Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Ngọn đuốc sống

Một người Tây Tạng lưu vong trẻ tuổi tự đốt cháy thân thể mình và chạy trên đường phố như một ngọn đuốc sống. Bức ảnh, được tình cờ chụp lại, trở thành thần tượng của cuộc chống đối và tấm gương cho những người tự thiêu khác.

Dialika Neufeld
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 26 / 2012

Phần còn lại của thân thể anh ấy nằm trong một cái túi nhựa màu vàng của hiệu H&M, một đốt xương sống, một mảnh xương to và nhiều mảnh xương nhỏ, một nắm bụi màu xám.
Nhưng Jamphel vẫn còn đó.
Jamphel Yeshi đang tự thiêu
Jamphel Yeshi đang tự thiêu. Ảnh: Manish Swarup / DAPD
Anh ấy còn đó, mỗi buổi sáng, khi những người cùng sống chung trong căn hộ với anh ấy thức dậy và mặt trời mọc trên khu phố Tây Tạng của Delhi. Anh ấy vẫn còn với họ, khi họ bàn về quê hương của họ trong căn hộ chung của anh ấy, mười thước vuông với năm tấm đệm ở trên sàn. Anh ấy ở trong những con hẻm nhỏ quanh co của Majnu-ka-Tilla, nơi những lá cờ cầu nguyện bay trên mái nhà trong màu xanh lá cây, vàng và xanh nước biển và những người phụ nữ già bán momo của họ, bánh hấp có nhân rau quả. Có lẽ anh ấy cũng ở chỗ họ khi truyền hình đang chiếu một phim hành động vào buổi chiều ngày hôm đấy.
Jamphel Yeshi vẫn còn ở đấy, vì linh hồn của anh ấy không thể biến mất.
Anh ấy 27 tuổi, một thanh niên có đôi má dâng cao lên khi anh ấy cười, người thích làm thơ và ngồi trong quán trà để đọc sách. Anh ấy còn đi qua cuộc sống 49 ngày, ở đây họ tin vào điều đó, những người Phật giáo Tây Tạng, những người bạn của anh ấy tin vào điều đó, Tsering, người em họ của anh ấy tin vào điều đó.
Nhưng Jamphel Yeshi cũng còn ở đó, vì có bức ảnh đấy, cái không ai có thể quên được.
Nó được dán lên tường nhà trong Delhi và Dharamsala, trong những cộng đồng Tây Tạng lưu vong trên khắp thế giới. Nó lảng vảng trong Internet. Tờ “New York Times” in nó, tạp chí “Stern” và tờ “Guardian” của Anh quốc. Hai ngày sau khi bức ảnh thành hình, Jamphel Yeshi qua đời.
Bức ảnh được chụp vào ngày 26 tháng 3 của năm nay, vào một ngày thứ hai. Nó chụp Jamphel Yeshi, vừa sau sinh nhật lần thứ 27 của anh ấy, đang chạy trên một con đường đông người. Anh ấy mặc quần jeans và áo có tay được xắn cao lên. Anh ấy chạy sải bước dài. Kéo theo ở phía sau một đám khói đen và một quả cầu to bằng lửa.
Jamphel Yeshi đã tự thiêu. Anh ấy đã uống xăng từ trong chai Cola trước đấy và đổ chúng lên thân thể của mình và đã đốt lửa. Anh ấy chạy xuyên qua đám đông của hàng ngàn người Tây Tạng, những người đã tụ họp lại vào ngày hôm đó để phản đối chuyến viếng thăm Ấn Độ của chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, chống lại sự đàn áp trong đất nước là quê hương của anh ấy. Miệng của anh ấy mở rộng. Và những người mà anh ấy đến gần đều có thể ngửi được anh ấy, nghe anh ấy hét lên. Cho một Tây Tạng tự do.
