Trang Hạ
Hồi xưa mình đi học lớp một, đúng ngay cái năm 1981 cải cách
giáo dục, chẳng biết cải cách những cái gì, chỉ biết là cả nhà và cả khu
tập thể ai cũng chửi sao chữ mày xấu thế hả con. Hổng hiểu luôn! Sau
này mới biết là năm đó cải cách, trẻ con học viết chữ y như chữ in trên
báo. Chữ nào cũng cụt lủn và thẳng đuỗn như xếp chữ bằng tăm. Viết chậm
vô cùng, chữ xấu vô cùng, mất cân đối và thiếu thẩm mỹ đến tận cùng. Kèm
theo đó là nết xấu cầy ngòi bút xuống mặt giấy. Vì đơn giản là chữ viết
thường có thể viết hết một chữ (3-4 chữ cái) chỉ bằng một nét bút, thì
chữ cải cách bọn mình chấm bút độ một chục nét chưa xong 1 chữ ấy! Ví
dụ, chữ “nghiêng” người ta viết đúng 1 nét xong thân chữ, chỉ cần chấm
dấu là xong, thì mình nhấc bút lên đặt bút xuống đúng 20 lần để viết
đúng 10 nét mới hết cái thân chữ!
Không rõ còn bạn nào nhớ cái công cuộc cải cách ấy không ta? Được 1
năm, hình như lứa đàn em sau mình thoát nạn ấy! Những bạn bè cùng lớp
đều lần lượt “cải tà quy chính” viết nắn nót theo cách bố mẹ dạy, riêng
mình bướng, mình khăng khăng chỉ viết như cô dạy đến cả gần 10 năm sau,
ngu thế cơ chứ! Làm chuột bạch cho ông bộ trưởng giáo dục mà không biết.
(Hồi đó ai làm Bộ trưởng giáo dục vậy ta?)
Mãi sau này mới hiểu, lối viết có thể học để thay đổi, nhưng tri giác
về nhịp điệu và thẩm mỹ thì không bao giờ còn học được. Chưa kể mình
được bonus luôn cái tính gàn! Cả lớp đã viết chữ “có bụng” từ đời nào,
mình ta chơi một kiểu chữ nòng nọc cụt đuôi!
Xong ì ạch học mãi mới hết cấp 2, bỗng dưng có lệnh trên truyền
xuống, học hết lớp 8, đứa nào không thích lên lớp 9 thì tao cho chúng
mày lên hẳn lớp 10 luôn cho nó oách! Giờ nghĩ lại thấy không biết đấy là
may hay khôn? Mình lên lớp 10, mình chưa từng học lớp 9 một ngày nào,
thế mà cũng chả chết! Giờ nghĩ lại mới băn khoăn, nếu ăn bớt một năm học
hành và kiến thức mà cũng chả ảnh hưởng gì tới tiêu chuẩn tốt nghiệp
cũng như tố chất cá nhân sau này, vậy, giá mà được ngồi trên ghế nhà
trường xã hội chủ nghĩa thêm 1 năm nữa, biết đâu mình đã thành… thiên
tài?!
Hoặc lật lại vấn đề theo góc nhìn thực dụng hơn của bà cô Thị Nở, đã
bớt được tại sao không bớt luôn đi cho bà con nhờ? Mà có những người như
mình đã ăn bớt được 1 năm, vậy sao Bộ giáo dục không nghĩ cởi mở một
chút, cho phép cả những đứa trẻ không đến trường học mà học ở nhà hoặc ở
nước ngoài với bố mẹ (ăn bớt học phí 12 năm nộp cho ngành giáo dục!)
được tham gia mọi kỳ thi tốt nghiệp y như học sinh khác, nếu các em ấy
có đủ trình độ? Hay chỉ cần ngồi cho đủ số ngày trên ghế nhà trường, thì
trình độ em dù dốt mấy, dù lớp 5 chưa biết đánh vần, dù lớp 12 vẫn phải
tung bài giải vào lớp thì đương nhiên được quyền thi mọi kỳ thi của Bộ,
may mắn hơn, còn vừa ngồi thi vừa chộp được đáp án của thầy cô vãi như
đạn vào phòng thi, kiểu gì cũng được Bộ giáo dục “gia ân” cho cái bằng
tốt nghiệp phổ thông? (phải gió cái anh Đồi Ngô, sao mà anh lại “lổi
tiếng” thế chứ lị!)
Xong rồi, mình thi vào Đại học, ngày trúng tuyển đại học, mình chắc
chắn là mình vào học trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ! Thế mà ngoằng một
phát, làm sao người ta học 4-5 năm mới xong 1 trường Đại học, thì mình
một lèo 4 năm học xong 3 trường đại học! Tốt nghiệp đàng hoàng! Phải nói
là hơi bị khủng của nó đấy!
Vì vừa vào học Đại học Sư phạm Ngoại ngữ học được vài tháng, thì mình
bỗng nhiên trường đổi tên thành Đại học Ngoại Ngữ (thế là mình thành
sinh viên Đại học Ngoại ngữ!) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (thế là
mình thành sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội!). Về khoe cả nhà rất là
oách! Xong, lúc đó giáo viên thông báo là các em sẽ trở thành sinh viên
của… Đại học Đại cương (Trời ơi!) Bao giờ học hết năm thứ 2 đại học, các
em sẽ thi “vượt rào” để lên năm 3! Tuy nhiên vì đang còn chờ cơ chế nên
hiện tại, khi chưa biết đầu cua tai nheo ra sao, các em cứ là sinh viên
của… Đại học Ngoại ngữ, thế đã ha!
Mình về khoe bà cụ nhà mình, mẹ ơi con không biết từ giờ đến lúc tốt
nghiệp ĐH, con sẽ cầm tấm bằng ghi cái trường gì trên đó nữa! Quả nhiên
không phụ công mong đợi của mình, mình đã tốt nghiệp cả Đại học Sư phạm
Ngoại Ngữ, lẫn Đại học Ngoại ngữ và Đại học Quốc gia, thiệt tình, cảm
giác như bản thân mình là một con bò được buộc dây dắt qua cổng trường
Quốc gia, người ta muốn gài lên sừng bò cái tên gì cũng được hết á!
Gần đây có lần đi nói chuyện ở một đơn vị giáo dục về… giáo dục, mình
bảo, cái tuyệt vời nhất của giáo dục Việt Nam là nó làm cho người ta
nhận ra rằng, được hệ thống của Bộ Giáo Dục giáo dục xong chúng ta còn
thiếu rất nhiều thứ, cái gì cũng phải tìm cách để bổ túc cho bản thân,
từ quan điểm cho tới thông tin, từ triết lý cho tới tinh thần nhân văn.
Thậm chí cầm bằng này đi làm nghề khác mà vẫn thấy đại học là cửa phải
qua cho bằng được! Chứ mấy cái hệ thống giáo dục Anh Mỹ Tây Âu chỉ đẻ ra
mấy anh tầm phào tự tin quá đáng về bản thân mà thôi, cầm bằng xong là
tin cái bằng cấp đó giúp mình vào đời được, nói thật làm người như thế,
lập thân lập nghiệp được nhờ giáo dục như thế thì… dễ lắm, ai chả làm
được, có gì mà ghê gớm! Hi hi.