Kỳ Duyên
Có hai câu chuyện, ngẫu nhiên không hẹn mà thành "gặp nhau cuối
tuần", nhưng không phải để bạn đọc cười, mà đọc xong, hẳn nó thành "ga
la"... khóc.
Đó là chuyện về đại gia và quan chức, hai giai tầng muôn thuở hấp dẫn, từ người đẹp chân dài đến thường dân chân đất.
"Liêu trai chí dị" thời nay
Đại gia được nói ở đây, khiến bạn đọc chú ý vì sự khác người và khác
đời. Đang sống sờ sờ, khỏe mạnh, đẹp đẽ ở Hà Nội, ông N. C. Đ. bỏ lên
Lương Sơn (Hòa Bình) mua 24 héc ta đất rừng, làm trang trại. Chuyện có
thế thì chả đáng nói, vì khối đại gia thời buổi này đều có trang trại
cuối tuần.
Đáng nói ở chỗ đại gia này, xây mộ chờ... ướp xác mình.
Mới nghe tưởng như của tiểu thuyết Tàu, vì nó nhang nhác cái lo xa
của các bậc đế vương xưa, phòng ngừa khi nằm xuống, bị dân "đào mồ, đào
mả". Ông Đ. cũng chẳng giấu, khi nói xổ toẹt: "Công trình này tốn rất
nhiều tỷ đồng. Tôi chỉ là "phó thường dân" nhưng muốn làm 1 khu mộ ngang
với mộ... Tào Tháo".
Nhưng chuyện kể của ông Đ. còn có vẻ hấp dẫn hơn cả tiểu thuyết Tàu, vì nó lại có chút nhang nhác chất "liêu trai chí dị".
Không biết công trình xây mộ của ông Đ. có đạt trình độ "ngang" với
mộ Tào Tháo không, nhưng ông Đ. cũng thuê tới 30 người đục đẽo hơn 3 năm
mới xong. Ông còn chuẩn bị đầy đủ cả hương liệu ướp xác sau khi đã đi
Trung Quốc, Ai Cập tìm hiểu công nghệ này.
Nay, khu mộ của ông Đ. và vợ đã xây hoàn chỉnh với 2 ngôi cạnh nhau,
phía trên có 2 tấm bê tông, ước chừng 6 người khiêng không nổi. Phía
dưới hầm mộ có hệ thống xe goòng đưa quan tài vào sâu trong núi...Có kém
gì vua chúa trong tiểu thuyết Tàu không?
Nghe chuyện ông, người viết chỉ nhớ đến những khu nghĩa trang của các
quốc gia văn minh. Họ xây đồng loạt, giản dị mà không kém tôn nghiêm,
theo một quy chuẩn chung. Ở đó, vẫn toát lên một không gian văn hóa, cho
dù là "cõi âm".
Khu mộ của ông Đ hiện đã xây hoàn chỉnh với 2 ngôi cạnh nhau, phía trên có 2 tấm bê tông lớn. Ảnh: Kienthuc.net
Cũng lại nhớ đến "thành phố Ma" hoành tráng, sơn son thiếp vàng ở Huế
mà báo chí tốn bao giấy mực, nhưng dường như vẫn không lay chuyển được
nếp nghĩ thủ cựu của những người đang sống ở cố đô.
Thôi thì cũng do ngành văn hóa chưa có những quy chuẩn chung mang
tính pháp luật về mồ mả, nên có những đại gia nhiều tiền của muốn "học
đòi", "chơi ngông" hay muốn thể hiện mình theo cách riêng của họ, cũng
chả có gì lạ...
Lạ nhất là chuyện này. Là chuyện các quan chức tỉnh Hà Giang, một
tỉnh miền núi phía bắc nghèo của Tổ quốc "đua nhau chơi nhà sàn gỗ quý"
(phapluatvn.vn, ngày 27/6). Cuộc đua ngấm ngầm này của các vị chẳng ai
chịu kém ai.
