Huỳnh Ngọc Chênh
Con đường của chúng ta không phải do một cá nhân nào đó hay một
nhóm nào đó, qua một đêm trở dạ đẻ ra. Ấy là con đường mà dân tộc ta đã
đổ biết bao máu xương trong hơn 100 năm qua để vạch nên.
Con đường ấy bắt đầu hình thành khi người dân thấy rằng bên cạnh cái
ách áp bức đã quen chấp nhận của chủ nghĩa độc tài phong kiến lại xuất
hiện thêm một ách áp bức khốc liệt hơn nữa của chủ nghĩa thực dân phương
Tây. Quyền làm người của người dân Việt Nam dưới chế độ độc tài phong
kiến vốn đã bị tước đoạt lại bị tước đoạt đến không còn gì khi phải
tròng lên đầu một ách thống trị nữa.
Con đường đi tìm lại một phần quyền con người đã hình thành, khi Tôn
Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy vào vùng rừng núi phía Tây Quảng Bình
lập chiến khu và ra Hịch Cần Vương kêu gọi toàn dân đánh Pháp. Con đường
của dân tộc Việt Nam bắt đầu từ đó.
Rồi con đường ấy được nối tiếp bởi nhiều phong trào kháng chiến khác
nổ ra khắp mọi nơi thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia. Đó là
các phong trào lãnh đạo bởi Nguyễn Trung Trực 1860-1868, Trương Công
Ðịnh 1861-1864, Nguyễn Hữu Huân 1863-1868, Võ Duy Dương 1865-1866, Trần
Văn Thành 1865-1873, Ðinh Công Tráng 1866-1867, Nguyễn Duy Hiệu và Tiểu
La Nguyễn Thành 1885-1886, Nguyễn Thiện Thuật 1885-1889, Tống Duy Tân
1886-1892, Phan Ðình Phùng 1885-1895, Hoàng Hoa Thám 1887-1913.
Những phong trào đó hầu như đều bị dập tắt nhưng con đường họ tiếp
nối và vạch ra vẫn còn đó và tiếp tục phát triển theo một hướng mới khi
các sĩ phu yêu nước Việt Nam dần dần tiếp cận với ánh sáng văn minh nhân
loại do chính người Pháp mang vào.
Các sĩ phu Việt Nam dần hiểu ra thế nào là quyền con người.
Đó là cái quyền thiêng liêng tự nhiên đã có khi con người được hình
thành chứ không phải do ai ban phát. Đó là các quyền được sống, quyền
được mưu cầu hạnh phúc, quyền tư hữu, quyền riêng tư, quyền tự do đi
lại, tự do nói ra điều mình muốn nói, tự do tin vào thần linh của mình,
tự do lập đảng... Những quyền nầy bị nhà cầm quyền độc tài phong kiến
tước đoạt trong thời gian quá lâu dài nên người dân mất quyền làm người
đi mà không hay. Các sĩ phu Việt Nam dần hiểu ra rằng nếu chỉ chống Pháp
mà phù phong kiến thì quyền làm người cũng không dành lại trọn vẹn.
Trong hoàn cảnh mới, con đường được tiếp nối bởi phong trào Đông Du
và Việt Nam Quang Phục Hội của nhà nho Phan Bội Châu. Ban đầu, cụ Phan
vẫn còn muốn phò vua chống Pháp nhưng rồi dần dần cụ hiểu ra không thể
nào duy trì nhà nước độc tài phong kiến thối nát đồng thời với việc mưu
cầu hạnh phúc cho nhân dân. Một con đường đưa dân tộc thoát ra khỏi vùng
tăm tối u mê đã lờ mờ thành hình.
Và khi sự xuất hiện của cụ Phan Chu Trinh với phong trào Duy Tân được
khởi xướng từ vùng đất Quảng Nam thì con đường đi tới của dân tộc mới
được vạch ra sáng rõ.
Nhà cách mạng dân chủ đầu tiên của Việt Nam đã chỉ ra rằng cần phải
khai dân trí để cho người dân nâng tầm hiểu biết, để thấy rằng mình đã
bị cướp mất đi quyền làm người, phải chấn dân khí để người dân trở nên
tự tin đấu tranh với kẻ áp bức để dành lại quyền làm người, xây dựng một
nhà nước do chính họ làm chủ và hậu dân sinh là nhắm đến mục tiêu nâng
cao đời sống người dân và đưa đất nước tiến lên giàu mạnh văn minh. Cụ
Phan nói đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền với định chế dân chủ để
từ đó đưa đất nước vươn lên với năm châu.
