Huỳnh Trọng Hiếu
Hưởng ứng lời kêu gọi của ngài đệ ngũ Tăng thống Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất Hòa thượng Thích Quảng Độ, anh chị em chúng tôi
từ Quảng Nam khăn gói lên đường vào Sài Gòn biểu tình chống Trung Quốc
cưỡng chiếm hai quần đảo của Việt Nam là Hoàng Sa năm 1974, và Trường Sa
năm 1989.
Chúng tôi tham gia biểu tình để phản đối Trung Quốc bắn giết ngư dân
Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, phản đối Trung Quốc mời thầu các lô
dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Anh chị em chúng tôi chỉ muốn dùng
số đông trên đường phố nhằm: áp lực chính quyền Hà Nội cương quyết hơn
trong các hồ sơ liên quan đến biển Đông; đánh động dư luận quốc tế về
mối hiểm họa từ Trung Quốc, nhờ sự quan tâm và can thiệp của họ vào vấn
đề biển Đông nhằm đảm bảo tự do lưu thông hàng hải.
Sáng ngày 1 tháng 7, chúng tôi gồm 6 thành viên: Huỳnh Thục Vy cùng
chồng là Lê Khánh Duy, Huỳnh Khánh Vy cùng chồng là Đỗ Minh Đức, Huỳnh
Trọng Hiếu và bạn là Tống Vy Trầm Hương.
Khoảng 7h sáng, chúng tôi rời khu trọ để đến công viên 30/4, thì phát
hiện có khoảng 4 người lạ mặt đã canh cửa phòng trọ anh Duy từ sớm. Họ
bám theo chúng tôi và liên tục thông tin cho nhau để theo dõi trên từng
chặng đường. Sau này, khi bị bắt vào đồn công an, tôi mới biết họ theo
dõi mình kể cả khi vào quán bún bò. Biết mình đang bị theo dõi, chúng
tôi chia thành 3 nhóm và hẹn nhau ở nhà thờ Đức Bà.
Đúng 7h30 chúng tôi đã có mặt tại công viên 30/4, gần nhà thờ Đức Bà.
Chúng tôi mặc áo No U, cầm biểu ngữ đi dạo xung quanh công viên để thu
hút những ai có cùng tấm lòng với đất nước. Tại đây, có rất nhiều bạn
trẻ yêu nước cùng tham gia với chúng tôi. Đoàn người tiếp tục dạo quanh
công viên 30 tháng 4, mỗi lúc số lượng người gia nhập nhóm càng đông
hơn. Đặc biệt đáng chú ý và cảm động là trong đoàn chúng tôi có sự tham
gia của hai nhà sư mặc nâu sồng. Một vị đã lớn tuổi, râu tóc bạc, dáng
đi chậm chạp yếu ớt. Giờ tôi mới biết vị tăng sĩ này ở chùa Hòa Khánh,
trước năm 1975, ông là tiến sĩ làm việc trong Lò phản ứng hạt nhân Đà
Lạt.
Đoàn người tiếp tục tuần hành được 30 phút. Đột nhiên, từ tứ phía,
lực lượng công an chìm nổi và cả lực lượng quản lý đô thị hùng hậu đã
xông vào tóm lấy chúng tôi. Họ tóm tóc chị Thục Vy rồi bẻ ngược tay lại
phía sau đẩy vào trong xe. Chồng của chị Vy là anh Lê Khánh Duy lao vào
bảo vệ thì bị họ bẻ cổ, đánh túi bụi vào đầu, vào mặt và cố tách anh ra.
Còn tôi bị họ giật mất tấm biểu ngữ ghi: “Đàn áp biểu tình chống Trung
Quốc là phản quốc” rồi bị bẻ ngặt tay ra sau đẩy lên xe. Cùng lúc đó,
chị Khánh Vy và anh Minh Đức cũng xông vào và cũng bị họ lôi lên xe.