Các ngôi nhà sàn, hoặc biệt thự đều là của các quan chức cấp huyện,
hoặc cấp tỉnh nằm ở thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện (huyện Vị Xuyên), ở
tổ 8, phường Quang Trung; hoặc tổ 18, phường Minh Khai (TP Hà Giang), ở
xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang)... và đều có đặc điểm chung.
Một căn nhà sàn trị giá nhiều tỷ đồng của một quan chức cấp tỉnh của Hà Giang. Ảnh: phapluatvn.vn
Đó là vừa to vừa rộng, có ao, hồ, non bộ, trị giá nhiều tỷ đồng, được
dựng công phu toàn bằng các loại gỗ quý hiếm, trong đó có gỗ nghiến và
gỗ trai (loại gỗ quý toát ra mùi thơm lạ, khiến thạch sùng, các loại dán
và côn trùng chẳng dám bò vào nhà).
Và đặc điểm chung nữa: Các loại gỗ này có xuất xứ tại các cánh rừng
của cao nguyên Hà Giang thuộc nhóm 2A không được phép khai thác.
Các ngôi nhà đều nằm theo thế phong thủy cực kỳ đắc địa. Có ngôi còn
theo kiểu "tả thanh long, hữu bạch hổ; tiền chu tước, hậu huyền vũ",
theo triết lý của chủ nhân, "lấy cái cũ để soi vào cái mới" mà ngẫm sự
tình.
Hay là để "ngầm" so sánh cái giàu của mình với cái giàu của đồng sự,
của hậu sinh mà... nuối tiếc, mà ấm ức? Đương nhiên, đó cũng chỉ là
những ngôi nhà nghỉ cuối tuần. Thi thoảng các chủ nhân mới bầu đàn thê
tử từ trung tâm TP Hà Giang về nghỉ ngơi, thư giãn.
Có điều rất lạ, gỗ nghiến, gỗ trai là những loại gỗ quý pháp luật Nhà
nước nghiêm cấm khai thác. Mà nay, nhà nghỉ, biệt thự của các quan chức
cấp huyện, cấp tỉnh ở miền núi Hà Giang cứ thay nhau mọc lên trước mắt
người dân Hà Giang còn nghèo khổ. Vậy thì...
Ai trả lời được câu chuyện... "liêu trai chí dị" này không?
Người viết bài chỉ nhớ nhất câu ông Trưởng thôn họ Đàm (thôn Lâm
Đồng, xã Phương Thiện, huyện Vị Xuyên) than thở: "Cả thôn Lâm Đồng có
196 nóc nhà sàn của dân cũ kỹ, trong đó có 30% số nhà khi mưa về đã bị
dột từ nóc". Nhà dột từ nóc, thì dân khổ là phải!
Những con đường... "liêu trai"
Xã hội còn chưa hết xôn xao về những nhà sàn, biệt thự toàn bằng gỗ
quý của các chức sắc cấp huyện, cấp tỉnh Hà Giang, mới đây, báo chí lại
lên tiếng khẩn cấp về hiện tượng Vườn Quốc gia Ba Bể bị phá đến cạn
kiệt. Đặc biệt, hàng trăm m3 gỗ nghiến đã bị đốn trộm.
Thì tỉnh miền núi Bắc Kạn mới vội vàng họp khẩn cấp, đề xuất giải pháp... khẩn cấp, ngăn chặn thực trạng này.
Chẳng biết Bắc Kạn sẽ có những giải pháp thần diệu nào. Hay lại...
kiểm điểm nghiêm túc, xin lỗi trước dân - cái cách nhận lỗi nhẹ hều-
thường nghe thấy trước mỗi vụ việc sai phạm nghiêm trọng lâu nay ở các
cơ quan, các ngành của Nhà nước. Chứ sự tổn thương và đau đớn của rừng
kéo dài lâu nay rồi, và... ai oán lắm.
Chỉ tính riêng từ cuối năm 2011 đến nay, toàn tỉnh BK có 134 cây gỗ
nghiến với khối lượng 536m3 bị chặt hạ. Trong đó, 2 khu vực có diện tích
rừng nghiến bị tàn phá nhiều nhất là Vườn QG Ba Bể (48 cây, 160m3 gỗ)
và khu rừng xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông (52 cây, 226m3 gỗ) (VietNamNet,
ngày 22/6).