Trên một hướng đi được vạch ra rõ ràng như vậy, Phan chu Trinh, Trần
Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu rồi Nguyễn Thái Học, Hồ Chí
Minh... đã tiếp nối nhau dẫn dắt nhân dân đi theo con đường đó.
Nhưng trên con đường giành lại quyền làm người, mỗi nhóm có một cách
của mình. Thực ra cũng chỉ có 2 cách cơ bản là đấu tranh ôn hòa và đấu
tranh bạo động. Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đã chủ
trương ôn hòa. Phan Bội Châu và tiếp theo sau đó là Nguyễn Thái Học rồi
Hồ Chí Minh chọn giải pháp bạo động. Muốn bạo động thì dân ta không đủ
sức nên phải tìm dựa vào nước ngoài. Phan Bội Châu muốn dựa vào Nhật,
Nguyễn Thái Học thì dựa vào Trung Hoa Dân Quốc còn Hồ Chí Minh và các
đồng chí của ông thì dựa vào Quốc tế Cộng sản.
Giải pháp ôn hòa của cụ Phan đang tiếp tục tiến triển nhưng cần nhiều
thời gian. Giải pháp bạo động của Phan Bội Châu rồi Nguyễn Thái Học đều
lần lượt thất bại. Hồ Chí Minh làm bạo động đúng thời cơ vào năm 1945
là ngay lúc Nhật đầu hàng. Thật ra lúc nổi lên bạo động cướp chính quyền
nhóm của ông Hồ Chí Minh chưa nhờ gì vào ngoại bang mà nhờ vào sự liên
minh với nhiều nhóm yêu nước khác trong nước. Những nhóm nầy dần dần bị
loại trừ sau khi chính quyền được cướp thành công.
Đúng theo con đường đã vạch ra, sau khi giành được độc
lập, giành lại quyền làm người cho người dân thì phải xây dựng ngay nhà
nước pháp quyền theo định chế dân chủ. Ban đầu ông Hồ Chí Minh đã tỏ ra
như vậy nhưng sau đó ông ngấm ngầm hướng nhà nước theo cơ chế độc đảng.
Mọi chuyện tai hại phát sinh ra từ đây. Anh - Mỹ ủng hộ Pháp quay lại để
dẹp đi nhà nước nhuốm màu cộng sản theo kiểu độc tài Xô viết nầy. Nhân
dân Việt Nam chưa kịp lấy lại quyền làm người đã phải sa vào cuộc chiến
tranh 30 năm vô cùng khốc liệt và tai hại.
Nhà nước cộng sản của ông Hồ nhờ dựa vào thế lực đang lên của Liên Xô và Tàu Cộng nên đã chiến thắng.
Chiến thắng to lớn ấy đã làm cho những người cộng sản vốn đã kiêu
ngạo càng trở nên kiêu ngạo hơn để quyết liệt xây dựng một nhà nước
chuyên chính cộng sản. Quyền làm người của người dân được hiến pháp
công nhận nhưng trong thực tế đã bị tước đoạt.
Chưa bao giờ những quyền tự do cơ bản của người dân Việt Nam lại bị
xâm phạm nghiêm trọng như trong chế độ cộng sản. Những năm còn bao cấp
đến những quyền tự do tối thiểu của người dân như quyền được sống, quyền
riêng tư, quyền tư hữu, quyền đi lại, quyền cư trú, quyền mưu sinh hầu
như đều bị hạn chế hoặc cấm đoán.
Khi chế độ cộng sản sụp đổ hàng loạt ở Đông Âu và đứng trên bờ vực
sụp đổ ở Châu Á, thì người cộng sản Việt Nam buộc phải nhân nhượng để
tồn tại. Họ chấp nhận cơ chế thị trường và trả bớt lại cho dân một số
quyền như: tự do mưu sinh, đi lại, cư trú, riêng tư, và một phần quyền
tư hữu.
Nhưng hiện nay một số quyền để làm người nữa vẫn chưa được giao trả
như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, tự do biểu tình...
Vì vậy người dân Việt Nam lại tiếp tục đi theo con đường mà tiền nhân đã vạch ra.
Vì vậy người dân Việt Nam lại tiếp tục đi theo con đường mà tiền nhân đã vạch ra.
Đó là con đường đòi lại quyền làm người trọn vẹn, con đường xây dựng
một nhà nước pháp quyền thực sự theo định chế dân chủ để nhờ vào đó đưa
đất nước vươn lên giàu mạnh và văn minh như một bộ phận nhân loại đã đi.
