Đào Tuấn
Đôi khi tư duy sổ toẹt đường mồm của một phụ nữ thị
dân văn hóa “không dài lắm” rất dễ được chặc lưỡi ném vào sọt rác.
Nhưng một bộ luật cho Thủ đô mà được xây dựng bằng thứ tư duy “tuyển
hàng” thì kể cũng lạ.
Báo điện tử Phunutoday vừa có một bài chửi bới tuyệt vời dưới cái tít “Đừng nghĩ ở Hà Nội 10 năm là thành người Hà Nội”.
Bải báo dẫn lời một phụ nữ 85 tuổi ở phố Thuốc Bắc “tự hào là một
người con gái Tràng An thanh lịch, tử tế” ta thán: “Giờ người tứ xứ khắp
nơi đổ về, họ làm hỏng hết Hà Nội, chỉ toàn thấy những điều mất dạy, hư
hỏng”.
Hai từ “mất dạy, hư hỏng” được phun đi phun lại.
Cụ bà của hiếm Tràng An còn hạ những câu “búa tạ”: “Những
thói hư tật xấu, tất cả đều do người ngoại tỉnh mang về”; “lối sống
buông thả, xem nhẹ giá trị đạo đức của những người tỉnh lẻ mà ra”. “Cái
văn hóa thấp, cái cách giáo dục kém của người tỉnh lẻ nên mọi giá trị
mới bị đảo lộn như vậy”; “họ bất chấp tất cả liêm sỉ, danh dự, lòng tự
trọng”. Con gái tỉnh lẻ thì được coi là “ranh mãnh, giỏi mồi chài”; Con
trai thì “không đầu gấu cũng bảo kê”. Rằng: con người tỉnh lẻ “không có
điểm gì tốt”, lại “bảo thủ không chịu học hỏi”, đã “ăn nói vô duyên lại
thiếu văn hóa”. Và “thanh lịch” nhất là bình luận: “Nhưng người tỉnh lẻ
đừng ngu muội nghĩ rằng mình sống ở Hà Nội mười năm hay hai mươi năm là
thành người Tràng An”.
Quả là một thứ Củ- chứ không phải cụ- chuối Tràng An, trong một thứ
“tư duy chuối cả nải”. Một quan điểm đáng được coi là sướng miệng một
cách “bệnh hoạn” trong những sự bệnh hoạn nhất. Một bài báo điển hình
của loại báo chí “không một nếp nhăn tư duy”. Và một tờ báo “vịt ăn cải”
điển hình.
Khi đọc xong bài ném đá, những người tỉnh lẻ hẳn sẽ… nhếch mép. Những
người Tràng An, trước những lời lẽ “buôn cải” hẳn sẽ tự an ủi chắc cụ
bà 85 tuổi người Tràng An, nhưng là Tràng An “hàng fake”. Còn những
người Đà Nẵng, Hải Phòng, TP HCM - không Tràng An, không tỉnh lẻ, chắc
không ngậm miệng lại được khi phát hiện ra thêm một phẩm chất, đúng hơn
là một năng lực- của người Tràng An Nguyễn Tuyết T: “Ném đá hội nghị”.
Có lẽ, Phunutoday, một tờ báo “cương quyết không lá cải”- đã thành
công trong việc khắc họa một bài chửi đời mới giả nhãn “made in Tràng
An”.
Điểm đáng lưu ý duy nhất, phá hỏng bài chửi, cũng như tác phẩm báo
chí hoành tráng là bức ảnh “bà cụ Tràng An xịn”, mặc đồ ngủ, tám chuyện
trên vỉa hè, quay… hông về phía ống kính. Tên bà, cũng được viết tắt.
Cứ tạm tin coi như Phunutoday không bịa ra bà “thần đá Tràng An”, thì
đó vẫn cứ là cái thế chửi nặc danh. Và từ cái thế chửi, cho thấy cách
chửi: Đây là một kiểu chửi đổng.
Không muốn, nhưng chắc chắn bạn đọc của Phunutoday cũng buộc phải tin
rằng, cô phóng viên- rất nhiều khả năng là một nữ PV dù không đề tên-
hẳn phải là một người Tràng An xịn, và đang “căm thù tỉnh lẻ sâu sắc”.
Còn BBT Phunutoday, có vẻ đang muốn tạo ra một thứ “văn hóa dân gian
thời”… today.
Nhẽ ra, bài chửi này sẽ được đưa vào mục spam nếu, rất không tình cờ-
Đà Nẵng không, cương quyết một cách bất chấp- tiếp tục hạn chế nhập cư,
và câu chuyện sức ép dân số tại Thủ đô đang được đưa ra bàn thảo trong
một hội thảo của Hà Nội và Bộ Tư pháp.
