Đào Tuấn
Giảm lãi suất đối với nợ cũ là… trách nhiệm xã hội.
Cái này nghe quen quen. Giống như là: Làm đường sắt cao tốc bằng quyết
tâm chính trị, hay gần nhất: Đóng phí là yêu nước!
Hà Nội vừa chính thức trang bị máy tỉnh bảng IPad 2 cho các vị dân
biểu. Báo chí lập tức có hẳn những phóng sự ảnh ghi lại cảnh các vị đại
biểu của dân đang rất thích thú “phóng to, thu nhỏ” lướt web trong nghị
trường; và dùng từ cực chuẩn là “hào hứng” khi dẫn lời một đại biểu bình
luận về chiếc máy tính bảng: Rất gọn nhẹ và thuận tiện cho công việc.
Gọn nhẹ? Thuận Tiện? Hào hứng? Trẻ con lên 3 giờ cũng cả ngày ôm khư
khư “trái táo cắn dở”, đã trở thành “những con chiên của Steve Jobs”,
huống hồ đại biểu người lớn. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu
không có một chi tiết, khiến trái táo không ngọt như người ta tưởng: 95
cái iPad 2, trị giá cỡ 1,5 tỷ, được mua bằng tiền ngân sách, mà phải nói
đúng hơn, là mua bằng tiền thuế của những người dân có khi cả đời không
dám chạm tay vào cái iPad.
Thực ra, văn phòng HĐND cũng hồn nhiên. Bởi nếu có một vị đại biểu
nào đó trả lại máy với lý do: Đó là thứ hàng công nghệ xa xỉ thuộc diện
“hạn chế nhập khẩu” mà lại mua bằng tiền thuế của dân, thì không hiểu
ông Chánh văn phòng sẽ phản ứng ra sao!
Tuy nhiên, với tư cách người đóng thuế, người dân chắc chắn không
mong đây sẽ là một tiền lệ để HĐND các tỉnh, thành phố khác cũng sẽ
“chính phủ điện tử” bằng Ipad!
Cũng trong “ngày iPad”, Ngân hàng nhà nước lần đầu tiên đưa ra con số
202.000.000 tỷ đồng nợ xấu ngân hàng, tức khoảng 11 tỷ USD, chiếm 8,6%
tổng dư nợ. Nợ xấu, hiểu đơn giản là rất khó đòi. Và 40% trong số này có
nguy cơ bốc hơi.
Thời buổi bê hụi khắp nơi, ngân hàng bị nợ xấu cũng là lẽ thường, chỉ
có điều cách thức xử lý nợ xấu khiến những người làm dân cảm thấy lo
lắng: Thành lập công ty mua bán nợ với nguồn vốn 100.000 tỷ từ…ngân
sách. Và trong việc xử lý, thể nào cũng có chuyện xóa nợ, khi cái công
ty này hoạt động không giống công ty, có nghĩa là vì mục tiêu đảm bảo an
toàn hệ thống chứ không phải lợi nhuận.
Nghe chuyện nợ xấu, và xử lý nợ xấu có hai loại người “rùng hết cả
mình”. Đó là nhân dân, vốn dĩ đã bị siết chặt khi khoản lãi của những
đồng tiết kiệm còm không to hơn lạm phát. Loại thứ hai, đương nhiên là
các DN. Hồi giữa tuần, Thống đốc từng dẫn lời một DN, rằng: “Các anh có
ghi vào hợp đồng là 0% lãi suất em còn chưa trả được huống hồ ghi vào
đây cho cao để làm gì?”. Dẫn lời, nhưng rút cục là để yêu cầu giảm lãi
suất cho nợ cũ, với tinh thần “Phải có trách nhiệm với xã hội”.
Giảm lãi suất đối với nợ cũ là… trách nhiệm xã hội. Cái này nghe quen
quen. Giống như là: Làm đường sắt cao tốc bằng quyết tâm chính trị, hay
gần nhất: Đóng phí là yêu nước.
Nhưng có lẽ, khi phải viện dẫn đến những thứ chung chung như “yêu
nước” hay “trách nhiệm xã hội”, thì có lẽ, ngay cả những biện pháp hành
chính cũng đã bất lực rồi. Và những con nợ DN, còn phải trông chờ vào
“Trách nhiệm với xã hội” của giới nhà băng thì có lẽ, còn lâu mới trả
được nợ. Ngân hàng, cũng vì thế, còn lâu mới đánh tan được “cục máu
đông”, còn lâu mới rốt ráo chuyện nợ xấu. Cũng trong hội nghị này, ngay
sau khi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu “Các ngân hàng điều hành và
các doanh nghiệp cam kết làm sao để cuối nay tăng trưởng tín dụng từ 14 –
16% thì quá đẹp”, báo chí đã mô tả: Giới lãnh đạo ngân hàng trong hội
trường… nhìn nhau cười.
Thông tin chót trong cái ngày “nợ xấu và iPad” là việc Chủ tịch HDQT
của một ngân hàng bị xử phạt vì “bán lén” cổ phiếu. Cụ thể, Chủ tịch
HĐQT Kiên Long bank bị phạt vì đã bán 876.450 cổ phiếu STB, giảm tỷ lệ
nắm giữ cổ phiếu này xuống còn 4,94%, không còn là cổ đông lớn của
Sacombank nhưng không công bố thông tin.
Phải nói, cùng với chuyện các đại biểu “hào hứng” với iPad, các vị
giám đốc ngân hàng “nhìn nhau cười”, “bán lén” là từ cực đắt, cực hay mà
báo chí đã dùng.