Anh ấy chạy được 50 mét, rồi ngã quỵ xuống dưới một gốc cây. Các vết bỏng, bác sĩ nói sau đấy trong bệnh viện, chiếm 98% diện tích của cơ thể anh ấy. Anh ấy còn sống được hai ngày, Jamphel Yeshi, đứa con của một gia đình nhà nông từ Dawu ở miền Đông của Tây Tạng, học viên trong một khóa học về máy tính. Anh ấy hỏi bạn bè của anh ấy trong bệnh viện: “Tại sao các bạn lại không để cho tôi tự thiêu chứ?”
Jamphel là người Tây Tạng tự thiêu để phản đối thứ 30 trong vòng 12 tháng. Từ sau khi anh ấy qua đời vào cuối tháng 3, thêm 11 người nữa tự thiêu trong Tây Tạng, thứ tư vừa rồi có hai nạn nhân tạm thời là cuối cùng. Một người nữa ở Ấn Độ nhảy từ trên một cây cầu xuống. Đó là đàn ông và phụ nữ, nhà tu và học sinh, nữ tu và nông dân.
Tại các quầy hàng ở chợ trong Delhi và Dharamsala người ta bán DVD: “Real Tibetan Super Heros” là tên của những cuốn phim đó, những cuốn phim chiếu cảnh Jamphel đang cháy. Bạn bè của anh ấy bán áo thun, có cổ loại polo hay không có, hàng chữ “Tibet is burning” ở trên đó. Ở mặt sau, người ta nhìn thấy Jamphel đang cháy.
Trong Tây Tạng và ở nơi lưu vong, những người chết đó được tôn sùng như những người chết vì nghĩa. Nhưng không có ai nổi tiếng như Jamphel Yeshi. Chỉ từ anh ấy mới có tấm ảnh đấy, cái thành hình vì ngẫu nhiên có ai đó bấm máy khi anh ấy đang đứng trong lửa. Với tấm ảnh đấy, anh ấy đã trở thành một người anh hùng áp phích. Trở thành một Che của Tây Tạng. Biến mất ở phía sau đó là lịch sử của một thanh niên mà bạn bè gọi anh ấy là Yashi.
Vào ngày thứ 40 sau cái chết của anh ấy, ba trong số những người bạn đó đã tụ họp lại trong căn phòng mà Jamphel đã sống ở đấy. Họ đã đến đấy để thuật lại câu chuyện của anh ấy.
Người em họ của anh ấy Tsering Logya có ở đấy, anh ấy đặt một chén cơm và rau cải bên cạnh chiếc giường của người chết, thêm đũa vào đấy. “Để cho anh ấy đừng có cảm giác là người ngoài cuộc”, Tsering 24 tuổi nói, anh ấy đeo một chiếc nhẫn nhỏ bằng vàng ở trên tai. Kelsang Norbu cũng có ở đấy, người bạn từ thủa bé ở Tây Tạng, anh ấy ngồi cạnh Tsering trên tấm nệm. Và Sonam Tseten cũng có ở đấy, láng giềng và bạn của Jamphel, người đã cố dùng một cái áo thun để dập tắt lửa trên thân thể của anh ấy. “Da của anh ấy bám vào tay tôi”, anh ấy nói, “nó rơi xuống như một mảnh quần áo.”
Vào sáng ngày 26 tháng 3, chỉ vài giờ trước khi anh ấy tự thiêu, Jamphel ở đây lần cuối trong căn hộ sống chung lưu vong của anh ấy. Anh ấy mặc quần áo, quần jeans, áo sơ mi và xếp chiếc chăn len màu đỏ của anh ấy lại thành một hình chữ nhật. Anh đặt nó vào giữa tấm nệm mà anh vừa ngủ ở trên đó. Anh đặt hai quyển sách lên trên tấm chăn, dựa chúng vào tường cho dễ trông thấy. Một quyển sách có gương mặt của Đức Đạt lai Lạt ma. Quyển kia là một quyển sách lịch sử Tây Tạng. Rồi anh ấy treo chuỗi hạt của mình lên một cây đinh ở trên tường và chồng lên đó một cái bùa hộ thân với một vài mẩu đất Tây Tạng ở trong đấy. Anh ấy cất lá thư từ biệt vào trong chiếc va li của mình.