Đây là đoạn “lý luận nghị trường”, cơ sở để Đà Nẵng ban hành nghị
quyết 23 “hạn chế”- thực chất là cấm- nhập cư: “Sức ép nhập cư khiến một
bộ phận lớn dân nhập cư không có nhà cửa, không có nghề nghiệp hoặc có
nhiều tiền án, tiền sự ồ ạt đổ về các quận nội thành, nơi có mật độ dân
số đô thị thuộc loại cao nhất cả nước hiện nay, làm sức chịu đựng của hạ
tầng giao thông, y tế, giáo dục bị quá tải; tội phạm diễn biến hết sức
phức tạp, gần 50% các vụ phạm pháp hình sự thời gian qua không phải là
dân địa phương”. Đọc đi đọc lại, tư duy “lý luận nghị trường” này không
mảy may khác thứ chém gió vỉa hè của cụ bà Tràng An. Tất cả những điều
đó, giả sử đúng là do người nhập cư tỉnh lẻ gây ra, cũng không phải là
lý do để có thể ban hành một nghị quyết mà theo Bộ Tư pháp là “trái với
quy định pháp luật về cư trú, không có cơ sở pháp lý, là một hình thức
hạn chế quyền tự do cư trú của công dân”.
Nhưng bỏ qua việc Bộ Tư pháp phùng mang trợn má “thổi còi”, tuần
trước, một quan chức Đà Nẵng khẳng định tiếp tục thực hiện việc hạn chế
nhập cư mà trước mắt, thành phố loại I này sẽ dừng giải quyết đăng ký
thường trú đối với những trường hợp thất nghiệp, hoặc có nhiều tiền án,
tiền sự.
Người tỉnh lẻ hẳn còn chưa quên phát biểu nổi tiếng của Bí thư Thành
ủy Nguyễn Bá Thanh: “Phải biến Đà Nẵng thành đô thị đáng sống chứ không
phải là thành phố chán sống”. Nhưng dường như với cái cung cách “rào
làng” để “tuyển dân” thì sự “đáng sống” của người này rõ ràng nằm trên
sự chán sống của những người khác- dù trên trán đều dán nhãn chung,
tưởng như công bằng- là công dân.
Ở Hà Nội, Luật Thủ đô lại được đưa ra bàn thảo- không rõ là lần thứ
bao nhiêu quanh quy định cũng sặc mùi “tuyển hàng”: “phải có việc làm
hợp pháp hoặc có thu ổn định” trong khi thế nào là “thu nhập ổn định”
thì một Phó Chủ nhiệm VPCP cũng vẫn phải thẳng thắn là “hiện chưa có
công cụ kiểm soát”. Ấy là chưa kể đến câu chuyện “vác chiếu ra Bờ Hồ”
của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khi ông từng cương quyết: “Trong các điều
kiện để được đăng ký thường trú ở nội thành thì “có nhà ở” là quan trọng
nhất, vì không thể để trường hợp không có nơi cư trú thì vác chiếu ra
nằm ở Bờ Hồ”.
Có lần, Tuổi trẻ đã hỏi thẳng rằng phải chăng Đà Nẵng đang lựa chọn
công dân cho mình. Và bạn hãy đọc kỹ câu trả lời sau đây của người lãnh
đạo cao nhất của Thành phố: Hạn chế, tạm dừng nhập cư đối với một số
người chứ không phải dừng nhập cư với tất cả mọi người và là tạm dừng
nhập cư vào nội thành chứ không phải tạm dừng nhập cư toàn TP. Nói
không, nhưng câu trả lời lại là có.
Chẳng có gì là lạ với “tư duy chọn dân theo phong cách tuyển hàng”.
Bởi tiền lệ đã từng xảy ra hồi năm 2004, khi các nhà quản lý giao thông
Thủ đô nghĩ ra quái chiêu “cấm xe máy ngoại tỉnh”. Cái xe nào cũng làm
tắc đường, nhưng chỉ cấm đối với xe ngoại tỉnh.
Thế là ở Đà Nẵng, người thất nghiệp khó “học đòi” được làm công dân
thành phố, kẻ tay đã chót nhúng tràm cũng chẳng còn cơ hội hoàn lương.
Trong khi ở Thủ đô, chính quyền chỉ “tuyển” dân có việc làm, có thu nhập
ổn định, không vác chiếu ra nằm Bờ Hồ, và không biết chừng, phải “thanh
lịch, văn minh” như ý kiến của cụ bà Tràng An xịn.
Đôi khi tư duy sổ toẹt đường mồm của một phụ nữ thị dân văn hóa
“không dài lắm” rất dễ được chặc lưỡi ném vào sọt rác. Nhưng một bộ luật
cho Thủ đô mà được xây dựng bằng thứ tư duy “tuyển hàng” thì kể cũng
lạ.