Chính tại một đất nước đang bị ảnh hưởng
Trung Quốc đè nặng, mà bà Hillary Clinton đã viếng thăm chớp nhoáng hôm
thứ Tư 11/07/2012. Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến Lào kể từ chuyến viếng
thăm của John Foster Dulles năm 1955, có thể ước lượng tại chỗ quyền lực
của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã đầu tư khoảng 4 tỉ đô la,
trở thành một trong những đối tác chủ chốt của Lào, cùng với Việt Nam
và Thái Lan. Từ năm 2011, Trung Quốc đã soán ngôi Việt Nam, tiến lên
ngôi vị hàng đầu về đầu tư nước ngoài tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào,
chế độ cộng sản độc đảng lên nắm quyền từ sau chiến thắng của « cách
mạng » năm 1975.
Nhưng sự
xuất hiện của Trung Quốc, mà Washington không thể không nhận ra, cũng
gây ra ngờ vực, thậm chí đôi khi là sự thù địch không che giấu. Điều này
cũng minh họa cho sự nhập nhằng trong quan hệ giữa Trung Quốc và các
nước láng giềng Đông Nam Á khác, bị giằng xé giữa sự cần thiết phải giao
thương với Bắc Kinh và phản xạ cảnh giác tự nhiên trước sự gần gũi đáng
ngại về địa lý.
Tại Lào, Trung Quốc đè nặng lên đôi vai
gầy của một quốc gia nằm lọt thỏm bên trong, thưa dân và đa chủng tộc. Ở
thủ đô Vientiane, một trí thức không ưa mấy những chú « con trời », đã
giễu cợt : « Khi người Tàu đi tiểu trên sông Mêkông, thì chính chúng tôi bị lụt… ». Khá căng đây!
Một trong những dự án lớn gây rất nhiều
tranh cãi liên quan đến người Trung Quốc, là việc xây dựng một tuyến
đường tàu cao tốc nối liền Côn Minh – thủ phủ tỉnh Vân Nam với Bangkok,
chạy xuyên qua Lào. Tuyến đường này cho phép miền tây nam Trung Quốc có
thể nhanh chóng nối với Malaysia và Singapore.
Đây là một dự án khổng lồ : phần nằm
trên lãnh thổ Lào sẽ được Trung Quốc tài trợ 70%, khoảng 7 tỉ đô la.
Tuyến đường này dài 480 km, trong đó có 200 km chạy qua các đường hầm và
những cây cầu. Tuy vậy dự án này vào năm 2011 đã bị chính quyền
Vientiane hoãn lại vô thời hạn. Có thể giải thích quyết định này qua
những đòi hỏi của người Trung Quốc : họ đòi quyền sử dụng hàng trăm mét,
thậm chí hàng chục kilomet đất tính từ hai bên đường tàu (trên suốt
tuyến đường).
Mục đích của yêu sách này là lấy đất
dùng cho nông nghiệp hay bất động sản, một thủ đoạn để thu hồi lại vốn
bằng cách bóc lột trên lưng người Lào ! Hơn nữa, công trường xây dựng
kéo theo việc hàng ngàn công nhân Trung Quốc tràn ngập vùng ngoại ô
Luang Namtha, thủ phủ của một trong những tỉnh nằm gần biên giới.
Tại vùng giáp ranh Trung Quốc, một số nông dân đã biết được số phận đang chờ đợi họ một khi công trình xây dựng bắt đầu : « Tuyến đường sắt chạy ngang qua làng tôi, rồi con đường đằng kia sẽ chạy xuyên qua núi qua một đường hầm ». Bác Kumpan vòng tay diễn tả bao quát con đường nhựa, đồi núi với rừng rậm bao phủ xung quanh : « Nó sẽ đi xuyên qua đây, và chúng tôi sẽ phải di dời ».