Chỗ ngủ của Yeshi trong căn hộ sống chung
Chỗ ngủ của Yeshi trong căn hộ sống chung. Ảnh: Der Spiegel
Anh ấy muốn để lại cuộc sống của mình như thế, ngăn nắp. “Thật ra thì anh ấy không trật tự đến như thế đâu”, Tsering nói. Bây giờ anh ấy tự hỏi rằng lẽ ra mình đã phải nhận ra được điều gì đấy.
Jamphel và người em họ ngủ cạnh giường nhau dưới tấm ảnh của Đức Đạt lai Lạt ma. Tsering là một người thanh niên rụt rè, người nói nhỏ tiếng và giật giật những cái vòng đeo tay trong lúc đấy. Có lẽ họ giống nhau, anh ấy và người em họ của anh ấy. Jamphel cũng rụt rè và ít nói, những người quen biết anh ấy nói. Anh ấy chưa bao giờ bàn về con gái, chưa bao giờ có một cô bạn gái. Thay vì vậy, anh ấy đọc nhiều và cười to về các mục hài độc thoại Tây Tạng trong truyền hình.
Anh không làm thay đổi gì ở các đồ vật của Jamphel, Tsering nói. Anh ấy đứng bật dậy và đi đến cái tủ, anh ấy lấy một tấm ảnh cũ ra, người ta nhìn thấy một ngôi nhà ở trên đấy, ngôi nhà mà Jamphel đã lớn lên ở trong đó. Nó nằm trong một thung lung ở phía Đông của Tây Tạng, ở chân một ngọn núi, một ngôi nhà đẹp, to, được xây theo lối truyền thống của Tây Tạng, với mái nhà trắng như tuyết, có bốn lá cờ bay trên ống khói. Cũng có thể nhìn thấy được một cái chảo vệ tinh.
Jamphel sống với cha mẹ của anh ấy ở đấy, những người là nông dân, và với các anh chị em của anh ấy. Họ chơi bóng, họ đi xe đạp. Thỉnh thoảng họ giúp việc trong mùa thu hoạch trên những cánh đồng trồng hành và bông cải. Đó là một tuổi thơ tốt đẹp, chỉ là những đứa bé không có tự do. Jamphel hiểu điều đấy khi anh ấy đến trường.
Ở đấy, anh ấy học được rằng Tây Tạng đã bị Trung Quốc chiếm đóng ngay từ khi cha mẹ anh còn bé. Anh ấy học được rằng Mao Trạch Đông trong lúc nắm lấy quyền lực năm 1949 đã tuyên bố việc Tây Tạng trở về đất mẹ Trung Quốc là một trong những  mục tiêu chính trị quan trọng nhất của ông ấy. Anh ấy học rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân đã xâm nhập vào Tây Tạng, quyền cai trị ít lâu sau đó được chuyển sang cho người Trung Quốc và trong lúc đó người ta đã ghi lại rằng Tây Tạng “là một trong những dân tộc có lịch sử lâu dài ở bên trong biên giới của Trung Quốc.”
Thật sự ra thì đấy là lần bắt đầu của sự đàn áp. Tu viện bị đóng cửa, hình thánh bị cấm, đối với người Tây Tạng thì đấy là khoảng khắc mà, như Đức Đạt lai Lạt ma đã từng nói, “sự diệt chủng nền văn hóa của họ” đã bắt đầu.