Cơ chế thị trường, Nhà nước pháp quyền, Định chế dân chủ là hệ thống
vận hành xã hội của loài người văn minh. Hệ thống đó là kết quả dò tìm
và đấu tranh bằng xương máu của nhân loại qua hàng trăm năm mới hình
thành nên. Nó là sự chắc lọc bằng thực tiễn qua nhiều thế kỷ bởi bao
nhiêu quốc gia, nên nó là giải pháp vận hành ưu việt nhất của nhân loại
hiện nay và chưa có giải pháp nào hay hơn để thay thế.
Con đường của chúng ta đi là con đường mà nhiều dân tộc khác đã đi
trước và thành công. Con đường đó đã đưa một bộ phận lớn nhân loại thoát
ra khỏi đêm dài tối tăm, đi lên với ánh sáng văn minh như ngày hôm nay.
Cụ Phan cách đây 100 năm đã nhìn thấy con đường đi lên văn minh đó
và vận dụng vào Việt Nam, vạch ra con đường cho nhân dân ta tiến tới.
Con đường đó có thể gọi là con đường Phan Chu Trinh, con đường Duy
Tân, con đường cách mạng, con đường dân chủ... hay như nhóm Trần Huỳnh
Duy Thức mới đây gọi là Con đường Việt Nam. Dù gọi nó dưới cái
tên gì thì cũng chỉ là một con đường đi lên văn minh mà nhân loại đang
đi ấy thôi. Và ở Việt Nam ta thì cũng bắt đầu bằng khai dân trí, chấn
dân khí và hậu dân sinh đấy thôi.
Khai trí để nâng cao sự hiểu biết, ít nhất là hiểu rằng ta có những
quyền làm người cơ bản đang bị cướp đoạt, chấn khí để tạo ra sự tự tin,
lòng can đảm để đấu tranh giành lại cái quyền đã mất và từ đó tính đến
chuyện dân sinh làm ăn chính đáng vươn lên giàu mạnh văn minh.
Bất cứ người Việt Nam có tinh thần dân chủ nào cũng đang đi trên con đường ấy, bằng cách nầy hay cách khác, vô tình hay hữu ý.
Những đoàn người nông dân ít học ngày ngày kéo lên cơ quan công quyền khiếu kiện đòi lại quyền sở hữu đất đai chính đáng của mình tức là họ đang đi trên con đường ấy.
Những đoàn người nông dân ít học ngày ngày kéo lên cơ quan công quyền khiếu kiện đòi lại quyền sở hữu đất đai chính đáng của mình tức là họ đang đi trên con đường ấy.
Những blogger lập ra các blog để tự do nói lên suy nghĩ của mình tức là đang đi trên con đường đó.
Những người bị bắt tội oan, khiếu kiện đòi được xét xử trong một
phiên tòa công khai đúng luật định là đang đi trên con đường đó.
Những người yêu nước vượt qua mọi ngăn cấm của nhà cầm quyền tập
trung đi biểu tình chống Trung cộng xâm lược là đang đi trên con đường
ấy.
Nhóm Thức Long Định khởi xướng ra phong trào con đường Việt Nam là đang đi trên con đường đó.
Nhóm Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn lập ra Câu Lạc Bộ Báo chí tự do là đang đi trên con đường đó.
Bà Lê Hiền Đức ngày ngày đi giúp đỡ dân oan là đang đi trên con đường đó.
Nhà thơ Bùi Chát lập ra nhà xuất bản Giấy Vụn là đang đi trên con đường đó.
Anh em Đoàn Văn Vươn nổ mìn tự chế chống lại lũ người cướp đất là đang đi trên con đường đó.
Những người Cộng sản tiến bộ đấu tranh trong đảng, đòi hỏi thay đổi là cũng đang đi trên con đường đó...
Từng người riêng rẻ, từng nhóm người, từng hội người, từng phong trào
người...với mọi chính kiến, mọi tín ngưỡng, mọi tầng lớp, tôn trọng sự
khác nhau, vượt qua quá khứ để cùng bước tới giành lại quyền làm
người...
Đừng nhìn lui, đừng nhìn ngang, để rồi đố kị và loại trừ nhau như
trong quá khứ đã từng sai lầm, chỉ hướng tới trước và chúng ta cùng
bước. Lẽ nào con đường của chúng ta do tiền nhân vạch ra cách đây vừa
tròn thế kỷ mà dân tộc ta đi mãi từ đó đến giờ không đến đích hay sao?