Chúng tôi dùng hết sức để phản kháng và hô lớn: “”Hoàng Sa- Trường
Sa-Việt Nam”, “Các anh có phải người Việt Nam không?”… Nhưng họ quá
đông, tôi nhanh chóng bị tóm vào xe. Vừa lọt vào trong, tôi nhận ra một
tên công an đang nắm tóc chị Thục Vy giật mạnh trong tiếng la thất
thanh, tôi vùng lên đẩy anh ta ra và chỉ vào mặt tên công an hỏi: “Anh
có phải là người Việt Nam không”. Ngay lúc đó, hắn ta chuyển sang đối
phó với tôi, tôi bị hai tên công an khác xô ngã bổ nhào lên người chị
hai tôi khi chị chưa kịp đứng lên. Thuận tay, tên công an liền bóp cổ
tôi ghì chặt xuống sàn, cả trọng lượng của tôi đè lên người chị hai.
Tôi lại nghe thấy tiếng kêu thất thanh, lúc đó anh Duy nhảy vào kéo tên
công an ra và tôi với chị hai vùng dậy thoát ra khỏi xe khi cửa chưa kịp
đóng và hô to “Hoàng Sa- Trường Sa-Việt Nam”.
Tôi dùng thân hình chặn cánh cửa chiếc xe 16 chỗ không cho họ đóng
lại, ba bốn tên công an cố sức đẩy cánh cửa vào làm cho cánh tay tôi đau
buốt, tôi vẫn đứng chặn cánh cửa xe và miệng hô to “Hoàng Sa Trường Sa
là của Việt Nam”, “Đàn áp biểu tình là phản quốc”, “Phản đối việc trấn
áp biểu tình”. Anh Duy cũng vùng lên để thoát ra khỏi xe và hô to trong
nước mắt: “Mất nước rồi các anh ơi”. Anh Đức cũng nhoài người ra khỏi xe
la lớn: “Tại sao các anh phải làm thế, chúng ta là người Việt Nam mà”.
Tôi đẩy bọn công an ra khi họ nắm lấy cổ tôi và la lên: “Các anh là
những kẻ phản quốc”. Mấy tên công an hét vào mặt tôi: “Mày vào xe không
tau sẽ đánh mày”. Tôi hướng mắt về phía họ để phân bua điều hơn lẽ
thiệt,nhưng ánh mắt họ vô cảm. Một sự vô cảm đáng sợ! Tên an ninh thường
phục mặc áo màu vàng xông vào đấm mạnh vào đầu tôi khiến tôi choáng
váng, lảo đảo. Lúc đó, anh Duy cũng nhiều lần bị đánh vào mặt, vào đầu.
Tôi nhận thấy vài người trong đoàn người tụ tập ở đó đã bật khóc.
Vì chiếc xe khá nhỏ nên chúng tôi, hết người này đến người khác, xông
ra hô lớn, bọn công an khống chế người này thì người kia thoát ra.
Trong lúc mọi việc diễn ra hỗn loạn, có ba tên công an, hai người bẻ
ngoặc hai tay bạn tôi là Tống Vy Trầm Hương ra sau, một người khác bóp
cổ quăng lên xe. Chị Khánh Vy hoảng hốt xông vào bảo vệ Hương thì bị hai
ba tên công an khác tống luôn vào xe. Tôi vẫn tiếp tục chặn cửa ra vào
để mọi người thuận tiện hô. Tiếng la ó khi bị bẻ tay, bẻ cổ, hòa với
tiếng hô thất thanh, tiếng người đứng xung quanh làm cho không khí trở
nên vô cùng căng thẳng.
Dằng co khoảng 20 phút thì chúng tôi nhận ra nhóm của luật gia Lê
Hiếu Đằng, giáo sư Tương Lai, ông Hồ Cương Quyết cũng có mặt tại chỗ.
Nhiều cô chú bác đã rất bức xúc và xông vào muốn cứu chúng tôi nhưng lực
lượng an ninh và trật tự đô thị quá đông.