Ngay từ lúc chào cờ vào buổi sáng ở trong trường, Jamphel và bạn đồng học đã bị bắt buộc phải hát quốc ca Trung Quốc. Họ phải học tiếng Trung Quốc, không có tiếng Tây Tạng trong thời khóa biểu. Những điều mà họ biết về văn hóa của họ, những điều đấy họ học được từ cha mẹ ở nhà hay trong các tu viện. Khi Jamphel vào khoảng 14 tuổi, cha của anh ấy qua đời.
Jamphel cố sống như một người Tây Tạng. Khi có ai đó trong cộng đồng qua đời, anh ấy giúp chuẩn bị đám tang theo truyền thống, mang người chết đi, lo tìm những chiếc đèn dầu Tây Tạng và trà. Nhưng nếu chỉ có một bức ảnh của Đức Đạt lai Lại ma thôi là cũng đã có nguy cơ bị phạt tù rồi. Quân đội và cảnh sát Trung Quốc giám sát cuộc sống hàng ngày. “Khi có ai đó nói ‘Free Tibet’, thì đấy là một tội phạm còn lớn hơn cả giết chết một người Tây Tạng”, Tsering nói, người em họ.
Jamphel đã chú tâm đến sự chống đối ngay từ sớm, nhưng mãi đến những năm sau này, khi sống lưu vong, anh ấy mới có thể tự do nói về việc đó. Anh đến quán trà nhỏ ở ngoại ô của Majnu-ka Tilla hầu như hàng ngày và đọc những quyển sách lịch sử của nó. Anh ấy đọc về những người du kích đã cố giành lại đất nước vào cuối những năm 50 như thế nào. Người Tây Tạng tổ chức biểu tình ở Lhasa, viết truyền đơn như thế nào. Cuộc nổi dậy ở Lhasa đã xảy ra như thế nào, ngay trước khi Đức Đạt lai Lạt ma đi lưu vong, cuộc nổi dậy mà người Trung Quốc đã giết chết 3000 người Tây Tạng trong lúc đó.
Người Tây Tạng là một dân tộc chỉ có 6 triệu rưỡi người. Cuộc đấu tranh của họ đi theo một nền văn hóa phi bạo lực. Làm sao mà họ có thể chống lại khi tín ngưỡng của họ còn không cho phép giết chết một con côn trùng? Vì thế mà họ bắt đầu tự giết chết mình, như phương cách chống đối. Năm 1998 Thupten Ngodup là người Tây Tạng đầu tiên tự thiêu ở Delhi. Lúc đấy Jamphel 13 tuổi.

Hành động tự thiêu như hình thức chống đối về chính trị đã khiến cho thế giới quan tâm đến kể từ những năm 60, nhưng phần nhiều là những trường hợp riêng lẻ. Tháng 6 năm 1963, nhà sư Thích Quảng Đức đã tự thiêu để chống lại chính phủ Nam Việt Nam. Trong những năm cuối của thập niên 1960, người dân ở Hoa Kỳ tự thiêu để chống lại cuộc Chiến tranh Việt Nam. Trong quá trình nhiều năm, người đối lập trong các quốc gia Đông Âu khác nhau đã tự thiêu, như mục sư Tin Lành Oskar Brüsewitz từ Đông Đức. Trong nước Cộng hòa Liên bang Đức, cô gái trẻ tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ Semra Ertan đã tự thiêu tại một ngã tư đường phố Hamburg năm 1982 vì sự thù địch người nước ngoài đang tăng lên. Cả Mùa Xuân Ả Rập cũng bắt đầu với lần tự thiêu của người bán trái cây Mahammed Bouazzizi.
Tưởng niệm những người Tây Tạng đã tự thiêu trong chùa ở Majnu-ka Tilla
Tưởng niệm những người Tây Tạng đã tự thiêu trong chùa ở Majnu-ka Tilla. Ảnh: Der Spiegel
Khi Jamphel 19 tuổi, anh ấy tìm giấy và viết trên đấy những câu như “Không có nhân quyền ở Tây Tạng” hay “Tự do cho Tây Tạng”. Anh ấy làm điều đấy hoàn toàn một mình, lúc đầu anh ấy cũng không nói gì với bạn bè của anh ấy, mối nguy hiểm bị cảnh sát Trung Quốc bắt được là quá lớn. Anh ấy đi trên đường phố vào ban đêm và dán truyền đơn của anh ấy lên tường của các chi nhánh ngân hàng tại địa phương và ở đồn cảnh sát.
