Người Buôn Gió
Tối thứ 6 ngày 28/6 hai bố con về đến sân bay Nội Bài, sau một chuyến bay kéo dài 5 tiếng đồng hồ từ Sài Gòn ra Hà Nội. Máy bay đến Hà Nội đúng giờ nhưng do thời tiết xấu, phải quay lại Đà Nẵng dừng lại đổ nhiên liệu nằm chờ thời tiết Hà Nội ổn mới bay tiếp.
Sáng thứ bảy hẹn bọn Lã Dũng, Lân Thắng, Xuân Diện cà fe gửi quà chuyến đi. Vì nhà Diện dạo này đông người lạ luẩn quẩn, nên anh em tính cà fe ngay dưới chân nhà Diện cho Diện khỏi phải đi đâu. Đám thanh niên lạ mặt kia thấy mấy thằng tụ đến có vẻ hoạt bát hẳn lên, đi lại, điện thoại nháo nhác. Đang cà fe thì điện thoại trong túi quần mình rung, chưa rút ra khỏi túi mình nói.
- Điện này chắc của an ninh đây.
Mở ra nghe, thì ra đúng an ninh thật. Cậu an ninh Sài Gòn canh gác mình ở khách sạn năm ngoái. Cậu nói
- Anh ở đâu anh em mình gặp cà fe tí, vào chả báo gì em.
Cậu ta năm ngoái (cả năm kia nữa) đều canh giữ mình. Thái độ thì nhiệt tình, săn sóc chu đáo, lúc rảnh cậu ta ngồi đọc báo hoặc chơi game. Có lúc ngứa tay mình đòi máy chơi cậu ta cũng đưa. Thật ra cậu chỉ canh năm kia thôi, nhưng năm ngoái mình bị giữ lại ở SG. Thấy mặt cậu ta ở đó nên mình chỉ bảo cho cậu này ở lại với tôi. Thế là sếp cho cậu ta ở lại, cậu ta ì xèo với mình là em trực cả ngày rồi, anh chỉ ai không chỉ lại chỉ em. Mình bảo mày mà ì xèo là tao giở trò đấy, tao làm đéo gì mà giữ tao, thích tao làm ầm lên không. Cậu ta cười, mình cũng cười xoà. Thế là hai thằng chụm đầu xem độ bóng đá.
Lần này chắc sếp cậu ta bảo gọi điện. Mình trả lời điện thoại.
- Không dại cà fe với mày, để mày bắt anh như lần trước à.
Cậu ta.
- Bắt gì, anh em lâu ngày không gặp nhau, cà fe nói chuyện chứ em bắt anh làm gì.
Mình nói.
- Thôi cứ sáng mai mày ra chỗ nào đông người là thấy anh.
Cậu ta nài gặp nhau chuyện hôm nay đã, mai lại gặp sau. Mình nói thật.
- Anh về Hà Nội rồi. Thôi lần khác anh vào cà fe sau.
Cậu ta có vẻ vui. Lát sau điện thoại mình lại rung, thì ra công an Hà Nội. Lần này điện thoại đề nghị mai mình ở nhà không nên đi ra ngoài hồ. Mình bảo sẽ không đi biểu tình mà chỉ đi chụp ảnh biểu tình thôi, giờ tôi đang đi đường nghe điện thoại không tiện. Quân tử nhất ngôn, đúng là sáng hôm sau mình chỉ có chụp ảnh từ đầu đến cuối. Không hề hô khẩu hiệu, không cầm khẩu ngữ, băng rôn, đi đúng hè đường.
Quay lại chuyện với mấy anh em, thì ra ông nào cũng bị lằng nhằng. Chán quá bảo nhau thôi dạt vòm mẹ nó đi cho đỡ nhức đầu. Xuân Diện về nhà lấy balo, mỳ tôm rồi theo Lã Dũng ra ngoại ô kiếm chỗ trong lành, yên tĩnh để thao thức ngắm trời mưa. Lân Thắng than trên facebook của hắn là - việc từ giờ đến tối duy nhất là cắt đuôi. Còn mình về nhà bàn giao Tí Hớn cho mẹ nó rồi khoác balo đi. Mẹ nó hỏi.
- Mai ra đó nó lại bắt thì sao?
Mình trả lời.
- Nó bắt thì lên mạng đọc tin biết ngay. Mà mình làm quái gì đâu mà bắt.