Công an nhận thấy, để đưa 6 người chúng tôi lên chiếc xe 16 chỗ thật
khó khăn nên họ đã điều động chiếc xe bus nhiều chỗ, có cửa rộng hơn để
dễ đối phó. Họ tóm lấy chúng tôi và kéo lên xe trước sự chứng kiến của
đông đảo người dân Sài Gòn. Đến lúc này, anh chị em chúng tôi đã mệt đứt
hơi, không thể phản kháng được nữa nên đành ngồi yên trên xe để bị đưa
đi.
Tôi, chị Thục Vy, anh Duy, Trầm Hương, và cô bé Tiên bị đưa lên xe
lớn còn chị Khánh Vy và anh Minh Đức bị đưa vào xe nhỏ. Khi xe chuẩn bị
lăn bánh, luật gia Lê Hiếu Đằng nhảy ra chặn đầu xe lại la lớn: “Các ông
giết tôi đi, các ông giết tôi đi” nhưng bọn công an đã kéo ông ra khỏi
lòng đường.
Ở trên xe, chúng tôi tiếp tục hô “Hoàng Sa- Trường Sa”, tôi mở cửa
hông xe để nhoài đầu ra ngoài hô lớn thì bị tên an ninh mặc áo thun màu
vàng lôi vào bóp cổ. Chị Thục Vy và anh Duy xông vào phản ứng quyết
liệt nhưng tên an ninh vẫn liên tục bóp cổ tôi (sau khi được thả, tôi về
nhà ba ngày nói không thành tiếng), những tên khác đánh anh Duy và chị
Vy trên suốt đoạn đường từ công viên về trụ sở công an phường Cô Giang.
Chị Thục Vy và anh Khánh Duy bị đưa vào trụ sở công an phường Cô
Giang. Tôi, Trầm Hương và Tiên bị đưa vào công an phường Cầu Kho. Anh
Đức và chị Khánh Vy bị công an chở đi đâu lúc đó chúng tôi không biết.
Tại trụ sở công phường Cầu Kho, ba người chúng tôi bị chia ra mỗi
người một phòng. Một mình tôi làm việc với trên 10 tên công an phường
dưới sự chỉ đạo của những nhân viên an ninh mặc thường phục. An ninh
thường phục chỉ ngồi im lặng và theo dõi buổi làm việc. Tôi nhận thấy
rằng, cứ sau một người nói chuyện mềm dẻo thì có một người khác xông vào
hăm dọa dùng vũ lực với tôi. Tôi tuyên bố tuyệt thực để phản đối việc
bắt giam trái phép của cơ quan công an. Nhưng khi tôi yêu cầu được uống
nước thì họ từ chối thẳng thừng. Tôi đã phản đối gay gắt và họ buộc phải
nhượng bộ sau đó. Lực lượng công an tại phường Cầu Kho thay phiên nhau
yêu cầu tôi làm việc khiến tôi vô cùng mệt mỏi sau buổi sáng dằng co
căng thẳng. Tôi nhiều lần yêu cầu được nghỉ ngơi nhưng họ tìm mọi cách
để quấy rối, khủng bố tinh thần tôi.
9h tối ngày 1 tháng 7, cơ quan công an phường Cầu Kho yêu cầu tôi
giao nạp tất cả các loại thiết bị điện tử. Lúc đó, tôi chỉ có một chiếc
điện thoại di động Nokia X6 (được anh rể tặng), và tôi từ chối giao nạp
vì quyền thư tín và quyền bảo về tài sản cá nhân bất khả xâm phạm. Sau
một hồi bị đe dọa, tôi vẫn cương quyết bảo vệ tài sản cá nhân của mình
thì có hai tên an ninh thường phục xông vào bẻ cổ tôi. Cổ tôi bị bóp
ngặt khiến người tôi bất động, họ kéo lôi nằm lơ lửng trên chiếc ghế chỉ
còn đứng bằng hai chân sau. Hai người khác xông vào móc trong túi của
tôi chiếc điện thoại và sau đó họ để tôi nằm sóng soài trên nền. Tôi bị
họ bẻ cổ rất mạnh nên cổ tổn thương, về đến nhà tôi không thể ăn được
mặc dù rất cố gắng, vài hôm sau tôi mới bớt đau.
