Hoa Mặt Trời
Nước Vệ, triều Sản,
Đời sống dân tình lao đao vì vật giá phi mã, nạn cướp giật nổi lên
khắp nơi. Ngoài khơi thì nước Tề cho tàu thuyền nghênh ngang đi lại, xua
từng đoàn thuyền vào lãnh hải của Vệ để đánh bắt cá, có khi còn vào
thẳng trong vùng bể của Vệ thả bè nuôi cá. Ở nhiều nơi, người Tề còn thu
mua đất lập trang nương như ngay tại nước Tề.
Có những người tâm huyết với đất nước, rủ nhau đến quán dịch của Tề
tại kinh thành để phản đối. Quần thần của Tề giận lắm, tranh nhau dâng
sớ đòi thảo phạt Vệ nhằm dạy cho một bài học. Vệ Vương cả kinh, không
thể ra tuyên cáo cấm không được phản đối Tề vì như thế là đi ngược lòng
dân, còn để cho dân tình tụ tập phản đối Tề thì không được lòng thiên
triều, e rằng chẳng còn giữ được ngai vàng.
Vệ Vương bèn họp với các đại thần tìm cách đối phó. Các quan cùng châu mày nghiêm mặt, vì xem ra chưa tìm được kế sách hay.
Tể Tướng Bạo, sau mấy vụ đưa con cháu lên làm quan, lại làm ngơ cho
bọn trọc phú cùng với Thượng thư Bộ Hộ tác oai tác quái rút tỉa ngân
khố, thôn tính các ngân hàng, nên bị quần thần chỉ trích, vì vậy chẳng
mở lời. Song vì Vệ Vương hỏi mãi, Bạo bèn hiến kế:
- Triều đình không thể ban chiếu mà cấm dân phản đối Tề gây hấn, như
thế các nước lân bang sẽ dị nghị bảo ta nô lệ cho Tề, còn để cho bọn
thảo dân tụ tập phản đối, thì làm mất lòng Tề, e rằng khó giữ được ngai
vàng. Chi bằng cứ cho sai nha giả dạng làm côn đồ, đến đánh đập bọn thảo
dân kia ắt chúng sẽ sợ hãi mà không dám phản đối. Kế này thiên triều
vẫn dùng gọi là "ném đá giấu tay". Vậy vừa dẹp được bọn thảo dân tụ tập
phản đối thiên triều, vừa không phải sợ lân bang dị nghị.
Vệ Vương và quần thần cho là thượng sách, bèn tức tốc lệnh cho sai nha cứ ý kế của Bạo mà làm.
Thế là trong các phố thị, bọn sai nha giả danh côn đồ đi đánh đập những người biểu tình, cướp đồ và gây kinh hãi khắp nơi.
Bọn thảo khấu nghe được như thế, lấy làm mừng lắm, càng ra tay độc ác
và cướp bóc nhiều hơn, cứ như thể là chúng và sai nha của triều Vệ đã
là một, vì dân chúng chẳng còn biết đâu là con đồ thật và đâu là sai nha
giả danh côn đồ.
Chính vì thế, trong dân gian thời ấy, tiếng côn đồ vừa dùng để chỉ bọn côn đồ lẫn sai nha của Triều Sản.
(Viết theo cảm hứng của Đại Vệ Chí Dị)