Huỳnh Ngọc Chênh
Dù ông Nguyễn Phú Trọng được cho là giáo sư tiến sĩ về chính trị
nhưng tôi không tin rằng ông hiểu những gì mình nói khi phát biểu: Hư
hỏng, tham nhũng, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có... song
phải có cái nhìn khách quan, biện chứng để không mất phương hướng...
Không thể nào chối cãi tình trạng tham nhũng càng lúc càng nghiêm
trọng như hiện nay là do hệ thống đầy lỗi nầy tạo ra. Một hệ thống nhà
nước mà ba quyền không phân lập, tất cả đều nằm trong tay của đảng kể cả
đệ tứ quyền là quyền tự do ngôn luận của người dân thì không thể nào
không đẻ ra tham nhũng.
Từ xưa đến nay, đảng luôn luôn hô hào chống tham nhũng, luôn luôn kêu
gọi cán bộ đảng viên phải học tập đạo đức Hồ Chí Minh, phải luôn giữ
mình thanh liêm trong sạch để tránh xa mọi cám dỗ, để khỏi bị lôi vào
vòng xoáy tham nhũng.
Thế nhưng tham nhũng càng lúc càng tăng chứ không hề suy giảm, cả về lượng lẫn chất.
Tất cả những lời kêu gọi hoặc hứa hẹn chống tham nhũng của các vị
lãnh đạo cao cấp của đảng đưa ra đều có tính mị dân vì không thể nào
đứng trong hệ thống nầy mà chống được tham nhũng.
Chống tham nhũng là tạo ra cơ chế hợp lý để hạn chế, ngăn ngừa và chế
tài hiệu quả những hành vi tham nhũng chứ không chỉ hên xui dựa vào đạo
đức của các cá nhân có chức quyền trong hệ thống. Cơ chế hợp lý đó là
một nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập để các cơ quan quyền lực
kiểm soát lẫn nhau bên cạnh sự kiểm soát của toàn dân thông qua cơ quan
dân cử và các cơ quan ngôn luận. Các vị có giám làm vậy hay không rồi
mới nói đến chuyện chống tham nhũng.
Nhìn khách quan về tham nhũng là phải nhìn như vậy, nghĩa là phải
đứng ra ngoài hệ thống nhìn vào. Một cái nhìn từ bên ngoài, không bị hệ
thống chi phối mới được gọi là cái nhìn khách quan.
Nhìn biện chứng về tham nhũng nghĩa là phải gắn tệ nạn tham nhũng nầy
vào hệ thống sản sinh ra nó, để thấy sự vận động của nó theo sự vận
động của hệ thống hầu nhìn nhận ra căn nguyên, thực trạng và tìm ra được
giải pháp hợp lý để triệt tiêu nó. Điều đó có nghĩa là muốn chống tham
nhũng hiệu quả thì phải thay đổi hệ thống đầy lỗi sản sinh ra nó.
Ông Trọng phán: nhìn tham nhũng phải nhìn khách quan, biện chứng để không mất phương hướng
nhưng ông lại đứng trong hệ thống đẻ ra tham nhũng để nhìn và khi nhìn
thì ông lại không gắn sự vận động của tệ nạn tham nhũng vào với sự vận
động của hệ thống nên chính ông đang mất phương hướng khi nói ra những
điều nầy.
Ông có dám đứng ra ngoài hệ thống để nhìn vào không? Ông có dám thay đổi hệ thống này không?
Hoặc giả là ông nói cho có chữ trong kinh sách để lòe mọi người là
ông có trình độ lí luận chứ ông cũng không một chút hiểu biết gì về
những điều mình nói.
Do vậy, với tôi, ông Trọng cũng chỉ là một anh cử nhân văn chương
không hơn không kém, còn những bằng cấp cao hơn về chính trị của ông tôi
không tin chút nào.