Vợ mình gật đầu.
- Ừ nghĩ ra thì mình có làm gì đâu nhỉ? Sáng mai hai mẹ con sang nhà bà nội nhé, nhớ về đó ăn cơm, thế xe cộ thế nào?
Mình không buồn trả lời đi luôn, đứng thêm tí nữa thằng Tí Hớn nó đòi theo thì mệt. Té về nhà Phất Lộc ngủ cho sáng hôm sau ra hồ gần, đi bộ vài trăm mét là tới điểm tập kết.
Sáng dậy trời mưa, não nề quá nhưng nhìn trời kỹ thấy có vẻ mưa cũng chỉ đến tầm 2 tiếng nữa là tạnh. Mà bây giờ là 7 giờ, hy vọng vẫn có cơ hội. Vào mạng đọc tin tức thấy tin từ hiện trường đưa về trên trang basam hơi thất vọng. Trời mưa, mọi thứ yên tĩnh, quân ta không có mà quân mình cũng không. Nghĩa là chả có an ninh, cảnh sát và cũng chả có người biểu tình luôn.
7 giờ 30 anh Đăng con nhà văn Xuân Sách gọi điện rủ ra ngõ Trung Yên ăn phở Sướng. Anh Đăng giờ làm ở Cà Mau, tranh thủ thứ bảy bay về để sáng chủ nhật ra hồ hít thở không khí Hồ Gươm cho đỡ nhớ nhà. Đêm qua anh ấy bay về Hà Nội cũng bị thời tiết xấu, nhưng sáng ra phong độ vẫn ngời ngời, lên chức ông mà vẫn hoành tráng thế cũng đáng nể. Bảo sao bà xã anh ấy hay lo lắng chuyện anh đi làm xa.
Ăn phở xong uống trà ở Đinh Liệt thì điện thoại có đầy số lạ gọi, nhưng máy móc làm sao cứ alo là tịt. Lạ thay có số alo thấy tiếng thì lại là số cảnh sát khu vực, hỏi anh ở đâu. Trả lời anh ở Hồ Gươm. Anh về nhà ngay có việc. Việc thì cũng đợi tạnh mưa, giờ nước ngập đến thắt lưng anh không về được, em không tin thì ra đây mà xem. Anh không về thì anh ở đâu ngồi yên đó em ra. Anh ngồi chỗ Đinh Liệt em đến anh chờ.
Hai anh em thấy đã 8 giờ, quyết định cứ ra vườn hoa Lý Thái Tổ xem sao. Đến nơi thấy ai đó đang đẩy bà Lê Hiền Đức. Còn tiến sĩ Nguyễn Quang A cầm ô đứng sừng sững giữa quảng trường như cây thông. Mình bèn nhảy xuống bảo anh Đăng ra gửi xe, mình nhào vô chụp ảnh tá lả. Người kéo đến đông thêm, an ninh, cảnh sát cũng dày đặc nhưng họ chỉ đứng nhìn. Có hai đàn ông dáng châu Á mắt một mí đến chụp ảnh bị ba an ninh sắc phục ngăn lại, họ nói korea gì đó nên không bị ngăn nữa.
Trời lại mưa dày dặc. Một lá quốc kỳ rất to do một trung niên mang tới khua phấp phới trong màn mưa.
Mắt nhắm, mắt mở chụp bét nhè xong. Mở ra thì thấy người quen đầy đặc ông Đậu, anh Tường Thuỵ, Quốc Ngữ,Viễn, Duy Quyền, Anh Chí, Dũng Mai, Jb Vinh... Chị Thuỳ Linh, Mỹ Hạnh, Hiền Giang, Phương Bích...nhiều người quen nữa. Nhưng lúc này chả thấy thằng Phương đâu, đang băn khoăn thì thấy nó đến. Mọi người đứng sắp hàng căng khẩu ngữ chụp ảnh. An ninh cũng quay phim, chụp ảnh nhiều vô kể các loại an ninh quận, thành phố. Mình lướt qua thấy lạ là không thấy đám trinh sát theo dõi mình mọi khi của A67( cục chống phản động trong nước thuộc khối bảo vệ chính trị nội bộ thuộc BCA) hay là đổi quân rồi nhỉ, thế này lại phải ghi nhớ từ đầu rồi. Cả năm qua quen thuộc từng đến cả chục khuôn mặt và biển số xe, giờ nạp lại vào bộ nhớ thêm chục khuôn mặt mới thì hơi mệt đây.