Đó là hành động nhỏ của một thanh niên trẻ tuổi đang nổi giận. Anh ấy trốn ngay trong đêm đó. Anh ấy đến được biên giới và cố tìm cách đi từ đấy qua Nepal đến Ấn Độ để sống lưu vong. Anh ấy bị nhân viên biên phòng Trung Quốc bắt được, họ đẩy anh vào tù.
Sau này, anh ấy sẽ thuật lại cho bạn bè về những gì mà anh ấy đã trải qua: “Đồ chó Tây Tạng”, “Đồ phân Tây Tạng”. Anh ấy bị giam giữ trong những gian phòng tối tăm nhiều ngày liền, bị đánh đập và thỉnh thoảng bị tra tấn, với những vật nhọn mà họ đẩy vào dưới móng tay của anh ấy. Anh ấy bị giam giữ hơn bốn tuần, bị chuyển chỗ nhiều lần. Đến một lúc nào đó, anh ấy lưu lạc về đến gần quê nhà của anh ấy, và mẹ của anh ấy mua anh ấy ra khỏi tù. Sau đó, Jamphel là một con người khác, bạn bè của anh ấy nói.
Bây giờ anh ấy bị đau đầu, mắt hoạt động không còn tốt nữa, có lẽ do ở lâu trong bóng tối trong phòng giam. “Thỉnh thoảng, anh ấy thét lên vào lúc ban đêm”, Tsering nói, lúc sống lưu vong vẫn còn thế. Rồi Jamphel nói với anh rằng anh ấy đã mơ về trại giam.
Năm 2006, anh ấy lại tìm cách bỏ trốn. Lần này anh ấy tới được Nepal, vào trại quá cảnh dành cho những người tỵ nạn Tây Tạng. Qua được con đường trên Himalaya mà nhiều người đã thuật lại rằng nó nguy hiểm và khó lòng đoán trước được. Vào ngày 6 tháng 3 năm 2006, Jamphel đăng ký tại Dharamsala trong trại tiếp nhận người tỵ nạn Tây Tạng. Trong thành phố nằm trước Himalaya mà Đức Đạt lai Lạt ma cũng đã chạy trốn đến đấy trước đây 53 năm.
Dharamsala là nơi hành hương cho các nhà sư và nữ tu, những người leo lên núi trong chiếc áo cà sa màu đỏ cam. Dharamsala cũng là nơi hành hương cho những người Phương Tây, những người với ba lô và tóc bết lại với nhau đến đấy để đi tìm bản thân. Ai đến đấy đều ước mơ được ở gần Đức Đạt lai Lạt ma. Đối với Jamphel, đấy là ngày đầu tiên trong tự do. Đấy cũng là ngày đầu tiên của anh ấy trong sự bơ vơ của cuộc sống lưu vong.
Bây giờ Tsering, người em họ, lôi va li của Jamphel ra từ trong tủ, màu xanh ô liu, hiệu Summit. Cả một cuộc đời nằm ở trong đó, được xếp lại một cách ngăn nắp. Những vật ở trong va li, bên cạnh sách của anh ấy, là tất cả những gì mà Jamphel sở hữu trong cuộc sống lưu vong: một cái quần nhung kẻ, hai cái quần jeans, ba quần short, vài cái áo thun và, ở trên cùng, là một lá cờ Tây Tạng, được cuộn lại thành một cái gói nhỏ. Jamphel cũng cất ở trong đấy năm thẻ căn cước, cả thẻ lưu vong của anh ấy, cái mà anh ấy nhận được sau khi bỏ trốn. Trên tấm ảnh, gương mặt anh ấy trông gầy ốm. Người ta có thể nhìn thấy được những gì mà anh ấy đã trải qua.
