt Nam đến dân chủ và thịnh vượng. Không phải chính quyền CSVN không nắm được những việc nhóm anh Lê Thăng Long đang làm, không phải họ không đủ thủ đoạn và sự tàn bạo để vô hiệu hóa anh Lê Thăng Long. Mà họ đang khó ra tay, vì tất cả đã được đặt lên bàn, công khai từng chi tiết, chẳng lẽ chính quyền Cộng Sản không muốn dân chúng được hiểu biết để tự tin, không muốn tôn trọng quyền con người và bình đẳng. Muốn dẹp Phong trào chỉ còn cách chơi trò đểu, vu khống rồi dùng cường quyền bắt giam, như từ trước tới giờ đối với các anh Điếu Cày, hay TS Cù Huy Hà Vũ v.v... Cách này bây giờ không thiêng nữa rồi. Hơn nữa còn có quốc tế nữa, thế giới không để cho CSVN mặc sức làm càn, mà không lên tiếng.
Từ lúc nhóm anh Lê Thăng Long chuyển đi lời phát động, và mời tham gia Phong trào CĐVN đến nay, đã có rất nhiều bài viết và comment tham gia tranh luận góp ý cho Phong trào. Đa số những người được mời đã lên tiếng, ít ỏi trong danh sách, là người có nhiều uy tín, đều viện dẫn những lý do và trở ngại để từ chối tham gia hoặc chưa tham gia Phong trào. Có vẻ như là họ bảo vệ uy tín của mình một cách đầy hiểu biết. Một số ít thì mỉa mai, chửi bới, số này chắc là công an mạng. Còn lại đa số ủng hộ Phong trào là những người bấy lâu nay ít lên tiếng, chỉ âm thầm dõi theo Phong trào.
Với cách nghĩ và tinh thần dấn thân cho tự do của người Việt Nam ta, như hiện tại, thật khó có thể tạo được những Phong trào lớn lao như mùa xuân Ả rập. Mọi người vẫn cứ trông chờ một biến động nào đó, có thể là ngẫu nhiên mang đến sự thay đổi ở Việt Nam. Trông chờ như thế chẳng bao giờ có cả, nếu mỗi người chúng ta không tự nhận lấy trách nhiệm chính trị cá nhân.
Hành xử quyền con người của mình như cách mà Phong trào CĐVN đã phát động. Hãy đừng sợ hãi, và tự tin là mình làm đúng. Nếu chính quyền Cộng Sản vẫn bất chấp lẽ phải, chà đạp lên chính Hiến pháp của Việt Nam, mà tiến hành khủng bố, bắt bớ tù đầy. Thì cũng sẵn sàng chịu đựng, như là chuyện bình thường của người dám dấn thân. Nếu chúng ta chỉ ngồi một nơi, chọn giải pháp an toàn nhất cho mình, không chấp nhận mất mát, không kiên quyết đấu tranh cho ý chí của mình thành hiện thực, thì mãi mãi cũng chỉ là ảo vọng. Chính quyền Cộng Sản sẽ chẳng bao giờ tự giải thể, cho tự do dân chủ đích thực được chan hòa trên đất nước Việt Nam.
Phong trào CĐVN sẽ tạo cơ hội này!
© Việt Nguyễn
© Đàn Chim Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"