Người Lào này là thành viên sắc tộc
Khmou (11% dân số Lào), một người đàn ông 66 tuổi nhỏ thó. Ông sống ở
Ban Guen, một ngôi làng nhỏ bé nép mình trong một thung lũng, sống bằng
nghề làm muối. Kumpan tỏ ra lạc quan : « Người ta nói rằng chúng tôi
sẽ được tái định cư ở bên kia, phía sau ngọn núi. Đối với tôi thì như
vậy là ổn, cuối cùng tôi cũng được sống cùng gia đình trong một căn nhà
chắc chắn… »
Tại Luang Namtha, các nhà buôn Trung Quốc đã có mặt đông đảo, làm
chủ các cửa hàng trong một phần ngôi chợ nằm gần con đường chính, mang
lại cho thành phố phương đông này dáng vẻ của một ngôi làng vùng Viễn
Tây. Tại các thành phố trong khu vực, mặt tiền những cửa hiệu đầy những
pa-nô chữ Hoa. Thip, một phụ nữ Lào đang coi tivi trong quầy hàng bán áo
thun nhỏ bé nói : « Có cả một làn sóng các nhà buôn từ Trung Quốc
sang, họ bán hàng điện tử, tivi, máy tính, điện thoại di động. Tôi vẫn
chưa bị cạnh tranh nhiều, cho dù nhiều người Trung Quốc nhập khẩu một
lượng lớn quần áo made in China ».
Ở khu vực « Tàu » trong chợ, các vị « thiên tử » đang ở đó, hàng
chục vị. Trong một dãy các cửa hàng bán dụng cụ điện san sát nhau, ông
Liu cho biết mình đến từ Hồ Nam, một tỉnh miền tây Trung Quốc. Với giọng
pha thổ âm của quê hương Mao Trạch Đông, một chút ngờ vực trước người
khách tò mò, ông ta nói : « Vâng, làm ăn được lắm… »
Vùng này đã bùng nổ công nghiệp cao su, và các công ty Trung Quốc
hầu như là độc quyền. Một sự phát triển mà người dân địa phương không
mấy ác cảm, cho dù một số chuyên gia lên án sự tham lam của các công ty
Trung Quốc : họ buộc người Lào – thường không rành giá cả thị trường –
bán mủ cao su cho họ với giá do họ ấn định.
Sen, một phụ nữ người Hmong (8% dân số Lào) 31 tuổi, sở hữu 1.000 cây cao su tại dãy đồi gần đó nói : « Người
Trung Quốc đến đây và mua đủ mọi thứ, còn chúng tôi thì mua được hàng
hóa Trung Quốc giá rẻ. Họ mang đến sự thịnh vượng ».
Kế hoạch khu vực của chính phủ Lào –
theo như chuyên gia Danielle Tan ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại
(IRASEC) viết, thì nhằm « cố tình ve vãn Trung Quốc để tiết chế sự
vượt trội của Thái Lan trong nền kinh tế Lào, và làm đối trọng trước sự
lệ thuộc truyền thống về chính trị đối với Việt Nam ». Sự ủng hộ
của Hà Nội, đồng minh của cách mạng Pathet Lào trong « cuộc kháng chiến
chống Mỹ », mang tính quyết định trong sự sụp đổ của chính phủ Hoàng
gia.
Tại thủ đô Vientiane, sự bùng nổ hiện diện của người Trung Quốc
cũng làm dấy lên những làn sóng. Năm 2007, chính quyền ký hợp đồng với
một tổ hợp quy tụ ba công ty Trung Quốc. Các công ty này sẽ xây dựng
xung quanh một vùng đất sình lầy gần ngôi chùa nổi tiếng That Luang,
biểu tượng của quốc gia, một phức hợp gồm nhà ở sang trọng, thương xá và
nhà hàng. Vụ này gây dư luận ầm ĩ ngay cả trong một đất nước không có
luật biểu tình – một số khu đất là sở hữu của các cán bộ đảng. Hậu quả
là năm 2009 chính phủ đã phải hủy bỏ dự án.
Một doanh nhân Lào tâm sự : « Có những người đã bắt đầu nói rằng một số thành viên trong đảng đang bán rẻ đất nước cho người Tàu ». Một viên chức cao cấp cười ngất, bảo rằng : « Khi
nghe nói về một China Town ở Vientiane, người ta chẳng ưa chút nào,
chẳng ưa chút nào ! Nhưng chúng tôi sẽ tái thúc đẩy dự án, chỉ đơn giản
không gọi nó là China Town nữa mà thôi ! »
Theo Le Monde/Thụy My blog