Những người đến được với cuộc sống lưu vong thường có một quyết định: hoặc là họ bỏ lại quá khứ và nắm lấy những cơ hội mà đất nước mới đưa ra cho họ.  Hoặc là họ hoạt động chính trị.
Jamphel quyết định hoạt động chính trị. Sau một thời gian ngắn trong trại tỵ nạn, anh ấy nhận được giấy nhập học cho Tibetan Transit School, một trường nội trú trên núi. Cờ cầu nguyện bay trên các sườn núi. Học trò trong áo trắng đồng phục vội vã vào lớp học. “Jamphel hết sức ham học khi anh ấy đến đây”, Tsering thuật lại, “anh ấy muốn biết tất cả. Anh ấy đọc, đọc và đọc.”
Phòng của anh ấy vẫn còn đó. Phòng số 29 trong nhà nam khu 3, giấy dán tường màu xanh lá mạ, thảm màu đỏ, ngồi co chân lại trên một trong số năm chiếc giường là người cùng phòng ngày xưa của anh ấy Sirwou. Anh chỉ đến một cái giường cao bằng sắt, ở đầu giường đó có sách giáo khoa, một quyển mang tựa “Tibet under Communist China”, bên cạnh đó là một trái tim bằng vải lông. “Anh ấy đã ngủ ở đấy”, Sirwou nói.
Jamphel học càng nhiều thì anh ấy càng trở nên chính trị. Anh ấy thường ở cả ngày trong thư viện. Bây giờ anh ấy đã có thể tiếp cận được với tất cả những kiến thức mà anh ấy thiếu. Anh ấy cố lôi kéo bạn đồng học. Tranh luận với họ về tình trạng nhân quyền ở Tây Tạng, về việc Đức Đạt lai Lạt ma có thể trở về Lhasa như thế nào.
Anh ấy có kế hoạch tự thiêu lần đầu tiên năm 2008.
Đó là năm của những cuộc nổi dậy lớn trong Tây Tạng. Đại hội Thanh niên Tây Tạng (TYC) tổ chức một cuộc biểu tình ở Delhi để chống lại lần tổ chức Thế Vận Hội ở Bắc Kinh. TYC là một tổ chức của những nhà hoạt động đòi hỏi, khác với Đức Đạt lai Lạt ma, một nền độc lập toàn phần cho Tây Tạng. Cũng là tổ chức đã tiến hành cuộc phản đối Hồ Cẩm Đào vào ngày 26 tháng 3. Jamphel cũng như nhiều thanh niên Tây Tạng khác thường tham gia vào trong các sự kiện đấy. Anh ấy đăng ký làm tình nguyện viên khi cần sự giúp đỡ tại các cuộc biểu tình hay tại các sự kiện tôn giáo lớn. Lần này, Jamphel và Tsering cũng nghỉ học và bước lên chiếc xe buýt về Delhi.
Tsering nhớ lại lúc họ đến khách sạn thanh niên trong Delhi, nơi nhóm của họ nghỉ ở đó, và nhớ rằng Jamphel đã nói với anh ấy: “Hôm nay anh sẽ tự thiêu.”
“Anh dọa”, Tsering nói.
“Không đâu”, Jamphel trả lời. Anh ấy chỉ cho Tsering xem một chai xăng.
Tsering gọi điện thoại đến một người họ hàng lớn tuổi của Jamphel, và bắt buộc Jampel phải nói chuyện với người đó. Về việc cái chết của anh ấy chỉ là một sự phung phí. Về việc rằng là người sống thì anh ấy có thể đạt được nhiều điều hơn nhiều. Anh ấy kéo những người bạn khác đến, và họ đã giật được chai xăng. Họ cùng nhau đi xe về Dharamsala. Tsering nói: “Tôi nghĩ, anh ấy đã hiểu rồi.”