Đoàn biểu tình đi đến qua bưu điện, mình nói với thằng Phương.
- Đi nhanh qua đoạn này đê, dớp lần trước anh em mình bị bắt ở đây đấy.
Thằng Phương cười nhạt.
Mình té nhanh lên trước, đến đoạn Tràng Thi- Đinh Tiên Hoàng đứng đợi.
Đoàn được khoảng hơn 200 người, ông Tường Thuỵ đứng cạnh hỏi mình được bao nhiêu người, mình bảo 500 đấy. Ông ý cãi chỉ khoảng 200, mình mặc cả 300. Ông ý gật đầu, cái lão mắt lèm nhèm này thế mà cũng tinh phết.
Đến ngã tư Đinh Tiên Hoàng- Tràng Thi đoàn dừng lại hướng ra đường giơ băng ron, khẩu hiệu phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc đối với chủ quyền Việt Nam. Người đến đông thêm, dừng lại lúc thì đoàn tiến dọc Tràng Thi về phía đại sứ quán Trung Quốc. Lúc này có thêm nhiều người nữa.
Trời mưa, đi khá vất vả, ác nhất là có lúc trời tạnh, có lúc lại mưa nặng hạt. Áo mưa cứ cởi ra cởi vào. Đoàn người biểu tình đi và đoàn người kèm biểu tình cũng đi bên cạnh.
Đến gần khu vực vườn hoa Lê Ninh, một cảnh tượng hùng tráng hiện ra trước mặt đoàn biểu tình, cảnh sát, an ninh, dân phòng,sinh viên tình nguyện ( loại thật?) dây chắn, xe phá sóng, xe biển xanh dày đặc dàn quân chắn đằng trước. Đằng sau an ninh thường phục khoá hậu. Đoàn dồn sang đường đối diện với đại sứ quán Đức và dừng lại ở đó.
Có tiếng loa giọng nữ rất nhẹ nhàng nói đại loại hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận, nhưng đấu tranh còn lâu dài và nhiều cách, bà con nên giải tán để giữ gìn an ninh trật tự.
Đoàn quay lại đi về Hồ Gươm theo hướng Hàng Bông, Hàng Gai.
Ra đến tượng đài Cảm Tử đoàn dừng lại cho hai nhạc sĩ violo và saxsophon chơi những bản nhạc yêu nước, chụp ảnh lưu niệm, hát bài hát yêu nước rồi giải tán êm ả.
Tổng kết.
Người biểu tình đi trật tự, ôn hoà.
Phía chính quyền cũng vậy. Không có thường phục đeo băng đỏ, không có xe buýt, không có cảnh sát cơ động. Dường như chính quyền chủ động nắm rõ tình hình , tâm lý của đoàn biểu tình nên đã có những giải pháp khiến mọi việc suôn sẻ êm ả.
Mình về sớm hơn, để lượn quanh quan sát những cơ quan hành chính đầu não ở thủ đô, cả đài tiếng nói, đài truyền hình... không thấy bảo vệ ngiêm ngặt gì cả. Mọi thứ bình thản như thường. Xem để rút ra một điều bổ sung chắc chắn vào luận cứ là chính quyền hiểu rõ tâm lý, thành phần, tình trạng người biểu tình yêu nước. Nên không phải lo lắng phòng bị về cái chuyện bọn gây rối lợi dụng để bạo loạn ( sách về cái này mình có hơi nhiều toàn do tổng cục 2 quân đội dịch từ Trung Quốc ).
Thỉnh thoảng vài cây bồi bút, chắc tiêm nhiễm loại sách Tàu này nhiều. Mới đưa bài nâng quan điểm , nâng sự quan trọng, tầm nguy hiểm của biểu tình yêu nước thành nguy cơ bạo động, bạo loạn để hù dân, hoặc thể hiện lòng trung trinh biết lo xa cho chế độ. Chứ quan sát thực tế diễn biễn của các cơ quan vũ trang tại Hà Nội thì thấy ngay là nhà nước chả lo lắng gì chuyện những người biểu tình yêu nước đến mức độ đó cả. Có chăng chỉ vài đại đội cảnh sát cơ động trực chiến tại đơn vị cho thêm phần phòng ngừa là đủ.