Đến 11h30 đêm hôm đó, tôi được họ cho về khi trong túi không có điện
thoại để gọi về nhà. Lúc hai bên dằng co, tiền bạc và giấy tờ tùy thân
của tôi bị thất lạc. Bụng bị đói cồn cào vì không được ăn uống. Tôi phải
tìm cách xin xe về đến nhà.
Tiên, một cô gái xinh xắn, yêu nước, và nhân hậu đã bị bắt lên xe khi
cố gắng xông vào cứu chúng tôi. Cô ấy chỉ được thả trước tôi nửa tiếng.
Tống Vy Trầm Hương được thả ra cùng lúc với tôi.
Lúc về đến chỗ trọ, chúng tôi thấy anh Duy và chị Thục Vy đã ở đó với
thân thể thâm tím và mặt mày xơ xác. Và được biết, họ đã thả anh Minh
Đức và chị Khánh Vy ngay sáng hôm đó.
Tôi viết bài này để tố cáo những hành vi vi phạm nhân quyền trắng
trợn của công an phường Cầu Kho, phường Cô Giang và cả lực lượng an ninh
thành phố Sài Gòn đối với anh chị em tôi. Qua đó, cũng minh chứng cho
công luận thấy rõ bộ mặt phản quốc của chế độ Cộng Sản VN. Đồng thời,
tôi muốn đánh động với công luận về trường hợp, những người mới tham gia
biểu tình, bị đàn áp nhưng không được công luận nhắc đến.
Bé Tiên và Trầm Hương cùng sát cánh bên chúng tôi suốt cuộc dằng co
và cả trên đồn công an, họ đã vô cùng can đảm khi phải đối phó với lực
lượng an ninh lên đến cả trăm người. Gia đình chúng tôi đã quen đối phó
với những khủng bố, đàn áp của công an CSVN từ hai mươi năm trước, khi
ba tôi bị bắt và tuyên án tù vì viết văn. Tuy nhiên, đối với những người
con gái tuổi mới đôi mươi như Tiên và Trầm Hương thì đây quả là một áp
lực vô cùng to lớn. Xin được nghiêng mình trước sự dũng cảm mà Trầm
Hương và Tiên đã thể hiện.
Đây là những gương mặt hoàn toàn mới trong cuộc biểu tình yêu nước
ngày 1/7 tại Sài Gòn. Họ đã cùng chúng tôi thể hiện lòng yêu nước, đấu
tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam nhưng công luận không biết họ là
ai. Họ có thể sẽ gặp nguy hiểm trước khi được mọi người biết đến và bảo
vệ.
Các cơ quan truyền thông cần có sự lên tiếng kịp thời để bảo vệ những
gương mặt yêu nước mới tham gia này. Đây là cách hiệu quả nhất để nói
với nhiều người chưa tham gia hoặc những người còn đang phân vân, dè dặt
rằng: họ không đơn độc, họ sẽ được an toàn và truyền thông luôn đứng
bên cạnh họ khi tham gia biểu tình.
Nếu chúng ta không có sự truyền thông rộng rãi, công bằng và không
quá chú trọng đến việc đánh bóng tên tuổi cá nhân, chúng ta sẽ khó có
thể có được những phong trào xã hội rộng lớn trong tương lai. Điều này
sẽ là một cản trở vô cùng lớn đối nỗ lực bảo vệ toàn vẹn lãnh thỗ và
dân chủ hóa đất nước.
Huỳnh Trọng Hiếu xin viết bài này kính tặng những người con yêu nước
vô danh của dân tộc Việt- những người đã đang và sẽ tiếp tục xuống đường
vì lòng yêu nước tha thiết không cần danh tiếng, những em sinh viên vì
đi biểu tình mà bị đuổi học trong thầm lặng, không ai đứng ra lên tiếng
bảo vệ và can thiệp. Đất nước Việt Nam mấy ngàn năm được kiến tạo phần
lớn là nhờ vào những con người vô danh như thế. Xin đa tạ!
Huỳnh Trọng Hiếu
Tam Kỳ ngày 10 tháng 7 năm 2012
Tam Kỳ ngày 10 tháng 7 năm 2012