Xin lưu ý, đây cũng mới là số liệu mà lực lượng chức năng phát hiện
và lập biên bản. Còn số lượng gỗ nghiến bị lâm tặc đốn hạ và vận chuyển
về xuôi trót lọt thì... chưa thể biết được.
Thế nhưng nói thực, liệu tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt các ngành chức năng
có biết được những con đường ngoắt ngoéo khai thác, vận chuyển trái phép
hàng trăm m3 gỗ nghiến không?
Khi mà phóng viên VietNamNet ở tận Hà Nội, qua vệt bài điều tra còn
chỉ đích danh, thông qua thông tin của người dân tỉnh này, ông trùm đứng
sau các vụ phá rừng, thâu tóm toàn bộ đường dây khai thác, đấu thầu,
tiêu thụ gỗ nghiến (đã được đấu giá sau tịch thu) là ai.
La liệt những khúc gỗ nghiến nằm ngay giữa vùng lõi vườn quốc gia Ba Bể. Ảnh: Hoàng Sang/VietNamNet
Còn chỉ ra con đường ngoắt ngéo biến gỗ nghiến khai thác trộm, phi
pháp thành gỗ nghiến "có hóa đơn mua bán, có dấu búa kiểm lâm" hợp pháp
như thế nào.
Vậy mà tài nhất, trong báo cáo của lực lượng kiểm lâm Bắc Kạn, chưa bao giờ có một biên bản vi phạm nào có tên ông trùm này.
Rõ ràng, con đường ngoằn ngoèo, lắt léo và phi pháp từ khai thác
trộm, đến vận chuyển hàng trăm m3 gỗ nghiến quý hiếm ấy không thể trót
lọt, nếu không có những con đường tăm tối, tham lam, ma mãnh và ngoắt
ngoéo của... lòng người- những con đường "liêu trai" không kém. Ở đây là
của các lực lượng, các ngành chức năng.
Chính ông Nông Văn Chí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng nhận
định, để việc gỗ nghiến ở Vườn QG Ba Bể bị đốn hạ và vận chuyển về xuôi,
không thể loại trừ trường hợp một vài lực lượng kiểm lâm, tiếp tay cho
lâm tặc.
Kinh ngạc nhất, ngay cả khi sự việc đã rõ mười mươi, nhưng cấp quản
lý chính quyền tỉnh này cũng vẫn chưa có số liệu cụ thể về diện tích,
trữ lượng gỗ nghiến của toàn tỉnh nói chung, Vườn QG Ba Bể nói riêng. Số
lượng cây gỗ bị chặt phá có thể nắm được chỉ là dựa vào gốc cây còn...
trơ lại. Khối lượng của cây chỉ xác định sơ bộ do sau khi đốn hạ, lâm
tặc đã cưa thành các cục thớt để vận chuyển.
Ở góc độ nào đó, có lẽ chính quyền, các ngành chức năng Bắc Kạn phải
"cảm ơn" lâm tặc. Nhờ có lâm tặc, mà họ nắm được rõ hơn tài sản của mình
đang quản lý.
Đặt hình ảnh các nhà sàn, biệt thự bằng gỗ quý của các quan chức cấp
huyện, cấp tỉnh Hà Giang bên cạnh hình ảnh Vườn QG Ba Bể bị phá cạn
kiệt, người dân sẽ nghĩ gì nhỉ?
Ai có thể viết tác phẩm "Liêu trai chí dị"- những câu chuyện về ...ma quỷ, thời nay không?
Dân ức vì... "khủng"
Mới đây, đọc bài viết trên báo NNVN (ngày 26/6), ai cũng phải sốc nặng: "Rùng mình xã 500 cán bộ ở Thanh Hóa".
Chuyện rất lạ: Xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có
15 thôn, 2.000 hộ, 9.500 dân. Ngân sách xã mỗi năm chỉ thu được có 400
triệu, nhưng có tới 500 vị cán bộ xã, thôn. Đến mức phóng viên báo này,
ngồi với ông Phó Chủ tịch UBND xã gần một tiếng sau mà ông vẫn chưa
thống kê hết số lượng cán bộ, đành "áng chừng".