Người em họ Tsering trong khu phố của anh ấy ở Delhi
Người em họ Tsering trong khu phố của anh ấy ở Delhi. Ảnh: Der Spiegel
Đó là ngày thứ 42 sau khi Jamphel qua đời, và trong chùa Tsug-la Khang, chùa chính trong Dharamsala, người Tây Tạng chuẩn bị những cây đèn dầu cho anh ấy. Họ muốn giúp linh hồn của anh ấy tìm thấy con đường đúng đắn vào cuộc sống kế tiếp. Từ khi anh ấy qua đời, cứ bảy ngày là họ làm điều đấy một lần.
300 người đã đến chùa, họ ngồi xếp bằng xuống đất và đọc kinh của họ. Một tấm áp phích khổng lồ treo trên đầu họ. Trên đó là các bức ảnh của Jamphel và những người Tây tạng khác đã tự thiêu trong năm vừa rồi.
Ngồi ở giữa là Tenzin Tsundue. Anh ấy là người lãnh đạo Đại hội Thanh niên Tây tạng của Dharamsala. Anh ấy nói: “Đối với tất cả chúng tôi, Jamphel đã xuất hiện như một quả cầu lửa khổng lồ.” Tsundua thắt một dải khăn đỏ trên tóc của anh ấy, thêm vào đó là một chiếc kính mắt to và tròn có gọng đen, anh ấy trông giống như Mr. Miyagi trẻ. Anh ấy là một nhà hoạt động nổi tiếng, hay bị bắt giam. Vào ngày này, anh ấy tổ chức cuộc tưởng niệm những người đã chết vì nghĩa.
Tsundue nhìn các cuộc tự thiêu như một con đường cao cả để hướng sự quan tâm đến nỗi bất hạnh của người Tây Tạng. “Cao cả”, anh ấy nói thế. Người Tây Tạng không thể diễn đạt được. Phản đối công khai bị cấm trong Tây Tạng. Người Tây Tạng bị đánh đập, người Tây Tạng bị bịt miệng. Khác với Mùa Xuân Ả Rập, không có truyền thông, không có mạng xã hội. “Anh bị đàn áp và còn không thể thuật lại việc đấy với ai nữa. Chúng tôi còn lại gì ngoài việc tự thiêu?”
Tôn sùng những người đã chết vì nghĩa không nguy hiểm sao? Nó không khuyến khích nhiều người trẻ tuổi tự giết chết mình nữa hay sao? Tại những câu hỏi như thế, giọng nói của Tsundues trở nên to hơn. Anh ấy nói lớn: “Cả thế giới cho rằng chúng tôi phải hòa bình, chấp nhận hết tất cả và khi chúng tôi tự thiêu – tức là không làm cho ai phải đau đớn cả ngoài chính chúng tôi – thì chúng tôi lại bị lên án.” Trong mỗi một nền văn hóa khác thì đã có một cuộc chiến tranh công khai từ lâu rồi. “Cả thế giới đều được phép dùng bạo lực, Hoa Kỳ, người Anh, cả nước Đức cũng bước vào một cuộc chiến tranh.” Anh ấy hỏi: “Tại sao chúng tôi không được phép tôn sùng những người chết của chúng tôi?” Tsundue cảm thấy tính phi bạo lực đôi lúc cũng là một gánh nặng cho người Tây Tạng.
Năm 2009, khi Jamphel học xong, anh ấy đi đến chỗ người em họ Tsering của anh ấy trong Delhi. Anh ấy dọn vào trong căn hộ ở chung của người này. Cuộc sống của anh ấy bây giờ mang nặng dấu ấn của nghiên cứu văn học Tây Tạng và hoạt động chính trị của anh ấy, cả ở TYC. Anh ấy thường đăng ký tình nguyện, giúp đỡ ở các sự kiện, các nhà hoạt động thuật lại như thế.