Quả là một con số ấn tượng về bộ máy hành chính cấp xã!
Đương nhiên, do quan chức xã, thôn đông quá, ngân sách tỉnh lấy đâu
để trả lương, nên chính quyền xã bắt dân phải gánh. Người viết tính "bổ
đầu" ra theo số lượng, thì cứ 19 người dân nuôi 1 quan chức.
Đúng là thời chiến, dân nuôi quân- "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", thời bình dân nuôi...quan!
Khổ nỗi, dân Quảng Vinh đâu có dư dả gì. Số hộ nghèo trong xã còn tới
30,6%. Bình thường, họ đã phải chịu tới 19 khoản phí chính, chưa kể
những khoản phí phụ. Con số 19 như con số định mệnh của dân Quảng Vinh!
Mà đội ngũ 500 quan chức xã, thôn nảy nở từ đâu? Từ bộ máy Nhà nước,
theo ngành dọc, bổ xuống từ trên xuống dưới. Trên có gì, dưới có nấy.
Trên bảo, đố dưới... không nghe đấy?
Đông quan chức quá, thành ra...ít việc. Vì có việc đâu để làm. Ví như
7 đoàn thể: Thanh niên, phụ nữ, phụ lão, cựu chiến binh..., đã có tới
14 cán bộ, nhưng có phải lúc nào cũng có "phong trào" hay "cuộc vận
động"? Mà mỗi thôn, 2 người phụ trách bất kỳ đoàn thể nào cũng được
hưởng phụ cấp 200 cân thóc/ năm.
Thành thử, so với hiệu quả công việc- ngồi "đuổi ruồi", thì thật ra
thu nhập của các quan chức xã này vẫn rất...cao. Dân thì lúc nào cũng
chổng mông ngoài đồng, bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Thế nên, càng
dễ ấm ức. Nhất là khi ngày ngày vác cuốc ra đồng, nhìn thấy nhà bác Chủ
tịch xã to vật vã.
Dân nghèo, xã nghèo, nhưng nhà Chủ tịch xã to như biệt phủ. Ảnh: Nongnghiep.vn
Lâu nay, chẳng ai còn lạ về cái sự "vì người, đặt việc" ở nhiều cơ
quan, công sở. Người viết bài đã từng được làm việc ở một vụ, mỗi quan
chức phụ trách... hơn 1 nhân viên cơ mà (!) Nhưng cái sự "khủng" của bộ
máy quan chức ở Quảng Vinh, quả thật quá sức chịu đựng của dân.
Công cuộc cải cách hành chính và tinh giản biên chế triển khai đến
nay, có lẽ đã được gần 1 giáp- 12 năm. Vậy nhưng, cứ nhìn vào xã Quảng
Vinh, nhìn vào bộ máy "khủng" của xã này, người ta sẽ thấy ngay hiệu quả
của cải cách hành chính ra sao?
Đâu phải cứ đến cơ quan công quyền Nhà nước, công sở hoành tráng,
sáng choang, người dân mới bị "hành là...chính". Ngay nông dân Quảng
Vinh, chỉ cắm cúi một nắng hai sương trên cánh đồng, chẳng mấy khi đi ra
khỏi lũy tre làng, cũng còn bị... hành khốn khổ. Mới hay, cái "chân
rết" của bộ máy hành chính (đang phải cải cách) vẫn chả tha ai.
Thanh Hóa vốn là tỉnh mấy năm nay cứ đến kỳ giáp hạt, lại phải kêu cứu TƯ hỗ trợ gạo để nuôi dân.
Nhưng giờ, chắc chắn đến lượt người dân, như xã Quảng Vinh, phải vác rá vay gạo để nuôi cán bộ.
Họ ức là phải.
Còn nhiều người dân trong xã hội, nhìn vào hoàn cảnh "quan giầu, quan
nghèo" nói trên, hẳn đều... khóc (theo cách của mình), vì hổ thẹn và
ngượng thay!
Kỳ Duyên