Khi một nhà sư trẻ tự thiêu ở Tây Tạng vào ngày 16 tháng 3 năm 2011 và người kế tiếp năm tháng sau đó, Jamphel theo dõi tường tận sự việc. Bạn bè của anh ấy bàn về con gái. Anh ấy bàn về những người đã chết vì nghĩa. Anh ấy nói về việc rằng đấy là một sự hy sinh to lớn. Anh ấy tham gia các buổi tụng kinh cho những người đã chết vì nghĩa, ngồi dưới các tấm chân dung của những người đã chết được treo trên quảng trường chùa của Majnuka-Tilla. Có lẽ đấy là những khoảng khắc mà một quyết định dần chín mùi trong đầu của anh ấy.
Vào buổi tối trước cuộc biểu tình phản đối, họ ăn cùng với nhau, có món thukpa, món mì Tây Tạng với rau quả. Tsering có ở đó, Kelsang, bạn của Jamphel từ thủa còn bé. Họ nói đùa, Jamphel cầm lấy chiếc điện thoại di động của Tsering. Anh ấy chụp chính mình. Giống như anh ấy muốn để lại cho thế giới một cái gì đó thần thánh.
Trước lúc đi ngủ, anh ấy lại xóa các bức ảnh đó đi, chỉ để lại một tấm. Nó chụp cẳng tay trái của anh ấy, người ta nhìn thấy hình xăm của anh ấy ở trên đó, một con rồng, anh ấy đã xăm ở Tây Tạng lúc trước đây. Bàn tay nắm lại thành một nắm đấm.
Khi anh ấy rời phòng trong căn hộ ở chung của anh ấy vào sáng ngày 26 tháng 3, những người khác vẫn còn ngủ. Anh ấy đi ngang qua chùa. Anh ấy mang một cái ba lô trên lưng. Có lẽ anh ấy đã mang những chai xăng ở trong đấy. Anh cột lá cờ quốc gia Tây Tạng trên ba lô.
Ở chùa, anh ấy gặp Lobsang, một người quen từ TYC, người cùng tổ chức cuộc biểu tình phản đối Hồ Cẩm Đào.
“Này, siêu nhân, đi đâu thế?”, Lobsang hỏi, vì lá cờ trên cái ba lô của Jamphel khiến cho anh ấy nghĩ đến một cái áo choàng.
Jamphel mỉm cười. “Mình đi biểu tình”, anh ấy nói.
Anh ấy chết trong bệnh viện. Người ta đã tuyên bố cái chết của anh ấy vào ngày 28 tháng 3 vào lúc 7 giờ 30. Trong lá thư từ biệt, anh ấy viết: “Cầu xin Đức Thánh Đạt lai Lạt ma, người tranh đấu cho hòa bình thế giới, sống hàng chục nghìn năm nữa. Ngài phải trở về Tây Tạng.” Anh ấy viết tiếp tục: “Hy sinh thân thể quý giá của con người cho ngọn lửa trong thế kỷ 21 là một dấu hiệu của sáu triệu người Tây Tạng gửi đến thế giới: người Tây Tạng không có nhân quyền … Tây Tạng thuộc về người Tây Tạng.”
Những gì còn lại của thân thể anh ấy sẽ được đưa vào trong một đài tưởng niệm, một đốt xương sống, một mảnh xương lớn, nhiều mảnh xương nhỏ và một nắm bụi. Chúng được trữ trong một cái túi nhựa màu vàng trong văn phòng của TYC cho tới chừng đó.
Vào ngày thứ 49 sau khi anh ấy chết, linh hồn của Jamphel Yeshi bước vào cuộc sống kế tiếp. Người em họ của anh ấy nói: “Chúng tôi hy vọng anh ấy sẽ trở về làm người.”
Jamphel đã đi khỏi rồi.

Dialika Neufeld
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 26 / 2012.l

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"